Việc xây dựng và đưa vào áp dụng quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) rất quan trọng, để đảm bảo theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và có được những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội; phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên phạm vi cả nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.
Ngày 07/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện cung cấp thông tin đầu vào chính xác cho ngành Thống kê tính toán chỉ tiêu GDP, GRDP bảo đảm tính thống nhất và minh bạch; sát thực với tình hình kinh tế - xã hội cả nước, từng địa phương.
Theo Nghị định 94, số liệu GDP được biên soạn trên phạm vi toàn quốc, số liệu GRDP được biên soạn trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) được thực hiện theo 6 bước, gồm: (1) Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP; (2) Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP; (3) Biên soạn số liệu GDP, GRDP; (4) Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP; (5) Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP; (6) Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.
Công tác biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP bảo đảm nguyên tắc: (i) Thực hiện tập trung, thống nhất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); (ii) Bảo đảm tính thống nhất và minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP; đáp ứng việc tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu GDP, GRDP dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng; (iii) Bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống và kết nối ở tất cả các bước của quy trình biên soạn; (iv) Bảo đảm tính logic, tương thích, phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác.
Ngành Thống kê thực hiện biên soạn chỉ tiêu GDP theo phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm; phương pháp thu nhập đối với kỳ 5 năm. Còn số liệu GRDP được biên soạn theo phương pháp sản xuất đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng và năm. Các chỉ tiêu biên soạn chủ yếu gồm: Quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng GDP, GRDP.
Trên cơ sở thông tin do các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước cung cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) sẽ tổng hợp, xử lý thông tin đầu vào và tính toán các chỉ tiêu theo phạm vi cả nước là: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Trị giá dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; Giá trị sản xuất; Chi phí trung gian; Hệ thống chỉ số giá và Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác. Đồng thời, tính các chỉ tiêu theo phạm vi vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Giá trị sản xuất; Chi phí trung gian; Hệ thống chỉ số giá; Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác. Từ đó, Tổng cục Thống kê thực hiện biên soạn số liệu GDP giá hiện hành và giá so sánh theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng và số liệu GRDP giá hiện hành và giá so sánh theo phương pháp sản xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) định kỳ hằng năm, thực hiện rà soát GDP, GRDP; định kỳ 5 năm chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát quy mô GDP, GRDP; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP, GRDP.
Thực hiện Nghị định 94 và theo sự hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai rà soát, khai thác và tổng hợp các số liệu đầu vào từ các nguồn thông tin hiện có, nhằm đảm bảo đầy đủ và tốt nhất nguồn số liệu phục vụ TCTK tính toán GRDP theo phương pháp tính giá trị sản xuất. Số liệu giá trị sản xuất được rà soát, tổng hợp và tính toán hàng quý, hàng năm với các loại số liệu ước tính, sơ bộ và chính thức từ cơ sở dữ liệu điều tra nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản); điều tra doanh nghiệp, điều tra cá thể hàng năm, điều tra công nghiệp tháng, điều tra xây dựng và vốn đầu tư quý (đối với ngành công nghiệp và xây dựng), điều tra bán buôn bán lẻ, điều tra lưu trú, dịch vụ ăn uống, điều tra vận tải, điều tra chi tiêu du lịch, điều tra cá thể hàng năm (đối với ngành thương mại dịch vụ). Số liệu giá trị sản xuất theo giá so sánh và hiện hành được tính toán theo giá cơ bản theo ngành kinh tế cấp 2 đối với tất cả các kỳ biên soạn.
Xác định biên soạn chỉ tiêu GRDP ngoài sự nỗ lực, trách nhiệm chính của ngành Thống kê còn rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn trong việc cung cấp thông tin thống kê đầu vào và chia sẻ thông tin thống kê, tạo sự đồng thuận, thống nhất sử dụng số liệu đối với các ngành, các cấp. Do đó, tại các kỳ biên soạn số liệu GRDP, các Cục Thống kê địa phương chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp cung cấp thông tin đầu vào phục vụ biên soạn số liệu GRDP theo nội dung, biểu mẫu được quy định.
Hiện các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang đẩy nhanh tham mưu Lãnh đạo địa phương ban hành quyết định về biểu mẫu báo cáo thống kê thu thập thông tin thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, thành phố trên địa bàn, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, đáp ứng nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn số liệu GRDP và là cơ sở để đối soát, đánh giá số liệu đã được biên soạn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê với các Sở, ngành trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn thông tin ban đầu, hồ sơ đăng ký hành chính sẵn có, khai thác và sử dụng các nguồn thông tin của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, chia sẻ dữ liệu báo cáo tài chính doanh nghiệp của cơ quan Thuế, đảm bảo số liệu GRDP đầy đủ về phạm vi, phản ánh kịp thời, sát thực tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó triển khai hiệu quả Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 15/4/2023 của Thủ tướng về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đến nay, nhiều tỉnh đã biểu mẫu báo cáo thống kê thu thập thông tin thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, thành phố trên địa bàn theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê như: Nam Định, Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Thanh Hóa…
Thêm vào đó, để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố còn tăng cường ký các quy chế, văn bản phối hợp với các Sở, ngành, qua đó giúp nâng cao tính thống nhất của số liệu đầu vào, thuận tiện cho việc rà soát, kiểm tra, giám sát công tác thu thập thông tin trên địa bàn.
Với nguồn thông tin đầu vào chất lượng cao từ các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn các chỉ tiêu GDP, GRDP được TCTK biên soạn đảm bảo minh bạch, chính xác, có độ tin cậy cao, phản ánh sát thực tình hình kinh tế - xã hội cả nước và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.