Điều tra dân số giữa kỳ

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022

Thứ ba - 31/05/2022 07:55 1945
​Trên cơ sở rà soát, đánh giá lại số liệu kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022, ước tính kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5 năm 2022, Cục Thống kê tỉnh Bình Phước báo cáo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 như sau:

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Tháng 5 đã vào mùa mưa bà con đang khẩn trương làm đất và xuống giống các loại cây hàng năm vụ Mùa, trên cây lâu năm một số loại cây ăn quả đã và đang thu hoạch, cây cao su đã bắt đầu mùa khai thác và bảo vệ, phát triển đàn gia súc, gia cầm.

a. Trồng trọt
Tháng 5 bà con nông dân đang khẩn trương xuống giống vụ mùa, ước tính toàn tỉnh gieo trồng được 3.557 ha, tăng 7,73% so với cùng kỳ. Trong đó: Cây lúa gieo trồng được 871 ha, tăng 2,47%; Cây ngô 545 ha, tăng 10,55%; Cây khoai lang 71 ha, tăng 2,90%; Cây khoai mỳ 2.808 ha, tăng 0,83%; Cây đậu phộng 34 ha, tăng 6,25%; Cây rau các loại 1.674 ha, tăng 2,70%. Nhìn chung tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Mùa nhanh hơn so với năm 2021 do năm nay mùa mưa đến sớm hơn.

Các loại cây lâu năm của tỉnh phát triển ổn định, trong tháng 5 cây cao su đã bước vào mùa khai thác và đa số các loại cây ăn quả đã và đang thu hoạch. Tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh ước tính có 440.850 ha, trong đó: Cây ăn trái hiện có 12.830 ha, chiếm 2,91% trên tổng số cây lâu năm. Các loại cây ăn trái năm nay do mưa nhiều nên năng suất, sản lượng nhìn chung tăng hơn so với cùng kỳ.

Các loại cây công nghiệp lâu năm có diện tích lớn và cũng là các loại cây chủ lực của tỉnh là cây điều, cây tiêu, cây cao su, và cây cà phê với tổng diện tích hiện có 425.925 ha, chiếm 96,88% trên tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh, trong đó: Cây điều 151.124 ha, sản lượng ước đạt 170.500 tấn (-65.110 tấn) so với năm cùng kỳ năm 2021; Cây hồ tiêu 15.100 ha, sản lượng ước đạt 30.100 tấn (+2.324 tấn) so với cùng kỳ. Cây cao su 245.100 ha, sản lượng ước đạt 40.156 tấn (+1.169 tấn), lũy kế sản lượng mủ khai thác ước đạt 81.938 tấn, tăng 2.389 tấn so với năm 2021; Cây cà phê 14.601 ha. Các loại cây công nghiệp lâu năm tỉnh Bình Phước tiếp tục rà soát thống kê diện tích bị xâm canh trong đất lâm phần. Năng suất, sản lượng cây điều năm 2022 giảm mạnh so với vụ điều năm 2021 nguyên nhân chủ yếu là do năm nay mưa trái mùa nhiều trong lúc điều ra bông tỷ lệ đậu trái thấp.

Giá một số hàng nông sản và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 5/2022 như sau: Giá rau ăn lá khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg; rau ăn quả các loại 14.000 - 18.000 đồng/kg; cam, quýt khoảng 15.000 - 19.000 đồng/kg; bưởi khoảng 18.000 - 22.000 đồng/kg; Chuối từ 10.000-14.000 đồng/kg; Mủ cao su sơ chế 34.932 đồng/kg, cà phê nhân 41.353 đồng/kg, hạt điều khô 30.871 đồng/kg, hạt tiêu khô 80.343 đồng/kg.

Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.

b. Chăn nuôi
Tháng 5 năm 2022, tình hình phát triển đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Ước tính đến ngày 15/5/2022, tổng đàn trâu hiện có 13.520 con, tăng 0,97% (+130 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng 1.914 con, tăng 6,10% (+110 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 484 tấn, tăng 6,10% (+28 tấn); Đàn bò 39.150 con, tăng 0,26% (+100 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng 6.841 con tăng 1,20% (+81 con); sản lượng xuất chuồng 1.190 tấn, tăng 1,20% (+14 tấn). Đàn heo 1.680.100 con, tăng 44,28% (+515.600 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng 835.839 con, tăng 47,83% (+270.427 con); sản lượng xuất chuồng 81.912 tấn, tăng 47,83% (+26.502 tấn).

Đàn gia cầm hiện có 12.310 ngàn con, tăng 65,28% (+4.691 ngàn con) so với cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng ước đạt 19.276 tấn, tăng 0,02% (+9.639 tấn); sản lượng trứng ước 94.749 ngàn quả (+25.450 ngàn quả). Đàn gà hiện có 11.877 ngàn con, tăng 65,28% (+4.691 ngàn con) so với cùng kỳ, sản lượng xuất chuồng ước đạt 18.092 tấn (+9.047 tấn); sản lượng trứng ước đạt 93.659 ngàn quả (+25.157 ngàn quả). Tình hình chăn nuôi của Bình Phước tăng mạnh trên đàn lợn và đàn gia cầm nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng qui mô đàn.

Công tác thú y: Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ngăn chặn giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh, sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm; tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác ổn định không có dịch bệnh lớn xảy ra.

So với tháng 4 năm 2022, tình hình giá sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động: Giá heo hơi 56.000 - 57.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg); giá gà công nghiệp dao động 26.000 - 27.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg); vịt từ 55.000 - 55.500 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg).

1.2. Lâm nghiệp
Thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng và sử dụng đất lâm nghiệp. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên toàn bộ diện tích rừng tại các khu vực trọng điểm, ngăn chặn các vụ chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô và đôn đốc các chủ rừng triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng; kết quả trong tháng trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy rừng xảy ra.

Trong tháng 5 các đơn vị được giao trồng rừng đang xử lý thực bì, cày đất để chuẩn bị trồng mới cây lâm nghệp. Tháng 5 toàn tỉnh ước tính khai thác được 1.045 m3 gỗ (+11 m3) so với cùng kỳ, lũy kế ước đạt 5.226 m3 (+57 m3); lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 122 Ste (+6 Ste), lũy kế 608 Ste (+28 Ste).

1.3. Thủy sản
Tiếp tục duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản với 1.300 ha hiện có, tháng 5 toàn tỉnh ước thu hoạch được 282 tấn, tăng 2,17% (+6 tấn) so với cùng kỳ, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản 1.400 tấn, tăng 1,01% (+14 tấn); trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên 137 tấn, tăng 0,74%, (+ 1 tấn); sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.263 tấn, tăng 1,04% (+13 tấn).

2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 6,27% so với tháng trước và tăng 19,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,86% và tăng 21,58%; sản xuất và phân phối điện tăng 23,93% và tăng 1,24%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 12,79% và tăng 0,47%; khai khoáng giảm 3,02% và giảm 8,30%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 20,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,56%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,93%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,87%; khai khoáng giảm 8,38%, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thích ứng trong tình hình mới, tận dụng cơ hội để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số ngành đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 35,63%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 32,20%; Sản xuất đồ uống tăng 21,83%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,62%; Sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,80%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,36%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng năm 2022 tăng cao hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 9 lần; Dịch vụ sắp chữ in (khuôn in) hoặc trục lăn và các phương tiện truyền thông đại chúng dùng trong in tăng 51,62%; Dịch vụ hoàn thiện đồ nội thất mới bằng gỗ và bằng các vật liệu tương tự tăng 44,14%; Dịch vụ sản xuất giày, dép tăng 40,83%; Các loại van khác chưa được phân vào đâu tăng 35,65%; Hạt điều khô tăng 26,66%; Nước tinh khiết tăng 7,80%; Ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự tăng 6,61%; Dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại tăng 5,46%; …

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 5 ước tính tăng 4,45% so với tháng trước và tăng 10,46% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 8,34%, trong đó: Khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,12%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 48,53%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 37,60%.

3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển tốt. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, người dân thực hiện thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới, các điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn có nhiều tín hiệu tích cực, cùng với đó tỉnh tiếp tục cho phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động như dịch vụ karaoke, massage, trò chơi điện tử, quán bar… sau một thời gian dài tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch, góp phần tạo đà phục hồi tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 5/2022 ước tính đạt 5.204,90 tỷ đồng, tăng 4,76% so với tháng trước và tăng 8,98% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.331,59 tỷ đồng, tăng 3,99%, tăng 8,17%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 509,34 tỷ đồng, tăng 9,42%, tăng 12,48%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 0,46 tỷ đồng, tăng 64,29%, tăng 62,22% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 363,51 tỷ đồng, tăng 7,82%, tăng 14,08% so cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 24.182,62 tỷ đồng, tăng 3,10% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 20.217,34 tỷ đồng, chiếm 83,60% tổng số, tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.341,95 tỷ đồng, chiếm 9,68% tổng số, tăng 4,14% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,38 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng số, giảm 10,26% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.621,95 tỷ đồng, chiếm 6,71% tổng số, tăng 6,01% so cùng kỳ.

3.2. Giao thông vận tải
Vận tải hàng hóa được duy trì tốt khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Riêng hoạt động vận tải hành khách tháng 5/2022 vừa tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ - đây là lần tăng đầu tiên tính từ đầu năm cho đến nay, tuy nhiên lũy kế 5 tháng 2022 vẫn giảm so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách: Trong tháng 5, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 1.218,14 ngàn hành khách, tăng 9,80% so với tháng trước và tăng 0,21% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 152.707,89 ngàn hành khách.km, tăng 9,40% và tăng 0,40%; doanh thu ước tính đạt 111.652,14 triệu đồng, tăng 9,30% và tăng 1,61%.
Lũy kế số lượt hành khách vận chuyển đạt 3.575,58 ngàn lượt hành khách, giảm 39,62% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 448.483,86 ngàn lượt hành khách.km, giảm 39,43%; doanh thu đạt 330.312,97 triệu đồng, giảm 38,28%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 5 ước đạt 319,10 ngàn tấn, tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 9,45% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 21.748,40 ngàn tấn.km, tăng 0,44% và tăng 9,49%; doanh thu ước tính đạt 74.315,90 triệu đồng, tăng 0,90% và tăng 13,60%.

Lũy kế khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.551,82 ngàn tấn, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 105.248,10 ngàn tấn.km, tăng 5,39%; doanh thu đạt 357.375,70 triệu đồng, tăng 8,30%. Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải: Tháng 5 ước tính đạt 2.473,80 triệu đồng, tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,27 so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế ước tính đạt 12.099,30 triệu đồng, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước.

II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ 
1. Chỉ số giá, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 3,55% so với tháng 12/2021 và tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng, 2/11 nhóm giảm giá và 1/11 nhóm giữ giá ổn định, trong đó: Nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,56% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 04/5/2022, 12/5/2022 và 23/5/2022, trong đó bình quân giá xăng E5 tăng 1.554 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.766 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 994 đồng/lít; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,50% do giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng làm cho giá vật liệu xây dựng tăng; Bên cạnh đó chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 7,27% và 2,35%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,77%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,02%; Nhóm giáo dục tăng 0,01%. Song song đó có 2/11 nhóm giảm giá: Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,01%; Nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,03%.

Trong 5 tháng đầu năm, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng so với bình quân cùng kỳ: Nhóm giao thông tăng 19,65%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,99%; Lương thực tăng 5,8%; đồ uống ngoài gia đình tăng 3,70; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,98%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,78%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,83%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%... Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 5 tháng đầu năm giảm so với bình quân cùng kỳ: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 5,18%; Bưu chính, viễn thông giảm 1,12%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11%.

Chỉ số giá vàng tháng 5 giảm 0,997% so với tháng trước, tăng 5,02% so với tháng 12/2021 và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 3,22% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Năm tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 1,12% so với tháng 12/2021 và tăng 0,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu 2022, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,80% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm do lo ngại các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát gia tăng sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, theo đó làm giảm tâm lý rủi ro và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm đồng tiền trú ẩn an toàn.

2. Đầu tư, xây dựng
Trong thời gian qua, trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Phước đã thường xuyên chỉ đạo các Sở, ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5 ước tính ước đạt 414.012 triệu đồng, tăng 10,38% so với tháng trước và tăng 22,16% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện 316.862 triệu đồng, tăng 13,75% và tăng 20,62%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện 97.150 triệu đồng, tăng 0,64% và tăng 27,48%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn thực hiện đạt 1.444.628 triệu đồng, tăng 28,48% so với cùng kỳ năm trước và bằng 5,72% kế hoạch năm 2022. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.103.169 triệu đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và đạt 5,82% kế hoạch năm; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện 341.459 triệu đồng, tăng 26,85% và đạt 5,41%. Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như: Đường phía Tây QL13 đoạn Chơn Thành - Hoa Lư tỉnh Bình Phước; Đường giao thông kết hợp du lịch hồ thủy lợi Phước Hòa; Xây dựng tuyến kết nối ĐT.753B với đường Đồng Phú - Bình Dương (đoạn Lam Sơn - Tân Phước); Hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Minh Hưng - Đồng Nơ (3 hạng mục phát sinh, gồm: điện chiếu sáng công cộng, đường dây 22KVA và trạm biến áp, trồng cây sao đen hai bên đường); Xây dựng mương thoát nước và đường giao thông ngoài Khu công nghiệp và khu dân cư Becamex Bình Phước (giai đoạn II); Xây dựng khối phòng học, thư viện trung tâm nghiên cứu khoa học Trường THPT Đồng Xoài; Xây dựng Trường THPT Phú Riềng; Xây dựng Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bình Phước; Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Bù Đốp; Xây dựng đường giao thông và công viên khu di tích lịch sử căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết; Xây dựng đường Lý Thường Kiệt nối dài (đoạn từ đường Phú Riềng Đỏ đến đường Nguyễn Huệ, phường Tân Đồng); Xây dựng đường và cải tạo lòng hồ Long Thủy, thị xã Phước Long; Trường cấp 2,3 Minh Hưng, huyện Chơn Thành; Nâng cấp đường từ Ngã 3 Xa Cát vào Khu công nghiệp 2 Việt Kiều, huyện Hớn Quản; Xây dựng đường từ TTHC huyện Đồng Phú đến khu quy hoạch công nghiệp - thương mại - dịch vụ Becamex Bình Phước. . .

* Về đăng ký doanh nghiệp
- Trong tháng 5/2022 có 149 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1208,914 tỷ đồng. Lũy kế 550 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký là 6.378,914 tỷ đồng, 106,38 % về số doanh nghiệp, bằng 61,2% về số vốn đăng so với cùng kỳ năm 2021; có 180 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, có 230 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, có 65 doanh nghiệp đăng ký giải thể. Lũy kế số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 10.082 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 178.482,914 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài (FDI): Tháng 5/2022 không có dự án cấp mới. Điều chỉnh cho 06 dự án; trong đó điều chỉnh giảm vốn 01 dự án, với số vốn giảm 810.000 USD. Tổng vốn cấp mới và thay đổi trong tháng 5 là giảm 810.000 USD. Cấp mới 5 tháng đầu năm 2022 là 14 dự án, với số vốn 39.892.662 USD, bằng 43,75% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ năm 2021. Điều chỉnh vốn 05 tháng là 06 dự án, vốn điều chỉnh tăng 970.002 USD. Tổng vốn cấp mới và thay đổi 05 tháng là 40.862.664 USD, bằng 8,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến ngày 15/5/2022 toàn tỉnh có 350 dự án, vốn đầu tư 3.361.190 ngàn USD.

Về thu hút đầu tư trong nước: Tính đến ngày 14/5/2022 cấp mới 04 dự án với số vốn là 1.255,743 tỷ đồng. Trong đó: 03 dự án ngoài KCN với số vốn là 655,743 tỷ đồng, 01 dự án trong KCN với số vốn 600 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 02 dự án. Tổng vốn cấp mới trong tháng 5/2022 là 1.255,743 tỷ đồng. Lũy kế cấp mới 24 dự án, với tổng số vốn 4.026,196 tỷ đồng, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn 07 dự án với tổng số vốn tăng là 275 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng 2022 là 4.282,196 tỷ đồng bằng 41,3 % về số dự án và bằng 80,46 % về số vốn so với cùng kỳ năm 2021 (5 tháng năm 2021 toàn tỉnh cấp mới 58 dự án với số vốn là 5.322.047 triệu đồng).

3. Tài chính, ngân hàng
3.1. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 5.759.914 triệu đồng, đạt 47,29% dự toán Trung ương giao (đạt 43,80% dự toán HĐND tỉnh giao) và tăng 2,82% cùng kỳ năm 2021, trong đó: Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh là 529.926 triệu đồng, đạt 57,60% so với dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 18,77% so với cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 761.353 triệu đồng, đạt 48,19% và tăng 3,12%; Thu tiền sử dụng đất là 1.333.269 triệu đồng, đạt 25,16% và giảm 21,75%.

3.2. Chi ngân sách địa phương
Chi ngân sách địa phương 5 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện là 5.545.826 triệu đồng, đạt 35,43% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 9,77% cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 3.183.177 triệu đồng, đạt 43,65% dự toán và tăng 21,29% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 2.360.304 triệu đồng, đạt 29,94% và tăng 4,06%.

3.2. Ngân hàng
Diễn biến thị trường tiền tệ: các ngân hàng trên địa bàn giảm chi phí hoạt động để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất-kinh doanh. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có tăng nhưng tăng nhẹ so với tháng 12/2021 (Lãi suất huy động tăng khoảng 0,08%/năm và lãi suất cho vay tăng khoảng 0,13%/năm). Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên vẫn giữ ở mức: 4,5%/năm; của QTDND là 5,5%/năm..

Huy động vốn: Tính đến 30/4/2021 đạt 56.574 tỷ đồng, tăng 4.397 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,43% so với 31/12/2021. Trong đó, vốn huy động bằng Việt Nam đồng chiếm tỷ trọng lớn 99,14%, vốn huy động bằng ngoại tệ chỉ chiếm 0,86% trên huy động vốn toàn địa bàn; đến 31/5/2022, huy động vốn ước đạt 57.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 9,24%;
Hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến 30/4/2022 đạt 104.159 tỷ đồng, tăng 13.557 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 14,96% so với 31/12/2021. Trong đó: dư nợ bằng Việt Nam đồng chiếm 91,20%, dư nợ bằng ngoại tệ chiếm 8,80%; dư nợ ngắn hạn chiếm 75,15%, dư nợ trung, dài hạn chiếm 24,85% so với tổng dư nợ cho vay; Đến ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng ước đạt 105.900 tỷ đồng, tăng 16,88% so với cuối năm 2021.

Chất lượng tín dụng: Tính đến 31/3/2022 tỷ lệ nợ xấu là 0,55% so với tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn.
Tình hình thanh khoản: Nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm tỷ lệ 54,32% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Lao động, việc làm
Trong tháng 5 đã tổ chức tư vấn, giới thiệu nghề và việc làm cho 1.825 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 1.346 người và số người được hỗ trợ học nghề là 08 người. Lũy kế 5 tháng tổ chức tư vấn, giới thiệu nghề và việc làm cho 8.167 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 5.290 người và số người được hỗ trợ học nghề là 39 người.

2. Đời sống dân cư
Nhìn chung đời sống dân cư tháng 5/2022 vẫn ổn định, trong tháng không xảy ra đói trên địa bàn tỉnh.

3. Công tác an sinh xã hội
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, trong tháng 5 đã tiếp nhận vào 41 học viên, giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 38 học viên. Trong 5 tháng đầu năm, đã tiếp nhận vào 228 học viên, giải quyết tái hòa nhập cộng đồng 133 học viện.
Thực hiện chính sách với người có công: Công tác giải quyết hồ sơ, trong tháng 5 đã giải quyết được 587 hồ sơ.

4. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng 5/2022, ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi công tác chuyên môn; hướng dẫn các đơn vị công tác dạy học phù hợp với các cấp độ dịch; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn học kỳ II, kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II và hoàn thành chương trình năm học 2021-2022 của các các đơn vị. Hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022. Tổ chức thi nghề phổ thông đợt 2 năm học 2021-2022 và thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022 lần 1.

Triển khai các bước thực hiện biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước lớp 7 và lớp 10; bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 7, lớp 10 cho CBQL, GV cấp THCS, THPT.

5. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh; đặc biệt dịch bệnh Covid-19, Ngành Y tế tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Công tác tiêm Vắc xin ngừa Covid-19: Tổng số trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1: 109.846 người, đạt 102,6% kế hoạch, mũi 2: cộng dồn 101.038 đạt 94,4% kế hoạch (tính trên tổng trẻ là 107.079 người).
Tổng số người đã được tiêm mũi 1 là 760.514, đạt 100,6% và số người đã được tiêm mũi 2 là 734.752 người, đạt 97,2% (tính trên tổng dân số từ 18 tuổi trở lên là 756.260 người).

Tổng số trẻ 6-12 tuổi mũi 1 cộng dồn: 40.943/139.023 người, đạt 29,5%. Tiếp tục chỉ đạo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo phủ đủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và liều cơ bản cho đối đượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid - 19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.

Trong tháng, toàn tỉnh ghi nhận 03 ca mắc sốt rét, tăng 03 ca so với tháng trước, không có tử vong, không có dịch sốt rét xảy ra. Lũy kế 08 ca; Số ca mắc sốt xuất huyết là 259 ca, giảm 175 ca so với tháng trước, không có tử vong. Phát hiện 41 ổ dịch và xử lý 40 ổ dịch, 01 ổ không tìn thấy địa chỉ. Lũy kế 478 ca, không có ca tử vong, 59 ổ dịch và xử lý 58 ổ; 35 ca mắc bệnh tay, chân, miệng (không có tử vong); 120 ca bệnh nhân tiêu chảy; về phòng chống HIV/AIDS: 08 ca, tích lũy 3.872. Số AIDS mới phát hiện 01, tích lũy 1.854. Tử vong 02, tử vong do tích lũy 334. Tổng số bệnh nhân điều trị nhiễm trùng cơ hội 06 (Trong đó có 02 trẻ em), Tổng số bệnh nhân quản lý điều trị Methadone 77 ca.

6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền: Tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 1.150m băng rôn, 7.250m2 pano, 6.150m2 banner; 3.250 lượt cờ các loại; 850 giờ xe tuyên truyền với nhiều nội dung khác nhau; viết tin bài đăng trên trang web, tạp chí của ngành và của các đơn vị.

Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Trong tháng 5 Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp tổ chức chiếu phim phục vụ nhân dân trên màng hình Led nhằm tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19 được 93 buổi; chiếu phim phục vụ tại cơ sở được 27 buổi, thu hút 1.890 lượt người xem.

Hoạt động thư viện: Trong tháng, Thư viện cấp 25 thẻ thư viện (cấp mới 14 thẻ và 11 thẻ gia hạn); phục vụ được 251.019 lượt bạn đọc (trong đó bạn đọc tại phòng đọc Thư viện: 250 lượt, ngoài thư viện 1.346 lượt; bạn đọc truy cập website: 249.143 lượt, Ebook: 10 lượt); tổng số tài liệu lưu hành là 8.492 lượt (tại Thư viện 5.200; ngoài Thư viện 3.292).
Thể dục thể thao: Tổ chức Giải Quần vợt Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bình Phước lần thứ VI; phối hợp tổ chức Hội thi Văn hóa - Thể thao Người khuyết tật; thành lập Đoàn tham dự lễ khai mạc và dự khán các cuộc thi đấu tại Seagames 31; ban hành kế hoạch tổ chức các giải thể thao thuộc hệ thống các giải Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh như Quần vợt, Thể dục dưỡng sinh; kế hoạch tổ chức Giải Bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng; kế hoạch phối hợp tổ chức Hội thi văn nghệ, thể thao người khuyết tật.

Hoạt động du lịch: Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 86.320 lượt khách, tăng 6,32% so với cùng kỳ 2021; trong đó khách nội địa 86.650 lượt khách; khách quốc tế: 650 lượt khách. Tổng doanh thu đạt 45,14 tỷ đồng, tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2021.

7. Tai nạn giao thông
Trong tháng Năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 10 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và 01 vụ rất nghiêm trọng, làm 9 người chết, 7 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 15,38%; số người chết bằng so với cùng kỳ; số người bị thương giảm 41,67%. Tính chung 5 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông, làm 50 người chết, 52 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 11,27%; số người chết giảm 7,41%; số người bị thương tăng 6,12%.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 4.283 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 1.325 phương tiện, tước 609 GPLX, cảnh cáo 91 trường hợp, xử lý hành chính 3.250 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 6.111 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (57 trường hợp), không có giấy phép lái xe (754 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (638 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (278 trường hợp).

8. Thiệt hại do thiên tai
Tháng 5 năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 03 vụ thiên tai, do ảnh hưởng của thời tiết trên địa tỉnh đã có mưa trên diện rộng, do thời kỳ chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa nên đây là những cơn mưa đầu mùa thường kèm theo dông sét, gió giật mạnh, lốc xoáy gây thiệt hại đáng kể về tài sản, nhà cửa, cây trồng của người dân, cụ thể:

Số người chết: 01 người chết do bị sét đánh tại xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập; Thiệt hại về nhà cửa: Sập 01 căn nhà tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Tốc mái 02 căn nhà (01 xã Lộc Thiện, huyện Bù Đốp và 01 căn tin thành phố Đồng Xoài); Thiệt hại về cây trồng: Gãy đổ 0,1 ha tiêu 8 năm tuổi, 0,7 ha điều 7 năm tuổi, 0,29 ha dưa lưới bị sập; Mưa làm ngãy đỗ một số cây xanh làm cản trở giao thông trên các tuyến đường tại Thành phố Đồng Xoài.

9. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng 5 năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ cháy thiệt hại do cháy ước khoảng 2.670 triệu đồng.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện 16 vụ vi phạm môi trường, giảm 20% vụ so với tháng trước, tiến hành xử lý 3 vụ vi phạm, giảm 25%, số tiền xử phạt 11 triệu đồng, tăng 10%. Tính chung 5 tháng, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 126 vụ vi phạm về môi trường, tăng 16,67% so với cùng lỳ năm trước và tiến hành xử lý 52 vụ vi phạm, giảm 5,45%, nộp ngân sách Nhà nước 311,50 triệu đồng, tăng 106,98%.​

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,556
  • Hôm nay110,013
  • Tháng hiện tại6,624,354
  • Tổng lượt truy cập379,744,691
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây