Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024 trên một số lĩnh vực chủ yếu sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2023-2024 toàn tỉnh ước thực hiện được 829 ha, tăng 2,35% (+19 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Cây lúa 377 ha, tăng 3,01% (+11 ha) so với cùng kỳ năm trước.
- Cây bắp 51 ha, tăng 10,87% (+5 ha) so cùng kỳ, diện tích phần lớn được trồng xen, quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình; Khoai lang 9 ha, không biến động so cùng kỳ; rau các loại 221 ha, giảm 0,45% (-1 ha).
Hình 1.1. Tình hình nông, lâm, thuỷ sản tháng 01 năm 2024
Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh là 437.189 ha cơ bản được giữ nguyên, bà con nông dân đang tập trung vệ sinh vườn cây, chống cháy để chuẩn bị cho niên vụ năm 2024.
- Đối với cây ăn trái như: Cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, dứa, chuối, xoài... ngày càng được áp dụng khoa học kỹ thuật cao từ việc đầu tư trang thiết bị máy móc, phân bón, cây giống, lai tạo, ép ra trái theo ý muốn...Vì vậy, hầu như thời gian nào cũng có trái cây thu hoạch đưa ra thị trường tiêu thụ.
- Đối với cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh như: Cao su, cà phê, cây tiêu, cây điều với tổng diện tích hiện có 418.411 ha, chiếm 95,70% trên tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Hiện nay cao su đã ngưng cạo mủ, hồ tiêu đã bắt đầu bước vào thu hoạch, cây điều đang thời kỳ kết trái, thời tiết hiện tại chưa xuất hiện mưa trái mùa và sương muối nên nhiều khả năng sẽ là một năm được mùa điều.
Về giá bán các sản phẩm như sau: Mủ cao su sơ chế 28.652 đồng/kg, cà phê nhân 53.922 đồng/kg, hạt điều khô 33.025 đồng/kg, hạt tiêu khô 77.862 đồng/kg.
Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
b. Chăn nuôi
Số lượng gia súc, gia cầm ước tháng 01/2024 gồm có:
+ Đàn trâu: 12.788 con, tăng 0,46% (+59 con) so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 451 con, tăng 0,45% (+2 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 103 tấn, tăng 0,89% (+1 tấn) so với cùng kỳ.
+ Đàn bò: 40.219 con, tăng 0,28% (+111 con) so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 1.480 con, tăng 0,34% (+5 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 266 tấn, tăng 2,04% (+5 tấn) so với cùng kỳ.
+ Đàn heo: 1.873.300 con, tăng 4,45% (+79.727 con) so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 226.830 con, tăng 5,00% (+10.799 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 23.363 tấn, tăng 11,49% (+2.408 tấn) so với cùng kỳ.
+ Đàn gia cầm: 10.105 ngàn con, tăng 0,95% (+95 ngàn con) so cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng ước đạt 7.702 tấn, tăng 1,33% (+101 tấn); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 33.632 ngàn quả, tăng 1,41% (+469 ngàn quả) so với cùng kỳ.
Công tác thú y được quan tâm nên tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không xảy ra nguy hiểm; không có dịch bệnh lớn phát sinh thành ổ dịch, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
1.2. Lâm nghiệp
Tỉnh Bình Phước hiện có 170.855 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,72% đất sản xuất nông nghiệp, chia ra: Đất rừng sản xuất có 96.447 ha, chiếm 56,45% trên tổng diện tích đất lâm nghiệp, tương ứng; đất rừng phòng hộ có 43.285 ha, chiếm 56,45% và rừng đặc dụng có 31.123 ha, chiếm 18,22%.
Về khai thác: trong tháng 01 toàn tỉnh ước tính khai thác được 2.002 m3 gỗ, so với cùng kỳ giảm 0,40% (-8 m3). Lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 405 Ste, so với cùng kỳ giảm 1,22% (-5 Ste). Khối lượng gỗ và củi khai thác trong tháng hoàn toàn là rừng trồng.
1.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 168 tấn, so cùng kỳ giảm 4,55% (-8 tấn), trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên trong tháng thu được 26 tấn, giảm 2 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng thu được 142 tấn, giảm 6 tấn. Nhìn chung lĩnh vực thủy sản tỉnh Bình Phước có xu hướng ngày càng giảm về diện tích do đô thị hóa nhanh, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh phân bố không đồng đều, phần lớn diện tích nuôi trồng nhỏ, lẻ để tự tiêu là chính, ít có diện tích nuôi sản xuất hàng hóa nên hàng năm hiệu qủa thu được trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản là không cao.
2. Sản xuất công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 01 năm 2024 giảm nhẹ so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2024 ước đạt 93,27% so với tháng trước và 137,01% so với cùng kỳ năm trước, tức là giảm 6,73% so tháng trước và tăng 37,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 16,53% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến giảm 6,98%, tăng 38,84%; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,41%, tăng 7,97%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,88%, tăng 25,17%.
Hình 2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2024
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 97,50%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 68,67%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 55,53%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 28,28%. Tuy nhiên, một số ngành giảm mạnh: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 39,92%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 36,69%; Sản xuất trang phục giảm 29,10%; Dệt giảm 25,14%...
Trong tháng 01/2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hạt điều khô tăng 61,76%; Thức ăn cho gia cầm tăng 60,02%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da tăng 40,06%; Ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự tăng 25,85%... Một số sản phẩm giảm: Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo giảm 56,25%; Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử giảm 39,92%; Dịch vụ sản xuất tấm, phiến, ống và cốc mặt nghiêng bằng plastic giảm 36,69%; Xi măng Portland đen giảm 17,98%...
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 01 năm 2024 tăng 6,34% so với tháng trước và giảm 3,81% so với cùng kỳ. Trong đó: chỉ số sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,11% so với tháng trước, giảm 1,83% so với cùng kỳ năm trước; Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 11,68% so với cùng kỳ; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,59% so với tháng trước, giảm 5,48% so với cùng kỳ. Xét theo ngành cấp I: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,10% so với tháng trước, tăng 24,32% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,71% so với tháng trước, giảm 3,97%; so với cùng kỳ; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,14% so với tháng trước, giảm 2,81% so với cùng kỳ; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí không biến động so với tháng trước, giảm 1,93% so với cùng kỳ.
Tình hình doanh nghiệp: Trong tháng, có 74 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 982,74 tỷ đồng; có 83 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động, có 16 doanh nghiệp đăng ký giải thể, 259 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Lũy kế đến ngày 14/01/2024, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 11.740 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 199.667,13 tỷ đồng (đã trừ doanh nghiệp và trừ vốn giải thể).
3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2024 ước tính đạt 6.930,93 tỷ đồng, tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 11,70% so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2024 ước tính 5.650,59 tỷ đồng, tăng 1,88% so với tháng trước, tăng 11,51% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tất cả các ngành hàng đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành đạt doanh thu cao, tăng mạnh so với năm trước như:
+ Hàng may mặc tháng 01/2024 ước đạt 302,42 tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước, tăng 6,28% so với cùng kỳ.
+ Lương thực, thực phẩm tháng 01/2024 ước đạt 3.296,74 tỷ đồng, tăng 2,28% so với tháng trước, tăng 12,17% so với cùng kỳ.
+ Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tháng 01/2024 ước đạt 566,77 tỷ đồng, tăng 1,26% so với tháng trước, tăng 7,08% so với cùng kỳ.
Hình 3.1.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2024
- Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 01 năm 2024 ước đạt 647,76 tỷ đồng, tăng 0,94% so với tháng trước, tăng 10,05% so với cùng kỳ. Trong đó: dịch vụ lưu trú ước đạt 23,01 tỷ đồng, tăng 12,87% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 624,76 tỷ đồng, tăng 9,94% so với cùng kỳ.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01 năm 2024 ước đạt 1,44 tỷ đồng, tăng 3,25% so với tháng trước, tăng 9,94% so với cùng kỳ.
- Doanh thu dịch vụ ước tháng 01 năm 2024 đạt 631,13 tỷ đồng, tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 15,22% so với cùng kỳ.
3.2. Giao thông vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 01/2024 ước đạt 248,27 tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước, tăng 23,43% so với cùng kỳ. Trong đó:
Vận tải hành khách: Trong tháng, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 565,83 ngàn hành khách, tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 15,53% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 122,71 triệu hành khách.km, tăng 1,01% và tăng 17,75%; doanh thu ước tính đạt 137,78 tỷ đồng, tăng 1,07% và tăng 17,55%.
Vận tải hàng hóa: Trong tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 173,01 ngàn tấn, tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 21,14% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 25,43 triệu tấn.km, tăng 0,53% và tăng 26,46%; doanh thu ước tính đạt 101,30 tỷ đồng, tăng 0,49% và tăng 31,32%.
Hình 3.2.1 Hoạt động vận tải tháng 01 năm 2024
Hoạt động hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát: Trong tháng, doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 3,49 tỷ đồng, tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 22,41% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 5,70 tỷ đồng, tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 44,77% so với cùng kỳ năm trước.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
1. Chỉ số giá
Tình hình giá cả thị trường tháng 01/2024 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động tăng so với tháng trước. Do việc điều chỉnh giá xăng dầu, gas trong tháng cùng với là tháng giáp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc là những nguyên nhân chính tác động phần nào đến chỉ số chung (CPI) của tháng 01/2024 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,17% của CPI tháng 01/2024 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm hàng giảm và 1 nhóm hàng ổn định.
- Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,87% chủ yếu do nhu cầu tăng vào dịp tết sắp tới như: túi xách, vali, ví tăng 0,50%; đồ trang sức tăng 1,72% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 2,45%; đồ thờ cúng tăng 1,56%.
+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,56%. Cụ thể: Giá điện sinh hoạt tăng 2,61% do sản lượng tiêu thụ tăng đồng thời cách tính điện đưa về ngày cuối tháng thống nhất trên toàn quốc nên đơn giá điện cũng có phần thay đổi; Giá gas tăng 1,41% do từ ngày 01/01/2024 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg. Ở chiều ngược lại: Giá dầu hỏa giảm 1,28% do được điều chỉnh giảm 3 đợt trong tháng với tổng mức giảm là 263 đồng/lít so với tháng trước.
+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,50% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Đồ dùng trong nhà tăng 0,61%; Dịch vụ trong gia đình tăng 1,77% do nhu cầu người dân mua sắm chuẩn bị Tết tăng.
+ Nhóm giao thông tăng 0,32%. Cụ thể: Giá nhiên liệu tăng 0,18% do các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu điều chỉnh trong tháng. Giá phụ tùng tăng 0,01%; giá phương tiện đi lại tăng 0,14% do nhu cầu đi lại, mua sắm, sữa chữa bảo dưỡng phương tiện du xuân tăng.
+ Nhóm giáo dục tăng 0,16% chủ yếu tăng ở đồ dùng học tập và văn phòng do giá nguyên liệu nhập vào tăng.
+ Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,03% chủ yếu ở những mặt hàng sau: Giá hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 3,66% do nhu cầu tăng vào dịp lễ ông Công ông Táo và Tết Nguyên đán.
+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,01% chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau: chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,78%; Giá thủy hải sản chế biến tăng 0,35% do nhu cầu tiêu thụ tăng. Bên cạnh đó, Giá thịt gia súc giảm 0,38% chủ yếu giảm ở giá thịt bò 1,11% do nhu cầu tiêu dùng giảm; Giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,45% do nguồn cung rau củ dồi dào và phong phú; Bánh, mứt, kẹo giảm 1,56% do sức mua tiêu thụ giảm nên siêu thị có chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng...
+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% do một số các thiết bị y tế hết chương trình khuyến mãi để kích cầu, quay trở lại giá cũ.
Hình 1.1. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 năm 2024
- Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
+ Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,48% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Vải các loại giảm 1,39%; Quần áo may sẵn giảm 0,1%; Giày dép giảm 1,88%. Nhóm hàng may mặc năm nay khá ảm đảm ở thị trường chợ truyền thống, nhìn chung giá cả ít xê dịch, thị trường chợ tết vắng, nhu cầu mua sắm ít đi đáng kể so với thời điểm này mọi năm nguyên nhân lớn đến từ việc tiếp nhận phân khúc bán hàng online được quảng cáo rầm rộ, trợ giá tốt nên các mặt hàng ở chợ truyền thống rất khó để cạnh tranh.
+ Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,02% chủ yếu do chương trình khuyến mãi, kích cầu người tiêu dùng, giảm bán hết hàng cũ nhập hàng tết.
Chỉ số giá vàng: Các nhà đầu tư tập trung vào vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Tính đến ngày 23/01/2024, giá vàng tăng 2,31% so với tháng trước; tăng 14,58% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Tại thị trường trong nước giá đồng USD ở mức tăng so với tháng trước, giá bình quân ở thị trường tự do đến ngày 23/01/2024 ở mức 24.558 VND/USD. Đồng đô la Mỹ tháng này tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước.
2. Đầu tư, xây dựng
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2024 ước thực hiện 246,94 tỷ đồng, tăng 14,65% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 205,67 tỷ đồng, tăng 44,55%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 41,27 tỷ đồng, giảm 43,54%.
Hình 2.1. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
do địa phương quản lý tháng 01 năm 2024
Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như: Xây dựng đường giao thông phía tây QL13 kết nối Chơn Thành – Hoa Lư; Xây dựng đường kết nối các KCN phía Tây Nam thành phố Đồng Xoài; Xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Chơn Thành II; Nâng cấp, mở rộng đường từ khu công nghiệp Việt Kiều kết nối với khu với khu công nghiệp Minh Hưng Sikico huyện Hớn Quản Xây dựng trường mẫu giáo Lộc Hưng, Xây dựng khối hiệu bộ và nhà đa năng trường THPT Lê Quý Đôn; Trường cao đẳng Bình Phước…
Thu hút đầu tư trong nước: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không cấp mới dự án đầu tư trong nước; Điều chỉnh 05 dự án. Lũy kế đến ngày 14/01/2024, toàn tỉnh có 1.206 dự án với số vốn 121.698,26 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài: Trong tháng, toàn tỉnh đã thu hút 01 dự án với số vốn 3 triệu USD; Điều chỉnh 26 dự án. Lũy kế đến ngày 14/01/2024, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 411 dự án với vốn đầu tư là 4.247,63 triệu USD.
3. Ngân hàng
Về lãi suất: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm dần, lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở khoảng 3,9%/năm; lãi suất cho vay bình quân VNĐ ở mức khoảng 6,7%/năm.
Đối với huy động vốn: Đến 31/01/2024, huy động vốn ước đạt 54.950 tỷ đồng, tăng 0,33% (+180 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong đó: tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,56%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,44%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 54,14%, tiền gửi thanh toán chiếm 44,58%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,28%.
Đối với hoạt động tín dụng: Đến 31/01/2024, dư nợ tín dụng ước đạt 121.740 tỷ đồng, tăng 1.445 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tăng 1,20%. Trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm 76,04%, trung, dài hạn chiếm 23,96%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 92,50%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 7,50%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,82% trên tổng dư nợ.
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Lao động, việc làm
Trong tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.200 lao động đạt 2,8% kế hoạch năm; Thu hút lao động ngoại tỉnh 300 người. Đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 425 người; giới thiệu việc làm, cung ứng tuyển dụng cho 35 người lao động, giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 10 người lao động; Nhu cầu tìm việc làm của người lao động là 35 người.
Tháng 01 đầu năm đã đào tạo nghề cho 1.403/12.000 người (3 cao đẳng, 105 trung cấp, 256 sơ cấp, 1.039 dưới 3 tháng), duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.
2. Đời sống dân cư
Đời sống dân cư tháng 01/2024 vẫn ổn định, tình hình xóa đói giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm đúng mức bằng các hình thức giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất; người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.
3. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác
Tổ chức thực hiện các chế độ chính sách cho người có công đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đảm bảo yêu cầu, không có hồ sơ bị trễ hạn.
Công tác giải quyết hồ sơ: Trong tháng đã giải quyết được109 hồ sơ, trong đó tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công là 98 hồ sơ và tiếp nhận tại sở là 11 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp và phụ cấp theo quy định.
Phối hợp Quỹ Thiện Tâm trao 1.500 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn 4 huyện với tổng trị giá 900 triệu đồng.
Hỗ trợ quà tết cho 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhân dịp Tết nguyên đán năm 2024.
4. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2024. Triển khai rà soát danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 37/2014/TT-BGDĐT ngày 02/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông; Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ khảo sát, đánh giá và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia; Tiếp tục rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng theo Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 31/7/2023 của UBND tỉnh; Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo tiến độ; Hoàn thành chương trình học kỳ I và triển khai giảng dạy chương trình học kỳ II theo Kế hoạch thời gian năm học 2023-2024.
5. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Khẩn trương triển khai thực hiện các gói thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế…; chủ động triển khai các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết nguyên đán 2024 sắp tới… An toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Tình hình các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, không để dịch bùng phát xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch”. Trong tháng, không ghi nhận ca số rét nào; 203 ca mắc sốt xuất huyết (00 ca tử vong), phát hiện 6 ổ dịch, xử lý 6 ổ dịch; 313 ca mắc bệnh tay chân miệng (không có tử vong); 40 ca tiêu chảy (0 ca tử vong).
Về phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, số HIV mới phát hiện 13 ca, tích lũy 4.102 ca. Số AIDS mới phát hiện 03 ca, tích lũy 2.081 ca; Tử vong do tích lũy 354 ca. Tổng số bệnh nhân điều trị nhiễm trùng cơ hội 29, tổng số bệnh nhân quản lý điều trị Methadone 77 ca.
Các chương trình mục tiêu y tế - dân số khác như: phòng chống suy dinh dưỡng, dân số và phát triển, phòng chống lao, phong, bướu cổ…vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch đề ra.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1945 - 03/02/2024), mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 1.425m2 băng rôn; 7.620m2 pa nô; 2.000m2 banner; treo hơn 5.000 lượt cờ các loại.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Bình Phước” tại Bảo tàng tỉnh. Trong tháng 01, tổng lượt khách tham quan và tương tác là 54.199 lượt (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 1.948 lượt; tại các di tích là 9.004 lượt; tương tác qua nền tảng công nghệ số 43.247 lượt).
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trong tháng, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức biểu diễn thông tin lưu động phục vụ nhân dân được 13 buổi với hơn 6.400 lượt khán giả đến xem; chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ với 24 bộ phim: Tài liệu, ca nhạc, hoạt hình, phim truyện do Cục Điện ảnh cung cấp. Kết quả phục vụ 09 buổi, thu hút hơn 540 lượt người xem; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 08 buổi, thu hút gần 7.000 lượt khán giả.
Hoạt động thư viện: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trưng bày, triển lãm sách, báo phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại Thư viện tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước duy trì chuyên mục “Sách - Người bạn tốt”. Trong tháng, Thư viện tỉnh cấp 16 thẻ thư viện (cấp mới 14 thẻ, 02 thẻ gia hạn); phục vụ được 362.969 lượt bạn đọc (trong đó bạn đọc tại phòng đọc Thư viện: 800 lượt, bạn đọc truy cập website: 362.169 lượt); tổng số tài liệu lưu hành là 4.000 lượt.
Thể dục thể thao: Đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” năm 2024; hỗ trợ các đơn vị tổ chức các hoạt động thể thao mừng Đảng, mừng Xuân 2024. Trong tháng, Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh cử đội tuyển tham dự 03 giải thể thao khu vực, toàn quốc và 01 giải thể thao quốc tế, kết quả đạt 03 HCV, 05 HCB, 08 HCĐ; hỗ trợ 25 lượt trọng tài cho các đơn vị.
Hoạt động du lịch: Tổ chức thành công Không gian trưng bày, quảng bá văn hóa - du lịch - ẩm thực đặc trưng các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 88.750 lượt khách, tăng 8,10% so với tháng trước và tăng 55,87% so với cùng kỳ 2023; trong đó khách nội địa 87.800 lượt khách; khách quốc tế: 950 lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt 50,59 tỷ đồng, giảm 3,72% so với tháng trước và tăng 30,58% so với cùng kỳ năm 2023.
7. Tai nạn giao thông
Trong tháng 01/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 23 người chết, 21 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 01/2024 tăng 116,67%; số người chết tăng 21,05%; số người bị thương tăng gấp 6 lần. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 160,00%; số người chết tăng 43,75%; số người bị thương tăng 162,50%. Nguyên nhân chủ yếu do đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng không nhường đường, tránh vượt sai quy định.
Hình 7.1. Tình hình trật tự, an toàn xã hội tháng 01 năm 2024
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 4.733 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 1.943 phương tiện, tước 1.274 GPLX, cảnh cáo 83 trường hợp, xử lý hành chính 4.430 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước trên 14,61 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (1.835 trường hợp), không có giấy phép lái xe (1.103 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (301 trường hợp), không đi đúng làn đường quy định (111 trường hợp) và vượt nồng độ cồn cho phép (1.317 trường hợp).
8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nào.
Trong tháng, Các cơ quan chức năng đã phát hiện 36 vụ vi phạm môi trường, tiến hành xử lý 24 vụ vi phạm với số tiền xử phạt 70 triệu đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, vi phạm liên quan đến khoáng sản, lâm sản; vi phạm về y tế …