Sáng ngày 04/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã tổ chức Hội thảo “Phương pháp và Kết quả đo lường chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của Kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và chỉ đạo Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ; Chuyên gia, nhà nghiên cứu về kinh tế số trong nước và quốc tế; một số cơ quan thông tấn, báo chí tại Hà Nội.
Hội thảo được kết nối trực tuyến với 63 UBND tỉnh, thành phố; các Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thống kê tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của các doanh nghiệp, người dân trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước chú trọng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và trong hầu hết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đề cập đến chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.
Để có căn cứ biên soạn chỉ tiêu về kinh tế số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Ngày 24/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”. Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 54 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu này.
Theo các quy định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP.
Để đo lường chỉ tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã khẩn trương nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, tham gia đoàn khảo sát học hỏi kinh nghiệm đo lường kinh tế số của Úc, tham vấn chuyên gia của các tổ chức quốc tế (OECD, IMF) và chuyên gia trong nước để tìm ra phương pháp tối ưu nhằm đo lường chỉ tiêu này với mục đích xây dựng phương pháp biên soạn phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế của Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Thống kê đã tổ chức nhiều hội thảo về khái niệm, phạm vi, phương pháp và kết quả đo lường giá trị tăng thêm của kinh kế số trong GDP, GRDP của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP giai đoạn 2020-2022.
Tại Hội thảo hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (TCTK) đã trình bày Phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam với các nội dung liên quan: Căn cứ pháp lý đo lường kinh tế số ở Việt Nam; Nghiên cứu kinh tế số của quốc tế, thực trạng nguồn thông tin và đo lường kinh tế số ở Việt Nam; Kết quả đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP; Một số tồn tại, hạn chế và giải pháp hoàn thiện kết quả đo lường kinh tế số.
Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu họat động kinh tế. Kinh tế số bao gồm các ngành hỗ trợ kinh tế số (ngành kinh tế số lõi) và các ngành được hỗ trợ bởi ngành kinh tế số (ngành kinh tế được số hóa).
Báo cáo cho biết, Tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 12,75% và năm 2022 là 12,67%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,77% (chiếm 61,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%). Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,11%; số hóa trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2020-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP. Giai đoạn 2020-2022, quy mô kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,54% năm 2020 lên 6,61% năm 2022.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến có những trao đổi, góp ý về nội dung liên quan tới phương pháp và kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP của Việt Nam. Theo đó, các ý kiến góp ý tại Hội thảo của chuyên gia quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên gia trong nước về kinh tế số cũng như ý kiến của các địa phương đều đồng tình và đánh giá cao nghiên cứu cũng như những kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP. Các đại biểu cho rằng, phương pháp luận của TCTK trong tính toán chỉ tiêu này đã đảm bảo độ tin cậy, thông tin đảm bảo tính minh bạch và có tính so sánh quốc tế.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao về thẩm quyền tính toán và công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, TCTK đã triển khai và thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với nhiều công việc, hoạt động cụ thể. Trong đó, tổ chức nhiều Hội thảo nội bộ, Hội thảo với các chuyên gia, bộ, ngành, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Tham khảo các phương pháp tính và số liệu đã được công bố của thế giới về chỉ tiêu này. Đây được xem là Hội thảo cuối cùng trước khi TCTK đưa ra kết quả và công bố chính thức các số liệu tính toán liên quan tới chỉ tiêu này. Tổng cục trưởng cũng đã đưa căn cứ và dữ liệu dẫn chứng cụ thể nhằm làm rõ thêm về các lý luận, phương pháp luận của Nhóm nghiên cứu của TCTK khi nghiên cứu và trình bày về kết quả tính toán về chỉ tiêu này. Tổng cục trưởng một lần nữa khẳng định, kết quả được TCTK nghiên cứu và công bố về chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp tính đã được công nhận, đảm bảo tính so sánh quốc tế cũng như có xét đến sự phù hợp với tình hình chung của cả nước.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao những nghiên cứu và kết quả tính toán của TCTK. Đây là lần đầu tiên tính toán và công bố chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế trong GDP và GRDP tại Việt Nam. TCTK trên cơ sở căn cứ pháp lý đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; tham khảo, học hỏi phương pháp luận của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới xây dựng phương pháp đo lường và tính toán chỉ tiêu này, đảm bảo theo phương pháp luận quốc tế, có tính đến yếu tố thực tiễn của Việt Nam.
Có thể thấy, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều khẳng định đây là chỉ tiêu khó tính toán. Ngay cả với quốc tế, theo thông tin từ chuyên gia của Ngân hàng thế giới thì cũng mới chỉ có 8 quốc gia công bố chỉ tiêu này; và với phương pháp áp dụng tính toán khác nhau, chỉ tiêu này của các quốc gia công bố cũng có sự chệnh lệch rất khác nhau. Vậy nên, hiện tượng số liệu tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP giữa Tổng cục Thống kê và Bộ Thông tin và Truyền thông, với cách tiếp cận tính toán khác nhau thì số liệu khác nhau cũng là bình thường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế và trong nước khẳng định thì cách tính toán và sử dụng nguồn dữ liệu của Tổng cục Thống kê là hoàn toàn rõ ràng, minh bạch.
Với thẩm quyền biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông yêu cầu TCTK tiếp tục rà soát, tổng hợp và hoàn thiện về phương pháp luận cũng như rà soát các số liệu tổng hợp, đầy đủ hơn nữa để có được nguồn số liệu thống nhất, tránh trùng lắp, đúng quy định đi đến thống nhất cuối cùng để công bố chính thức chỉ tiêu này theo đúng kế hoạch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Toàn cảnh Hội thảo tại TCTK
Thứ trưởng cũng đưa ra một số kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với TCTK để thống nhất nguồn số liệu, rà soát số liệu đầu vào; TCTK cần chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn đối với các địa phương; Làm tốt công tác truyền thông thông tin để các tổ chức, bộ, ngành hiểu rõ về phương pháp cũng như minh bạch hóa thông tin đối với chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam.
TCTK cho biết, dự kiến kết quả tính toán chỉ tiêu giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào ngày 29/12 tới đây, tại Họp báo Công bố tình hình kinh tế-xã hội cả nước năm 2023./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Phó Tổng cục trưởng TCTK Lê Trung Hiếu giới thiệu về Hội thảo
Đại diện lãnh đạo Vụ Hệ Thống tài khoản quốc gia trình bày về Phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam
Chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB) phát biểu tại Hội thảo
Chuyên gia trong nước phát biểu tại Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo