Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023

Thứ ba - 29/08/2023 09:24
Trên cơ sở số liệu chính thức 7 tháng năm 2023 và ước tháng 8/2023, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo ước tính thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023, như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt 

Tháng 8 thời tiết đang là mùa mưa, các địa phương tiếp tục xuống giống, chăm sóc, thu hoạch cây hàng năm vụ Mùa và các vườn cây lâu năm. Tính đến ngày 15/8/2023, tình hình sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện  24.031 ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ (trong đó tiến độ gieo trồng Vụ mùa đạt 18.376 ha, giảm 2,51% so với cùng kỳ năm trước), cụ thể như sau: 
- Lúa mùa 7.265 ha, giảm 1,22% (-90 ha) so với cùng kỳ năm trước;
- Cây bắp 2.626 ha, 1,46% (-39 ha) so cùng kỳ;
- Khoai lang 374 ha, giảm 16,89% (-76 ha) so cùng kỳ; khoai mỳ 4.619 ha, giảm 5,75% (-282 ha);
- Cây mía 162 ha, giảm 7,95% (-14 ha). Diện tích cây mía của tỉnh nhỏ lẻ, được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến nước giải khát;
- Rau các loại 2.694 ha, giảm 2,81% (-78 ha); đậu các loại 190 ha, giảm 22,76% (-56 ha).
Nhìn chung tiến độ gieo trồng vụ Mùa năm 2022 đạt so với kế hoạch đề ra  Bên cạnh đó một số cây chủ yếu trồng xen cây lâu năm, khi cây lâu năm đã khép tán là nguyên nhân chính khiến cho một số cây trồng xen trong cây lâu năm không còn đất để trồng nên tiến độ gieo trồng năm nay giảm so với năm ngoái.
Các loại cây lâu năm của tỉnh phát triển ổn định, tháng 8/2023 cây cao su và các loại cây ăn trái đang tiếp tục thu hoạch. Tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh ước tính có 439.845 ha, giảm 0,04% so cùng kỳ năm trước, trong đó:
Cây ăn trái ước tính hiện có 14.890 ha, tăng 3,42% (+493 ha) so với cùng kỳ.
Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê. Tổng diện tích hiện có 424.247 ha, giảm 0,23% (-987 ha) so với cùng kỳ, chia ra: cây điều hiện có 151.866 ha, giảm 141 ha, sản lượng ước đạt 199.042 tấn, tăng 27.166 tấn; cây hồ tiêu hiện có 13.587 ha, giảm 277 ha, sản lượng ước đạt 23.508 tấn, giảm 2.602 tấn; cây cao su 244.751 ha, giảm 624 ha, sản lượng đạt 209.145 tấn, tăng 5.679 tấn so với cùng kỳ; cây cà phê 14.043 ha, tăng 55 ha, sản lượng cà phê chưa thu hoạch. 
Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật được ngành Nông nghiệp tỉnh duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức độ nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. 
Giá một số hàng nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 8/2023 như sau: Mủ cao su sơ chế 28.039 đồng/kg, cà phê nhân 45.413 đồng/kg, hạt điều khô 32.380 đồng/kg, hạt tiêu khô 71.361 đồng/kg.
b. Chăn nuôi 
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng qui mô sản xuất cũng như qui mô đàn; số lượng gia súc, gia cầm ước tháng 8/2023 gồm có:
- Đàn trâu: 13.870 con, tăng 0,29% so cùng kỳ. Cộng dồn đến tháng 8 số con xuất chuồng đạt 3.856 con, tăng 0,44% (+17 con); sản lượng xuất chuồng 883 tấn, tăng 0,88% (+8 tấn) so với cùng kỳ.
- Đàn bò: 40.175 con, tăng 0,14% so cùng kỳ. Cộng dồn đến tháng 8 số con xuất chuồng đạt 11.011 con, giảm 0,21% (-23 con); sản lượng xuất chuồng 1.949 tấn, giảm 0,21% (-4 tấn) so với cùng kỳ.
 - Đàn heo: 1.955.110 con, tăng 19,19% so cùng kỳ. Cộng dồn đến tháng 8 số con xuất chuồng đạt 1.630.881 con, tăng 35,58% (+427.964 con); sản lượng xuất chuồng 161.457 tấn, tăng 39,81% (+45.977 tấn) so cùng kỳ. 
 - Đàn gia cầm: 9.889 ngàn con, tăng 9,71% so cùng kỳ. Cộng dồn đến tháng 8 sản lượng thịt hơi đạt 59.861 tấn, tăng 42,11%   (+17.737 tấn); sản lượng trứng thu 258.375 ngàn quả, tăng 54,45% (+91.083 ngàn quả) so cùng kỳ.
Công tác thú y: Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trong tháng ổn định không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, duy trì các chốt kiểm dịch động vật, xử lý dứt điểm các ổ dịch tại các xã khi có dịch theo đúng các quy định hiện hành.
1.2. Lâm nghiệp 
Trong tháng, lượng mưa đã tương đối đều các đơn vị được giao trồng rừng đang khẩn trương triển khai trồng rừng theo kế hoạch năm 2023, ước tính trong tháng toàn tỉnh trồng được 450 ha, lũy kế đến tháng 8 toàn tỉnh ước trồng được 800 ha (-273 ha) so với cùng kỳ.
Về khai thác, ước tính trong tháng khai thác được 3.503 m3 gỗ, giảm 677 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 1.101 Ste, giảm 224 Ste so với năm trước. Lũy kế 8 tháng khai thác được 29.068 m3 gỗ, giảm 5.679 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 8.709 Ste, giảm 1.725 Ste so với năm trước. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.
1.3. Thủy sản 
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 184 tấn (trong đó: khai thác thủy sản nội địa 26 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 158 tấn). Lũy kế 8 tháng, sản lượng thủy sản ước thực hiện 1.469 tấn, giảm 2,07% so cùng kỳ, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhỏ, lẻ, nuôi trong ao, hồ và số ít nuôi cá lồng bè; phần lớn diện tích nuôi để tiêu dùng nên năng suất cũng như hiệu quả thu được trên một hecta nuôi trồng không cao.
2. Sản xuất công nghiệp 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 ước đạt 103,47% so với tháng trước và 113,52% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 3,47% so với tháng trước, tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,46% so với tháng trước, tăng 22,00% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 3,52%, tăng 13,86%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,31%, tăng 5,35%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12%, tăng 6,75%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 7,31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,51%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,88%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,07%. 
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 56,79%; Sản xuất kim loại tăng 38,14%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,46%; Sản xuất đồ uống tăng 1,72%. Một số ngành có mức giảm như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 29,06%; Sản xuất trang phục giảm 24,55%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 9,60%... 
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Chì chưa gia công tăng 55,00%; Thịt gà đông lạnh tăng 25,52%; Hạt điều khô tăng 19,92%; Đá xây dựng khác tăng 10,58%; Điện thương phẩm tăng 7,56%. Một số sản phẩm có mức giảm như: Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) giảm 61,72%; Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 27,10%; Dịch vụ sản xuất giày, dép giảm 18,53%; Dịch vụ đúc gang, sắt, thép giảm 13,97%...
So với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động đến cuối tháng 8 năm 2023 giảm 11,08%, trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 3,70%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 41,79%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,28%. Trong ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao so cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 67,27%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 30,58%; Khai khoáng khác tăng 28,71%; Sản xuất kim loại tăng 20,14%...
3. Tình hình hoạt động doanh nghiệp
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 86 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 944,83 tỷ đồng. 
Lũy kế 8 tháng năm 2022, có 699 doanh nghiệp đăng ký thành lập (đạt 58,3% kế hoạch), với số vốn đăng ký là 10.350,22 tỷ đồng (đạt 59,14% kế hoạch); 281 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 362 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng; 84 doanh nghiệp đăng ký giải thể. 
4. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2023 ước tính đạt 6.567,42 tỷ đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 13,79% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 50.966,12 tỷ đồng, tăng 21,01% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước tính 5.341,29 tỷ đồng, tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 11,36% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ ước đạt 41.547,07 tỷ đồng, tăng 18,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành đạt doanh thu cao, tăng mạnh so với năm trước như: 
+ Lương thực, thực phẩm tháng 8 ước đạt 3.087,69 tỷ đồng, tăng 0,52% so với tháng trước, tăng 11,61% so với cùng kỳ; Luỹ kế 8 tháng đầu năm ước đạt  24.037,35 tỷ đồng, tăng 16,12% so với cùng kỳ năm trước.
+ Hàng may mặc tháng 8 ước đạt 291,75 tỷ đồng, tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 6,40% so với cùng kỳ; Luỹ kế 8 tháng đầu năm ước đạt 2.288,87 tỷ đồng, tăng 15,03% so với cùng kỳ năm trước.
+ Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tháng 8 ước đạt 545,96 tỷ đồng, tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 7,57% so với cùng kỳ; Luỹ kế 8 tháng đầu năm ước đạt 4.256,88 tỷ đồng, tăng 16,37% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 8 năm 2023 ước đạt 614,70 tỷ đồng, tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 9,54% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8 tháng đầu năm doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 4.794,86 tỷ đồng, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú ước đạt 169,76 tỷ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 4.625,10 tỷ đồng, tăng 18,21% so với cùng kỳ.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 8 năm 2023 ước đạt 1,28 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 7,88% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8 tháng đầu năm doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 10,38 tỷ đồng, tăng 110,06% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ khác ước tháng 8 năm 2023 đạt 610,15 tỷ đồng, tăng 0,79% so với tháng trước, tăng 47,80% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8 tháng đầu năm doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.613,81 tỷ đồng, tăng 60,60% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Giao thông vận tải 
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 8/2023 ước đạt 245,36 tỷ đồng, tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 69,19% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8 tháng doanh thu ước đạt 1.816,20 tỷ đồng, tăng 76,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Vận tải hành khách: Trong tháng, số lượt hành khách vận chuyển ước
đạt 580,75 ngàn hành khách, tăng 0,77% so với tháng trước và tăng 102,60% so
với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 124,55 triệu hành khách.km, tăng 1,01% và tăng 103,20%; doanh thu ước tính đạt 140,74 tỷ đồng, tăng 1,06% và tăng 104,88%. 
Lũy kế 8 tháng đầu năm, số lượt hành khách vận chuyển đạt 4.550,94 ngàn lượt hành khách, tăng 160,14% so với cùng kỳ năm trước; Số lượt hành khách luân chuyển đạt 962,33 triệu lượt hành khách.km, tăng 161,98%; doanh thu đạt 1.044,35 tỷ đồng, tăng 162,13%.
Vận tải hàng hóa: Trong tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt
165,99 ngàn tấn, tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 33,24% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 22,78 triệu tấn.km, tăng 0,13% và tăng 34,42%; doanh thu ước tính đạt 95,67 tỷ đồng, tăng 0,17% và tăng 35,78%. 
Lũy kế 8 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.247,03 ngàn tấn, tăng 18,01% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 171,97 triệu tấn.km, tăng 19,81%; doanh thu đạt 707,83 tỷ đồng, tăng 20,73%.
Hoạt động hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát: Trong tháng, doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 3,41 tỷ đồng, tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 29,24% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 5,53 tỷ đồng, tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 71,66% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 25,46 tỷ đồng, tăng 27,87% so với cùng kỳ; hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 38,55 tỷ đồng, tăng 65,09% so với cùng kỳ năm trước.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ  
1. Chỉ số giá

Tình hình giá cả thị trường tháng 8/2023 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động tăng nhẹ so với tháng trước. Nhu cầu mua sắm sách vở, quần áo và các dụng cụ học tập cho năm học mới tăng; Giá gas, xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới trong tháng là những nguyên nhân chủ yếu làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,62% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 năm 2023 tăng 3,32% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,57%. Bình quân 8 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. 
Trong mức tăng 0,62% của CPI tháng 08/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
- Mười nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
+ Nhóm giao thông tăng 4,10% chủ yếu do giá xăng dầu điều chỉnh tăng 3 đợt trong tháng làm cho chỉ số giá nhóm xăng, dầu tăng 9,24% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,35%. Bên cạnh đó, giá phụ tùng xe đạp tăng 0,04% do nhu cầu sử dụng của học sinh vào năm học mới tăng.
+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,73% chủ yếu tập trung một số mặt hàng sau: chỉ số giá nhóm gạo tăng 6,03% do giá gạo xuất khẩu tăng nên đẩy giá gạo trong nước tăng theo; chỉ số giá thịt heo tăng 0,16% do hiện tại số lượng chăn nuôi heo giảm, giá thức ăn, thuốc thang phục vụ chăn nuôi có chi phí khá cao; Giá các loại rau tươi khô và chế biến tăng 1,60% do trong tháng thời tiết mưa nắng thất thường đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhiều loại rau, củ nên nguồn cung rau giảm...
+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,28%, cụ thể: Giá đồ dùng cá nhân tăng 0,80%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,17%; giá dịch vụ về hiếu tăng 0,29%.
+ Nhóm giáo dục tăng 0,25% tăng chủ yếu ở giá sách giáo khoa do chương trình mới ngành giáo dục.
+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,22% chủ yếu: giá gas tăng 7,71%, giá dầu hỏa tăng 15,99% do điều chỉnh mức tăng tương ứng so với giá gas và giá dầu thế giới. Ở chiều ngược lại: Tiền nhà thuê giảm 0,27% do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không có nhiều hợp đồng, đơn hàng nên cắt giảm nhân công khiến đời sống khó khăn.
+ Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,12% do nhu cầu mua sắm cho học sinh chuẩn bị vào năm học tăng. Trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,09%; mũ nón tăng 0,96%; dịch vụ may mặc tăng 3,87%.
+ Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,12%.
+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%. 
+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% do chi phí dược liệu sản xuất tăng. Bên cạnh đó, thời tiết dễ gây bệnh trên người già và trẻ nhỏ, nguồn cung các thiết bị y tế và thuốc có phần khan hiếm đẩy giá một số loại thuốc thông dụng tăng giá.
+ Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,02%.
- Một nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
+ Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 2,77% do nhu cầu tiêu dùng giảm, đồng thời Nhà Nước hỗ trợ giảm thuế GTGT 2% từ 01/07/2023 theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã được Chính phủ áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp/tổ chức, cá nhân phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, giá nước khoáng và nước có ga giảm 2,07% so với tháng trước; bia các loại giảm 6% và thuốc hút giảm 2,63%. 
Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 22/8/2023, giá vàng tăng 0,84% so với tháng trước; tăng 3,28% so với tháng 12/2022; tăng 5,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 1,16%.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Tại thị trường trong nước giá bình quân đồng USD ở thị trường tự do đến ngày 22/8/2023 ở mức 23.912 VND/USD, tăng 0,52% so với tháng trước, giảm 1,02% so với tháng 12/2022 và tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng đầu 2023, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,58% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
2. Đầu tư, xây dựng
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2023 ước thực hiện 412,03 tỷ đồng, tăng 5,13% so với tháng trước, giảm 26,20% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 277,51 tỷ đồng, tăng 4,80% so với tháng trước, giảm 36,74% so cùng kỳ năm trước, chiếm 67,35%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 134,52 tỷ đồng, tăng 5,81% so với tháng trước, tăng 12,43% so cùng kỳ năm trước, chiếm 32,65%. 
Lũy kế 8 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 2.909,34 tỷ đồng, đạt 57,59% kế hoạch năm và giảm 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 2.136,85 tỷ đồng đạt 65,91% kế hoạch, giảm 9,72% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện đạt 772,48 tỷ đồng đạt 42,69% kế hoạch năm, tăng 15,04% so cùng kỳ.
Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Bình Phước (đường Minh Lập - Lộc Hiệp); Xây dựng đường giao thông phía Tây QL 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư; Xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Chơn Thành II; Nâng cấp, mở rộng đường từ khu công nghiệp Việt Kiều kết nối với khu với khu công nghiệp Minh Hưng Sikico huyện Hớn Quản; Xây dựng tuyến kết nối ĐT.753B với đường Đồng Phú - Bình Dương (đoạn Lam Sơn - Tân Phước)…
Tình hình thu hút đầu tư trong nước: Trong tháng thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng vốn cho 02 dự án, chấm dứt 04 dự án, thu hồi 1 dự án. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 13 dự án, tổng số vốn thu hút 4.306,47 tỷ đồng (kể cả cấp mới và điều chỉnh), đạt 35,89% kế hoạch. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.214 dự án với số vốn 119.853,11 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng 8 năm 2023 cấp phép 9 dự án với tổng số vốn đăng ký 43,02 triệu USD. Lũy kế đến nay, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 391 dự án, vốn đầu tư là 4.131,73 triệu USD. 
3. Ngân hàng
Về lãi suất: Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân VNĐ ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Đối với huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 8/2023 ước đạt 52.970 tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,64%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,36%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 59,24%, tiền gửi thanh toán chiếm 39,15%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,61%.
Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 8/2023 ước đạt 121.130 tỷ đồng, tăng 13,06% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 76,24%; trung, dài hạn chiếm 23,76%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 90,80%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 9,20%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,50% trên tổng dư nợ.
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Lao động, việc làm 

Trong tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 3.876 lao động; đào tạo nghề cho 1.508 người. Lũy kế 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 37.426/40.000 lao động, đạt 94% kế hoạch năm; đào tạo nghề cho 5.597/20.000 người, đạt 28% kế hoạch năm. Qua thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 64,5/65%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 3%.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong tháng tổ chức tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 970 người. Lũy kế 8 tháng đầu năm đã tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 11.851 lao động. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 102 người.
2. Công tác giảm nghèo
Hoàn thiện các hồ sơ trình UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Công tác an sinh xã hội
Công tác nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện đang quản lý và nuôi dưỡng tập trung 68 đối tượng. Trong 08 tháng đầu năm có 75 tổ chức, cá nhân tặng quà cho các đối tượng tại Trung tâm, trong đó có 10.000.000 tiền mặt cùng các phương tiện hỗ trợ và lương thực, thực phẩm thiết yếu khác.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: Trong tháng đã tiếp nhận vào 16 học viên, giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 64 học viên, khám và điều trị bệnh cho trên 5.000 lượt học viên học viên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, cơ sở đã tiếp nhận vào 16 học viên, giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 64 học viên, khám và điều trị bệnh cho trên 5.000 lượt học viên. Hiện cơ sở đang quản lý và chữa bệnh 746 đối tượng. Từ đầu năm đến nay, Cơ sở đã tổ chức các buổi tuyên truyền tập thể định kỳ về giáo dục pháp luật với trên 10.000 lượt học viên tham gia.
Thực hiện chính sách với người có công: Trong tháng, giải quyết được 165 hồ sơ người có công. Lũy kế từ đầu năm đã tiếp nhận giải quyết giải quyết được 3.678 hồ sơ người có công, tăng 68,5% so với cùng kỳ, trong đó tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công 901 hồ sơ và tiếp nhận tại Sở là 2.777 hồ sơ. 
4. Giáo dục, đào tạo 
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của các cấp học và toàn ngành Giáo dục tỉnh Bình Phước; trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; Hướng dẫn các trường tổ chức các hoạt động đầu năm học 2023-2024 và chuẩn bị khai giảng năm học 2023-2024; Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên; tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch; Phê duyệt danh sách trúng tuyển lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Tổ chức phúc khảo bài thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh. 
5. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ… An toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. 
Trong tháng: Không ghi nhận ca sốt rét; Sốt xuất huyết 721 ca, tăng 163 ca so với tháng trước, không ca tử vong, phát hiện 87 ổ dịch và xử lý 87 ổ dịch; Tiêu chảy tổng số ca mắc 67 ca, tăng 03 ca so với tháng trước, không có tử vong; Chân - tay - miệng 253 ca, tăng 109 ca so với tháng trước, 00 ca tử vong.
Về phòng chống HIV/AIDS: Số HIV mới phát hiện 22 ca, số AISD là 15 ca không có ca tử vong trong tháng.
Các chương trình mục tiêu y tế - dân số khác như: phòng chống suy dinh dưỡng, dân số và phát triển, phòng chống lao, phong, bướu cổ…vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch đề ra.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương; tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 1.200m2 ¬băng rôn; 5.000m2 pa nô; 3.025 m2 banner; treo 2.400 lượt cờ các loại; tuyên truyền 400 giờ xe lưu động; viết tin bài đăng trên trang web, tạp chí của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Bình Phước phục vụ Hội nghị Văn hóa tỉnh. Trong tháng, tổng lượt khách tham quan và tương tác là 42.521 lượt người (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 1.725 lượt; tại các di tích là 8.138 lượt; tương tác qua nền tảng công nghệ số 32.658 lượt).
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trong tháng, Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn phục vụ Hội nghị, sự kiện tại các cơ quan huyện, thị xã, thành phố và phục vụ cơ sở trên địa bàn tỉnh được 13 buổi với 2.600 lượt người xem; phục vụ chiếu phim lưu động được 22 buổi thu hút hơn 1.300 lượt người xem; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 04 buổi, thu hút khoảng 14.150 lượt người xem. 
Hoạt động thư viện: Tổ chức thành công Hội thi kể truyện theo sách tỉnh Bình Phước lần thứ VI. Trong tháng, thư viện tỉnh cấp 19 thẻ thư viện (cấp mới 11 thẻ, 08 thẻ gia hạn); phục vụ được 503.950 lượt bạn đọc (trong đó bạn đọc tại phòng đọc Thư viện: 1.230 lượt, bạn đọc truy cập website: 502.170 lượt; lưu động: 550 lượt); tổng số tài liệu lưu hành là 7.900 lượt.
Thể dục thể thao: Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh cử đội tuyển tham dự 07 giải thể thao cụm, khu vực và toàn quốc; hỗ trợ cho các đơn vị trong tỉnh tổ chức 11 giải thể thao với 75 lượt trọng tài.
Hoạt động du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 82.978 lượt khách, giảm 2,45% so với tháng trước và giảm 2,40% so với cùng kỳ 2022. Trong đó khách nội địa: 82.000 lượt khách; khách quốc tế: 978 lượt khách. Tổng thu du lịch ước đạt: 49,79 tỷ đồng, tăng 6,42% so với tháng trước và giảm 18,83% so với cùng kỳ năm 2022.
7. Tai nạn giao thông
Trong tháng 8 năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 16 người chết, 4 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng tăng 60,00%; số người chết tăng 60,00%; số người bị thương tăng 100%. Tính chung 8 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông, làm 87 người chết, 36 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,88%; số người chết tăng 6,10%; số người bị thương giảm 47,83%.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 3.090 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 770 phương tiện, tước 678 GPLX, cảnh cáo 39 trường hợp, xử lý hành chính 3.051 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 8,30 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (1.881 trường hợp), không có giấy phép lái xe (496 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (207 trường hợp), không đi đúng làn đường quy định (128 trường hợp) và nồng độ cồn (622 trường hợp).
8. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ thiên tai, tăng 4 vụ so với tháng trước. Do ảnh hưởng dông sét, mưa lớn kéo dài, làm cho 01 căn nhà bị sập, 66 căn nhà bị tốc mái, 33 ha lúa bị ngập úng và nhiều tài sản khác bị thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại gây ra khoảng 1,21 tỷ đồng. 
9. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy vụ cháy, nổ nào. Tính chung 8 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy thiệt hại do cháy ước khoảng 480 triệu đồng, không có thiệt hại về người.
Trong tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 7 vụ vi phạm môi trường, hiện đang tiến hành xử lý vụ vi phạm. Tính chung 8 tháng, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 170 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 111 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 976,45 triệu đồng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập722
  • Hôm nay41,387
  • Tháng hiện tại10,507,978
  • Tổng lượt truy cập455,903,100
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây