HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP”

Thứ ba - 29/12/2020 14:14 685
Sau hơn 7 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động tố tụng.
Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, ngày 10/6/2020 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Nhằm quán triệt và tạo sự nhận thức thống nhất, đồng bộ của các ngành, các cấp trong công tác triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đưa Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm hiệu lực thi hành, sáng ngày 18 tháng 12 năm 2020, tại điểm cầu Trung ương, Ông Phan Chí Hiếu-Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Điểm cầu Bình Phước do ông Lê Tiến Hiếu-Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, với sự tham dự của 18 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh như: Viện kiểm sát; Tòa án; Công an; Cục thuế, Cục Hải quan; Y tế; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; cơ quan Thi hành án dân sự; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Đài phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước; Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).


Ông Lê Tiến Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bình Phước.

Tại Hội nghị, có sáu tham luận và bảy ý kiến do đại diện lãnh đạo: Bộ Công an; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh...trình bày về phương hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận, đề ra một số giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến công tác triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh:
Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật này, đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai những nhiệm vụ đã được Luật quy định; tăng cường phổ biến, quán triệt về nội dung của Luật nhằm tạo sự đồng thuận thống nhất trong toàn quốc; sớm ban hành quy trình giám định ở các lĩnh vực; kịp thời hướng dẫn về căn cứ, cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự; đổi mới quy trình bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người làm giám định tư pháp ở các lĩnh vực, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại bộ, ngành, địa phương…; đồng thời, phải chủ động, tích cực triển khai thi hành Luật ở đơn vị mình; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương mình, đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý công tác giám định tư pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại điểm cầu Bình Phước, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Tiến Hiếu biểu dương tinh thần tham dự Hội nghị nghiêm túc của các đại biểu; đề nghị Lãnh đạo các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quan tâm chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại cơ quan, đơn vị đạt đươc kết quả cao./.
 

Tác giả bài viết: Bảo Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây