Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Ngành

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021

Thứ sáu - 24/12/2021 16:15 3747
Trên cơ sở kết quả thực hiện 11 tháng, ước tính tháng 12 năm 2021, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước thực hiện được 46.196,08 tỷ đồng, tăng 6,32% so cùng kỳ năm trước, là tỉnh có mức tăng trưởng cao, đứng thứ nhất vùng và đứng thứ 20 của cả nước.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 13.962,94 tỷ đồng, tăng 3,81%, đóng góp 1,18 điểm phần trăm, thấp hơn 6,75% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 tăng 10,56%), trong đó : ngành nông nghiệp tăng 3,83% so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 15.393,72 tỷ đồng, tăng 17,68%, đóng góp 5,33 điểm phần trăm, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 tăng 10,95%). Tính riêng ngành công nghiệp tăng 20,63%, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất 17,43% giữ vai trò là động lực chính trong khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Khu vực dịch vụ đạt 14.978,50 tỷ đồng, giảm 0,33%, làm giảm 0,11 điểm phần trăm, thấp hơn 2,58% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 tăng 2,25%), đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, bởi đại dịch Covid-19.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 1.860,91 tỷ đồng, giảm 1,70%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm, thấp hơn 8,88% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng 7,18%).

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,33%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42,27%; khu vực dịch vụ chiếm 30,44%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,97%.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 75,99 triệu đồng/người/năm, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2020.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
2.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt

Cây hàng năm:
Sơ bộ năm 2021, cây hàng năm toàn tỉnh gieo trồng được 26.485 ha, giảm 4,26% so cùng kỳ năm trước. Trong đó:
+ Nhóm cây lúa gieo trồng đạt 10.553 ha, giảm 6,42% so với cùng kỳ (chia ra: lúa Đông Xuân 2.798 ha, giảm 8,23%; lúa Mùa 7.754 ha, giảm 5,74%); năng suất đạt 36,38 tạ/ha, sản lượng đạt 38.388 tấn (giảm 7,80% so cùng kỳ);
+ Cây ngô gieo trồng được 2.955 ha, giảm 7,60% (-243 ha) so cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 39,48 tạ/ha, sản lượng đạt 11.667 tấn (giảm 5,59% so cùng kỳ năm trước);
+ Cây khoai lang 584 ha, tăng 21,33% (+103 ha); năng suất đạt 50,69 tạ/ha; sản lượng đạt 2.959 tấn, tăng 13,77% (+358 tấn) so với cùng kỳ;
+ Đậu phộng 121 ha, tăng 2,26% so cùng kỳ; năng suất đạt 9,53 tạ/ha; sản lượng đạt 115 tấn, giảm 0,08% so với cùng kỳ;
+ Rau các loại 3.533 ha, giảm 4,94% (-184 ha) so cùng kỳ; năng suất đạt 72,34 tạ/ha; sản lượng đạt 25.562 tấn, giảm 12,24% (-3.566 tấn) so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 50.055 tấn, giảm 7,30% (giảm 3.939 tấn) so với cùng kỳ năm 2020.

Cây lâu năm:
Sơ bộ năm 2021 toàn tỉnh hiện có 443.446 ha cây lâu năm, tăng 3,18% (+13.658 ha) so cùng kỳ. Trong đó:
- Cây ăn quả các loại hiện có 12.505 ha, tăng 1,32% (+163 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích cây cam 486 ha, giảm 8,75% so cùng kỳ; sản lượng đạt 3.729 tấn, giảm 3,80% so cùng kỳ; cây xoài 404 ha, giảm 12,72%; sản lượng đạt 2.497 tấn, giảm 14,43%; cây quýt 832 ha, giảm 33,01%; sản lượng đạt 5.424 tấn, giảm 32,31%; sầu riêng 3.411 ha, tăng 20,64%; sản lượng đạt 15.063 tấn, tăng 34,06% so cùng kỳ.
- Đối với cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh hiện có 430.535 ha, tăng 3,24% (tăng 13.504 ha) so cùng kỳ, gồm: cây điều 151.149 ha, tăng 8,07% so cùng kỳ; sản lượng đạt 220.806 tấn, tăng 16,82% so cùng kỳ; cây cao su 249.794 ha, tăng 1,27%; sản lượng đạt 391.816 tấn, tăng 3,21%; cây hồ tiêu 15.001 ha, giảm 5,59%; sản lượng đạt 28.078 tấn, giảm 0,49%; cây cà phê 14.592 ha, giảm 0,16%; sản lượng đạt 27.402 tấn, giảm 0,03% so cùng kỳ.
Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.

​​​​​​​b. Chăn nuôi
Số lượng gia súc, gia cầm ước năm 2021 gồm có:
+ Đàn trâu: 12.409 con, tăng 0,98% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 4.182 con, tăng 0,92%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 1.058 tấn, tăng 0,95% so với cùng kỳ;
+ Đàn bò: 38.704 con, tăng 0,16% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 16.221 con, tăng 1,25%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 2.815 tấn, tăng 1,00% so với cùng kỳ;
 + Đàn heo: 1.190.245 con, tăng 10,13% so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 1.348.600 con, tăng 8,00%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 128.117 tấn, tăng 8,00% so với cùng kỳ;
 + Đàn gia cầm: 7.204 ngàn con, giảm 1,95% so cùng kỳ; sản lượng xuất bán đạt 21.664 tấn, giảm 4,53%; sản lượng trứng gia cầm xuất bán đạt 171.337 ngàn quả, giảm 5,00% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác năm khá ổn định không có biến động lớn, không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, duy trì các chốt kiểm dịch động vật, xử lý dứt điểm các ổ dịch tại các xã khi có dịch theo đúng các quy định hiện hành.
2.2. Lâm nghiệp
Các ngành chức năng tiếp tục duy trì thực hiện công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh, các khu vực giáp ranh, chú trọng một số khu vực trọng điểm thường xảy ra các hành vi gây xâm hại đến rừng và lâm sản.
Công tác bảo vệ rừng: Các biện pháp bảo vệ phòng chống chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật và ngăn chặn khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản trái pháp luật đã được thực hiện nghiêm túc, công tác kiểm tra, truy quét được tăng cường ở những khu vực điểm nóng phá rừng khai thác rừng trái phép. Trong năm 2021 xảy ra 62 vụ. Số vụ đã xử lý trong kỳ: 55 vụ (54 vụ là xử lý hành chính và 01 vụ xử lý hình sự). Lâm sản và phương tiện tịch thu: 21,039 m3 gỗ; 0,262 Ster củi, 0,15 m 3 gốc cây; 05 cá thể động vật rừng; 09 xe mô tô, gắn máy, 02 khẩu súng tự chế… Tổng số tiền thu nộp ngân sách: 650.185.651 đồng. 
Về trồng rừng, trong tháng toàn tỉnh không thực hiện rừng tập trung, lũy kế đến tháng 12 toàn tỉnh ước tính trồng 431 ha (+24 ha) ha so cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước tính đã trồng được 246 ngàn cây (+56 ngàn cây) so với cùng kỳ).
Về khai thác, trong tháng ước tính khai thác được 1.185 m3 gỗ, giảm 49 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 223 Ste, tăng 13 Ste so với năm trước. Lũy kế 12 tháng khai thác được 11.400 m3 gỗ, tăng 131 m3 so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 1.455 Ste, tăng 69 Ste so với năm trước. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.
2.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hiện có 1.707 ha. Sản lượng thủy sản thực thu trong tháng ước đạt 578 tấn, lũy kế từ đầu năm đến tháng 12 đạt 4.759 tấn (sản lượng nuôi trồng 4.401 tấn và sản lượng khai thác 358 tấn). Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhỏ lại manh mún, nuôi trong ao, hồ và số ít nuôi cá lồng bè; phần lớn diện tích nuôi để tiêu dùng nên năng suất cũng như hiệu quả thu được trên một hecta nuôi trồng không cao.
2.4. Kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp; kinh tế trang trại
 Kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất: Toàn tỉnh hiện có 171 Hợp tác xã và 01 liên hiệp HTX nông, lâm nghiệp đang còn hoạt động trên địa bàn (có 14 HTX được thành lập mới) và 01 Liên hiệp HTX nông lâm nghiệp đăng ký hoạt động (với 04 HTX thành viên). Có 86 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động.
Kinh tế trang trại: Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ toàn tỉnh Bình Phước hiện có 487 trang trại, chia ra: Thành phố Đồng Xoài có 9 trang trại; thị xã Phước Long có 10 trang trại; thị xã Bình Long có 15 trang trại; huyện Bù Gia Mập có 18 trang trại; huyện Lộc Ninh có 44 trang trại; huyện Bù Đốp có 16 trang trại; huyện Hớn Quản có 104 trang trại; huyện Đồng Phú có 40 trang trại; huyện Bù Đăng có 103 trang trại; huyện Chơn Thành có 90 trang trại; huyện Phú Riềng có 38 trang trại.
2.5. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới
Kết thúc năm 2021 toàn tỉnh Bình Phước có 10 xã về đích nông thôn mới và 7 xã đạt chuẩn nâng cao, lũy kế tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 70/90 xã; 14/90 xã nông thôn mới nâng cao; 03 thành phố thị xã hoàn thành nông thôn mới; 2/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ tiêu năm 2022 có thêm 7 xã về đích nông thôn mới và 9 xã về dích nông thôn mới nâng cao.
3. Sản xuất công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (+17,80%); góp phần quan trọng trọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng phát triển chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu toàn ngành.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2021 ước đạt 100,85% so với tháng trước và 136,94% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 36,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,98% so với tháng trước, tăng 23,80% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 1,35%, tăng 37,00%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 9,87%, tăng 38,88%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 9,18%, tăng 49,63%.
Quý IV/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước đạt 125,45% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 25,45%. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 25,89%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21,66%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,14%.

​​​​​​​Tính chung cả năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 17,80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao 18,59%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,34%; ngành khai khoáng giảm 11,38%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,79%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,25%; Dệt tăng 10,30%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 59,12%; Sản xuất xe có động cơ tăng 24,94%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất đồ uống tăng 0,42%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 1,33%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 14,01%; Sản xuất kim loại giảm 49,72%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 17,73%...
  Trong năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hạt điều khô tăng 25,98%; Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn tăng 59,12%; Đồ nội thất bằng gỗ khác chưa được phân vào đâu tăng 41,70%; Thiết bị tín hiệu âm thanh khác tăng 24,94%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 tăng 20,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,55%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 64,37%; Sản xuất xe có động cơ tăng 22,86%...
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2021 tăng 113,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng, giảm như sau: Sản xuất trang phục tăng 47,10%; Sản xuất kim loại tăng 280,23%; Sản xuất đồ uống tăng gấp 32,27 lần; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 55,86%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,29%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 18,79% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,87%.
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Tính chung năm 2021, toàn tỉnh có 1.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 23.998 tỷ đồng, giảm 15,87% về số doanh nghiệp và tăng 11,34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, đạt 88,83% kế hoạch năm; có 267 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 125 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 120 doanh nghiệp thông báo giải thể, 321 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng.
* Xu hướng sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy: có 61,97% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm nay tốt hơn quý trước; 1,41% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,62% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2022 có 58,57% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 0,00% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 41,43% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đánh giá 50,00% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 giữ nguyên và 50,00% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 sẽ tốt hơn; Với đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 tốt hơn của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 51,11% và 73,91%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 59,15% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 46,48% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao; 47,89% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 38,03% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 35,21% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên vật liệu…
Về khối lượng sản xuất, có 61,97% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của quý IV/2021 tăng so với quý trước; 1,41% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 36,62% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Xu hướng quý I/2022, có 54,29% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 0,00% số doanh nghiệp dự báo giảm và 45,71% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về số lượng đơn đặt hàng mới, có 57,97% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2021 cao hơn quý trước; 1,45% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm đi và 40,58% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý I/2022, có 55,71% số doanh nghiệp dự báo có số đơn đặt hàng cao hơn; 0,00% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm; 44,29% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, có 50,94% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng quý IV/2021 tăng hơn so với quý trước; 0,00% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng giảm và 49,06 % số doanh nghiệp đánh giá ổn định. Xu hướng quý I/2022, có 56,60% số doanh nghiệp dự báo có số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cao hơn; 1,89% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm; 41,51% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định.
5. Hoạt động dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 giảm (-1,10%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2021 ước tính đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 11,20% so với tháng trước và giảm 0,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.561,05 tỷ đồng, tăng 9,83%, tăng 6,68%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 418,30 tỷ đồng, tăng 22,24%, giảm 9,43%; doanh thu du lịch lữ hành trong tháng không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 204,64 tỷ đồng, tăng 14,90% và giảm 49,40%.
Quý IV năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.398,41 tỷ đồng, giảm 10,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 9.821,90 tỷ đồng, giảm 3,98% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.058,30 tỷ đồng, giảm 21,36%; doanh thu du lịch lữ hành trong quý không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 518,19 tỷ đồng, giảm 56,45%.

​​​​​​​Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện được 48.226,41 tỷ đồng, giảm 1,10% so cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 41.277,89 tỷ đồng, tăng 2,69% (trong đó: lương thực, thực phẩm tăng 16,36%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.403,35 tỷ đồng, giảm 11,49%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,54 tỷ đồng, giảm 17,59%; doanh thu dịch vụ khác đạt 2.543,62 tỷ đồng, giảm 29,16%.
5.2 Kim, ngạch xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu: Thực hiện năm đạt 3.500 triệu USD, tăng 17,8% so cùng kỳ, vượt 12,9 % kế hoạch đề ra.
Kim ngạch nhập khẩu: Thực hiện năm đạt 2.190 triệu USD, tăng 32,73% so cùng kỳ, vượt 28,8% so kế hoạch đề ra.
5.3. Giao thông vận tải - Bưu chính viễn thông
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 12/2021 ước đạt 89,46 tỷ đồng, tăng 6,80% so với tháng trước, giảm 50,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đạt 24,72 tỷ đồng, tăng 2,98% so với tháng trước, giảm 77,86% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 63,31 tỷ đồng, tăng 8,42%, giảm 6,81%. Quý IV/2021 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 246,80 tỷ đồng, giảm 53,62% so với cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 66,52 tỷ đồng, giảm 79,49%; vận tải hàng hóa đạt 176,15 tỷ đồng, giảm 12,25%. Tính chung trong năm 2021, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.348,23 tỷ đồng, giảm 29,29% so với cùng kỳ, trong đó: vận tải hành khách đạt 647,83 tỷ đồng, giảm 43,30%; vận tải hàng hóa đạt 680,89 tỷ đồng, giảm 7,94%.
Vận tải hành khách tháng 12/2021 ước đạt 265,74 ngàn HK và 34,09 triệu HK.km, so với tháng trước tăng 2,90% về vận chuyển, tăng 3,43% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước giảm 78,32% về vận chuyển, giảm 78,22% về luân chuyển. Quý IV, vận tải hành khách ước đạt 718,38 ngàn HK và 92,25 triệu HK.km, so với cùng kỳ giảm 79,92% về vận chuyển, giảm 79,56% về luân chuyển. Tính chung năm 2021, vận tải hành khách ước đạt 7.594,38 ngàn HK và 897,63 triệu HK.km, so với cùng kỳ giảm 41,46% về vận chuyển, giảm 42,90% về luân chuyển.
Vận tải hàng hoá tháng 12/2021 ước đạt 284,77 ngàn tấn và 19,05 triệu T.km, so với tháng trước tăng 8,69% về vận chuyển, tăng 8,49% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước giảm 4,71% về vận chuyển, giảm 7,13% về luân chuyển. Quý IV, vận tải hàng hoá ước đạt 790,75 ngàn tấn và 52,99 triệu T.km, so với cùng kỳ giảm 10,84% về vận chuyển, giảm 12,50% về luân chuyển. Tính chung trong năm 2021, vận tải hàng hóa ước đạt 3.025,88 ngàn tấn và 206,02 triệu T.km, so với cùng kỳ giảm 8,53% về vận chuyển, giảm 8,85% về luân chuyển.
Về lĩnh vực bưu chính:
Về hoạt động các điểm phục vụ bưu chính: tính đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 155 điểm, bán kính phục vụ trung bình 3,76 km, đáp ứng 100% số xã được phụ vụ bưu chính; doanh thu trong năm ước đạt 193 tỷ đồng.
Viễn thông và Internet: Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có 1.179.439 số thuê bao điện thoại, trong đó: điện thoại cố định 112.097 thuê bao; điện thoại di động 1.167.342 thuê bao; internet 894.118 thuê bao. Doanh thu ước đạt 1.509,86 tỷ đồng.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
1.1. Ngân hàng

Về lãi suất: Nhìn chung mặt bằng lãi suất ổn định. Lãi suất đồng Việt Nam: Lãi suất tối đa đối với tiền gửi VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi VNĐ có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 4,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: 4,5%/năm; của quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm; lãi suất cho vay ở mức 7,6-9,5%/năm.
Đối với huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 12/2021 ước đạt 50.570 tỷ đồng, tăng 22,13% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,58%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,42%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 57,88%, tiền gửi thanh toán chiếm 40,54%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,58%.
Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 12/2021 ước đạt 89.500 tỷ đồng, tăng 12,63% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 73,35%; trung, dài hạn chiếm 26,65%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 89,90%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 10,10%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,67% trên tổng dư nợ.
1.2. Bảo hiểm
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến ngày 30/11/2021, gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 132.305 người (trong đó, bảo hiểm thất nghiệp là 124.080 người), đạt 94,2% kế hoạch được giao; bảo hiểm xã hội tự nguyện 9.678 người, đạt 58,3% kế hoạch; bảo hiểm y tế là 685.395 người, đạt 89,51% kế hoạch.
Tổng số thu tính đến ngày 30/11/2021 là 2.835,79 tỷ đồng, đạt 81,8% so với kế hoạch, trong đó: Bảo hiểm xã hội bắt buộc: 1.852,74 tỷ đồng, đạt 83,2% kế hoạch; bảo hiểm xã hội tự nguyện: 34,57 tỷ đồng, đạt 71,9% kế hoạch; bảo hiểm y tế: 814,71 tỷ đồng, đạt 79,5% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp: 131,49 tỷ đồng, đạt 79,2% kế hoạch.
Tổng số chi tính đến ngày 30/11/2021: 1.781,99 tỷ đồng, bao gồm: Chi bảo hiểm xã hội: 1.332,07 tỷ đồng (trong đó chi bảo hiểm thất nghiệp 419,75 tỷ đồng); chi bảo hiểm y tế: 449,92 tỷ đồng.
2. Đầu tư và xây dựng

​​​​​​​Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý IV/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 8.161,16 tỷ đồng, tăng 13,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn khu vực Nhà nước giảm 1,38%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 15,11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,34% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 24.346,96 tỷ đồng, tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,28% GRDP, trong đó: vốn khu vực Nhà nước đạt 4.476,62 tỷ đồng, chiếm 18,39%, giảm 1,13% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 15.036,72 tỷ đồng, chiếm 61,76%, tăng 8,02%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.672,93 tỷ đồng, chiếm 19,19%, tăng 22,98%.
Một số công trình trọng điểm đang thực hiện từ vốn đầu tư công góp phần tạo diện mạo mới cho tỉnh nhà như: Dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa tỉnh từ 300 giường lên 600 giường bệnh; Nâng cấp mở rộng ĐT 753B kết nối đường Đồng Phú-Bình Dương; Dự án Đường giao thông phục vụ dân sinh gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới huyện Lộc Ninh; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã ba Lộc Tấn cửa khẩu Hoa Lư…
Trong tổng vốn đầu tư thì vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện năm 2021 đạt 4.511,1 tỷ đồng, bằng 94,69% kế hoạch năm, tăng 27,24% so với cùng kỳ năm trước, gồm có: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 3.022,1 tỷ đồng, bằng 93,57% kế hoạch năm, tăng 86,29%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 1.489 tỷ đồng, bằng 97% và tăng 18,92%.
Về thu hút FDI: Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 22/12/2021 toàn tỉnh đã thu hút được 66 dự án FDI với số vốn hơn 598,874 triệu USD, tăng 88,57% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2020, đạt 149,72% kế hoạch điều chỉnh năm 2021.
3. Thu, chi ngân sách
Theo báo cáo của ngành Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước năm 2021 là 13.191,51 tỷ đồng, đạt 101,47% so với dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua, tăng 13,64% so với cùng kỳ, trong đó:
- Thu từ sản xuất kinh doanh trong nước ước 11.931,33 tỷ đồng, đạt 100,86% so kế hoạch HĐND giao. Trong thu từ sản xuất kinh doanh trong nước: thu từ doanh nghiệp nhà nước ước 1.138,90 tỷ đồng, đạt 129,42% so kế hoạch, tăng 28,81% so với cùng kỳ; thu từ kinh tế ngoài quốc doanh ước 1.629,81 tỷ đồng, đạt 118,96% so kế hoạch, tăng 18,83% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước 1.054,10 tỷ đồng, đạt 144,40% kế hoạch, tăng 97,98%; thu xổ số kiến thiết ước 779,90 tỷ đồng, đạt 91,75% so kế hoạch, giảm 6,15%; thu tiền sử dụng đất ước 4.548,56 tỷ đồng, tăng 36,91% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương năm 2021 ước thực hiện 13.275,17 tỷ đồng, đạt 84,29% so với dự toán năm, tăng 8,49% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển: 6.295,93 tỷ đồng, đạt 90,48% dự toán, tăng 34,74% so với cùng kỳ; chi thường xuyên: 5.982,61 tỷ đồng, đạt 77,77% dự toán, giảm 12,60% so với cùng kỳ, đã đáp ứng yêu cầu chi tiền lương, các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, các khoản an sinh xã hội, phòng ngừa dịch bệnh...

​​​​​​​4. Chỉ số giá
Tình hình giá cả thị trường tháng 12/2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có biến động giảm nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm mặt hàng tăng so với tháng trước, với mức tăng như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,52%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Nhóm giáo dục tháng tăng 0,02%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Có 3 nhóm hàng giảm xuống so với tháng trước: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,18%; Nhóm giao thông giảm 2,06%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15%. Có 1 nhóm hàng ổn định so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

​​​​​​​Nguyên nhân làm tăng, giảm CPI tháng 12 năm 2021
- Chỉ số giá gạo tháng 12/2021 tăng 1,79% so với tháng 11/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu dự trữ gạo trong nước và nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng làm giá gạo tăng. - Giá điện sinh hoạt tăng 1,15% so với tháng trước do trời nắng, nóng người dân bơm nước tưới cây lâu năm và hàng năm.
 - Giá gas ngày 01/12/2021 giảm 24.000/bình/12kg so với tháng trước theo công bố của tập đoàn xăng dầu Việt Nam. Cũng tác động giảm chỉ số chung CPI tháng 12/2021 là 0,20% so với tháng trước.
- Giá thịt lợn tăng 1,15% so với tháng trước, do lượng heo hơi xuất bán tại nhiều nơi giảm so với trước và nhu cầu tiêu thụ heo hơi và thịt heo đang cải thiện so với trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 2,42% so với bình quân cùng kỳ năm trước, mức tăng chung thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2020 (+3,02%). Nhóm hàng tăng cao hơn so với mức tăng chung như: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,48%; Giao thông tăng 12,28%. Những nhóm hàng tăng thấp hơn mức tăng chung: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,74%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,43%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,65%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,84%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; Giáo dục tăng 0,46%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,97%. Các hàng hóa, dịch vụ giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,68%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,93%.
Giá vàng và đôla Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng 12/2021 giảm 0,15% so với tháng trước; giảm 0,58% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 7,99% so với cùng kỳ. Chỉ số Đô la Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,59% so với tháng trước, giảm 1,41% so với cùng kỳ; chỉ số giá bình quân năm 2021 so với cùng kỳ năm trước giảm 1,18%.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm và đời sống dân cư
1.1. Công tác lao động - việc làm

Ước thực hiện năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 41.141 lao động (kế hoạch 38.000 lao động), đạt 108% kế hoạch năm; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước duy trì ở mức dưới 3%, bằng chỉ tiêu được giao. Tổ chức tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 10.028 lao động; tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm thu hút 93 doanh nghiệp và 1.715 lao động tham gia. Đào tạo nghề cho 7.376/7.000 lao động đạt 105,4% kế hoạch năm, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 61%.
Việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt nam đảm bảo đúng theo quy định, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các đoanh nghiệp phát triển sản xuất. Tuyển dụng 1.236 lao động là người nước ngoài tại 146 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cấp mới, cấp lại, gia hạn và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 712 lao động làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng thời tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1.2. Công tác giảm nghèo
Đầu năm 2021, toàn tỉnh còn 3.568 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% tổng số hộ dân. Dự kiến đến cuối năm 2021 hoàn thành giảm 2.000 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ giảm nghèo là 0,73%, đạt 100% kế hoạch; đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 0,61% trên tổng số hộ dân.
2. Công tác an sinh xã hội
2.1. Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội

Hoàn thành chi hỗ trợ người dân Bình Phước tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội theo Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hoàn thành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách người có công, đối tượng bảo hiểm xã hội, đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác năm 2021, cụ thể như sau:
Trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng: Tổng số 43.493 phần quà, với tổng kinh phí 16.505 triệu đồng. Trong đó: Nhân dịp tết Nguyên đán 20.999 phần quà, với tổng kinh phí 8.602 triệu đồng, nhân dịp ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) 22.494 phần quà, với tổng kinh phí 7.903 triệu đồng.
Trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Tổng số 12.893 phần quà, với tổng kinh phí 9.642 triệu đồng;
Thực hiện trợ cấp thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí tại cộng đồng cho 249.732 thẻ.
2.2. Công tác bảo trợ xã hội
Toàn tỉnh có 21.004 đối tượng bảo trợ xã hội, tất cả các đối tượng này đều được hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ 100%), đồng thời được các địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết với tổng số tiền hơn 14.430 triệu đồng. Tham mưu cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên Đán và trong đợt phát sinh dịch bệnh Covid -19 cho 64.090 người với mức 15kg/người; tổ chức thăm chúc thọ người cao tuổi nhân Ngày quốc tế người cao tuổi với tổng kinh phí 684.000.000 đồng.
Đối với các cơ sở trợ giúp xã hội, hiện nay toàn tỉnh có 07 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng 181 người. Toàn tỉnh hiện có 303.322 trẻ em, trong đó 1,16% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trên 96% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, trên 98% trẻ em trong độ tuổi quy định được cấp thẻ bảo hiểm để khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; 100% trẻ em mắc bệnh tim đều được tỉnh giúp đỡ phẫu thuật miễn phí từ nguồn của các tổ chức từ thiện nhân đạo và các nhà hảo tâm; 100% trẻ em thuộc đối tượng được hỗ trợ do bị tác động của đại dịch covid được chi hỗ trợ đầy đủ, kịp thời.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 405 học viên (Trong đó cai nghiện bắt buộc là 380 học viên; cai nghiện tự nguyện là 25 học viên; tiếp nhận mới là 180 học viên). Giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho 102 học viên. Giáo dục theo nhóm 81 buổi với 1.937 lượt học viên tham gia; tư vấn cá nhân cho 1.182 lượt học viên; giải quyết cho 1.127 lượt gia đình học viên đến thăm nuôi. Khám và điều trị bệnh cho 11.464 lượt học viên.
2.3. Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Trong năm đã tiếp nhận giải quyết đúng, đủ 100% hồ sơ người có công (3.750 hồ sơ), không có hồ sơ tồn đọng; tham mưu giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công phù hợp với tình hình dịch bệnh covid. Xây dựng mới 59 căn, sửa chữa 106 căn nhà tình nghĩa cho người có công; tổ chức thăm tặng quà cho người có công nhân dịp lễ, tết với tổng số tiền hơn 25.106 triệu đồng.
Thực hiện đính chính thông tin mộ liệt sĩ cho 13 trường hợp; di chuyển 13 hài cốt liệt sĩ về quê hương theo nguyện vọng cuả gia đình. Tiếp nhận và tổ chức lễ viếng, lễ an táng 105 hài cốt liệt sĩ; phối hợp với đội K72 lấy 89 mẫu sinh phẩm của liệt sĩ để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đến nay chưa có kết quả.
3. Giáo dục, đào tạo
Nhìn chung, tất cả các trường học đều thực hiện đầy đủ quy chế chuyên môn, hoàn thành chương trình theo quy định. Một số kết quả tiêu biểu đạt được như sau:
- Tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tham mưu xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức dạy học và đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên khi thực hiện dạy học trực tiếp; lập danh sách và phối hợp với Sở Y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi, kết quả có 80.555 học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin (đạt 91,76% so với tổng số học sinh trong độ tuổi);
- Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn học kỳ 1 của các các đơn vị, chuẩn bị kiểm tra đánh giá cuối học kì 1 năm học 2021-2022. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị học trực tuyến, học qua truyền hình để phòng chống dịch; xây dựng dự thảo kế hoạch học trực tiếp để xin ý kiến các sở, ngành và địa phương, tham mưu UBND tỉnh ban hành;
- Tăng cường công tác Kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia năm 2021 theo kế hoạch;
4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, nhất là dịch bệnh Covid-19, sốt rét, sốt xuất huyết… An toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Bên cạnh đó các đơn vị y tế trong tỉnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và ngành y tế về phòng chống dịch Covid-19: phân công cán bộ trực và xử lý, tăng cường trong toàn tỉnh. Tiếp nhận và phân bổ vắc xin, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn tỉnh theo kế hoạch. Lũy kế tổng số người đã được tiêm mũi 1 là 743.012 người, đạt 97.76% và số người đã được tiêm mũi 2 là 627.870 người, đạt 82.61%. Tính đến ngày 14/12/2021 tỉnh Bình Phước phát hiện 16.891 ca Covid-19 (Trong đó điều trị khỏi 8.223 ca, đang điều trị 8.619 ca, tử vong 30 ca) và dự báo số ca mắc mới ngày càng tăng lên.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
Công tác tuyên truyền: Tổ chức tốt các hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan, tập trung vào các nội dung, sự kiện, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Kết quả đã thiết kế, in ấn và thi công trang trí được 24.973m băng rôn, 65.094m2 pano, 81.278m2 banner, 20.000m cờ dây, treo 29.312 lượt cờ các loại; tuyên truyền được 2.939 giờ đèn Led; 6.216 giờ xe tuyên truyền với nhiều nội dung khác nhau; viết bài tuyên truyền và tin bài hoạt động đăng trên trang thông tin điện tử của ngành.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức Lễ công bố 03 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: “Lễ hội Miếu Bà Rá, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước”. Trong năm 2021 số lượng khách tham quan tại Bảo tàng và các di tích là 121 đoàn với 108.715 lượt khách.
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trong năm, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh đã tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị, nhân dân trong tỉnh. Phối hợp với các đơn vị phát sóng clip, chương trình ca nhạc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Kết quả thực hiện 136 buổi biểu diễn và phát sóng, thu hút 127.529 lượt khán giả xem.
Hoạt động thư viện: Trong năm, thư viện cấp 191 thẻ thư viện (cấp mới 121 thẻ và gia hạn 70 thẻ); phục vụ được  3.978.660 lượt bạn đọc; tổng số lượt sách, báo luân chuyển 161.859 lượt.
Thể dục thể thao: Trong năm 2021, đội tuyển thể thao của tỉnh tham dự 22 giải thể thao cấp khu vực và toàn quốc kết quả đạt 31 HCV, 28 HCB, 31 HCĐ; hỗ trợ 142 lượt trọng tài làm nhiệm vụ tại các giải thể thao, hội thao.
Hoạt động du lịch: Trong năm 2021, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt 416.800 lượt khách, đạt 47,27% so với kế hoạch năm, giảm 46,86% so với cùng kỳ 2020 (trong đó, khách nội địa 415.804 lượt khách; khách quốc tế 996 lượt khách). Tổng doanh thu đạt khoảng 238,54 tỷ đồng, đạt 57,20% so với kế hoạch năm, giảm 38,84% so với cùng kỳ 2020.
6. Tai nạn giao thông
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 02 vụ va chạm giao thông, làm 21 người chết, 7 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng tăng 4,35%; số người chết giảm 12,50%; số người bị thương giảm 46,15%. Tính chung 12 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 183 vụ tai nạn giao thông, làm 142 người chết, 109 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 12,02%; số người chết giảm 9,55%; số người bị thương giảm 24,31%.

​​​​​​​Trong năm, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 67.772 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 7.511 phương tiện, tước 5.439 giấy phép lái xe, cảnh cáo 821 trường hợp, xử lý hành chính 30.664 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 52,23 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (2.177  trường hợp), không có giấy phép lái xe (4.665 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (5.569  trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (1.760 trường hợp).
7. Thiệt hại thiên tai
Tình hình ảnh hưởng do mưa to, ngập lụt và lốc xoáy: Trong tháng, không phát sinh. Tính chung cả năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ thiệt hại do ảnh hưởng của mưa to, ngập lụt và lốc xoáy, cụ thể: thiệt hại về nhà cửa: tốc mái 199 căn, sập cuốn trôi 7 căn, nhà bị hư hại 01 căn; thiệt hại về cây trồng: gãy đổ 299,75 ha cây trồng các loại; thiệt hại về tài sản khác: Mưa lớn làm sập bờ tường rào 55,5 m2, hư hỏng khoảng 06 km đường giao thông nông thôn, làm sạt lở chân đốc đèo, hư hỏng 02 trụ sở làm việc, sập hàng rào dài 8,8m… Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 22,41 tỷ đồng.
8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tích lũy đến cuối tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy, thiệt hại do cháy khoảng 81,47 tỷ đồng, 02 người bị thương.
Tháng 12 cơ quan chức năng đã phát hiện 04 vụ vi phạm môi trường, đã tiến hành xử lý 01 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 3 triệu đồng. Tích lũy số liệu đến tháng 12 năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 240 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 128 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 591,5 triệu đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,464
  • Hôm nay456,459
  • Tháng hiện tại10,062,391
  • Tổng lượt truy cập383,182,728
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây