Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

Thứ năm - 26/11/2020 15:43
Sáng 24/11/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2016-2020 và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại điểm cầu Bình Phước, tham dự có đồng chí Trần Tuyết Minh - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các Ban đảng của Tỉnh uỷ, UBMTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
(đồng chí Trần Tuyết Minh - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh - Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bình Phước)
Được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đã phát biểu khai mạc hội nghị. Trong diễn văn khai mạc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chúng ta phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể. Hội nghị đã góp phần đưa công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành  92.799 văn bản. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong giai đoạn 2016-2020 đều giảm so với giai đoạn 2011-2015, thể hiện định hướng hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành; tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương đã trình bày các tham luận về các vấn đề: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật - Thực tiễn và giải pháp, Công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật - Thực trạng và giải pháp, Một số vấn đề về công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp, Công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở Thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp, Công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công Thương trong thời gian qua ; Nhu cầu, định hướng công tác này trong thời gian tới, Xây dựng, hoàn thiện pháp luật tài chính và đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng, thi hành pháp luật, Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ.
(Toàn cảnh các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Phước)
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước.
Trên tinh thần đó, sau hội nghị này, từ các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị với những đánh giá đầy đủ và đưa ra những giải pháp toàn diện để tăng cường hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, bảo đảm tiến độ, hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành; xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật.
Các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phối hợp với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.
Quá trình triển khai, Bộ Tư pháp đóng vai trò "nhạc trưởng" trong xây dựng, gác cổng pháp luật; tiếp tục rà soát hoàn thiện công tác tổ chức thi hành pháp luật và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm; hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai các đơn vị nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung các điều kiện để kiện toàn lực lượng làm công tác pháp chế, chống tham nhũng trong làm chính sách

Tác giả: Phạm Thị Mai Ân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây