Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023

Thứ hai - 30/10/2023 08:01
Trên cơ sở số liệu chính thức 9 tháng năm 2023 và ước tháng 10 năm 2023, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo ước tính thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt

Tính đến ngày 15/10/2023, tình hình sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện được 25.306 ha cây hàng năm các loại, giảm 2,93% (-765 ha) so với cùng kỳ. Trong đó:
- Lúa 10.274 ha, giảm 2,09 % (-219 ha) so với cùng kỳ năm trước, do trong tháng mưa nhiều nên bà con tập trung xuống giống;
- Bắp 2.659 ha, giảm 0,75% so cùng kỳ;
- Khoai lang 374 ha, giảm 20,01% so cùng kỳ;
- Rau các loại 3.341 ha, giảm 5,20% (-183 ha); đậu các loại 190 ha, giảm 22,54% (-55 ha) so với cùng kỳ.
Đối với cây lâu năm: ước tính toàn tỉnh hiện có 439.845 ha cây lâu năm, giảm 0,04% (-167 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
- Cây ăn trái hiện có 14.890 ha, tăng 3,42% (+493 ha) so với cùng kỳ.
- Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê. Tổng diện tích hiện có 424.247 ha, giảm 0,23% (-987 ha) so với cùng kỳ, chia ra: cây điều hiện có 151.866 ha, giảm 141 ha, sản lượng ước đạt 199.043 tấn, tăng 27.167 tấn; cây hồ tiêu hiện có 13.587 ha, giảm 277 ha, sản lượng ước đạt 23.508 tấn, giảm 2.602 tấn; cây cao su 244.751 ha, giảm 624 ha, sản lượng đạt 306.583 tấn, tăng 8.159 tấn so với cùng kỳ; cây cà phê 14.043 ha, tăng 55 ha, sản lượng cà phê chưa có thu. Năng suất, sản lượng cây điều tăng do năm nay ít mưa trái mùa nhiều trong thời gian điều ra bông đậu trái. 
Tình hình sâu bệnh:  Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
Giá một số hàng nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 10/2023 như sau: Mủ cao su sơ chế 27.836 đồng/kg, cà phê nhân 46.014 đồng/kg, hạt điều khô 33.302 đồng/kg, hạt tiêu khô 71.787 đồng/kg.
b. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định; số lượng gia súc, gia cầm ước tháng 10/2023 gồm có:
- Đàn trâu: 13.875 con, tăng 9,25% so cùng kỳ. Trong tháng số con xuất chuồng là 464 con; sản lượng xuất chuồng ước đạt 106 tấn. Cộng dồn 10 tháng số con xuất chuồng đạt 4.748 con, tăng 2,42% (+112 con); sản lượng xuất chuồng 1.087 tấn, tăng 2,87% (+30 tấn) so với cùng kỳ.
- Đàn bò: 40.180 con, tăng 0,12% so cùng kỳ. Trong tháng số con xuất chuồng là 1.616 con; sản lượng xuất chuồng ước đạt 286 tấn. Cộng dồn 10 tháng  số con xuất chuồng đạt 14.271 con, tăng 1,27% (+179 con); sản lượng xuất chuồng 2.526 tấn, tăng 1,27% (+32 tấn) so với cùng kỳ.
 - Đàn heo: 1.955.103 con, tăng 12,66% so cùng kỳ. Trong tháng số con xuất chuồng là 205.105 con, tăng 12,91%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 20.100 tấn, tăng 15,27% so với cùng kỳ. Cộng dồn 10 tháng  số con xuất chuồng đạt 2.215.690 con, tăng 22,55% (+403.212 con); sản lượng xuất chuồng 217.138 tấn, tăng 24,79% (+43.140 tấn) so cùng kỳ. Đàn heo tăng cao so cùng kỳ do mở rộng quy mô đàn tại các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi.
 - Đàn gia cầm: 10.570 ngàn con, tăng 4,86% so cùng kỳ; sản lượng xuất bán trong tháng ước đạt 6.677 tấn, tăng 5,17%; sản lượng trứng gia cầm xuất bán trong tháng ước đạt 23.765 ngàn quả, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 10 tháng sản lượng thịt hơi đạt 66.767 tấn, tăng 5,20% (+3.298 tấn); sản lượng trứng thu 237.650 ngàn quả, tăng 4,87% (+11.030 ngàn quả) so cùng kỳ.
Công tác thú y: Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trong tháng ổn định không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, duy trì các chốt kiểm dịch động vật, xử lý dứt điểm các ổ dịch tại các xã khi có dịch theo đúng các quy định hiện hành.
1.2. Lâm nghiệp
Trồng rừng: Trong tháng 10 toàn tỉnh không thực hiện trồng rừng tập trung, lũy kế 10 tháng toàn tỉnh ước tính trồng 800 ha, giảm 273 ha so cùng kỳ.
Khai thác: trong tháng ước tính khai thác được 2.021 m3 gỗ, giảm 402 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 372 Ste, giảm 261 Ste so với năm trước. Lũy kế 10 tháng khai thác được 33.109 m3 gỗ, giảm 6.481 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 9.082 Ste, giảm 2.619 Ste so với năm trước. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.
1.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 171 tấn, so cùng kỳ giảm 8,06%; (trong đó: khai thác thủy sản nội địa 29 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 142 tấn). Lũy kế 10 tháng, sản lượng thủy sản ước thực hiện 1.820 tấn, giảm 2,52% so cùng kỳ, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhỏ, lẻ, nuôi trong ao, hồ và số ít nuôi cá lồng bè; phần lớn diện tích nuôi để tiêu dùng nên năng suất cũng như hiệu quả thu được trên một hecta nuôi trồng không cao.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước đạt 102,84% so với tháng trước và 111,44% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 2,84% so với tháng trước, tăng 11,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,57% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 2,80%, tăng 11,82%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,08%, tăng 3,95%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,05%, tăng 20,58%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,89% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,18%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,22%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,36%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 46,10%; Sản xuất kim loại tăng 19,86%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 18,71%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,64% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục giảm 23,59%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 21,97%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 17,89%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 7,82% so cùng kỳ năm trước...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hạt điều khô tăng 22,50%; Thức ăn cho gia cầm tăng 21,10%; Điện thương phẩm tăng 7,44%; Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 5,64%; Ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự tăng 0,95%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 33,99%; Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 21,97%; Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại giảm 19,72%; Dịch vụ sản xuất giày, dép giảm 18,05%...
So với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động đến cuối tháng 10 năm 2023 giảm 11,11%, trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4,07%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 40,70%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,62%.
3. Tình hình doanh nghiệp
Trong tháng, có 95 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.065 tỷ đồng; có 08 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, có 4 doanh nghiệp đăng ký giải thể với số vốn là 11,33 tỷ đồng, 21 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm, có 884 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là 12.887 tỷ đồng; số doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại là 304 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 96 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng là 410 doanh nghiệp.
Tính đến ngày 14/10/2023, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 11.522 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 197.414,10 tỷ đồng (đã trừ doanh nghiệp và trừ vốn giải thể).
4. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2023 ước tính đạt 6.676,82 tỷ đồng, tăng 0,99% so với tháng trước và tăng 13,63% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 64.252,30 tỷ đồng, tăng 19,44% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước tính 5.417,58 tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước, tăng 11,83% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ ước đạt 52.340,41 tỷ đồng, tăng 16,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành đạt doanh thu cao, tăng mạnh so với năm trước như:
+ Lương thực, thực phẩm tháng 10 ước đạt 3.136,98 tỷ đồng, tăng 0,87% so với tháng trước, tăng 12,47% so với cùng kỳ; Luỹ kế 10 tháng đầu năm ước đạt  30.284,26 tỷ đồng, tăng 15,30% so với cùng kỳ năm trước.
+ Hàng may mặc tháng 10 ước đạt 295,10 tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng trước, tăng 7,09% so với cùng kỳ; Luỹ kế 10 tháng đầu năm ước đạt 2.876,96 tỷ đồng, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước.
+ Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tháng 8 ước đạt 551,11 tỷ đồng, tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 7,84% so với cùng kỳ; Luỹ kế 10 tháng đầu năm ước đạt 5.356,09 tỷ đồng, tăng 14,50% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 10 năm 2023 ước đạt 631,60 tỷ đồng, tăng 1,94% so với tháng trước, tăng 11,13% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng đầu năm doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 6.043,94 tỷ đồng, tăng 16,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú ước đạt 214,65 tỷ đồng, tăng 13,78% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 5.829,29 tỷ đồng, tăng 16,37% so với cùng kỳ.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 10 năm 2023 ước đạt 1,31 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước, tăng 2,76% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng đầu năm doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 12,98 tỷ đồng, tăng 74,42% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ khác ước tháng 10 năm 2023 đạt 626,33 tỷ đồng, tăng 1,87% so với tháng trước, tăng 35,70% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng đầu năm doanh thu dịch vụ khác ước đạt 5.854,96 tỷ đồng, tăng 56,16% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Giao thông vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 10/2023 ước đạt 249,72 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước, tăng 33,55% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng doanh thu ước đạt 2.313,72 tỷ đồng, tăng 67,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Vận tải hành khách: Trong tháng, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 586,62 ngàn hành khách, tăng 1,89% so với tháng trước và tăng 39,62% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 126,90 triệu hành khách.km, tăng 1,94% và tăng 39,69%; doanh thu ước tính đạt 142,32 tỷ đồng, tăng 2,10% và tăng 40,55%.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, số lượt hành khách vận chuyển đạt 5.702,31 ngàn lượt hành khách, tăng 122,05% so với cùng kỳ năm trước; Số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.212,19 triệu lượt hành khách.km, tăng 124,09%; doanh thu đạt 1.323,08 tỷ đồng, tăng 126,25%.
Vận tải hàng hóa: Trong tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 168,42 ngàn tấn, giảm 0,65% so với tháng trước và tăng 22,43% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 23,24 triệu tấn.km, giảm 0,59% và tăng 22,60%; doanh thu ước tính đạt 98,23 tỷ đồng, giảm 0,59% và tăng 23,63%.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.590,12 ngàn tấn, tăng 21,29% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 219,40 triệu tấn.km, tăng 22,26%; doanh thu đạt 908,54 tỷ đồng, tăng 22,51%.
Hoạt động hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát: Trong tháng, doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 3,48 tỷ đồng, tăng 2,05% so với tháng trước và tăng 25,86% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 5,70 tỷ đồng, tăng 3,51% so với tháng trước và tăng 45,50% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 32,35 tỷ đồng, tăng 27,60% so với cùng kỳ; hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 49,76 tỷ đồng, tăng 49,94% so với cùng kỳ năm trước.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ 
1. Chỉ số giá

Tình hình giá cả thị trường tháng 10/2023 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động giảm so với tháng trước. Do việc điều chỉnh giá xăng, gas giảm và giá dầu tăng trong tháng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 giảm 0,18% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 10 năm 2023 tăng 3,44% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,47%. Bình quân 10 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,18% của CPI tháng 10/2023 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 2 nhóm hàng giữ giá ổn định.
- Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,30% chủ yếu tăng ở một số ngành dịch vụ như: Giá đồ dùng cá nhân tăng 0,40%; giá dịch vụ về hỉ tăng 1,40% do chi phí vận chuyển, nhu cầu dịch vụ tăng.
+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Thiết bị trong gia đình tăng 0,15%; Đồ dùng trong nhà tăng 0,11%; Dịch vụ trong gia đình tăng 2,07% do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng.
+ Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,10% do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào tăng. Cụ thể: giá  rượu các loại tăng 1,33% so với tháng trước; Bia các loại tăng 0,45%.
+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08% do chi phí dược liệu sản xuất tăng.
+ Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,04%.
+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau: chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,97%; Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,17% so với tháng trước; Giá thịt gia cầm tăng 0,31% do nhu cầu tiêu thụ tăng. Bên cạnh đó, Giá thịt lợn giảm 1,36% do nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ giảm.
+ Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công tăng và nhu cầu mua sắm tăng, trong đó: mũ nón tăng 1,64%; giày dép tăng 0,05%; dịch vụ may mặc tăng 3,20%.
- Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,62%. Cụ thể: Tiền nhà thuê giảm 1,84% do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu giảm; Giá dầu hỏa giảm 0,9% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Ở chiều ngược lại: Giá gas tăng 4,99% do từ ngày 01/10/2023 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 20.000 đồng/bình 12 kg; Giá nước sinh hoạt tăng 0,08%; điện sinh hoạt tăng 1,03% do nhu cầu tiêu thụ tăng.
+ Nhóm giao thông giảm 1,59% chủ yếu do giá xăng dầu điều chỉnh tăng, giảm vào ngày 02/10/2023, 11/10/2023 và 23/10/2023 làm cho chỉ số giá nhóm xăng, dầu giảm 4,2% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,16%. Bên cạnh đó, giá xe đạp tăng 0,32%; phụ tùng xe đạp tăng 0,06% do nhu cầu mua sắm tăng.
Trong 10 tháng đầu năm, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng so với bình quân cùng kỳ: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 21,12%; Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 6,35%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,64%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,45%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,54%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; Nhóm giáo dục tăng 1,55%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,15%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,98%... Có 2/11 nhóm hàng CPI bình quân 10 tháng đầu năm giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giao thông giảm 3,33%; Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,33%.
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông tác động tới giá vàng thế giới trong tuần qua. Bất ổn chính trị khiến cho vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Tính đến ngày 23/10/2023, giá vàng tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 4,70% so với tháng 12/2022; tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 2,56%.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Giá USD tăng do nhu cầu trú ẩn tài sản xuất phát từ căng thẳng xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas ngày càng gia tăng. Tại thị trường trong nước giá bình quân đồng USD ở thị trường tự do đến ngày 23/10/2023 ở mức 24.591 VND/USD, tăng 1,20% so với tháng trước, tăng 1,79% so với tháng 12/2022 và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng đầu 2023, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,51% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
2. Đầu tư, xây dựng
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2023 ước thực hiện 426,07 tỷ đồng, tăng 1,07% so với tháng trước, giảm 47,71% cùng kỳ năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 282,76 tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước, giảm 47,04% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,36% tổng số; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 143,32 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước, giảm 48,99% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 34,48%.
Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như: Xây dựng đường giao thông phía tây QL13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư; Xây dựng đường kết nối các KCN phía Tây Nam thành phố Đồng Xoài; Xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Chơn Thành II; Nâng cấp, mở rộng đường từ khu công nghiệp Việt Kiều kết nối với khu với khu công nghiệp Minh Hưng Sikico huyện Hớn Quản…
Lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 3.758,78 tỷ đồng, đạt 74,41% kế hoạch năm và giảm 17,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 2.700,97 tỷ đồng đạt 83,31% kế hoạch, giảm 20,76% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện đạt 1.057,81 tỷ đồng đạt 58,45% kế hoạch năm, giảm 8,53% so cùng kỳ.
Thu hút đầu tư trong nước: Luỹ kế 10 tháng đầu năm, thu hút đầu tư trong nước trên địa bàn được 13 dự án, với tổng vốn là 2.847 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 12 dự án, với tổng vốn tăng là 1.470 tỷ đồng. Tính đến ngày 14/10/2023 toàn tỉnh có 1.209 dự án với số vốn 119.669,76 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng, trên địa bàn tỉnh cấp mới 10 dự án với số vốn 37,160 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, đã thu hút được 41 dự án với tổng số vốn là 708,807 triệu USD. Tính đến ngày 14/10/2023 số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 406 dự án, vốn đầu tư là 4.196,38 triệu USD.
3. Tài chính, ngân hàng
3.1. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 10/2023 ước thực hiện được 1.486,80  tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước thu 9.280,98  tỷ đồng đạt 62,34% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Trong đó: thu từ khu vực kinh tế quốc doanh là 729,90 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.895,91 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất là 1.004,89 tỷ đồng.
3.2. Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 10/2023 ước thực hiện 1.003,18 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước chi 10.993,67 tỷ đồng đạt 59,93% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Trong đó: chi thường xuyên 5.475,63 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 5.516,85 tỷ đồng.
3.3. Ngân hàng
Về lãi suất: Các ngân hàng trên địa bàn triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm dần, lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở khoảng 5,0%/năm; lãi suất cho vay bình quân VNĐ ở mức khoảng 8,9%/năm.
Đối với huy động vốn: Huy động vốn đến 30/9/2023 đạt 51.674 tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước, giảm 2,01% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,55%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,45% .Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 52.170 tỷ đồng, giảm 1,07% so với cuối năm 2022.
Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến 30/9/2023 đạt 120.349 tỷ đồng, tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 12,33% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 90,67%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 9,33%. Đến cuối tháng 10/2023, dư nợ tín dụng ước đạt 121.630 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối năm 2022. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,76% trên tổng dư nợ.
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Lao động, việc làm

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 968 lao động, thu hút lao động ngoài tỉnh 550 người. Tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 677 người.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 39.374/40.000 lao động, đạt 98% kế hoạch năm, thu hút lao động ngoài tỉnh 6.532 lao động đạt 65,3% kế hoạch. Tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 12.353 lao động; Số lao động đi làm việc làm ở nước ngoài là 157 người. Đào tạo nghề cho 7.335/10.000 người đạt 73% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 64,5/65%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 3%.
2. Công tác giảm nghèo
Tham mưu UBND tỉnh ban hành: Quyết định quy định cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quyết định phân bổ vốn sự nghiệp năm 2023 do Trung ương hỗ trợ; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Phước; Tổ chức Đoàn học tập và trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo bền vững năm 2023.
3. Công tác an sinh xã hội
Công tác thực hiện chính sách người có công: tiếp tục được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tham mưu địa phương ban hành các văn bản triển khai các hoạt động hướng đến người có công, trả lời các kiến nghị thắc mắc của công dân cũng như trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ về chính sách người có công cho các cán bộ thương binh xã hội ở các huyện, thị và xã phường trên địa bàn tỉnh.
Về công tác giải quyết hồ sơ người có công: Đã giải quyết được 4.413 hồ sơ người có công, trong đó tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công 1.139 hồ sơ và tiếp nhận tại Sở là 3.274 hồ sơ.
Công tác bảo trợ xã hội: Tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023. Phối hợp với Quỹ Thiện Tâm phân bổ, trao tặng số lượng 1.500 suất quà Tết tới các hộ gia đình nghèo trên địa bàn 03 huyện: Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập.
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh: tổ chức cai nghiện cho 788 học viên. Trong đó, cai nghiện bắt buộc là 758 học viên; cai nghiện tự nguyện là 30 học viên.
4. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2023; Hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn, hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ các cấp học phổ thông; Kiểm tra công tác quản lý chuyên môn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo lộ trình, đảm bảo cơ sở vật chất trường học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu được giao.
5. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Tình hình các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, không để dịch bùng phát xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch”. Trong tháng có 525 ca mắc sốt xuất huyết (0 ca tử vong), phát hiện 104 ổ dịch và xử lý 104 ổ dịch; 235 ca mắc bệnh tay chân miệng (không có tử vong); 56 ca tiêu chảy (0 ca tử vong).
Về phòng chống HIV/AIDS: Số HIV mới phát hiện 7 ca, tích lũy 4.051 ca. Số AIDS mới phát hiện 7 ca, tích lũy 1.994 ca. 01 tử vong trong tháng, tử vong do tích lũy 2.024 ca. Tổng số bệnh nhân điều trị nhiễm trùng cơ hội 19, tổng số bệnh nhân quản lý điều trị Methadone 83 ca.
Các chương trình mục tiêu y tế - dân số khác như: phòng chống suy dinh dưỡng, dân số và phát triển, phòng chống lao, phong, bướu cổ…vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch đề ra.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền: Tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương; tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 800 m2 băng rôn; 1.100 m2 panô; 2.386 m2 banner; treo 1.500 lượt cờ các 2 loại; tuyên truyền 102 giờ xe lưu động; viết tin bài đăng trên trang web, tạp chí của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tham gia các hoạt động sự kiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tổ chức trưng bày chuyên đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chân dung một anh hùng”. Trong tháng, tổng lượt khách tham quan và tương tác là 47.106 lượt người (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 1.135 lượt; tại các di tích là 6.920 lượt; tương tác qua nền tảng công nghệ số 39.051 lượt).
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Tiếp tục duy trì sinh hoạt cho các câu lạc bộ trực thuộc và hướng dẫn nghiệp vụ cơ sở, hướng dẫn nhà văn hóa cộng đồng. Trong tháng, Trung tâm Văn hóa tỉnh phục vụ chiếu phim lưu động được 13 buổi, thu hút hơn 950 lượt người xem; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc trao đổi 02 chương trình suất diễn với tỉnh Tây Ninh và biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 02 buổi, thu hút khoảng 3.450 lượt người xem.
Hoạt động thư viện: Phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện tổ chức Ngày hội đọc sách tại các trường TH, THCS. Trong tháng, Thư viện tỉnh cấp 15 thẻ thư viện (cấp mới 08 thẻ, 07 thẻ gia hạn); phục vụ được 278.406 lượt bạn đọc; tổng số tài liệu lưu hành là 3.670 lượt.
Thể dục thể thao: Trong tháng, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể Thao tỉnh cử đội tuyển tham dự 09 giải thể thao cụm, khu vực và toàn quốc, kết quả đạt 03 HCV, 06 HCĐ; hỗ trợ cho các đơn vị trong tỉnh tổ chức 06 giải thể thao với 61 lượt trọng tài.
Hoạt động du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt 77.480 lượt khách, tăng 2,01% so với tháng trước và tăng 110,14% so với cùng kỳ 2022. Trong đó khách nội địa: 76.500 lượt khách; khách quốc tế: 980 lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt: 56,17 tỷ đồng, tăng 17,40% so với tháng trước và tăng 93,59% so với cùng kỳ năm 2022.
7. Tai nạn giao thông
Trong tháng 10 năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 14 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 11 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng giảm 6,67%; số người chết giảm 26,67%; số người bị thương tăng 50,00%. Tính chung 10 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 126 vụ tai nạn giao thông, làm 112 người chết, 43 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông bằng với cùng kỳ năm trước; số người chết tăng 5,66%; số người bị thương giảm 41,10%.
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 2.268 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 773 phương tiện, tước 493 GPLX, cảnh cáo 26 trường hợp, xử lý hành chính 2.259 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 5,48 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (1.863 trường hợp), không có giấy phép lái xe (475 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (248 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (79 trường hợp) và nồng độ cồn (857 trường hợp).
8. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, do ảnh hưởng của thời tiết, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra 5 vụ thiên tai, tăng 01 vụ so với tháng trước. Mưa lớn, lũ cuốn làm chết 01 người, 123 căn nhà bị hư hỏng, 0,6 ha hoa màu bị ngập úng và nhiều tài sản khác bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 3,80 tỷ đồng.
9. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 10 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy, thiệt hại do cháy khoảng 480 triệu đồng, không có thiệt hại về người.
Trong tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 24 vụ vi phạm môi trường. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản, khai thác đất, cát trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường… Tích lũy số liệu đến tháng 10 năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 212 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 141 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 1,09 tỷ đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập737
  • Hôm nay127,761
  • Tháng hiện tại11,018,602
  • Tổng lượt truy cập470,911,289
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây