Bức tranh tăng trưởng cả nước 9 tháng và kỳ vọng khởi sắc trong những tháng còn lại của năm 2023

Thứ sáu - 06/10/2023 09:25
Bức tranh tăng trưởng cả nước 9 tháng đầu năm 2023

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2023 vẫn đang trong xu hướng dần cải thiện.

Tăng trưởng trong quý III đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm. Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; Công nghiệp xây dựng tăng 5,19% (riêng Công nghiệp tăng 4,57%) và Dịch vụ tăng 6,24%. Nhìn chung, trong quý III, hoạt động công nghiệp đã có chuyển biến tích cực sau thời kỳ suy giảm âm (-0,75%) của quý I và chỉ tăng nhẹ 0,95% của quý II; đóng góp 2,13 điểm % tăng trưởng. Khu vực dịch vụ vẫn là điểm sáng nhất của nền kinh tế, đóng góp 2,94 điểm % và khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục vững vàng ổn định, đóng góp 0,44 điểm % vào mức tăng trưởng 5,51% của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
tangtruong9thang
Kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2023 vẫn đang trong xu hướng dần cải thiện

Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%; Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; Công nghiệp, xây dựng tăng 2,41% (riêng Công nghiệp tăng 1,65%) và Dịch vụ tăng 6,32%. Đóng góp cho mức tăng trưởng 4,39% của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua chủ yếu vẫn từ khu vực Dịch vụ 3,01 điểm %; khu vực Công nghiệp và Xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I, đóng góp 0,98 điểm % và khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,40 điểm %. Sự phục hồi tuy còn yếu của hoạt động Công nghiệp trong quý III tiếp tục là tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm.

Điểm qua một số kết quả của các ngành như sau:

- Ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ổn định và tiếp tục xu hướng tăng nhẹ. Trong đó: Sản xuất lúa vụ đông xuân, sản lượng một số cây ăn quả đạt khá so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan nhờ thời tiết nhìn chung thuận lợi, tập trung nuôi thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao do; dịch bệnh trong ngành chăn nuôi không xuất hiện diện rộng... xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng mạnh như rau quả (tăng 71,8%), hạt điều (tăng 14,3%), gạo (tăng 40,4% so cùng kỳ).

- Ngành Công nghiệp có sự phục hồi khá tốt trong quý III với mức tăng trưởng đạt 4,57%, tính chung 9 tháng đạt 1,65%; trong đó, đáng kể là hoạt động sản xuất và phân phối điện tăng gần 6% trong quý III và 2,9% trong 9 tháng, đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất và đời sống dân cư; hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61% trong quý III và 1,98% trong 9 tháng, bước qua mức tăng âm 0,49% của quý I và vượt trên mức tăng trưởng 0,6% của quý II. Đây là tín hiệu tốt của khu vực sản xuất cho những tháng cuối năm.

- Một số ngành Dịch vụ thị trường trong quý III tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định kể từ đầu năm như: Dịch vụ Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng trên 8%; Vận tải kho bãi tăng trên 9,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống trên 8,7%. Tính chung 9 tháng, các ngành này vẫn tăng trưởng rất tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ trong năm 2023.

Nhìn từ phía cầu

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 2260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2022 và cải thiện ở cả 3 khu vực.

Cán cân thương mại 9 tháng năm 2023 ước tính thặng dư trên 21 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm là tín hiệu đáng lo ngại. 

Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình mặc dù không sôi động như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng cơ bản vẫn đảm bảo mức tăng ổn định do quý III có nhiều hoạt động, sự kiện mà người dân có nhu cầu tăng tiêu dùng như mùa du lịch, khai giảng năm học mới, tết Trung Thu…

Nhìn chung, kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2023 được đóng góp và hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là "bệ đỡ" của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực, vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Khối ngành Dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng Tư đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí... là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế. Kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

Đặc biệt, Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Điểm quan trọng khác là, hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần được phục hồi, chỉ số PMI của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 trong tháng 8/2023 sau 5 tháng giảm liên tiếp (dưới 50). Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 67,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2023 tốt hơn so với quý III/2023.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, một số khó khăn, thách thức đã và đang kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng năm 2023. Cụ thể: Cầu thế giới phục hồi yếu, lạm phát vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút.  Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; chi phí đầu vào tăng cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp… Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm; Thị trường BĐS tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn; Thu hút FDI chưa thực sự hiệu quả và bền vững.

Thuận lợi và khó khăn tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023

Tăng trưởng kinh tế quý III năm 2023 đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực như: Cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI; Cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm; Về phía cung, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế; Khu vực Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm âm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, khu vực Dịch vụ những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá; Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế; Mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn và xu hướng tăng nhẹ của hoạt động xuất khẩu những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại. Tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng vào cuối năm. Đặc biệt, Việt Nam đang tích cực triển khai dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế KTXH. Đây cũng là động lực chính để phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm. Cụ thể: Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn. Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng… Đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.

Trên cơ sở các nhận định trên, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm

- Ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư.

- Phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn...

- Sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu nhằm ổn định sản xuất, kích thích tiêu dùng của người dân.

- Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới.

- Tận dụng tốt các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

- Định hướng hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản; tăng cường các khâu kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo các quy định và các biện pháp WTO cũng như thông lệ quốc tế cho phép để kiểm soát chất lượng hàng hoá đầu vào, loại bỏ những mặt hàng có chất lượng kém, không phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam.

- Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh.

- Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng./.
 
Nguyễn Thị Mai Hạnh
Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,496
  • Hôm nay172,529
  • Tháng hiện tại6,885,393
  • Tổng lượt truy cập490,748,831
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây