Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022

Thứ tư - 27/07/2022 08:52
Trên cơ sở số liệu chính thức 6 tháng năm 2022 và ước tháng 7/2022, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo ước tính thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022, như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt

Tính đến ngày 15/7/2022, tình hình sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện 11.656 ha, tăng 5,50% so với cùng kỳ, cụ thể như sau:
- Lúa mùa 5.074 ha, tăng 0,73% (+37 ha) so với cùng kỳ năm trước, tuy đã vào mùa mưa, nhưng lượng mưa còn ít nên bà con xuống giống chậm;
- Cây bắp 1.821 ha, tăng 5,93% (+102 ha) so cùng kỳ;
- Khoai lang 108 ha, tăng 9,09% (+9 ha) so cùng kỳ; khoai mỳ 4.170 ha, tăng 7,12% (+277 ha);
- Cây mía 95 ha, giảm 19,49% (-23 ha). Diện tích cây mía của tỉnh nhỏ lẻ, được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến nước giải khát;
- Rau các loại 2.308 ha, tăng 1,41% (+32 ha); đậu các loại 142 ha, tăng 4,41% (+6 ha).

Các loại cây lâu năm của tỉnh phát triển ổn định, tháng 7/2022 cây cao su và các loại cây ăn trái đang tiếp tục thu hoạch. Tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh ước tính có 438.987 ha, tăng 1,93% so cùng kỳ năm trước, trong đó:
Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều, cây tiêu, cây cao su và cây cà phê. Tổng diện tích hiện có 425.987 ha, tăng 1,91% (+7.976 ha) so với cùng kỳ, chia ra: cây điều hiện có 151.124 ha, tăng 9.632 ha, sản lượng ước đạt 170.500 tấn, giảm 65.110 tấn; cây hồ tiêu hiện có 14.958 ha, giảm 787 ha, sản lượng ước đạt 30.100 tấn, tăng 2.324 tấn; cây cao su 245.304 ha, giảm 963 ha, sản lượng đạt 162.792 tấn, tăng 4.742 tấn so với cùng kỳ; cây cà phê 14.601 ha, tăng 94 ha, sản lượng cà phê chưa có thu.
Giá một số hàng nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 7/2022 như sau: Mủ cao su sơ chế 33.417 đồng/kg, cà phê nhân 41.134 đồng/kg, hạt điều khô 30.714 đồng/kg, hạt tiêu khô 78.154 đồng/kg.
b. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng qui mô sản xuất cũng như qui mô đàn; số lượng gia súc, gia cầm ước tháng 7/2022 gồm có:
- Đàn trâu: 13.535 con, tăng 0,93% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 2.650 con, tăng 5,24%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 673 tấn, tăng 5,24% so với cùng kỳ;
- Đàn bò: 39.165 con, tăng 0,14% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 9.578 con, tăng 1,14%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 1.667 tấn, tăng 1,14% so với cùng kỳ;
 - Đàn heo: 1.680.540 con, tăng 44,26% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 1.165.447 con, tăng 47,87%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 114.214 tấn, tăng 47,87% so với cùng kỳ;
 - Đàn gia cầm: 12.315 ngàn con, tăng 65,35% so cùng kỳ; sản lượng xuất bán trong tháng ước đạt 26.980 tấn, tăng 99,16%; sản lượng trứng gia cầm xuất bán ước đạt 132.637 ngàn quả, tăng 45,59% so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Lâm nghiệp
Trồng rừng: trong tháng 7 toàn tỉnh trồng được 385 ha, tăng 23 ha so với cùng kỳ. Số cây trồng phân tán ước tính trồng được 500 ngàn cây tăng 15 ngàn cây.
Về khai thác: trong tháng ước tính khai thác được 1.036 m3 gỗ, tăng 01 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 114 Ste, giảm 01 Ste so với năm trước. Lũy kế 7 tháng khai thác được 7.253 m3 gỗ, tăng 15 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 844 Ste, tăng 33 Ste so với năm trước. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.
1.3. Thủy sản
Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 270 tấn, so cùng kỳ giảm 0,37%; (trong đó: khai thác thủy sản nội địa 29 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng 241 tấn). Lũy kế 7 tháng, sản lượng thủy sản ước thực hiện 1.912 tấn, tăng 0,90% so cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2022 ước đạt 99,21% so với tháng trước và 117,08% so với cùng kỳ năm trước, tức là giảm 0,79% so với tháng trước, tăng 17,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,24% so với tháng trước, giảm 8,28% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến giảm 0,93%, tăng 17,91%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,11%, tăng 3,70%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,38%, tăng 37,15%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 23,23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 10,49% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,96%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,83%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,75%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 1,4 lần; Thức ăn cho gia cầm tăng 103,74%; Dịch vụ sản xuất giày, dép tăng 68,72%; Dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự tăng 44,23%; Hạt điều khô tăng 23,10% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Bao bì đóng gói khác bằng plastic tăng 2,03%; Vải dệt nổi vòng, vải sonin từ sợi nhân tạo giảm 34,62%; Dịch vụ đúc gang, sắt, thép giảm 19,85%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 13,91%...
So với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động đến cuối tháng 7 năm 2022 tăng 5,84%, trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,59%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 49,29%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 33,79%. Trong ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao so cùng kỳ năm trước như: Ngành dệt tăng 42,97%; Sản xuất xe có động cơ tăng 192,74%; Sản xuất kim loại tăng 39,04%...
3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 7/2022 ước tính đạt 5.805,61 tỷ đồng, tăng 3,68% so với tháng trước, tăng 100,94% so với cùng kỳ. Tương tự, xét theo ngành hoạt động: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.825,46 tỷ đồng, tăng 3,63%, tăng 89,43%; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 19,86 tỷ đồng, tăng 3,79%, tăng 149,28%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 552,17 tỷ đồng, tăng 3,92%, tăng 163,08%; doanh thu dịch vụ khác đạt 406,92 tỷ đồng, tăng 3,96%, tăng 228,33% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 20,25% so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 35.692,61 tỷ đồng, tăng 15,14% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 29.801,60 tỷ đồng, tăng 13,90% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 130,10 tỷ đồng, tăng 22,45%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 3.335,84 tỷ đồng, tăng 18,67%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,85 tỷ đồng, tăng 149,86%; doanh thu dịch vụ khác đạt 2.421,21 tỷ đồng, tăng 26,43% so cùng kỳ.

 
3.2. Giao thông vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 7/2022 ước đạt 192,72 tỷ đồng, tăng 1,17% so với tháng trước, tăng 375,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 115,84 tỷ đồng, tăng 1,32% so với tháng trước, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 74,28 tỷ đồng, tăng 0,89%, tăng 120,29%. Lũy kế 7 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.091,20 tỷ đồng, tăng 7,41% so cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 569,22 tỷ đồng, giảm 0,62% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 504,72 tỷ đồng, tăng 17,55%.
Vận tải hành khách tháng 7/2022 ước thực hiện 1.258,03 ngàn HK và 158.015,26 ngàn HK.km, so với tháng trước tăng 1,34% về vận chuyển, tăng 1,14% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,9 lần về vận chuyển, tăng 1,9 lần về luân chuyển. Lũy kế 7 tháng, vận tải hành khách ước đạt 6.179,86 ngàn HK và 776.389,44 ngàn HK.km, so với cùng kỳ giảm 2,55% về vận chuyển và giảm 2,12% về luân chuyển.
Vận tải hàng hoá tháng 7/2022 ước thực hiện được 316,80 ngàn tấn và 21.631,70 ngàn T.km, so với tháng trước tăng 0,64% về vận chuyển, tăng 0,62% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 119,60% về vận chuyển, tăng 119,22% về luân chuyển. Lũy kế 7 tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 2.193,20 ngàn tấn và 148.753,00 ngàn Tấn.km, so với cùng kỳ tăng 16,09% về vận chuyển và tăng 14,73% về luân chuyển.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ 
1. Chỉ số giá

Tình hình giá cả thị trường tháng 7 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Phước tăng nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước; tăng 4,34% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,86% so cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 06/11 nhóm hàng tăng so với tháng trước, với mức tăng như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,41%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,22%; Nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,31%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%. Có 03/11 nhóm hàng giảm xuống so với tháng trước là: Nhóm giao thông giảm 3,43%; Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,02%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05%. Có 02/11 nhóm hàng ổn định so với tháng trước là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; Nhóm giáo dục.
Giá vàng và đôla Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng 7/2022 giảm 2,45% so với tháng trước; tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,57% so với tháng trước; tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ số giá vàng tăng 2,90%, chỉ số Đô la Mỹ giảm 0,20% so với cùng kỳ năm trước.
2. Đầu tư, xây dựng
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2022 ước thực hiện 523,83 tỷ đồng, tăng 40,34% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 412,90 tỷ đồng, tăng 39,01%, chiếm 78,82%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 110,93 tỷ đồng, tăng 45,48%, chiếm 21,18%.
Lũy kế 7 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 2.479,85 tỷ đồng, đạt 34,24% kế hoạch năm và tăng 28,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.928,04 tỷ đồng đạt 35,40% kế hoạch, tăng 28,00% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện đạt 551,81 tỷ đồng đạt 30,74% kế hoạch năm, tăng 29,56% so cùng kỳ.
Về thu hút FDI: Trong tháng 7 năm 2022 cấp phép cho 02 dự án đến từ Trung Quốc và Thái Lan, với tổng số vốn đăng ký 11,14 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cấp phép cho 21 dự án với số vốn đăng ký là 59,67 triệu USD.
3. Tài chính, ngân hàng
3.1. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 7/2022 ước thực hiện được 1.296 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước thu đạt 58,60% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Trong đó: thu từ khu vực kinh tế quốc doanh là 714,40 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.450,16 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất là 2.150,46 tỷ đồng.
3.2. Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7/2022 ước thực hiện 1.487,41 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đạt 44,41% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Trong đó: chi thường xuyên 3.733,21 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 8.208,29 tỷ đồng.
3.3. Ngân hàng
Về lãi suất: Các ngân hàng trên địa bàn triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có tăng nhẹ, khoảng 0,12%/năm so với tháng 12/2021.
Đối với huy động vốn: Huy động vốn đến 30/6/2022 đạt 57.019 tỷ đồng, tăng 9,28% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 90,60%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 9,40% .Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 7/2022 ước đạt 57.600 tỷ đồng, tăng 10,39% so với cuối năm 2021.
Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến 30/6/2022 đạt 106.630 tỷ đồng, tăng 17,69% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 90,66%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 9,34%. Đến cuối tháng 7/2022, dư nợ tín dụng ước đạt 107.700 tỷ đồng, tăng 18,87% so với cuối năm 2021. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,46% trên tổng dư nợ.
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Lao động, việc làm

Tổ chức tư vấn, giới thiệu nghề và việc làm cho 1.552 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 1.543 người và số người được hỗ trợ học nghề là 15 người.
2. Công tác giảm nghèo
Hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
3. Công tác an sinh xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh quản lý và nuôi dưỡng tập trung 57 đối tượng. Cán bộ tại đây thường xuyên khám, theo dõi sức khoẻ cho các đối tượng; tích cực điều trị, chăm sóc cho đối tượng có sức khỏe yếu và kiểm tra, theo dõi sát sao sức khỏe các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp. Trong tháng có 04 tổ chức, cá nhân đến thăm và tặng quà cho các đối tượng gồm 625 kg gạo cùng các nhu yếu phẩm phục vụ khác.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trong tháng đã tiếp nhận vào 48 học viên, giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 32 học viên, khám và điều trị bệnh cho 4.155 lượt học viên. Hiện Cơ sở đang quản lý và chữa bệnh 563 đối tượng. Về công tác truyền thông giáo dục, Cơ sở đã tổ chức phổ biến kiến thức về giáo dục pháp luật cho nhiều nhóm với trên 3.000 học viên tham gia; tổ chức dạy xóa mù chữ 06 buổi với 77 lượt học viên tham gia.
Thực hiện chính sách với người có công; giải quyết được 1.031 hồ sơ, trong đó có 100 hồ sơ được tiếp nhận giải quyết tại trung tâm phục vụ hành chính công và 931 hồ sơ được tiếp nhận giải quyết tại sở. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 8/7/2022 tổ chức “Lễ viếng, truy điệu, an táng 44 bộ hài cốt liệt sĩ được quy tập trong nước và Vương quốc Campuchia; Dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022).
4. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo các trường, các phòng hoàn thành nhiệm vụ học kỳ II và kết thúc năm học 2021-2022 theo chương trình; Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, đúng quy chế, hiện đang tiến hành công tác chấm thi theo kế hoạch; Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát thực trạng về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
5. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong tháng, toàn tỉnh có 59 ca viêm đường hô hấp do Covid-19 (0 ca tử vong); 1.053 ca mắc sốt xuất huyết (03 ca tử vong); 131 ca mắc bệnh tay chân miệng (không có tử vong); 57 ca tiêu chảy (0 ca tử vong); về phòng chống HIV/AIDS: 20 người mới phát hiện HIV, tích lũy số người nhiễm HIV là 3.903 người, 04 người mới phát hiện AIDS, tích lũy số bệnh nhân AIDS là 1.884 bệnh nhân, số mới tử vong trong tháng: 02 bệnh nhân.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, triển lãm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 2.000m2 băng rôn, 10.400m2 pano, banner; 5.300 lượt cờ các loại; 800 giờ xe tuyên truyền với nhiều nội dung khác nhau; viết tin bài đăng trên trang web, tạp chí của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1942- 27/7/2022); Kiểm tra các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh; Quay thực địa và dàn dựng video về các di tích đã được xếp hạng. Trong tháng, các bảo tàng, di tích, nhà truyền thống đón tiếp gần 14.341 lượt khách tham quan và tương tác.
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng kế hoạch chiếu phim tuyên truyền phục vụ tại cơ sở với 19 bộ phim, kết quả phục vụ 63 buổi, thu hút hơn 4.400 lượt người xem. Trong tháng, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 03 buổi, thu hút khoảng 810 lượt người xem.
Hoạt động thư viện: Tổ chức thành công Hội thi kể truyện theo sách tỉnh Bình Phước lần thứ V; phối hợp Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước quay phóng sự điểm đến cho các em thiếu nhi trong dịp hè. Trong tháng, Thư viện cấp 45 thẻ thư viện (cấp mới 35 thẻ và 10 thẻ gia hạn); phục vụ được 323.722 lượt bạn; tổng số tài liệu lưu hành là 11.540 lượt.
Thể dục thể thao: Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh đã tham dự 17 giải thể thao cấp khu vực và toàn quốc, kết quả đạt được: 10 HCV, 12 HCB, 24 HCĐ; hỗ trợ 75 lượt trọng tài tham gia điều hành các giải do các sở, ngành tổ chức.
Hoạt động du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 86.800 lượt khách, tăng 5,82% so với tháng trước và tăng 470% so với cùng kỳ 2021; trong đó khách nội địa 86.000 lượt khách; khách quốc tế: 800 lượt khách. Tổng doanh thu đạt 47,74 tỷ đồng, tăng 11,93% so với tháng trước và tăng 279% so với cùng kỳ năm 2021.
7. Tai nạn giao thông
Trong tháng 7 năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 14 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 9 người chết, 9 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng tăng 7,69%; số người chết giảm 30,77%; số người bị thương tăng 50%. Tính chung 7 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 92 vụ tai nạn giao thông, làm 72 người chết, 67 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 4,17%; số người chết giảm 6,49%; số người bị thương tăng 8,06%.
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 3.179 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 1.166 phương tiện, tước 680 GPLX, cảnh cáo 82 trường hợp, xử lý hành chính 3.097 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 7,56 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (102 trường hợp), không có giấy phép lái xe (757 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (785 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (311 trường hợp).
8. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài đã gây ra ngập úng lũ quét cục bộ trên địa bàn tỉnh, gây cản trở lưu thông; làm ngập hơn 0,5 ha hoa màu, thiệt hại gần 200 con gia súc, gia cầm, ngã đổ 1,5 ha tiêu… Ước tính thiệt hại khoảng 1.010 triệu đồng.
9. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 7 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ cháy thiệt hại do cháy ước khoảng 2,67 tỷ đồng và 02 người bị thương.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện 41 vụ vi phạm môi trường, tiến hành xử lý 21 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 219 triệu đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản, khai thác đất, cát trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường…Tính chung 7 tháng, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 217 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 99 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 780,50 triệu đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,901
  • Hôm nay629,625
  • Tháng hiện tại10,453,887
  • Tổng lượt truy cập455,849,009
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây