Tổng quan về ngoại giao công chúng

Thứ bảy - 13/07/2024 22:09
- Khái niệm về ngoại giao công chúng
Thuật ngữ “ngoại giao công chúng” xuất hiện lần đầu tiên trong một bài báo viết về Tổng thống thứ 14 của Hoa Kỳ Phranh-cơ-lin Pi-xơ (Franklin Pierce), đăng trên tờ Thời báo Luân-đôn (Anh) vào tháng 1-1856, trong đó “ngoại giao công chúng” được đề cập đến với ý nghĩa tương tự cụm từ “văn minh” khi yêu cầu những nhà chính khách ngoại giao Mỹ cần có tác phong chuẩn mực, làm gương cho người dân trên toàn đất nước. Đây có thể được xem là một trong những nội hàm đầu tiên của thuật ngữ “ngoại giao công chúng”.
Hơn 100 năm sau, năm 1965, Ét-mun Gu-lai-ân (Edmund Gullion) - Hiệu trưởng Trường Luật quốc tế và Ngoại giao Fletcher danh tiếng thuộc Đại học Tufts của Mỹ, đưa ra khái niệm khá đầy đủ về ngoại giao công chúng, khi thành lập Trung tâm Ngoại giao công chúng mang tên Edward R. Morrow. Thuật ngữ “ngoại giao công chúng” của nhà ngoại giao E. Gu-lai-ân khi đó bao trùm tất cả các hoạt động thông tin của Cục Thông tin Hoa Kỳ (USIA) và chức năng trao đổi văn hóa do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đảm trách. Theo đó, ngoại giao công chúng xử lý những vấn đề liên quan tới tác động của công luận đối với quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Ngoại giao công chúng đề cập tới các phương diện của quan hệ quốc tế vượt ra ngoài khuôn khổ của ngoại giao truyền thống; định hướng dư luận của chính phủ ở các nước khác; sự tương tác giữa các nhóm lợi ích phi chính phủ của nước này với nước khác; tuyên truyền về công tác đối ngoại và tác động của nó đến chính sách; thông tin, tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao và giới truyền thông nước ngoài; các quá trình thông tin, giao lưu giữa các nền văn hóa. Trọng tâm của ngoại giao công chúng là luồng thông tin và ý tưởng xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, thuật ngữ này sau đó đã gây nên nhiều tranh cãi do mang nặng tính tuyên truyền, chưa có tính hai chiều và chủ yếu nhằm đối phó với những chính sách, hệ tư tưởng của các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó. Năm 1987, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã định nghĩa lại: “ngoại giao công chúng” là “những chương trình do chính phủ bảo trợ, nhằm cung cấp thông tin hay tác động vào ý kiến công chúng các nước thông qua những công cụ chính là các ấn phẩm, phim ảnh, các hoạt động trao đổi văn hóa, đài phát thanh và truyền hình”.
Hiện nay, định nghĩa được chấp nhận rộng rãi nhất về ngoại giao công chúng đó là quá trình truyền thông của một chính phủ tới công chúng các nước khác nhằm mang lại sự hiểu biết về quan điểm và tư tưởng của nước đó, thể chế và văn hóa cũng như mục tiêu và chính sách của nước đó. Cách hiểu này cho thấy, ngoại giao công chúng hướng tới đối tượng bên ngoài của một quốc gia, là phương thức ngoại giao có nhiều chủ thể của quốc gia tham gia và sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng nhằm tác động đến tình cảm, suy nghĩ của công chúng nước ngoài, tạo một hình ảnh đẹp về quốc gia mình, qua đó tác động tới chính sách, quan hệ ngoại giao đối với chính phủ nước ngoài.
- Vai trò của ngoại giao công chúng
Ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, có nhiều học giả cho rằng, ngoại giao công chúng đã trở thành một phần quan trọng của ngoại giao nói chung, thậm chí được coi là ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của ngoại giao công chúng ngày càng trở nên quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, cũng như nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. Do đó, việc nắm rõ đúng bản chất, vai trò và áp dụng tốt công tác ngoại giao công chúng sẽ giúp các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng thực hiện thành công chiến lược ngoại giao toàn diện, bền vững, hiệu quả, thích ứng tốt đối với môi trường quốc tế trong thế kỷ XXI.
- Mục tiêu của ngoại giao công chúng
Ngoại giao công chúng là cách thức một quốc gia, tổ chức hay cá nhân giao tiếp, tương tác với nhân dân, công chúng, chủ thể phi nhà nước của các nước khác, nhằm hình thành nhận thức về giá trị, tư tưởng và văn hóa, thể chế, mục tiêu phát triển, các chính sách hiện thời của quốc gia đó... trong các đối tượng này, từ đó có ảnh hưởng đến những quyết định chính trị của các đối tượng.
- Phương thức hoạt động của ngoại giao công chúng
Về phương thức triển khai, ngoại giao công chúng là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách nhằm thu hút, thuyết phục đối tượng và xây dựng các mối quan hệ tin cậy, cấu trúc xã hội để thúc đẩy các mục tiêu chính sách, bao gồm bốn phương thức chính có liên hệ mật thiết với nhau:
+ Quản lý thông tin (thông tin thường xuyên về chính sách, xử lý khủng hoảng truyền thông);
+ Truyền thông chiến lược (các chiến dịch vận động, hoạt động, sự kiện, dự án dài hạn để củng cố thông điệp về chính sách);
+ Hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu trực tiếp (về văn hóa, học thuật, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, thể thao...);
+ Xây dựng lòng tin, kết nối và mở rộng mạng lưới quan hệ với các cá nhân có ảnh hưởng.
- Đặc điểm của ngoại giao công chúng
Một là, ngoại giao công chúng có tính chiến lược và tính tổng hợp, toàn diện:
Ngoại giao công chúng được cho là bao trùm cả ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế và thông tin, tuyên truyền đối ngoại... Tính toàn diện trong các hoạt động ngoại giao và vai trò của các chủ thể phi nhà nước trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của các quốc gia ngày càng gia tăng, ngoại giao công chúng đang trở thành xu thế phổ biến, là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia nhằm hỗ trợ cho các hoạt động ngoại giao nhà nước. Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.v.v…đều đã thành lập cơ quan chuyên trách hoặc có các chương trình riêng dành cho việc nghiên cứu, phát triển các chính sách về ngoại giao công chúng dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau, mang lại hiệu quả đối với công tác thông tin đối ngoại, cũng như góp phần duy trì ảnh hưởng nhất định của mỗi quốc gia đối với khu vực và thế giới
Hai là, ngoại giao công chúng cũng là một thành tố trong “sức mạnh mềm” của quốc giao:
Khi phân tích về mối quan hệ giữa “sức mạnh mềm” và “ngoại giao công chúng”, Giô-xép Nai (Joseph Nye) - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard của Mỹ nhấn mạnh, ngoại giao công chúng với tư cách là công cụ chuyển tải thông điệp và huy động nguồn lực chỉ có thể tạo nên “sức mạnh mềm” với điều kiện bản thân các nguồn lực đó phải hấp dẫn, lôi cuốn (văn hóa, giá trị) hay chính danh, hợp lệ (chính sách). Như vậy, có thể hiểu “sức mạnh mềm” và “ngoại giao công chúng” là hai khái niệm bổ trợ cho nhau. “Sức mạnh mềm” là một nguồn tài nguyên, còn “ngoại giao công chúng” đóng vai trò là một cơ chế tìm kiếm và tận dụng các nguồn lực tài nguyên “sức mạnh mềm” đó.
Ba là, ngoại giao công chúng có tính đổi mới sáng tạo:
Trong bối cảnh môi trường thông tin đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), các phương thức triển khai thông tin đối ngoại và văn hóa đối ngoại - hai thành tố chính của ngoại giao công chúng - đến nay đã bộc lộ sự “tới hạn”. Các hình thức, như xuất bản các tờ báo đối ngoại, ấn phẩm tuyên truyền, tổ chức các tuần/ngày văn hóa... hầu hết đã và đang phát huy hiệu quả. Cách làm kiểu “xuôi chiều” mang tính chất tuyên truyền không gần với nhu cầu công chúng, thiếu hấp dẫn, thiếu độ tin cậy, đã cho thấy sự giới hạn của nó. Do đó, việc tìm những phương thức, cách thức mới có hiệu quả hơn là vấn đề cần thiết. Sự phát triển của truyền thông mới, nhất là mạng xã hội đang tạo ra những cơ hội lớn cho ngoại giao công chúng, giúp các nước đi tắt, đón đầu; tạo điều kiện cho việc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, với dung lượng thông tin lớn hơn, dễ chia sẻ; tạo ra sự tương tác hai chiều thuận tiện, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác đối ngoại giữa cơ quan đối ngoại của Nhà nước với các tổ chức phi chính phủ, giữa Nhà nước với nhân dân diễn ra dễ dàng, hiệu quả hơn. Mạng xã hội mở ra cơ hội có thể sử dụng vào ngoại giao công chúng một cách “nhanh về thời gian, rộng về diện tiếp cận và rẻ về chi phí” mà các phương thức truyền thống không có được. Sự phát triển của các phương thức thông tin đối ngoại tất yếu dẫn đến sự đổi mới trong tư duy, cách thức đối ngoại của các quốc gia. Nếu không theo kịp sự phát triển của công nghệ, giữ nguyên tư duy, phương thức cũ trong thông tin đối ngoại, nền đối ngoại sẽ dần mất đi sự tin cậy, xa rời nhu cầu của công chúng.
Bốn là, ngoại giao công chúng có tính ứng phó với những thách thức mới, các vấn đề bao trùm, mang tính toàn cầu:
Bên cạnh đó, tình hình thế giới trong những năm gần đây xuất hiện nhiều biến động mới, bất định, khó lường, đe dọa đến an ninh toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, làm nảy sinh căng thẳng giữa các quốc gia không cùng lợi ích. Những biện pháp ngoại giao truyền thống không còn phát huy tác dụng tối ưu trong việc tham gia giải quyết các mối căng thẳng này, đặc biệt là khi xuất hiện mâu thuẫn có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Vì vậy, ngoại giao công chúng trở thành biện pháp mới nhằm ứng phó với những thách thức mới, các vấn đề bao trùm, mang tính toàn cầu.
Năm là, ngoại giao công chúng là công cụ giải quyết khủng hoảng:
Ngoại giao công chúng cũng là công cụ giải quyết khủng hoảng. Thay cho các hoạt động trao đổi, quan hệ giữa các chính phủ và các chính khách, ngoại giao công chúng hướng phần nhiều tới người dân, qua đó giúp xây dựng mối quan hệ bền vững, hiệu quả hơn và tránh các xung đột không cần thiết./.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,200
  • Hôm nay135,183
  • Tháng hiện tại10,749,478
  • Tổng lượt truy cập470,642,165
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây