Kết quả sau 03 năm thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 17/11/2020 08:30
Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã; đồng thời cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, ngay sau khi có Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản khác có liên quan, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 16/10/2017 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, việc thực hiện nhiệm vụ này cũng được UBND tỉnh xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch công tác PBGDL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo định kỳ hàng năm. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo nhiệm vụ được giao và văn bản triển khai nội dung công tác này hàng năm, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nổi bật sau:
Về công tác quán triệt, tập huấn, truyền thông: Nhận thức rõ vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác tập huấn, truyền thông, trong thời gian qua, UBND tỉnh chú trọng quán triệt sâu rộng các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó tập trung vào mục tiêu, nguyên tắc thực hiện; nội dung xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; điều kiện, thẩm quyền công nhận, quy trình đánh giá, công nhận xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Việc phổ biến, quán triệt các văn bản được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, đảm bảo sự đa dạng phong phú, linh hoạt, như: Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cho Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các xã về đích nông thôn mới; tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu cho Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật  cho đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức 02 Lớp tập bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 385 đại biểu là công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật của 11 Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND xã, công chức Tư pháp – Hộ tịch, Văn phòng – Thống kê, Địa chính – Xây dựng – Đô thị và môi trường, Văn hóa – Xã hội, Tài chính – Kế toán, Công an xã của các xã về đích nông thôn mới và các công chức Tư pháp – Hộ tịch của xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật trên trang Website của Sở Tư pháp toàn bộ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các văn bản có liên quan và cuốn Sổ tay hướng dẫn đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật do Bộ Tư pháp biên soạn để các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, khai thác, sử dụng, áp dụng trong quá trình tổ chức đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đồng thời, đặt mua, cấp phát 878 cuốn “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật do Bộ Tư pháp biên soạn, cấp phát cho cấp huyện, cấp xã để làm cẩm nang thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Cùng với đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước làm phóng sự phổ biến chuyên đề về tiếp cận pháp luật phát trong Chương trình “Công dân với pháp luật”; "Pháp luật với cuộc sống" với chuyên đề "Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" trên sóng truyền hình tỉnh; đồng thời, viết tin, bài phổ biến về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của Chương trình xây dựng nông thôn mới đăng trên trang website của Sở.
Đặc biệt, năm 2020, Sở Tư pháp phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn, khảo sát về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 220 đại biểu là lãnh đạo các Phòng Tư pháp cấp huyện; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và hòa giải viên của 02 huyện Bù Đăng và Phú Riềng, tỉnh Bình Phước với nội dung “Hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” và “Hướng dẫn đánh giá tiêu chí hòa giải ở cơ sở”. Hội nghị đã trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tập trung vào điều kiện công nhận; một số chỉ tiêu, nội dung còn lúng túng trong thực tiễn đánh giá; tài liệu kiểm chứng; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đồng thời thông tin về một số định hướng công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới.
Ngoài ra, lồng ghép trong tổ chức các hội nghị, lớp bồi dưỡng chuyên môn cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý, tổ chức các Kế hoạch, Đề án về PBGDPL,... Qua đó, cán bộ và nhân dân ở cơ sở phần lớn đã nhận thức và nắm bắt được mục đích và nội dung thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Một số địa phương đã chủ động tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phô tô, nhân bản tài liệu hướng dẫn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật để cấp phát cho các bộ phận liên quan phối hợp thực hiện.
   
Về công tác kiểm tra, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện: Ở cấp tỉnh: thành lập 02 Đoàn kiểm tra (năm 2018 và năm 2020) kiểm tra 11 UBND huyện, thị xã, thành phố và các xã phấn đấu về đích nông thôn mới và một số xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chuẩn nông thôn mới. Tổng số đã kiểm tra 29 xã, phường, thị trấn.  Đối với cấp huyện, đa số thực hiện lồng ghép trong kiểm tra triển khai công tác tư pháp hoặc công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng phối hợp theo định kỳ hàng năm.
 Qua công tác kiểm tra nắm bắt tình hình tổ chức triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để từ đó hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy định.
Năm 2020, UBND tỉnh tiến hành tổng kết thực hiện nhiệm vụ xây dựng “cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” khen thưởng cho 03 tập thể và 06 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng kết trong thời gian tới.
Về công tác phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cử thành viên tham Đoàn kiểm tra, thẩm định các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới. Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Văn phòng điều phối nông thôn mới và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND (Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các huyện, thành phố) trong việc xét, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Xây dựng mô hình điểm: Năm 2020, Sở Tư pháp chọn 03 đơn vị cấp huyện làm điểm về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hỗ trợ kinh phí thực hiện gồm: UBND huyện Phú Riềng, UBND huyện Bù Đăng, UBND huyện Đồng Phú tổ chức làm điểm, chỉ đạo, hướng dẫn, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện nay, các huyện triển khai thực hiện xong đã hướng dẫn có trọng tâm, trọng điểm quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn cách tính điểm trong các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể; trao đổi, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật,…; đồng thời, đề ra giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn khi thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Về kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động hướng dẫn triển khai kịp thời. Trên cơ sở đó, các địa phương đã phân công đầu mối tham mưu triển khai nhiệm vụ này cho Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch; hướng dẫn các nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo tính phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện công tác này. Kết quả, năm 2017 có 59/111 đơn vị cấp xã (53%); năm 2018 có 73/111 đơn vị cấp xã (65,7%); năm 2019 76/111 đơn vị cấp xã (68,5%) đạt Tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật.
Quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được các địa phương thực hiện đúng theo quy định và bảo đảm chất lượng. Việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững và toàn diện tại địa phương. Trong những năm tiếp theo, công tác đánh giá tiếp cận pháp luật được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Tư pháp; Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt hơn công tác này và thực hiện theo thẩm quyền các nhiệm vụ của công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đưa pháp luật đến với từng người dân thông qua hoạt động lồng ghép vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để từng bước đưa tinh thần, nội dung công tác đánh giá tiếp cận pháp luật đến cán bộ và người dân ở cơ sở.
Thông qua kết quả nêu trên, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương cùng sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện kịp thời, thường xuyên, được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm hơn trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ; ý thức tôn trọng, tuân thủ chấp hành pháp luật của cán bộ và người dân ở địa phương; đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.
 

Tác giả: Kim Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây