Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2024

Thứ sáu - 02/08/2024 16:04
Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo ước tính thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 như sau:

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt 

Trong tháng 7/2024, tỉnh tập trung chỉ đạo, theo dõi sản xuất cây trồng vụ Mùa, tính đến thời điểm ngày 15/7, trên địa bàn tỉnh đã gieo trồng được 20.521 ha, giảm 1,08% (- 223 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Cây lúa gieo cấy được 9.198 ha, tăng 1,18% (vụ Đông xuân 2.894 ha) so với cùng kỳ. Hầu hết, lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, lúa đã cấy phát triển tương đối tốt; giống sản xuất lúa vụ Mùa năm nay tập trung vào các giống trung ngắn ngày, chủ lực gồm Đài thơm 8, OM5451; OM 4900, THU801.

Về cây màu vụ Mùa, tính đến giữa tháng Bảy toàn tỉnh gieo trồng được 8.578 ha, giảm 2,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cây ngô 2.243 ha, giảm 1,32% (-30 ha); khoai lang 116 ha, tăng 65,71% (+46 ha); lạc 66 ha, giảm 16,46% (-13 ha); khoai mỳ 4.365 ha, giảm 1,67% (-74 ha); mía 103 ha, giảm 2,83% (-3 ha); rau các loại 2.091 ha, giảm 13,6% (-326 ha); đậu các loại 96 ha, giảm 3,03% (-3 ha)... Diện tích gieo trồng giảm ở hầu hết các loại cây, ngoại trừ diện tích khoai lang. Một số loại cây đang ở giai đoạn sinh trưởng như: cây ngô phát triển thân lá; cây mía giai đoạn tích lủy đường và thu hoạch. Diện tích gieo trồng giảm do một phần đất quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
ktxh7 1

Các loại cây lâu năm của tỉnh phát triển ổn định, tháng 7 năm 2024 cây cao su và các loại cây ăn trái đang tiếp tục thu hoạch. Tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh ước tính 438.036 ha, giảm 0,26% (-1.146 ha) so cùng kỳ năm trước, trong đó: Cây ăn trái các loại 17.373 ha, chiếm 3,97% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 20,45% (+2.950 ha) so với cùng kỳ. Diện tích cũng như năng suất, sản lượng các loại cây ăn trái tiếp tục ổn định và tăng lên do thay đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi giống mới có năng suất, chất lượng cao; thời điểm này bà con nông dân đang thu hoạch các loại cây ăn trái; Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê. Tổng diện tích hiện có 420.263 ha, chiếm 95,94%, giảm 0,97% (-4.110 ha) so với cùng kỳ năm 2023. 

Về giá bán một số hàng nông sản trong tháng 7/2024 như sau: Mủ cao su sơ chế 37.165 đồng/kg; cà phê nhân 67.925 đồng/kg; hạt điều khô 33.809 đồng/kg; hạt tiêu khô 141.840 đồng/kg.

So với cùng kỳ, giá một số hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 7/2024 như sau: Rau muống 13.000 - 16.500 đồng/kg, tương đương bí xanh 18.000 - 22.000 đồng/kg; Cam sành 15.500 - 18.500 đồng/kg; Quýt 33.500- 35.000 đồng/kg; Bưởi 31.500 - 36.500 đồng/kg; Chuối tiêu, loại 6-8 quả/kg 16.000 - 20.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi có nhiều biến động thịt lợn ba chỉ dao động từ 120.000 - 136.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn nguyên con 130.000 - 148.500 đồng/kg; vịt làm sẵn nguyên 81.500 - 91.500 đồng/kg.

Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức độ nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.  

b. Chăn nuôi 

Ước tính tháng 7/2024, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt 2.132,7 nghìn con, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng đàn trâu đạt 12,1 nghìn con, giảm 2,81%; đàn bò đạt 40,5 nghìn con, tăng 0,76%; đàn lợn đạt 2.080,1 nghìn con, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm 2023.

So với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi trâu có xu hướng giảm dần do quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, nhu cầu sử dụng sức kéo giảm dần. Bên cạnh đó, diện tích đồng cỏ chăn nuôi tự nhiên ngày càng bị thu hẹp dẫn đến việc tăng đàn còn nhiều hạn chế; Đàn bò phát triển tương đối ổn định. Đàn lợn tăng so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chính là do giá lợn hơi tăng nên các doanh nghiệp cũng như các trang trại tăng qui mô đàn. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng nguy cơ tiềm ẩn dịch tả lợn Châu Phi vẫn rất cao vì vậy người dân rất thận trọng khi tái đàn, bên cạnh đó phải được sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyển thì người dân mới có thể tái đàn với số lượng lớn.

Tổng sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 188.125 tấn, tăng 23,64% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, sản lượng thịt trâu hơi ước đạt 800 tấn, giảm 0,29%; thịt bò hơi 1.987 tấn, tăng 3,07%; thịt lợn hơi 185.338 tấn, tăng 24,04% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia cầm phát triển theo chiều hướng khá tốt, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ. Tháng 7/2024, đàn gia cầm ước đạt 10.282 nghìn con, tăng 9,22%, trong đó đàn gà đạt 9.894 nghìn con, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 58.477 tấn, tăng 14,36%; sản lượng thịt gà hơi ước 56.635 tấn, tăng 14,56%; sản lượng trứng gia cầm đạt 25,90 triệu quả, giảm 16,18%; riêng trứng gà đạt 25,48 triệu quả, giảm 16,38% so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn tỉnh vẫn duy trì 88 trại gia cầm (80 trại gà và 8 trại vịt) có 59 trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh, kín, tự động hoặc bán tự động (chiếm 67% số trại gia cầm), còn lại là trại hở, bán nuôi thả. Các trại gia cầm chủ yếu cho nuôi gia công hoặc cho các công ty, tập đoàn thuê chăn nuôi như CP, Emivest, Vietswan, Sunjin, Japfa.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc và gia tương đối ổn định. Các loại dịch bệnh như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, bệnh Dại động vật, Dịch tả lợn cổ điển, Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn…không phát sinh. 
ktxh7 2

1.2. Lâm nghiệp 

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, thu hoạch củi và gỗ. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên toàn bộ diện tích rừng tại các khu vực trọng điểm. Trong tháng, không có trường hợp chặt phá, lấn chiếm, khai thác trái phép xảy ra.  

Về trồng rừng: Trong tháng 7/2024 tỉnh Bình Phước ước tính trồng được 370 ha rừng, tăng 5,71% (+20 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Về khai thác: Trong tháng toàn tỉnh khai thác ước tính đạt 15.290 m3 gỗ, tăng 38,31% (+4.235 m3) so với cùng kỳ. luỹ kế sản lượng gỗ khai thác đạt 62.143 m3 gỗ, tăng 19,60% (+10.185 m3). Lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 2.886 Ste, tăng 11,47% (+297 Ste), lũy kế sản lượng củi ước đạt 11.340 Ste, tăng 8,89% (+926 Ste). Nguyên nhân sản lượng củi và gỗ tăng mạnh là do công ty Hải Vương đóng trên địa bàn huyện Hớn Quản khai thác nhiều từ rừng trồng (công ty này chuyên trồng cây lâm nghiệp và khai thác cây từ rừng trồng).

Công tác quản lý bảo vệ rừng: Tháng 7 do đã có mưa nên trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng. 

1.3. Thủy sản 

Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 1.104 ha. Trong tháng toàn tỉnh ước thu hoạch được 176 tấn, giảm 4,86% (-9 tấn) so với cùng kỳ năm trước, lũy kế sản lượng thủy sản ước đạt 1.192 tấn, giảm 3,72% (-46 tấn). Chia ra: Sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên trong tháng thu được 19 tấn, giảm 13,64% (-3 tấn), lũy kế đạt 144 tấn, giảm 10,56% (-17 tấn); sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng thu được 157 tấn, giảm 3,68% (-6 tấn), lũy kế đạt 1.048 tấn, giảm 2,69% (-29 tấn). 

Tính đến nay, tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa xảy ra.

1.4. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Số huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là 3/11 huyện (thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long); Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 73/86 xã; Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 21/86 xã. 

2. Sản xuất công nghiệp 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 năm 2024 ước tính tăng 1,54% so tháng trước và tăng 15,59% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,70% so với tháng trước, tăng 16,47% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những bước chuyển khá tích cực khi tăng lần lượt 1,34%, tăng 15,76%; Tình hình sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định đã tạo đà cho nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng lần lượt 6,66%, tăng 10,01%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,48%, tăng 23,59%. 

Nhóm các ngành đều có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước, trong đó: Sản xuất xe có động cơ (+11,92%); Sản xuất kim loại (+11,34%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+30,69%); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện (+6,83%); Sản xuất chế biến thực phẩm (+2,77%); Sản xuất trang phục (+2,46%); Công nghiệp chế biến, chế tạo khác (+2,29%)…
ktxh7 3

Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,68% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng khá ấn tượng thể hiện sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, quyết sách đúng đắn của Chính phủ, Chính quyền tỉnh nhà. Trong 04 nhóm ngành chính đều đạt được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, khai khoáng (+11,99%); chế biến, chế tạo (+17,07%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (+10,77%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+7,43%). 

Một số ngành chế biến chế tạo có chỉ số IIP tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước gồm: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+5,52 lần); Sản xuất xe có động cơ (2,05 lần); In, sao chép bản ghi các loại (+30,78%); Sản xuất chế biến thực phẩm (+22,51%); Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+15,53%)… Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn còn gặp khó khăn như ngành Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-20,47%); Công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-16,39%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-10,16%)… 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 7 có mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) (+4,23 lần); Dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự (+99,46%); Quần áo lót cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (+84,18%); Thiết bị tín hiệu âm thanh khác (+78,85%); Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại (+55,25%)… Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm có mức giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023 do doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào; chi phí sản xuất tăng cao do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên, vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu; đầu ra của sản phẩm bị hạn chế, cụ thể như: Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn (-67,10%); Thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa (-3,09%); Thức ăn cho gia cầm (-1,57%)… 

Lũy kế 7 tháng năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ như: Các hợp chất từ cao su tổng hợp và cao su tự nhiên và các loại nhựa tự nhiên tương tự, ở dạng nguyên sinh hoặc tấm lót hoặc dải (+5,52 lần); Tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) (+3,09 lần); Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) (+2,99 lần);Thiết bị tín hiệu âm thanh khác (+2,05 lần)... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo (-45,64%); Dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự (-27,99%); Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn (-20,47%)… 

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 giảm 1,15% so với tháng trước và tăng 29,65% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế tăng 61,64% so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành đạt mức tiêu thụ cao phải kể đến như: Sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe (+79,13%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (+61,64%); Chế biến và bảo quản rau quả (+30,59%); Sản xuất máy bơm, máy nén, vòi và van khác (+13,72%). Một số ngành chỉ số tiêu thụ giảm sâu, tác động đến chỉ số chung như: Sản xuất vải dệt thoi (-26,28%); May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) (-17,56%); Sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng (-11,74%)…

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 7 tăng 1,34% so với tháng trước và tăng 17,68% so cùng kỳ, trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước (+1,43%) và (+4,40%); Lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước (+1,84%) và (+7,87); Lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (+1,28%) và (+19,94%). Xét theo ngành cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng không tăng so với tháng trước, tăng 14,29% so với cùng kỳ; tương ứng: công nghiệp chế biến, chế tạo (+1,38%) và (+18,38%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí (+0,67%) và (+2,42%); hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+0,89%) và (+24,73%). 

Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,64% so với cùng kỳ, riêng ngành khai khoáng có chỉ số sử dụng lao động tăng khá cao so với cùng kỳ (+17,99%), góp phần kìm hãm mức giảm chung của toàn ngành, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+0,60%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (+0,13%); cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+3,76%) so với cùng kỳ năm trước.

3. Về đăng ký doanh nghiệp 

Trong tháng 7/2024 có 109 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1054,71 tỷ đồng; 34 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, 14 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 162,645 tỷ đồng, 34 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. 

Lũy kế 7 tháng năm 2024 toàn tỉnh có 653 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 10.575,934 tỷ đồng; 226 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, 74 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 952,55tỷ đồng; 460 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

4. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại-dịch vụ diễn ra sôi động với nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 ước đạt 7.373,17 tỷ đồng, tăng 1,54% so với tháng trước và tăng 12,88% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 50.112,63 tỷ đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hoạt động bán lẻ hàng hóa: Tổng mức bán lẻ tháng 7/2024 ước đạt 6.034,99 tỷ đồng, tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 13,53% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng hoạt động bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.020,81 tỷ đồng, tăng 13,32% so với cùng kỳ năm trước, trong 12/12 nhóm hàng hầu hết đều tăng so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng khá cao so với cùng kỳ như: Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (+20,16%); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+14,97%); Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ (+18,47%); Lương thực, thực phẩm (+15,66%); Vật phẩm, văn hóa, giáo dục (+10,51%)…
ktxh7 4

Dịch vụ lưu trú, ăn uống: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 7 năm 2024 ước đạt 672,36 tỷ đồng, tăng 2,66% so với tháng trước, tăng 10,25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế ước đạt 4.578,98 tỷ đồng, tăng 9,54% so với cùng kỳ, trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 164,32 tỷ đồng, tăng 11,27%; dịch vụ ăn uống ước đạt 4.414,66 tỷ đồng, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm 2023.

Du lịch lữ hành: Các hoạt động đang từng bước được phục hồi và phát triển như tổ chức sự kiện, lễ hội góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 7 năm 2024 ước đạt 2,12 tỷ đồng, tăng 2,96% so với tháng trước, tăng 68,70% so với cùng kỳ. Lũy kế ước đạt 13,54 tỷ đồng, tăng 48,87% so với cùng kỳ.

Dịch vụ khác: Các hoạt động vui chơi, giải trí, karaoke, mátxa, spa, quán bar, dịch vụ làm đẹp... có xu hướng tăng trưởng khá. Doanh thu dịch vụ khác tháng 7 năm 2024 ước đạt 663,70 tỷ đồng, tăng 2,93% so với tháng trước, tăng 9,63% so với cùng kỳ. Lũy kế ước đạt 4.499,30 tỷ đồng, tăng 12,30% so với cùng kỳ năm 2023. 

4.2. Hoạt động vận tải; bưu chính và chuyển phát

Nhu cầu đi lại của người dân những tháng hè tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải tiếp tục tăng trưởng. Doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 đều tăng ổn định so với cùng kỳ, đặc biệt doanh thu vận tải hàng hóa tháng 7/2024 tăng 10,69% so cùng kỳ năm 2023.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 7/2024 ước đạt 269,72 tỷ đồng, giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 10,69% so với cùng kỳ . Tính chung 7 tháng năm 2024 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát ước đạt 1.853,86 tỷ đồng, tăng 18,30% so với cùng kỳ. Cụ thể: Vận tải hành khách ước đạt 1.048,47 tỷ đồng, tăng 16,03%; vận tải hàng hóa ước đạt 737,97 tỷ đồng, tăng 21,34%; dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 25,57 tỷ đồng, tăng 15,21%; dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 41,85 tỷ đồng, tăng 26,02% so với cùng kỳ năm trước.
ktxh7 5

Vận tải hành khách: Trong tháng 7/2024, số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 614,63 nghìn hành khách, giảm 0,72% so với tháng trước và tăng 6,64% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển ước tính đạt 137,15 triệu hành khách.km, giảm 0,85% và tăng 11,23%. Lũy kế số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 4.293,94 nghìn hành khách, tăng 7,99%; Số lượt hành khách luân chuyển 948,70 triệu hành khách.km, tăng 11,54% so với cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 7/2024 ước đạt 187,86 nghìn tấn, giảm 0,08% so với tháng trước và tăng 13,24% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 27,42 triệu tấn.km, giảm 0,13% và tăng 20,56%. Lũy kế khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.267,96 nghìn tấn, tăng 17,41% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 185,31 triệu tấn.km, tăng 25,07%.

Xét theo ngành vận tải, hoạt động vận tải trong 7 tháng năm 2024 có tốc độ tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

5. Giá cả thị trường

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Trong tháng do việc điều chỉnh giá xăng, dầu tăng cũng tác động phần nào đến chỉ số chung (CPI) của tháng 7/2024 tăng 0,50% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2023 và tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2024 , CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ. 

Trong mức tăng 0,50% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước thì chỉ số giá tiêu dùng của 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 07/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 03/11 nhóm có giá giảm và 01/11 nhóm có giá bình ổn so với tháng 6/2024. 

(1). Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước bao gồm: 

+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,46%, chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau: lương thực (+0,33%); thực phẩm (+0,52%), Giá thịt gia súc (+0,43%) so với tháng trước, trong đó thịt lợn (+0,19%); thịt bò (+0,92%). Một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có giá tăng, trong đó giá thịt heo tăng là yếu tố quyết định sự tăng giá nhóm hàng thực phẩm. Các khoản chi phí đầu vào tăng nên nhiều hàng quán phải tăng giá thành để bù đắp chi phí dẫn đến nhóm ăn uống ngoài gia đình (+0,38%).

+ Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06% do nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí nhân công tăng và nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng. Trong đó, giá quần áo may sẵn (+0,05%); may mặc khác (+0,10%); mũ nón (+1,34%); dịch vụ may mặc (+0,93%).

+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,29% do chi phí nhân công và nguyên vật liệu đầu vào tăng. Trong đó: đồ điện (+1,47%); đồ dùng nấu ăn (+1,23%); sửa chữa thiết bị gia đình (+0,36%), dịch vụ trong gia đình (+3,93%).

+ Nhóm giao thông tăng 0,91% do chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 7/2024 (+3,71%) so với bình quân tháng trước vì ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

+ Nhóm giáo dục tăng 0,11% so với tháng trước, trong đó bút viết các loại (+0,63%) do nguyên liệu sản xuất tăng.

+ Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,11% so với tháng trước do nhu cầu mua cá cảnh, chim cảnh tăng, trong khi nguồn cung giảm.

+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,29% so với tháng trước. Cụ thể: Giá đồ dùng cá nhân (+1,13%) do chi phí vận chuyển, chi phí nhân công, nhu cầu tăng; Dịch vụ khác (+18,39%) trong đó có bảo hiểm y tế (+30%) do ngày 30/6/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP tăng mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024. Như vậy, mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 01/7/2024 tăng 30% so với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng (theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP).

(2). Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, bao gồm:

+ Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,45% so với tháng trước, tập trung giảm chủ yếu ở giá nước khoáng và nước có ga do khuyến mãi, kích cầu. 

+ Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,28% nguyên nhân giá điện sinh hoạt (-3,15%); nước sinh hoạt (-0,91%) do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa dẫn đến nhu cầu sử dụng của người dân giảm. Ở chiều ngược lại: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (+1,97%); dịch vụ sửa chữa nhà ở (+0,60%); dịch vụ khác liên quan đến nhà ở (+4,96%). Một phần là giá dầu hỏa (+4,36%) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 04/7/2024, 11/7/2024 và 18/7/2024.

+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm nhẹ 0,01% so với tháng trước.

(3). Trong tháng 7/2024, nhóm có chỉ số giá tiêu dùng không biến động so với tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông.

Chỉ số giá bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 9/11 nhóm hàng có CPI tăng: Văn hóa, giải trí và du lịch (+1,39%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+4,62%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+3,88%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+4,41%); thuốc và dịch vụ y tế (+8,08%); hàng hóa và dịch vụ khác (+9,51%); Giáo dục (+0,40%); bưu chính viễn thông (+0,19%); giao thông (+4,05%). Có 02/11 nhóm hàng CPI bình quân 7 tháng năm 2024 giảm so với bình quân cùng kỳ: đồ uống và thuốc lá (-0,38%); may mặc, mũ nón, giày dép (-0,84%).
ktxh7 6

- Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn sau khi các bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) củng cố kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Hoa Kỳ vào tháng 9. 

Tính đến ngày 22/7/2024, giá vàng nhẫn tăng xoay quanh mốc 7.574 ngàn đồng/chỉ vàng 9999; tăng 1,27% so với tháng trước; tăng 35,64% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,01%.

Giá đô la trên thế giới, giá đồng USD tăng do nhu cầu an toàn sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều này làm tăng cơ hội chiến thắng của ông.

Tại thị trường trong nước giá đồng USD ở mức tăng so với tháng trước, giá bình quân ở thị trường tự do đến ngày 22/7/2024 ở mức 25.463 VND/USD. Đồng đô la Mỹ tháng này tăng so với tháng trước, chỉ số tháng này là 100,39% tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,67%. 

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Tài chính

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng năm 2024 ước thực hiện được 5.917.209 triệu đồng, bằng 48,53% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 46,45% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 6,46% so với cùng kỳ. 

- Chi ngân sách nhà nước địa phương:

Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 7.354.742 triệu đồng, bằng 52,29% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 43,99% dự toán HĐND tỉnh thông qua và giảm 7,34% so với cùng kỳ. Trong đó: 

- Chi đầu tư phát triển (bao gồm số chi quyết toán các dự án năm trước chuyển sang): 3.162.355 triệu đồng, bằng 66,42% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 56,17% dự toán HĐND tỉnh thông qua và giảm 28,77% so với cùng kỳ. 

- Chi thường xuyên: 4.189.185 tỷ đồng, bằng 58,49% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 47,77% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 19,81% so với cùng kỳ. 

6.2. Ngân hàng

a) Tình hình thực hiện lãi suất: Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nên kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. NHNN đã yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) Website của ngân hàng để khách hàng có thê thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay. 

Trên cơ sở đó NHNN tỉnh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất đến nay đã giảm, bình quân lãi suất cho vay giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2023.

b) Huy động vốn và hoạt động tín dụng

Huy động vốn: Đến cuối tháng 7/2024, huy động vốn trên địa bàn ước đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 434 tỷ đồng (+0,75%) so với tháng trước và tăng 3.230 tỷ đồng (+5,9%) so với cuối năm 2023. 

Hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 7/2024 ước đạt 128.000 tỷ đồng, tăng 960 tỷ đồng (+0,76%) và tăng 5.705 tỷ đồng (+6,4%) so với cuối năm 2023.

7. Đầu tư

7.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước

Dự kiến trong tháng 7 năm 2024 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 400,87 tỷ đồng, tăng 7,83% so với tháng trước và tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 330,56 tỷ đồng, tăng 7,93% so với tháng trước và tăng 34,36% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 70,31 tỷ đồng, tăng 7,37% so với tháng trước và giảm 40,23% so với cùng kỳ. 
ktxh7 7

Tính chung 7 tháng năm 2024, khối lượng đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.177,72 tỷ đồng, bằng 39,55% kế hoạch vốn cả năm 2024, tăng 10,36% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.794,14 tỷ đồng, tăng 36,25% so với cùng kỳ và vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 383,58 tỷ đồng, giảm 41,57% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 7 tháng năm 2024, vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 1.015,69 tỷ đồng; vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu ước đạt 300,22 tỷ đồng; xổ số kiến thiết ước đạt 478,22 tỷ đồng. Tỷ lệ đạt so với kế hoạch vốn được giao lần lượt là 38,75%; 40,59% và 41,73%.

Tháng 7 năm 2024, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường lớn, tạo sự thông thoáng, bảo đảm sự kết nối hạ tầng đồng bộ giữa Bình Phước và các tỉnh trong vùng kinh tế phía Nam, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, kết nối mạng lưới giao thông khu vực, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, như: Đường phía Tây QL 13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư tỉnh Bình Phước; Xây dựng đường phía Tây QL13 kết nối Bàu Bàng; Xây dựng tuyến đường từ khu quy hoạch trung tâm hành 2 chính xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú kết nối với khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú; Nâng cấp, mở rộng ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành Đồng Nai và cảng Cái Mép, Thị Vải Bà Rịa - Vũng Tàu; Xây dựng đường liên khu phố 4, khu phố 5 TT Chơn thành đến KCN Chơn Thành; Xây dựng cầu bắc qua Sông Bé (nối thị xã Phước Long với huyện Phú Riềng); Dự án tăng cường khả năng thoát lũ Suối Rạt …

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024 trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen, tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024.

7.2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước

- Thu hút đầu tư trong nước: Trong tháng 7/2024 không cấp mới dự án đầu tư trong nước; điều chỉnh giảm vốn 01 dự án với số vốn giảm 320 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 05 dự án với số vốn chấm dứt là 527,666 tỷ đồng. 

Lũy kế 7 tháng năm 2024 không cấp mới dự án. Điều chỉnh tăng vốn 02 dự án với tổng số vốn 45 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm vốn 03 dự án với tổng vốn giảm 540 tỷ đồng. Chấm dứt hoạt động 12 dự án với số vốn chấm dứt 3.082,866 tỷ đồng. Tổng vốn giảm 3.622,866 tỷ đồng.

- Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng 7/2024 cấp mới dự án 01 dự án FDI trong KCN với số vốn 6,1 triệu USD. 

Điều chỉnh 11 dự án (10 dự án trong KCN, 01 dự án NKC). Trong đó: Điều chỉnh tăng vốn 05 dự án trong KCN với số vốn tăng 5,555322 triệu USD. 

Lũy kế 7 tháng năm 2024: Cấp mới 11 dự án FDI với tổng vốn cấp mới là 48,708 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn 20 dự án với tổng vốn tăng là 48,178922 triệu USD. Chấm dứt 03 dự án trong KCN với số vốn 27,25 triệu USD; Giảm vốn 03 dự án với số vốn giảm 5,95065 triệu USD. Tổng thu hút đầu tư FDI bao gồm cấp mới và tăng thêm 7 tháng 2024 là 96,866922 triệu USD. 

II. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm 

Tháng 7/2024 đã giải quyết việc làm cho 3.633 lao động, lũy kế 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 34.284/43.000 lao động, đạt 79,7% kế hoạch năm; Thu hút lao động ngoại tỉnh 1.026 người. 

1.1. Công tác người có công

Tỉnh thực hiện chăm lo cho người có công cách mạng. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, thường xuyên từ các cấp cơ sở, địa phương trên tinh thần thực hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Thực hiện Kế hoạch Tổ chức Lễ viếng, truy điệu và an táng HCLS nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày TBLS 27/7/1947- 27/7/2024 (Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 03/7/2024); Kế hoạch Thăm, tặng quà người có công nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2024) (Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 11/7/2024).

Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ: trong tháng Sở Lao động và Thương binh Xã hội cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận 106 hài cốt do đội K72/Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bàn giao. 

Về công tác giải quyết hồ sơ: Đã giải quyết được 230 hồ sơ, trong đó tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công theo Quyết định số 1726/QĐ-UBND ngày 27/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh là 122 hồ sơ và tiếp nhận tại sở 108 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp và phụ cấp theo quy định.

1.2. Công tác an sinh xã hội

- Giảm nghèo: Ngành chức năng xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Bảo trợ xã hội: Xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng hành động Người cao tuổi năm 2024; Rà soát các thông tin danh sách người cao tuổi, tham mưu UBND tỉnh trình Chủ tịch nước tặng thiếp mừng thọ cho 43 cụ thọ 100 tuổi.

- Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là vào dịp hè năm 2024;  Xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024; Tổng hợp danh sách học sinh, sinh viên đề nghị Quỹ Thiện tâm hỗ trợ học bổng năm học 2024-2025.

1.3. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Tổ chức ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6/2024. Trong tháng Cơ sở CNMT tiếp nhận 24 học viên, tuyên truyền cho 1.460 lượt học viên, khám và điều trị các bệnh thông thường cho 6.120 lượt học viên, tổ chức cho 345 lượt gia đình và 325 lượt học viên thăm nuôi

2. Giáo dục và Đào tạo

Trong tháng, ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành xong công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Các công việc trọng tâm của ngành Giáo dục tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện trong tháng 7 năm 2024 là: tổ chức chấm thi và công bố điểm Kỳ thì tốt nghiệp THPT năm 2024; chấm và công bố kết quả phúc khảo Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Hướng dẫn phúc khảo bài thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. 

 Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Toàn tỉnh có 11.008 thí sinh dự thi, tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn tỉnh đạt 99,17% (năm 2023 là 98,58%). Trong đó: THPT có 10.404 thí sinh dự thi, chiếm tỉ lệ 94,51%; GDTX có 485 thí sinh dự thi, chiếm tỉ lệ 4,41%%. Trong đó: Điểm trung bình môn thi toàn tỉnh là 6,711 (năm 2023 là 6,420) cao hơn so với năm 2023 là 0,291 điểm; Có 19 trường thí sinh tốt nghiệp đạt tỉ lệ 100% (năm 2023 là 14 trường); Thí sinh đạt điểm 10 là 103 em, thủ khoa của tỉnh (có điểm thi 04 môn) là 02 thí sinh.

3. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng

- Tình hình dịch bệnh:

+ Sốt xuất huyết (SXH): Tổng số mắc sốt xuất huyết trong tháng là 188 ca, tăng 125 ca so với tháng trước. Cộng dồn: 657 ca, giảm 49,20% so với cùng kỳ. Phát hiện 173 ổ dịch và xử lý 173 ổ dịch.

+ Sốt rét: Trong tháng không ghi nhận mắc. Cộng dồn: 01 ca, giảm 04 ca so với cùng kỳ. 

+ Tay chân miệng (TCM): Trong tháng ghi nhận 124 ca mắc, không có tử vong. So với tháng trước tăng 184 ca. Cộng dồn: ghi nhận 480 ca. So với cùng kỳ mắc tăng tăng 77,8%.

- Ngoài ra, trong tháng trên địa bàn tỉnh ghi nhận các bệnh: Tiêu chảy 69 ca, giảm 8 ca so với tháng trước. Công dồn 384 ca, tăng 11,3% so vo71in  cùng kỳ; Thủy đậu 5 ca mắc. Cúm 107 ca, giảm 32,70% ca so với tháng trước. Cộng dồn: 860 ca, tăng 3,24% so với cùng kỳ; Viêm gan virút B 12 ca, giảm 01 ca so với tháng trước. Cộng dồn 52 ca, tăng 92,59% so với cùng kỳ; Các bệnh truyền nhiễm khác: chưa ghi nhận lây lan, bùng phát thành dịch.

- Tình hình khám, chữa bệnh:

Tổng số lượt khám, chữa bệnh tháng 7 năm 2024 là 1.288.882, tăng 18,9% so với cùng kỳ; Số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 1.247.275 (bao gồm các bệnh viện, các phòng khám đa khoa tư nhân). Số lượt khám, chữa bệnh nội trú là 41.607. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 46,8%.

Thời tiết đang giao mùa, dự báo trong thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan như Covid-19, cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, rubella vi rút, Tay chân miệng, sốt xuất huyết... có thể có xu hướng gia tăng. Vì vậy, các địa phương cần làm tốt công tác tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống các ổ dịch mới để kiểm soát tốt nguy cơ bùng phát dịch và giảm thiểu số ca mắc.

4. Hoạt động văn hóa - thể thao

- Lĩnh vực văn hóa:

Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được 1.100m2 băng rôn; 2850 m2 pa-nô; 1.950 m2banner; treo hơn 2.200 lượt cờ các loại, tuyên truyền 90 giờ bằng xe tuyên truyền lưu động; viết bài đăng trên website của ngành và của các đơn vị.

Hoạt động văn nghệ quần chúng và chiếu phim lưu động: Tổ chức thành công Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh; phối hợp tổ chức “Lễ viếng, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ và dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ và tổ chức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Trong tháng, Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng, tập luyện chương trình và biểu diễn phục vụ cơ sở, phối hợp tuyên truyền phục vụ Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp, kết quả biểu diễn 05 buổi, thu hút khoảng 2.000 khán giả xem và cổ vũ; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa với 20 bộ phim, kết quả phục vụ 30 buổi, thu hút khoảng 1.500 lượt người xem. 

Nghệ thuật biểu diễn: Trong tháng, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 06 buổi, thu hút khoảng 3.250 lượt khán giả. 

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Trong tháng, tổng lượt khách tham quan và tương tác là 41.754 lượt (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 1.571 lượt; tại các di tích là 6.032 lượt; tương tác qua nền tảng công nghệ số 34.151 lượt). 

Hoạt động thư viện và văn hóa đọc: Thư viện tỉnh cấp 44 thẻ thư viện (cấp mới 23 thẻ, 21 thẻ gia hạn); phục vụ 740.080 lượt bạn đọc. Công tác số hóa tài liệu: Scan và xử lý 20 cuốn sách/9.737 trang. 

- Lĩnh vực thể thao: Trong tháng tổ chức thành công Giải Vô địch Bơi các lứa tuổi; Giải Bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng tỉnh; Giải Vô địch cúp các CLB Taekwondo tỉnh; Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh cử đội tuyển tham dự 11 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, kết quả đạt 11 HCV, 13 HCB, 29 HCĐ; hỗ trợ các sở, ngành tổ chức hội thi, hội thao với 15 lượt trọng tài.

- Lĩnh vực du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt 166.130 lượt khách, tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 95,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách nội địa 165.000 lượt khách; khách quốc tế 1.130 lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt 93,03 tỷ đồng, tăng 4,86% so với tháng trước và tăng 98,86% so với cùng kỳ năm trước. 

5. Trật tự an toàn xã hội

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tiếp tục được quan tâm triển khai quyết liệt; không để xảy ra các loại tội phạm hoạt động manh động, phức tạp, tạo sự an tâm cho người dân.

5.1. Tình hình cháy, nổ

Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy; lũy kế 8 vụ, giảm 11,11% so với cùng kỳ năm trước, thiệt hại tài sản các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê.

5.2. Tai nạn giao thông 

Trong tháng 7 năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm 13 người chết, 17 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 19,35%; số người chết giảm 13,33%; số người bị thương tăng 6,25%. Nguyên nhân chủ yếu do chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, chuyển hướng không nhường đường và đã sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông.
Lũy kế trên địa bàn tỉnh xảy ra 207 vụ tai nạn giao thông, giảm 2,34% so với cùng kỳ năm 2023, số người chết 126, giảm 10,64%; số người bị thương 132, tăng 30,69%.

6. Thiệt hại do thiên tai

Tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh trong tháng 7 năm 2024 xảy ra 02 cơn gió lốc, làm hư hại 05 căn nhà, tổng giá trị thiệt hại ước tính là 221 triệu đồng. 

7. Môi trường

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan đến lĩnh vực môi trường. Các lực lượng chức năng đã tập trung công tác nắm tình hình và tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm môi trường của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Trong tháng 7 năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 05 vụ, xử lý vi phạm hành chính 03 vụ vi phạm về môi trường. Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 149 vụ vi phạm môi trường, tiến hành xử lý 92 vụ vi phạm, số tiền phạt 584,68 tỷ đồng, các vụ còn lại đang củng cố hồ sơ, xử lý. 

Trên đây là một số nét cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Phước./.

Tác giả: Cục Thống kê Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,214
  • Hôm nay78,659
  • Tháng hiện tại9,304,735
  • Tổng lượt truy cập434,680,000
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây