Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Ngành

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2023

Thứ ba - 02/01/2024 09:57 1045
Trên cơ sở kết quả thực hiện 11 tháng, ước tính tháng 12 năm 2023, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Tính chung cả năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) năm 2023 (theo giá so sánh 2010) đạt 54.894,49 tỷ đồng, tăng 8,34% so với năm 2022 trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 17.513,34 tỷ đồng, tăng 10,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng 17.205,78 tỷ đồng, tăng 7,12%; khu vực dịch vụ 18.119,72 tỷ đồng, tăng 8,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 2.055,65 tỷ đồng, tăng 2,98%. GRDP năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ sự phục hồi và phát triển mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là ngành nông nghiệp điểm sáng, có mức tăng trưởng cao (tăng 10,25%) đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào GRDP. 
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 17.513,34 tỷ đồng, tăng 10,25%, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, cao hơn 1,04% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 tăng 9,21%). 
Khu vực công nghiệp và xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt 17.205,78 tỷ đồng, tăng 7,12%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, giảm 7,63% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 tăng 14,75%). 
Khu vực dịch vụ (theo giá so sánh 2010) đạt 18.119,72 tỷ đồng, tiếp tục đà khởi sắc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 8,34%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 tăng 9,43%). 
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (theo giá so sánh 2010) đạt 2.055,65 tỷ đồng, tăng trưởng 2,97% so với năm 2022, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. 
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 41,80%; khu vực dịch vụ chiếm 31,59%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,64% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 13,16%; 42,18%; 30,82%; 3,84%).
Chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh tế là GRDP bình quân đầu người. GRDP bình quân đầu người năm 2023 là 93,94 triệu đồng, tăng 9,53% so với năm 2022. 
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
2.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt 

Cây hàng năm: Sơ bộ năm 2023 toàn tỉnh gieo trồng được 24.686 ha, giảm 5,31% (-1.385 ha) so với chính thức cả năm 2022. Trong đó:
Diện tích lúa gieo trồng được 10.617 ha (+124 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó lúa Đông Xuân đạt 2.821 ha, tăng 0,15% (+4 ha); lúa Mùa đạt 7.797 ha, tăng 1,56% (+120 ha). 
Năng suất lúa cả năm ước đạt 38,56 tạ/ha, tăng 2,07% (+0,78 tạ/ha) so với năm 2022 (lúa Đông Xuân đạt 41,07 tạ/ha, tăng 2,70%; lúa Mùa đạt 37,65 tạ/ha, tăng 1,86%). Sản lượng lúa cả năm 2023 ước đạt 40.939 tấn, tăng 3,28% so với năm 2022 (lúa Đông Xuân đạt 11.585 tấn, tăng 2,85%; lúa Mùa đạt 29.354 tấn, tăng 3,45%).
Cây ngô gieo trồng ước đạt 2.805 ha, tăng 4,71% (+126 ha); sản lượng ngô ước đạt 11.010 tấn (+521 tấn). 
Nhóm cây có củ chất bột gieo trồng được 4.878 ha, giảm 11,25% (-618 ha) trong đó: Khoai lang gieo trồng được 68 ha, giảm 85,50% (-400 ha); sản lượng khoai lang ước đạt 415 tấn, giảm 82,42% (-1.948 tấn). Cây khoai mỳ gieo trồng được 4.722 ha, giảm 3,65% (-178 ha); sản lượng ước đạt 105.427 tấn, giảm 5,45% (-6.076 tấn). 
Nhóm cây có hạt chứa dầu gieo trồng ước đạt 252 ha, tăng 23,53% (+48 ha), trong đó: Đậu phộng gieo trồng được 92 ha, giảm 24,27% (-29 ha); sản lượng ước đạt 82 tấn, giảm 28,90% (-33 tấn). 
Nhóm cây rau, đậu và hoa các loại gieo trồng được 2.977 ha, giảm 21,26% (-833 ha). Trong đó: Rau các loại gieo trồng được 2.774 ha, giảm 21,30% (-751 ha); sản lượng ước đạt 22.028 tấn, giảm 15,36% (-3.996 tấn). Đậu các loại gieo trồng được 169 ha, giảm 31,16% (- 77 ha); sản lượng ước đạt 148 tấn, giảm 30,01% (- 64 tấn).
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 51.949 tấn, tăng 3,63% (+1.822  tấn) so với cùng kỳ năm 2022.
Cây lâu năm: Sơ bộ năm 2023 toàn tỉnh hiện có 4437.212 ha, giảm 0,64% (-2.801 ha) so với chính thức năm 2022. Trong đó: 
- Cây ăn quả các loại hiện có 17.176 ha, tăng 19,30% (+2.779 ha), chiếm 3,93% trong tổng diện tích cây lâu năm, trong đó: 
+ Cây cam hiện có 425 ha, giảm 4,49% (-21 ha); năng suất ước đạt 95,49 tạ/ha, giảm 6,79% (-6,96 tạ/ha); sản lượng ước đạt 3.310 tấn, tăng 10,41% (+312 tấn). 
+ Cây xoài hiện có 415 ha, tăng 2,47% (+11 ha); năng suất ước đạt 71,44 tạ/ha, giảm 0,10% (-0,07 tạ/ha); sản lượng ước đạt 2.598 tấn, tăng 14,80% (+335 tấn). 
+ Cây chuối hiện có 1.805 ha, tăng 14,10% (+222 ha); năng suất ước đạt 194,37 tạ/ha, giảm 7,69% (-16,20 tạ/ha); sản lượng ước đạt 31.714 tấn, tăng 29,90% (+7.300 tấn). 
+ Cây sầu riêng hiện có 7.500 ha, tăng 42,48% (+2.235 ha); năng suất ước đạt 95,20 tạ/ha, giảm 5,97% (-6,03 tạ/ha); sản lượng ước đạt 33.689 tấn, tăng 31,12% (+7.995 tấn).
- Các loại cây công nghiệp lâu năm có diện tích lớn và cũng là các loại cây chủ lực của tỉnh như cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê tổng diện tích của 4 loại cây này hiện có 419.622 ha, giảm 1,32% (-5.612 ha) so với chính thức năm 2022: 
+ Cây điều hiện có 149.695 ha, giảm 1,52% (-2.312 ha); năng suất ước đạt 13,64 tạ/ha, tăng 17,79% (+2,06 tạ/ha); sản lượng ước đạt 199.043 tấn, tăng 15,81% (+27.166 tấn).
+ Cây hồ tiêu hiện có 12.953 ha, giảm 6,57% (-911 ha); năng suất ước đạt 19,18 tạ/ha, giảm 3,42% (- 0,67 tạ/ha); sản lượng ước đạt 23.508 tấn, giảm 9,97% (-2.602 tấn). 
+ Cây cao su hiện có 242.961 ha, giảm 0,98% (-2.413 ha); năng suất ước đạt 19,69 tạ/ha, tăng 3,47% (+0,66 tạ/ha); sản lượng ước đạt 417.914 tấn, tăng 2,70% (+10.973 tấn). 
+ Cây cà phê hiện có 14.013 ha, tăng 0,18% (+25 ha); năng suất ước đạt 22,12 tạ/ha, giảm 2,25% (-0,51 tạ/ha); sản lượng ước đạt 28.832 tấn, giảm 0,62% (-182 tấn).
Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. 
b. Chăn nuôi 
Số lượng gia súc, gia cầm tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước thực hiện như sau: 
- Đàn trâu hiện có 12.783 con (+59 con) so với cùng kỳ; Lũy kế đến tháng 12 số con suất chuồng đạt 5.662 con (+139 con), sản lượng xuất chuồng đạt 1.294 tấn (+32 tấn). 
- Đàn bò hiện có 40.216 con (+110 con) so với cùng kỳ; Lũy kế đến tháng 12 số con suất chuồng đạt 17.256 con (+234 con), sản lượng xuất chuồng đạt 3.109 tấn (+101 tấn). 
- Đàn lợn hiện có 1.872.341 con (+134.934 con) so với cùng kỳ; Lũy kế đến tháng 12 số con xuất chuồng đạt 2.580.033 con (+404.260 con), sản lượng xuất chuồng đạt 265.440 tấn (+53.796 tấn). 
- Đàn gia cầm hiện có 10.156 ngàn con (+68 ngàn con) so với cùng kỳ; Lũy kế đến tháng 12 sản lượng xuất chuồng đạt 89.215 tấn (+13.047 tấn), sản lượng trứng ước đạt 389.501 ngàn quả (+117.545 ngàn quả). 
Về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản
Năm 2023, tình hình dịch bện trên tổng đàn gia súc và gia cầm tương đối ổn định, góp phần phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các loại dịch bệnh như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, bệnh Dại động vật, Dịch tả lợn cổ điển, Cúm gia cầm…không phát sinh. Tuy nhiên, một số ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra rải rác hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từ đầu năm đến nay dịch đã xảy ra tại các huyện, thị xã, thành phố. Lũy kế đến tháng 12 toàn tỉnh có 556 con heo bị tiêu hủy bởi bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ước thiệt hại 2.643 triệu đồng.
2.2. Lâm nghiệp 
Tỉnh Bình Phước hiện có 170.855 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,72% đất sản xuất nông nghiệp, chia ra: Đất rừng sản xuất có 96.447 ha, chiếm 56,45% 14 trên tổng diện tích đất lâm nghiệp, tương ứng; đất rừng phòng hộ có 43.285 ha, chiếm 56,45% và rừng đặc dụng có 31.123 ha, chiếm 18,22%.
Trồng rừng: Các đơn vị được giao trồng rừng năm 2023 đã thực hiện được 830 ha rừng trồng tập trung, giảm 22,65% (-243 ha) so với cùng kỳ năm trước. 
Giao khoán bảo vệ 32.737,58 ha rừng (không bao gồm diện tích rừng tự quản lý bảo vệ), trong đó: rừng đặc dụng: 19.575,16 ha; rừng phòng hộ: 11.569,31 ha; rừng sản xuất (rừng tự nhiên): 1.593,11 ha.
Khai thác gỗ và lâm sản: Trong tháng, toàn tỉnh ước tính khai thác được 2.020 m3 gỗ (-402 m3), lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 535 Ste (-99 Ste) so với cùng kỳ. Lũy kế đến tháng 12, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 37.150 m3 (-7.285 m3), lượng củi ước đạt 10.200 Ste (-2.769 Ste).
2.3. Thủy sản 
Diện tích nuôi trồng thủy sản với 1.198 ha, tháng 12 toàn tỉnh ước thu hoạch được 171 tấn, giảm 7,57% (-14 tấn) so với cùng kỳ; Lũy kế 12 tháng, sản lượng thủy sản thu được ước đạt 2.110 tấn, giảm 6,88% (-156 tấn), trong đó: 
- Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng thu được 29 tấn, (+11 tấn); Lũy kế 12 tháng, sản lượng ước đạt 330 tấn, giảm 0,60% (-2 tấn). 
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng thu được 142 tấn, giảm 8,97% (-14 tấn); Lũy kế 12 tháng sản lượng ước đạt 1.780 tấn, giảm 7,96% (-154 tấn).
2.4. Kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp; kinh tế trang trại
Năm 2023, toàn tỉnh hiện có 225 HTX và 86 THT đăng ký hoạt động, có 496 trang trại (trong đó: có 302 trang trại trồng trọt và 193 trang trại chăn nuôi).
 2.5. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới
Toàn tỉnh đã có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 21 xã đạt chẩn nông thôn mới nâng cao. Kế hoạch năm 2023, tỉnh tiếp tục phấn đấu đưa 7 xã về đích 13 nông thôn mới và 6 xã về đích nông thôn mới nâng cao cùng với một huyện về đích nông thôn mới. Trong tháng, các xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đã hoàn tất hồ sơ tiêu chí số 10 (thu nhập) theo Quyết định 1245/BKH-ĐT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ kế hoạch và Đầu tư đang chờ tỉnh thẩm định.
3. Sản xuất công nghiệp 
Sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Phước năm 2023 tiếp tục tăng trưởng so với năm trước (+10,36%), giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh. 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2023 ước đạt 103,70% so với tháng trước và 115,11% so với cùng kỳ năm 2022, tức là tăng 3,70% so với tháng trước và tăng 15,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,81% so với tháng trước, tăng 14,57% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 3,75%, tăng 15,50%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,35%, tăng 6,80%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,55%, tăng 9,05%.
Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,36% so với năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,77%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,76%.
 Trong năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với năm trước: Chì chưa gia công tăng 33,42%; Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) tăng 29,02%; Hạt điều khô tăng 26,70%; Thức ăn cho gia cầm tăng 21,18%; Đá xây dựng khác tăng 11,35%. Một số sản phẩm giảm: Áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 36,05%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 33,85%; Dịch vụ đúc gang, sắt, thép giảm 25,52%; Dịch vụ sản xuất giày, dép giảm 21,48%; Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 20,82%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 giảm 20,39% so với năm trước, tuy nhiên có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 96,93%; Sản xuất kim loại tăng 92,37%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,04%; S Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,37%... Một số ngành có chỉ số tiêu giảm mạnh: Sản xuất đồ uống giảm 60,82%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 39,15%; Sản xuất trang phục giảm 24,59%; Sản xuất xe có động cơ giảm 22,38%...
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 giảm 94,89% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 ước đạt 56,11%, tức giảm 43,89% so cùng kỳ năm trước. Bình quân tỷ lệ tồn kho năm 2023 ước tính giảm 32,17% so với năm 2022.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp năm 2023 ước tính giảm 11,67% so năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,85%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 39,77% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 7,54%. 
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 82 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 787,041 tỷ đồng; có 20 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, có 10 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 208,80 tỷ đồng; 22 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. 
Tính chung năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.064 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký là 14.602,27 tỷ đồng; số doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại là 345 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 111 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng là 452 hồ sơ.
Lũy kế đến ngày 14/12/2023, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 11.682 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 198.898,78 tỷ đồng (đã trừ doanh nghiệp và trừ vốn giải thể).
5. Hoạt động dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2023 ước tính đạt 6.830,68 tỷ đồng, tăng 1,50% so với tháng trước và tăng 12,92% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước thực hiện 77.806,90 tỷ đồng, tăng 18,27% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12 năm 2023 ước tính 5.546,10 tỷ đồng, tăng 1,50% so với tháng trước, tăng 11,24% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ năm 2023 ước đạt 63.350,53 tỷ đồng, tăng 15,79% so với cùng kỳ năm trước.  Nhìn chung, tất cả các ngành hàng đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành đạt doanh thu cao, tăng mạnh so với năm trước như: 
+ Lương thực, thực phẩm tháng 12 ước đạt 3.223,17 tỷ đồng, tăng 1,81% so với tháng trước, tăng 11,50% so với cùng kỳ; Năm 2023 ước đạt 36.673,29 tỷ đồng, tăng 14,73% so với cùng kỳ năm trước.
+ Hàng may mặc tháng 12 ước đạt 299,00 tỷ đồng, tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 6,73% so với cùng kỳ; Năm 2023 ước đạt 3.473,01 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước.
+ Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tháng 12 ước đạt 559,74 tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước, tăng 7,79% so với cùng kỳ; Năm 2023 ước đạt 6.471,25 tỷ đồng, tăng 13,31% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 12 năm 2023 ước đạt 651,98 tỷ đồng, tăng 2,12% so với tháng trước, tăng 11,96% so với cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 7.334,26 tỷ đồng, tăng 15,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú ước đạt 260,30 tỷ đồng, tăng 13,78% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 7.073,96 tỷ đồng, tăng 15,52% so với cùng kỳ.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 12 năm 2023 ước đạt 1,37 tỷ đồng, tăng 2,38% so với tháng trước, tăng 6,77% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 ước đạt 15,69 tỷ đồng, tăng 57,14% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ khác ước tháng 12 năm 2023 đạt 631,23 tỷ đồng, tăng 0,88% so với tháng trước, tăng 31,53% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác năm 2023 ước đạt 7.106,43 tỷ đồng, tăng 50,71% so với cùng kỳ năm trước.
5.2. Kim ngạch xuất, nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 12 ước đạt 399,6 triệu USD, tăng 21,11% so với cùng kỳ năm 2022; Ước thực hiện cả năm 2023 đạt 4.180 triệu USD tăng 8,6% so với năm 2022, đạt 100,7% so với kế hoạch năm.
Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 12 ước đạt 106,6 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022; Ước thực hiện cả năm 2023 đạt 2.600 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 116,59% so với kế hoạch năm.
5.3. Giao thông vận tải 
Trong tháng 12/2023, hoạt động vận tải trên địa bàn so với tháng trước tăng nhẹ (+0,32%), chủ yếu tăng doanh thu của lĩnh vực vận tải hàng hóa và bưu chính, chuyển phát, nhưng nhìn chung tổng doanh thu trong tháng tăng khá cao so cùng kỳ (+13,25%). Ước năm 2023, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tăng 55,06% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 12/2023 ước đạt 237,85 tỷ đồng, tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 13,25% so với cùng kỳ. Năm 2023 doanh thu ước đạt 2.722,28 tỷ đồng, tăng 55,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Vận tải hành khách: Trong tháng, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 561,00 ngàn hành khách, tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 9,48% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 120,58 triệu hành khách.km, tăng 0,14% và tăng 9,57%; doanh thu ước tính đạt 133,08 tỷ đồng, tăng 0,15% và tăng 9,74%. 
Năm 2023, số lượt hành khách vận chuyển đạt 6.712,79 ngàn lượt hành khách, tăng 90,55% so với cùng kỳ năm trước; Số lượt hành khách luân chuyển đạt  1.430,98 triệu lượt hành khách.km, tăng 91,30%; doanh thu đạt 1.550,55 tỷ đồng, tăng 93,47%.
Vận tải hàng hóa: Trong tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 169,58 ngàn tấn, tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 16,75% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 23,35 triệu tấn.km, tăng 0,46% và tăng 17,16%; doanh thu ước tính đạt 96,12 tỷ đồng, tăng 0,53% và tăng 17,26%. 
Năm 2023, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.881,19 ngàn tấn, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 260,41 triệu tấn.km, tăng 21,32%; doanh thu đạt 1.074,09 tỷ đồng, tăng 21,46%.
Hoạt động hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát: Trong tháng, doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 3,33 tỷ đồng, tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 16,85% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 5,33 tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng trước và tăng 35,65% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 38,40 tỷ đồng, tăng 23,10% so với cùng kỳ; hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 59,23 tỷ đồng, tăng 50,17% so với cùng kỳ năm trước.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
1.1. Ngân hàng

Về lãi suất: Nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ của các NHTM giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 4,2%/năm và 7,9%/năm.
Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 12/2023 ước đạt 52.682 tỷ đồng, giảm 0,10% (-53 tỷ đồng) so với cuối năm 2022, trong đó: tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,57%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,43%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 58,05%, tiền gửi thanh toán chiếm 40,62%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,33%. Nguồn vốn huy động tại chỗ luôn đảm bảo khả năng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trên địa bàn. 
Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 12/2023 ước đạt 123.139 tỷ đồng, tăng 14,93% (+16.002 tỷ đồng) so với cuối năm 2022, trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm 76,46%; trung, dài hạn chiếm 23,54%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 90,89%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 9,11%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,91% trên tổng dư nợ.
1.2. Bảo hiểm
Số người tham gia bảo hiểm xã hội ước tính đến ngày 31/12/2023 là 951.082 người, đạt 98,4% kế hoạch, cụ thể: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 147.008 người, đạt 98% kế hoạch được giao; Bảo hiểm xã hội tự nguyện 8.282 người, đạt 51,6% kế hoạch; Bảo hiểm thất nghiệp là 138.794 người, đạt 98% kế hoạch được giao; Bảo hiểm y tế là 942.800 người, đạt 99,2% kế hoạch. 
Tổng số thu tính đến ngày 31/11/2023 là 3.474,76 tỷ đồng, đạt 86,6% so với kế hoạch, trong đó: Bảo hiểm xã hội bắt buộc: 2.350,85 tỷ đồng, đạt 89,6% kế hoạch; bảo hiểm xã hội tự nguyện: 39,59 tỷ đồng, đạt 68,7% kế hoạch; bảo hiểm y tế: 909,90 tỷ đồng, đạt 79,8% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp: 174,42 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch.
Tổng số chi tính đến ngày 31/11/2023 là 1.975,01 tỷ đồng, tăng 10,5%  so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Chi bảo hiểm xã hội: 1.769,76 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Chi bảo hiểm thất nghiệp 205,26 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30/11/2023, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền là 450,26 tỷ đồng/1.481.702 lượt khám chữa bệnh, chiếm 75% so với dự toán được giao năm 2023.
2. Đầu tư và xây dựng
Tính chung năm 2023, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 33.288,93 tỷ đồng, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,89% GRDP, trong đó: vốn khu vực Nhà nước đạt 4.847,56 tỷ đồng, chiếm 14,56%, giảm 30,82% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 24.742,46 tỷ đồng, chiếm 74,33%, tăng 28,29%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt  3.698,91 tỷ đồng, chiếm 11,11%, tăng 3,32%. 
Một số công trình trọng điểm đang thực hiện từ vốn đầu tư công góp phần tạo diện mạo mới cho tỉnh nhà như: Đường phía Tây QL13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư tỉnh Bình Phước; Nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; Nâng cấp, mở rộng trung tâm y tế thị xã Bình Long; Xây dựng Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bình Phước… 
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 12/2023 ước thực hiện 430,26 tỷ đồng, tăng 3,96% so với tháng trước, tăng 54,15% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 251,22 tỷ đồng, tăng 4,10% so với tháng trước, giảm 29,51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 58,39%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 179,04 tỷ đồng, tăng 3,76% so với tháng trước, giảm 69,24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 41,61%. 
Tính chung năm 2023, tổng vốn đầu tư thì vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 4.605,85 tỷ đồng, bằng 90,90% kế hoạch năm, giảm 27,90% so với năm trước, gồm có: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 3.193,26 tỷ đồng, bằng 98,04% kế hoạch năm, giảm 25,17%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 1.412,59 tỷ đồng, bằng 78,06% và giảm 33,39%.
Thu hút đầu tư trong nước: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không cấp mới dự án đầu tư trong nước. Tính chung năm 2023, đã thu hút được 13 dự án với tổng vốn cấp mới là 2.847 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh thu hút được 02 dự án trong KCN với số vốn 3,28 triệu USD. Tính chung năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 48 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký là 739,23 triệu USD. Lũy kế đến ngày 14/12/2023, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 410 dự án (đã trừ dự án thu hồi), vốn đầu tư là 4.244,58 triệu USD.
3. Thu, chi ngân sách
Theo báo cáo của ngành Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước năm 2023 là 11.986,00 tỷ đồng, đạt 80,51% so với dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua, giảm 16,08% so với cùng kỳ, trong đó: 
- Thu từ sản xuất kinh doanh trong nước ước 10.709,20 tỷ đồng, đạt 78,35% so kế hoạch HĐND giao. Trong thu từ sản xuất kinh doanh trong nước: thu từ doanh nghiệp nhà nước ước 933,50 tỷ đồng (Trong đó: Thu từ doanh nghiệp Trung ương ước thực hiện 413,00 tỷ đồng), đạt 87,24% so kế hoạch, giảm 22,72% so với năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước 460,00 tỷ đồng, đạt 53,49% so kế hoạch, giảm 39,59% so với năm ngoái; thu từ kinh tế ngoài quốc doanh ước 1.970,20 tỷ đồng, đạt 105,92% kế hoạch, tăng 15,59%; thu xổ số kiến thiết ước 1.200,00 tỷ đồng, đạt 109,09% so kế hoạch, tăng 24,62%; thu tiền sử dụng đất ước 1.893,00 tỷ đồng, đạt 49,72% so kế hoạch giảm 53,91% so cùng kỳ.
- Thu từ hải quan ước 1.270,00 tỷ đồng, đạt 104,10% so kế hoạch HĐND giao, tăng 21,64% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương năm 2023 ước thực hiện 16.432,00 tỷ đồng, đạt 89,57% so với dự toán năm, tăng 19,81% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển: 8.102,20 tỷ đồng, đạt 159,91% dự toán, tăng 25,62% so với cùng kỳ; Chi thường xuyên: 8.322,00 tỷ đồng, đạt 81,84% dự toán, tăng 14,85% so với cùng kỳ, đã đáp ứng yêu cầu chi tiền lương, các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, các khoản an sinh xã hội, phòng ngừa dịch bệnh...
4. Chỉ số giá 
Do thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT. Bên cạnh đó, thời điểm này là giai đoạn cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động hơn, nhu cầu mua sắm đối với thiết bị đồ dùng gia đình và hàng hoá, dịch vụ khác tăng nhằm chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 4,44% so với năm 2022. 
Trong mức tăng 0,42% của CPI tháng 12/2023 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng giảm và 01 nhóm hàng giữ giá ổn định.
- Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,81% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,44 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 6,33%; khám chữa bệnh nội trú tăng 14,50%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,48% chủ yếu một số mặt hàng như: Giá nước bình quân trong tháng tăng 0,28% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng tăng. Giá điện trong tháng tăng 2,75% so với tháng trước do áp dụng Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Ở chiều ngược lại, Giá dầu hỏa giảm 5,19% so với tháng trước do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh giá trong tháng.
+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%, cụ thể: Giá đồ dùng cá nhân tăng 1,25%; giá dịch vụ về hỉ tăng 0,83% do chi phí vận chuyển, nhu cầu dịch vụ tăng.
+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,29% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: chỉ số giá nhóm gạo tăng 3,78% do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung gạo giảm do ảnh hưởng biến đổi khí hậu; Giá thịt lợn tăng 0,11% do nhu cầu tăng vào các dịp lễ, tết cuối năm. Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng giảm như: Giá thịt gia súc giảm 0,67%, giá thuỷ sản tươi sống giảm 0,29%...
+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,28% do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng.
+ Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%, chủ yếu tăng 2,05% ở nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh.
+ Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,02%.
- Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là:
+ Nhóm giao thông giảm 2,05% chủ yếu do giá xăng dầu điều chỉnh giảm 3 đợt trong tháng làm CPI chung giảm 0,20%. Nguyên nhân do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tồn kho dầu của Mỹ giảm, lo ngại về tình hình an ninh ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ khu vực này, việc các quốc gia đạt được thỏa thuận lịch sử để bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tại hội nghị COP28… các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu trong nước giảm.
+ Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,35%, cụ thể: Quần áo may sẵn giảm 0,4%; Giày dép giảm 0,06% nguyên nhân đến từ việc nề kinh tế suy thoái, nhu cầu mua sắm dịp cuối năm nhiều hạn chế.
 + Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,32% chủ yếu do chương trình khuyến mãi, kích cầu người tiêu dùng, giảm bán hết hàng cũ nhập hàng tết.
- Nhóm giáo dục có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
Tính chung năm 2023, chỉ số giá bình quân tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá so với bình quân cùng kỳ năm trước: Nhóm nhà ở và vật liệu xây tăng 19,56%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,14%; Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 5,69%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,45%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,60%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,71%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,65%; Nhóm giáo dục tăng 1,41%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,82%. Có 2 nhóm hàng giảm giá so với bình quân cùng kỳ năm trước: Giao thông giảm 2,48%; Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,25%.
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới do nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương và ở khu vực châu Á trong dịp cuối năm.Tính đến ngày 22/12/2023, giá vàng tăng 3,63% so với tháng trước; tăng 12,55% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2023 tăng 3,94% so với bình quân năm 2022.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Trên thế giới, Đồng USD giảm do các nhà giao dịch bán tháo ồ ạt đồng tiền Mỹ do kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 3/2024. Tại thị trường trong nước, giá đồng USD giảm 0,64% so với tháng trước và tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2023 tăng 2,12% so với bình quân năm 2022. 
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm và đời sống dân cư
1.1. Công tác lao động - việc làm 

Dân số trung bình trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước 1.045.490 người, tăng 1,05% so với năm 2022. Lực lượng lao động của tỉnh ước năm 2023 là 597.407 người, giảm 0,92% tương ứng giảm khoảng 5.523 người so với năm 2022, trong đó: nữ là 281.940 người; khu vực thành thị là 177.404 người. 
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc giảm 1,51%, chiếm 97,53% trong lực lượng lao động, tương ứng giảm khoảng 8.933 lao động so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế Nhà nước giảm 1,51%%; Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giảm 1,52%; Khu vực đầu tư nước ngoài giảm 1,47%. 
Ước thực hiện năm 2023 giải quyết việc làm cho 41.000/40.000 lao động đạt 102,5% kế hoạch. Tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 11.414 lượt lao động; tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm với 29 doanh nghiệp, 2.462 lao động tham gia; thu hút 5.982 lao động ngoài tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đang làm việc trong các thành phần kinh tế ước đạt 65% (Trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 23%); Tổ chức đào tạo lại cho 9.730 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp…
Việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt nam đảm bảo đúng theo quy định, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Tuyển dụng 599 lao động là người nước ngoài tại 108 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cấp mới, cấp lại và gia hạn 427 giấy phép lao động đảm bảo đúng quy trình, không phát sinh tiêu cực.
1.2. Chính sách tiền lương, quan hệ lao động và bảo hiểm xã hội
Ước thực hiện cả năm đạt chỉ tiêu đề ra; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 9.511 người. 
Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động trong Công ty nhà nước, Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; Góp ý quy chế quản lý tiền lương, tiền thưởng, thù lao đối với các doanh nghiệp nhà nước; Thường xuyên hướng dẫn, tổ chức khảo sát tình hình thực hiện chính sách tiền lương và rà soát, đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiều vùng đối với các doanh nghiệp. 
1.3. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Tổ chức thực hiện các chế độ chính sách cho người có công đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đảm bảo yêu cầu, không có hồ sơ bị trễ hạn. 
Trong năm 2023, đã giải quyết được 4.763 hồ sơ (Trong đó: tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công: 1339 hồ sơ và tại sở là 3.424 hồ sơ); Tổ chức điều dưỡng cho 1.365 đối tượng; Thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 với 50.897 phần quà tổng giá trị là 20,07 tỷ đồng; Tiếp nhận và an táng 203 hài cốt liệt sĩ.
2. Lĩnh vực xã hội
2.1. Công tác giảm nghèo

Ban hành quy định về đối tượng tiêu chuẩn đối với điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “cả nước chung vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2022-2023; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đối với dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong năm.
2.2. Công tác bảo trợ xã hội
Toàn tỉnh có 20.343 đối tượng bảo trợ xã hội, tất cả các đối tượng này đều được hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho đối tượng BTXH luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức hoạt động hỗ trợ đột xuất và chăm lo, thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, Tết và những lúc gặp khó khăn cho đối tượng.
2.3. Công tác trẻ em
Toàn tỉnh có 293.271 trẻ em, trong đó có 2.184 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức, phối hợp, hỗ trợ và tặng quà, học bổng cho các em trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu với tổng kinh phí khoảng 31,92 tỷ đồng. Công tác phòng chống tại nạn thương tích trẻ em được các địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện, triển khai các chương trình kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ban hành kế hoạch thực hiện công tác tr em năm 2023; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực 2 hiện Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
2.4. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội
Hiện tại, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 788 học viên (Trong đó: cai nghiện bắt buộc là 758 học viên; cai nghiện tự nguyện là 30 học viên). Việc quản lý, cai nghiện cho đối tượng luôn theo đúng quy định. Việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội đối với các đơn vị vi phạm được thực hiện kịp thời. 
3. Giáo dục, đào tạo
Trong năm, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2023. Một số kết quả tiêu biểu đạt được như sau:
Tập trung thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo lộ trình, đảm bảo cơ sở vật chất trường học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu được giao.
Chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh ngày càng được củng cố và tăng cường, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh đã được nhiều thành tích nổi bật trong kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2023. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 98,6%, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 24 bậc so với năm 2022)
Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia năm 2023 theo kế hoạch. Tiếp tục triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên theo Kế hoạch năm 2023 của UBND tỉnh.
4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Các chương trình mục tiêu y tế - dân số vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch. Số bác sỹ/vạn dân: 8,9 bác sỹ đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 10% đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 93% đạt 100% kế hoạch. Riêng chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân đạt 28,6 giường (kế hoạch 29 giường) không đạt kế hoạch đề ra.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương; Trang trí cổ động trực quan các tuyến đường, các loại cờ, xe loa tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Kết quả, thực hiện được 14.250m2 băng rôn, 64.050m2panô, 52.534m2 banner, treo hơn 47.300 lượt cờ các loại; tuyên truyền 4.490 giờ xe lưu động; viết tin bài đăng trên trang Website, tạp chí của ngành và của đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức Chương trình phục dựng Lễ hội mừng lúa mới của người S’tiêng tỉnh Bình Phước tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo; Tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông Bình Phước; hoàn thiện Bộ sưu tập Đàn đá Bình Phước; Tổ chức Cuộc thi “Hành trình di sản văn hóa tỉnh Bình Phước” lần thứ V, năm 2023; Tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề “Từ Điện Biên Phủ trên không đến Hiệp định Paris năm 1973”, chuyên đề “Xuân Biên cương - Hải đảo”, chuyên đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chân dung một anh hùng”, chuyên đề Di sản văn hóa Bình Phước… Trong năm 2023, tổng cộng số lượng khách tham quan và tương tác là 579.498 lượt người (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 19.306 lượt người; tại các di tích là 97.227 lượt người; tương tác qua nền tảng công nghệ số là 462.965 lượt).
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Tổ chức thành công Chương trình Nghệ thuật Lễ hội giao thừa “Mừng Đảng, mừng xuân” Quý Mão năm 2023; Chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7; Tham gia các Liên hoan hội thi, hội diễn cấp toàn quốc, khu vực, kết quả đạt 01 HCV, 08 HCB, 05 giải ba và 01 Bằng khen của Ban Tổ chức; Tham gia Cuộc thi Ban nhạc Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, kết quả đạt 3 giải thưởng gồm: 01 giải nhì, 01 giải ba và 01 bằng khen biểu diễn xuất sắc do Hội nhạc sĩ Việt Nam tặng… 
Hoạt động thư viện: Trong năm 2023, Thư viện tỉnh cấp 215 thẻ bạn đọc trong đó 122 thẻ mới, 69 thẻ gia hạn. Tổng số lượt người sử dụng thư viện: 4.864.879 lượt (trong đó phục vụ tại Thư viện 10.626 lượt; Website: 4.771.540 lượt; Lưu động: 41.790 lượt; Luân chuyển cơ sở: 40.923 lượt). Tổng số tài liệu lưu hành: 285.662 lượt (trong đó, phục vụ tại Thư viện 49.610 lượt; lưu động: 122.154 lượt; luân chuyển cơ sở: 113.898 lượt).
Thể dục thể thao: Trong năm 2023, đội tuyển thể thao của tỉnh tham dự 80 giải thể thao cụm, khu vực, toàn quốc, kết quả đạt 62 HCV, 74 HCB, 125 HCĐ; tham dự Seagames 32 đạt 02 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ ở các môn cờ tướng); Tham dự đại hội thể thao Châu Á lần thứ 19 (Asian Games 19) đạt 01 HCB Đồng đội môn Cờ tướng; Hỗ trợ 507 lượt trọng tài làm nhiệm vụ tại các giải thể thao, hội thao.
Hoạt động du lịch: Trong năm 2023, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 946.373 lượt khách, đạt 117,42% kế hoạch năm 2023 và tăng 30,97% so với cùng kỳ 2022. Trong đó: khách nội địa: 936.730 lượt khách; khách quốc tế: 9.643 lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt: 545,5 tỷ đồng, đạt 116,06% kế hoạch năm 2023 và tăng 30,78% so với cùng kỳ năm 2022.
6. Tai nạn giao thông
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 19 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng bằng với cùng kỳ năm trước; số người chết tăng 35,71%; số người bị thương giảm 76,92%. Tính chung 12 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 159 vụ tai nạn giao thông, làm 142 người chết, 55 người bị thương. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,64%; số người chết tăng 6,77%; số người bị thương giảm 46,60%.
Tính chung cả năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 40.982 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 17.748 phương tiện, tước 10.918 giấy phép lái xe, cảnh cáo 664 trường hợp, xử lý hành chính 38.621 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 128,02 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (18.523 trường hợp), không có giấy phép lái xe (10.135 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (3.757 trường hợp), không đi đúng làn đường quy định (1.229 trường hợp) và vượt nồng độ cồn cho phép (10.464 trường hợp).
7. Thiệt hại thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn không phát sinh thiên tai. Tính chung cả năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ do ảnh hưởng của mưa to, ngập lụt và lốc xoáy, thiệt hại cụ thể: 01 người chết, 316 căn nhà bị sập, hư hại, bị cuốn trôi; gãy đổ 45,6 ha cây trồng các loại … Tổng giá trị thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra ước tính khoảng 16,03 tỷ đồng. 
8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ, đám cháy không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê. Tích lũy đến cuối tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy, thiệt hại do cháy khoảng 1,03 tỷ đồng, không có thiệt hại về người.
Tháng 12 cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ vi phạm môi trường, đã tiến hành xử lý 3 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 53 triệu đồng. Tích lũy đến tháng 12 năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 279 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 194 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 1,59 tỷ đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5,030
  • Hôm nay864,795
  • Tháng hiện tại11,363,336
  • Tổng lượt truy cập384,483,673
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây