Một số kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam

Chủ nhật - 14/07/2024 09:12
Tình hình chung về tín ngưỡng, tôn giáo
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 144 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. So với năm 2022, số lượng tín đồ tăng gần 56.000 người, chức sắc tăng 814 người, cơ sở thờ tự tăng 142 cơ sở.
Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là Phật giáo khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài khoảng trên 1,1 triệu tín đồ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo…
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Hiện nay, ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc,… Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.
Một số kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 30/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162). Ngày 01/01/2018, cùng với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật), Nghị định 162 chính thức có hiệu lực thi hành. Sau 05 năm có hiệu lực thi hành, Nghị định 162 đã góp phần trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, quy định chi tiết, cụ thể những nội dung Luật giao cho Nghị định thực hiện. Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của Luật, Nghị định 162 còn quy định các biện pháp thi hành Luật. Tuy nhiên, cùng với các kết quả đạt được, Nghị định số 162 đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt cần phải có những biện pháp cụ thể hơn để thi hành Luật hiệu quả. Đó là lý do, ngày 29/12/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định 95) thay thế Nghị định 162. Nghị định 95 gồm 33 điều, tăng 8 điều so với Nghị định số 162, trong đó: giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 18 điều, bổ sung 9 điều và 02 khoản (khoản 1 và 2 Điều 3). Ngoài ra, Nghị định 95 còn kèm theo Phụ lục gồm 60 biểu mẫu thủ tục hành chính.
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đất đai sửa đổi, trong đó có đất đai liên quan đến tôn giáo: Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước như các tổ chức, cá nhân khác.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác này luôn được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp quan tâm chú trọng đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng với nhiều hình thức, như: biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; phối hợp xây dựng phim, phóng sự chuyên đề phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia để thông tin tới bạn bè thế giới và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào có đạo, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong năm 2023, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 3.420 đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; 03 hội nghị tập huấn kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho 750 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo tại các địa phương; công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (tiếng Việt, tiếng Anh).
Ba là, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo như: lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; Lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, Lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm; tháng chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 02 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam), quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Như vậy, đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; hàng ngàn điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Riêng đạo Tin lành, từ năm 2021 - 2023 khu vực miền núi phía Bắc chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 06 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 05 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó.
Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức hội nghị, đại hội; các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; xây dựng, sửa đổi Hiến chương, Điều lệ, đường hướng hành đạo; hướng dẫn đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng hiến chương, điều lệ các tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật; khuyến khích tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn tại vùng sâu, vùng xa; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tổ chức tôn giáo đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ và đã lựa chọn nhân sự lãnh đạo là các chức sắc, chức việc tiêu biểu, có tinh thần đối thoại, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in. Nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc.
Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết. Tính đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm khoảng hơn 70%. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Đến thời điểm hiện nay hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới.
Bốn là, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện, góp phần quảng bá chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đến với bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khoá đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài, gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện đăng cai, tổ chức các sự kiện tôn giáo lớn: Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tại giáo phận Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình , Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương” tại thành phố Hồ Chí Minh ,…
Năm là, quan hệ Việt Nam - Vatican đang có bước tiến triển tích cực. tháng 7/2023, Lãnh đạo Hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Toà thánh Vatican tại Việt Nam, thông qua Thoả thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Toà thánh tại Việt Nam. Sau khi hai bên công bố thỏa thuận nâng cấp quan hệ, Giáo hoàng Francis đã có thư gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam thông báo về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Vatican; ghi nhận những đóng góp của chức sắc, giáo dân và Giáo hội Công giáo Việt Nam để phục vụ dân tộc và sự phát triển của xã hội; đồng thời, nhắc nhở chức sắc và giáo dân Công giáo Việt Nam thực hiện lời giáo huấn của Cố Giáo hoàng Benedict XVI đối với các Giám mục Việt Nam (năm 2009) “người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt”; bày tỏ quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”./.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,422
  • Hôm nay174,271
  • Tháng hiện tại6,887,135
  • Tổng lượt truy cập490,750,573
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây