Trên cơ sở số liệu chính thức 9 tháng năm 2024 và ước tháng 10 năm 2024, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo ước tính thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024, như sau:
I. KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Trong tháng, bà con nông dân tiếp tục xuống giống vụ Đông xuân năm 2024-2025 và thu hoạch vụ mùa năm 2024.
Diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến hết tháng 10/2024 ước thực hiện được 23.916 ha, giảm 3,19% (-787 ha) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Cây lúa cả 2 vụ gieo trồng 10.465 ha, giảm 1,44% (-153 ha); Cây bắp 2.832 ha, tăng 0,96% (+27 ha); Khoai lang 134 ha, tăng 97,06% (+66 ha); Khoai mỳ 4.460 ha, giảm 5,55%; Cây mía 98 ha, giảm 2,00% (-2 ha); Rau các loại 2.472 ha, giảm 11,40% (-318 ha); Đậu các loại 149 ha, giảm 12,35% (-21 ha) so cùng kỳ.
Hình 1.1 Diện tích gieo trồng cây hàng năm 10 tháng năm 2024
(So với cùng kỳ năm trước)
Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê. Tổng diện tích hiện có 419.006 ha, giảm 1,31% (-5.574 ha) so với cùng kỳ. Các loại cây lâu năm của tỉnh vẫn phát triển ổn định, giá các sản phẩm như cao su, hồ tiêu, cà phê, sầu riêng tăng cao nên người dân tiếp tục đầu tư thâm canh.
Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
Giá một số hàng nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 10/2024 như sau: Mủ cao su sơ chế 45.982 đồng/kg, cà phê nhân 68.895 đồng/kg, hạt điều khô 34.957 đồng/kg, hạt tiêu khô 142.703 đồng/kg.
b. Chăn nuôi
Ước tính đến cuối tháng 10/2024, tổng đàn trâu 12.095 con, giảm 2,62% (-325 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 520 con, giảm 7,14% (-40 con), lũy kế ước đạt 4.603 con, giảm 1,79% (-84 con); sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 132 tấn, tăng 3,2% (+4 tấn), lũy kế ước đạt 1.170 tấn, tăng 2,55% (+29 tấn) so với cùng kỳ.
Đàn bò hiện có 39.055 con, giảm 2,86% (-1.149 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 1.380 con, giảm 4,17% (-60 con), lũy kế ước đạt 13.948 con, giảm 2,60% (-373 con); sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 268 tấn, giảm 3,21% (-9 tấn), lũy kế ước đạt 2.711 tấn, giảm 1,63% (-45 tấn).
Đàn heo hiện có 2.108,5 nghìn con, tăng 12,49% (+234,0 nghìn con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng trong tháng ước đạt 211,3 nghìn con, giảm 3,86% (-8.480 con), lũy kế ước đạt 2.508,7 nghìn con, tăng 18,31% (+388,2 nghìn con); sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 21,9 nghìn tấn, giảm 3,45% (-0,8 nghìn tấn), lũy kế ước đạt 260,8 nghìn tấn, tăng 18,81% (+41,3 nghìn tấn).
Đàn gia cầm hiện có 10.750 nghìn con, tăng 2,67% (+280 nghìn con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 9,4 nghìn tấn, tăng 19,11% (+1,5 nghìn tấn), lũy kế ước đạt 79,5 nghìn tấn, tăng 6,08% (+4,5 nghìn tấn); sản lượng trứng thu trong tháng ước đạt 65,0 triệu quả, tăng 1,03 lần (+33,0 triệu quả), lũy kế ước đạt 367,8 triệu quả, tăng 14,99% (+47,9 triệu quả). Trong đó đàn gà hiện có 10.408 nghìn con, tăng 2,67% (+271 nghìn con) so với cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng trong tháng ước đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 19,11% (+1,4 nghìn tấn), lũy kế đến ước đạt 76,9 nghìn tấn, tăng 6,08% (+4,4 nghìn tấn), sản lượng trứng thu trong tháng ước đạt 64,2 triệu quả, tăng 1,03 lần (+32,6 triệu quả), lũy kế ước đạt 363,7 triệu quả, tăng 14,99% (+47,4 triệu quả).
Hình 1.1. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm 10 tháng năm 2024
(So với cùng kỳ năm trước)
Công tác thú y: Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trong tháng ổn định không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn xảy ra; Trước những diễn biến khá phức tạp của thời tiết, người chăn nuôi luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với những tình huống, khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để thực hiện các biện pháp chăm sóc đàn vật nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa nên gia súc, gia cầm bị giảm sức đề kháng, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh. Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo bà con nông dân khi tái đàn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống và thức ăn, tiêm phòng đầy đủ định kỳ cho đàn vật nuôi.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng, các ngành chức năng tiếp tục duy trì thực hiện công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh, các khu vực giáp ranh, chú trọng một số khu vực trọng điểm thường xảy ra các hành vi gây xâm hại đến rừng và lâm sản.
Trồng rừng: Trong tháng 10 toàn tỉnh không thực hiện trồng rừng tập trung, lũy kế 10 tháng toàn tỉnh ước tính trồng 800 ha, giảm 11,60% (-105 ha) so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 450 nghìn cây, tăng 3 nghìn cây so với cùng kỳ.
Hình 1.2. Lĩnh vực lâm nghiệp 10 tháng năm 2024
(So với cùng kỳ năm trước)
Khai thác: trong tháng ước tính khai thác được 1.610 m3 gỗ, giảm 8% (-140 m3) so với cùng kỳ, luỹ kế ước đạt 64.803 m3 gỗ, tăng 15,44% (+8.688 m3). Lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 250 Ste (-15 Ste), lũy kế ước đạt 11.993 Ste, tăng 8,10% (+899 Ste). Trong tháng vẫn còn mưa nên không xảy ra vụ cháy rừng nào.
1.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương phối hợp tuyên truyền người nuôi trồng thủy sản chủ động phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát các mối nguy tiềm ẩn có thể phát sinh thành bệnh; chủ động trong công tác phòng bệnh để hạn chế dịch bệnh xảy ra. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có là 1.104 ha; Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 189 tấn, giảm 2,58% (-5 tấn) so cùng kỳ (trong đó: khai thác thủy sản nội địa 38 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 151 tấn). Lũy kế sản lượng thủy sản ước thực hiện 1.743 tấn, giảm 2,08% so cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 năm 2024 ước tính tăng 7,26% so tháng trước và tăng 20,31% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,03% so với tháng trước, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những bước chuyển khá tích cực khi tăng lần lượt 7,33%, tăng 20,71%; Tình hình sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định đã tạo đà cho nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng lần lượt 6,87%, tăng 14,57%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,89%, tăng 11,14%.
Hình 2.1 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2024
(So với cùng kỳ năm trước)
Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng khá ấn tượng thể hiện sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, quyết sách đúng đắn của Chính phủ, Chính quyền tỉnh nhà. Trong 04 nhóm ngành chính đều đạt được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, khai khoáng (+12,22%); Chế biến, chế tạo (+17,71%); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (+10,21%); Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+7,40%).
Một số ngành chế biến chế tạo có chỉ số IIP tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước gồm: Sản xuất xe có động cơ (+98,43%); Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (+27,48%); In, sao chép bản ghi các loại (+26,69%); Sản xuất chế biến thực phẩm (+22,14%); Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+15,75%)… Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn còn gặp khó khăn như ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-15,28%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-4,11%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-3,65%)…
Lũy kế 10 tháng năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ như: Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản (trừ tà vẹt) (+1,62 lần); Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại (+45,63%); Dịch vụ sản xuất giày, dép (+12,92%); Thịt gà đông lạnh (+5,99%)... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo (-38,30%); Dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự (-11,68%); Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn (-3,65%)…
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10 tăng 2,95% so với tháng trước và tăng 9,74% so cùng kỳ, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định so với tháng trước và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước; Lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước (+0,45%) và (+1,50%); Lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (+3,46%) và (+11,57%).
Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,73% so với cùng kỳ, riêng ngành khai khoáng có chỉ số sử dụng lao động tăng khá cao so với cùng kỳ (+16,77%), góp phần kìm hãm mức giảm chung của toàn ngành, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+0,68%); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (+0,55%); Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+1,60%) so với cùng kỳ năm trước.
3. Phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 108 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 768,46 tỷ đồng; 30 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động; 14 doanh nghiệp đăng ký giải thể; 38 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, có 968 doanh nghiệp đăng ký thành lập (đạt 88% kế hoạch), với số vốn đăng ký là 13.017 tỷ đồng; 315 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động; 107 doanh nghiệp đăng ký giải thể; 716 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Trong tháng, thành lập mới 04 hợp tác xã; Tính chung 10 tháng đầu năm 2024 thành lập mới 27 hợp tác xã, đạt 90% kế hoạch.
4. Kim ngạch xuất, nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu: Trong tháng 10/2024 ước đạt 545,10 triệu USD, tăng 6,40% so với tháng trước và tăng 35,14% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước 10 tháng đầu năm đạt 4.230,40 triệu USD, tăng 26,28% so với cùng kỳ, đạt 92,77% so với kế hoạch năm 2024.
Kim ngạch nhập khẩu: Trong tháng 10/2024 ước đạt 354,70 triệu USD, tăng 9,14% so với tháng trước và tăng 33,85% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước 10 tháng đầu năm đạt 2.672,55 triệu USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ, đạt 93,45% so với kế hoạch năm 2024.
5. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2024 ước đạt 7.867,85 tỷ đồng, tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 17,89% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 73.204,47 tỷ đồng, tăng 13,94% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động bán lẻ hàng hóa: Tổng mức bán lẻ tháng 10/2024 ước đạt 6.370,85 tỷ đồng, tăng 2,01% so với tháng trước và tăng 17,60% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng hoạt động bán lẻ hàng hóa ước đạt 59.728,96 tỷ đồng, tăng 14,12% so với cùng kỳ năm trước, trong 12/12 nhóm hàng hầu hết đều tăng so với cùng kỳ.
Hình 5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ
tiêu dùng 10 tháng năm 2024
(So với cùng kỳ năm trước)
Dịch vụ lưu trú, ăn uống: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 10 năm 2024 ước đạt 710,82 tỷ đồng, tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế ước đạt 6.692,31 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ, trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 239,92 tỷ đồng, tăng 11,83%; Dịch vụ ăn uống ước đạt 6.452,39 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch lữ hành: Doanh thu du lịch lữ hành tháng 10 năm 2024 ước đạt 2,48 tỷ đồng, tăng 2,94% so với tháng trước, tăng 88,57% so với cùng kỳ. Lũy kế ước đạt 20,58 tỷ đồng, tăng 58,50% so với cùng kỳ.
Dịch vụ khác: Các hoạt động vui chơi, giải trí, karaoke, mátxa, spa, quán bar, dịch vụ làm đẹp... có xu hướng tăng trưởng khá. Doanh thu dịch vụ khác tháng 10 năm 2024 ước đạt 783,70 tỷ đồng, tăng 4,52% so với tháng trước, tăng 25,65% so với cùng kỳ. Lũy kế ước đạt 6.762,62 tỷ đồng, tăng 15,55% so với cùng kỳ.
5.2. Giao thông vận tải
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 10/2024 ước đạt 280,17 tỷ đồng, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 12,63% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2024 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát ước đạt 2.682,55 tỷ đồng, tăng 15,97% so với cùng kỳ. Cụ thể: Vận tải hành khách ước đạt 1.506,09 tỷ đồng, tăng 13,89%; Vận tải hàng hóa ước đạt 1.073,17 tỷ đồng, tăng 18,15%; Dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 38,13 tỷ đồng, tăng 17,33%; Dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 65,17 tỷ đồng, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm trước.
Hình 5.2. Hoạt động vận tải 10 tháng năm 2024
(So với cùng kỳ năm trước)
Vận tải hành khách: Trong tháng 10/2024, số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 633,95 nghìn hành khách, tăng 0,93% so với tháng trước và tăng 8,92% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển ước tính đạt 149,23 triệu hành khách.km, tăng 0,91% và tăng 18,27%. Lũy kế số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 6.172,18 nghìn hành khách, tăng 8,33%; Số lượt hành khách luân chuyển 1.384,67 triệu hành khách.km, tăng 13,70% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 10/2024 ước đạt 195,92 nghìn tấn, tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 16,55% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 28,23 triệu tấn.km, tăng 0,51% và tăng 21,97%. Lũy kế khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.847,40 nghìn tấn, tăng 16,43% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 268,73 triệu tấn.km, tăng 22,54%.
6. Giá cả thị trường
Tình hình giá cả thị trường tháng 10/2024 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động tăng so với tháng trước. Do việc điều chỉnh giá xăng, gas giảm và giá dầu tăng trong tháng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 tăng 0,21% so với tháng trước.
Trong mức tăng 0,21% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng giữ giá ổn định.
- Mười nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
+ Nhóm giao thông tăng 0,58% chủ yếu do: Giá dầu diezen tăng 2,27%; Giá xăng tăng 0,92% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; Một số dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 3,08% (trong đó: sửa chữa xe máy tăng 3,09%) do chi phí nhân công tăng, phụ tùng linh kiện đi kèm cũng lên giá do chi phí nhập khẩu tăng. Bên cạnh đó, vào dịp những tháng cuối năm các hãng xe có nhiều chính sách giảm giá hấp dẫn để thu hút khách hàng.
+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,38% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,48%; Sữa chữa thiết bị gia đình tăng 0,84%; dịch vụ trong gia đình tăng 2,73% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng.
+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,30% chủ yếu do giá ở các nhóm hàng đồ trang sức do biến động giá vàng trong nước tăng; giá dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 1,32% do chi phí nhân công tăng.
+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau: chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,24%; Giá thực phẩm tăng 0,36% so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ tăng như: Giá thịt lợn tăng 0,16%, Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,66%. Bên cạnh đó, giá thủy sản tươi sống giảm 0,17% do nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ giảm.
+ Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% do nguyên liệu sản xuất đồ uống, thuốc lá tăng. Cụ thể: Bia các loại tăng 0,06%; thuốc hút tăng 0,01% so với tháng trước.
Hình 6.1. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2024
+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09% do chi phí dược liệu sản xuất tăng.
+ Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,04% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công tăng và nhu cầu mua sắm tăng, trong đó: Quần áo may sẵn tăng 0,10%; Dịch vụ may mặc tăng 0,17%.
+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,03%. Cụ thể: Giá nước sinh hoạt tăng 2,37% do nhu cầu sử dụng tăng; Giá dầu hỏa giảm 1% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; Giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg theo giá gas thế giới. Ở chiều ngược lại: giá điện sinh hoạt giảm 1,62% do nhu cầu sử dụng của người dân giảm.
+ Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,01%.
+ Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%
Nhóm giáo dục có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/10/2024, giá vàng tăng 4,93% so với tháng trước, tăng 44,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 29,98%.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Tại thị trường trong nước giá bình quân đồng USD ở thị trường tự do đến ngày 25/10/2024 ở mức 24.986 VND/USD, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,96%.
7. Tài chính, ngân hàng
7.1. Tài chính
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2024 ước thực hiện được 8.418,65 tỷ đồng, đạt 66,08% dự toán HĐND tỉnh thông qua và giảm 10,95% so với cùng kỳ. Trong đó:
+ Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 699,41 tỷ đồng, đạt 72,10% dự toán năm và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm 2023; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 623,04 tỷ đồng, đạt 117,33% và tăng 72,64%; Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 1.937,30 tỷ đồng, đạt 94,50% và tăng 17,12%; Thu tiền sử dụng đất 449,47 tỷ đồng, đạt 13,37% và giảm 55,37%.
- Chi ngân sách nhà nước địa phương:
Tổng chi ngân sách địa phương 10 tháng năm 2024 ước thực hiện 9.890,26 tỷ đồng, đạt 59,16% dự toán HĐND tỉnh thông qua và giảm 9,59% so với cùng kỳ. Trong đó:
+ Chi đầu tư phát triển: 3.650,38 tỷ đồng, đạt 64,84% dự toán HĐND tỉnh thông qua và giảm 35,16% so với cùng kỳ.
+ Chi thường xuyên: 6.239,88 tỷ đồng, đạt 71,15% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 17,53% so với cùng kỳ.
7.2. Ngân hàng
a) Tình hình thực hiện lãi suất: Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nên kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bình quân lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023.
b) Huy động vốn và hoạt động tín dụng
Huy động vốn: Đến cuối tháng 10/2024, huy động vốn trên địa bàn ước đạt 59.552 tỷ đồng, tăng 590 tỷ đồng (+1%) so với tháng trước và tăng 4.781 tỷ đồng (+8,72%) so với cuối năm 2023.
Hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 126.337 tỷ đồng, tăng 1.251 tỷ đồng (+1%) so với tháng trước và tăng 6.042 tỷ đồng (+5,02%) so với cuối năm 2023.
8. Đầu tư
8.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Dự kiến trong tháng 10 năm 2024 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 491,4 tỷ đồng, tăng 7,49% so với tháng trước và tăng 14,70% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 401,06 tỷ đồng, tăng 7,45% so với tháng trước và tăng 46,01% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 90,42 tỷ đồng, tăng 7,69% so với tháng trước và giảm 41,22% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2024, khối lượng đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.571,63 tỷ đồng, bằng 64,06% kế hoạch vốn cả năm 2024, tăng 11,41% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 2.933,32 tỷ đồng, tăng 38,45% so với cùng kỳ và vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 638,32 tỷ đồng, giảm 41,29% so với cùng kỳ.
Hình 8.1. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
do địa phương quản lý 10 tháng năm 2024
(so với cùng kỳ năm trước)
Giải ngân vốn đầu tư công: Kết quả giải ngân đến ngày 28/10/2024 là 1.698,29 tỷ đồng, đạt 30,6% so với chỉ tiêu trung ương giao và đạt 30,5% so với kế hoạch năm tỉnh giao, cụ thể: Vốn ngân sách trung ương đạt 30,20%; Vốn ngân sách địa phương đạt 30,50%. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nguyên nhân do thu tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, trong khi vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trên tổng vốn đầu tư công của tỉnh, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án từ nguồn vốn này.
8.2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước
- Thu hút đầu tư trong nước: Trong 10 tháng năm 2024 thu hút được 01 dự án, số vốn thu hút là 245 tỷ đồng (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng), đạt 3,5% kế hoạch đề ra.
- Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 10 tháng đầu năm thu hút được 20 dự án, số vốn thu hút được là 195,07 triệu USD (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng), đạt 48,77% kế hoạch đề ra.
II. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm
Trong tháng đã giải quyết việc làm cho 4.460 lao động, lũy kế giải quyết việc làm cho 45.093 lao động, đạt 104,9% kế hoạch năm.
Công tác đào tạo nghề, trong tháng đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.878 lao động, lũy kế hỗ trợ đào tạo nghề cho 23.918 lao động, đạt 199% kế hoạch năm.
1.1. Công tác người có công
Tỉnh thực hiện chăm lo cho người có công cách mạng. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, thường xuyên từ các cấp cơ sở, địa phương trên tinh thần thực hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Công tác giải quyết hồ sơ: trong thời gian qua đã giải quyết được 125 hồ sơ, trong đó tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công là 101 hồ sơ và tiếp nhận tại sở là 24 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp và phụ cấp theo quy định.
1.2. Công tác an sinh xã hội
- Giảm nghèo: Tập huấn nâng cao năng lực về quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho cán bộ cơ sở. Tiếp tục rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp định kỳ năm 2024.
- Bảo trợ xã hội: Xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh năm 2024; Rà soát, bổ sung thông tin danh sách người cao tuổi (thọ 90 tuổi). Tiếp tục tổng hợp, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội.
- Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh thông qua Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 sau giám sát.
1.3. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Xây dựng Dự thảo Quyết định Quy định định mức giá dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước.
2. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2024:
Hướng dẫn kiểm tra định kỳ năm học 2024-2025 đối với cấp Tiểu học; xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn và tổ chức kiểm tra chuyên môn tại một số địa Phương.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước lớp 5, lớp 9, 12.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại các huyện, thị xã, thành phố. Đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh có 211/390 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 54,1% so với tổng số trường công lập trên địa bàn tỉnh (tăng 04 trường so với tháng trước).
3. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng
- Tình hình dịch bệnh:
+ Sốt xuất huyết (SXH): Tổng số mắc sốt xuất huyết trong tháng là 338 ca (01 ca tử vong) giảm 205 ca so với tháng trước. Cộng dồn: 1.845 ca (tử vong 02 ca), giảm 42,50% so với cùng kỳ. Phát hiện 585 ổ dịch và xử lý 585 ổ dịch.
+ Sốt rét: Trong tháng không ghi nhận mắc. Cộng dồn: 01 ca, giảm 04 ca so với cùng kỳ.
+ Tay chân miệng (TCM): Trong tháng ghi nhận 52 ca mắc (0 tử vong) giảm 9 ca so với tháng trước. Cộng dồn: ghi nhận 636 ca, giảm 40,2% so với cùng kỳ.
- Ngoài ra, trong tháng trên địa bàn tỉnh ghi nhận các bệnh: Tiêu chảy 67 ca, tăng 15 ca so với tháng trước. Cộng dồn 622 ca, tăng 80 ca so với cùng kỳ; Thủy đậu 01 ca mắc. Cúm 212 ca, tăng 97 ca so với tháng trước. Cộng dồn 1.435 ca; Viêm gan virút B 03 ca. Cộng dồn 89 ca; Các bệnh truyền nhiễm khác: chưa ghi nhận lây lan, bùng phát thành dịch.
- Tình hình khám, chữa bệnh:
Tổng số lượt khám, chữa bệnh tháng là 2.507.142, tăng 11% so với cùng kỳ; Số lượt khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập là 667.557, tăng 8,7% so với cùng kỳ; Cơ sở y tế tư nhân: 667.557 lượt, tăng 17,9% cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 35%.
Các chương trình mục tiêu y tế - dân số khác như: phòng chống suy dinh dưỡng, dân số và phát triển, phòng chống lao, phong, bướu cổ…vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch đề ra.
4. Hoạt động văn hóa, thể thao
- Lĩnh vực văn hóa:
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 1.320 m2 băng rôn; 4.000m2 panô; 1.100m2 banner; treo 3.300 lượt cờ các loại, tuyên truyền 170 giờ bằng xe tuyên truyền lưu động; viết bài đăng trên website của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Thực hiện khảo sát bổ sung tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng để viết lý lịch di sản văn hóa phi vật thể “Nghề giã gạo chày tay của người S'tiêng, người M’nông tỉnh Bình Phước”. Trong tháng, tổng lượt khách tham quan và tương tác là 38.562 lượt (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 1.365 lượt; tại các di tích là 3.956 lượt; tương tác qua nền tảng công nghệ số 31.317 lượt).
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Tổ chức thành công Liên hoan các Câu lạc bộ văn nghệ quần chúng lần thứ I, năm 2024. Trong tháng, Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng, tập luyện chương trình và biểu diễn phục vụ cơ sở 06 buổi, thu hút khoảng 770 khán giả xem và cổ vũ; tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa với 20 bộ phim, kết quả phục vụ 51 buổi, thu hút khoảng 2.000 lượt người xem; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 02 buổi, thu hút khoảng 800 lượt khán giả.
Hoạt động thư viện: Triển khai thực hiện mô hình thư viện lưu động, thư viện kết hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng phục vụ người dân học tập suốt đời tại cơ sở. Trong tháng, Thư viện tỉnh cấp 08 thẻ thư viện (cấp mới 04 thẻ, 04 thẻ gia hạn); phục vụ 464.127 lượt bạn đọc.
- Lĩnh vực thể thao: Trong tháng, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể Thao tỉnh cử đội tuyển tham dự 14 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, kết quả đạt 11 HCV, 12 HCB, 25 HCĐ; hỗ trợ các sở, ngành tổ chức 04 giải thể thao với 48 lượt trọng tài.
- Lĩnh vực du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan ước đạt 78.980 lượt khách (Trong đó: khách nội địa 78.000 lượt khách) giảm 49,32% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 45,41 tỷ đồng, giảm 47,68% so với tháng trước và giảm 19,15% so với cùng kỳ năm 2023.
5. Trật tự an toàn xã hội
5.1. Tình hình cháy, nổ
Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy; Lũy kế đầu năm đến nay xảy ra 10 vụ cháy và 1 vụ nổ, tăng 83,33% so với cùng kỳ năm trước, làm 2 người bị thương và 1 người chết, thiệt hại tài sản các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê.
5.2. Tai nạn giao thông
Trong tháng 10 năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm 18 người chết, 13 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng không tăng không giảm; số người chết giảm 18,18%; số người bị thương giảm 7,14%. Nguyên nhân chủ yếu do chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, chuyển hướng không nhường đường và đã sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông.
Lũy kế đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 296 vụ tai nạn giao thông, giảm 12,43% so với cùng kỳ năm 2023; 195 người chết, giảm 10,96%; 164 người bị thương, giảm 3,53%.
Hình 5.1. Tình hình trật tự, an toàn xã hội 10 tháng năm 2024
6. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, do ảnh hưởng của thời tiết, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra 02 vụ thiên tai, tăng 01 vụ so với tháng trước. Mưa lớn, lũ cuốn làm nhiều tài sản bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1,20 tỷ đồng.
7. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng, lực lượng chức năng đã phát hiện 30 vụ vi phạm môi trường, đã tiến hành xử lý 30 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 633,60 triệu đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản, khai thác đất, cát trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường… Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 188 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 129 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 1,24 tỷ đồng.