Văn hóa giao thông

Thứ tư - 03/11/2021 08:12 10541
Văn hoá giao thông (VHGT), trước tiên phải hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông; thứ hai, có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời; thứ ba là, cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt.
VHGT cần được thể hiện như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, ứng xử văn minh của con người khi tham gia giao thông. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người trong xã hội, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn giao thông, mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho cộng đồng.
Khi VHGT của mỗi người được nâng lên, những hành vi sai trái, quậy phá trên đường sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án. Từ đó, VHGT của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, tai nạn giao thông và các ảnh hưởng xấu khác về quá trình tham gia giao thông sẽ giảm.
VHGT phải từ những việc nhỏ, từ những hành vi văn hóa đến xây dựng con người văn hóa. Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông sẽ đem lại lợi ích cho mọi người. Khi tham gia giao thông, nếu chúng ta biết ứng xử chừng mực trong mỗi hoàn cảnh, mỗi va chạm giao thông không may xảy ra, tránh cư xử thô bạo, tiêu cực khi tham gia giao thông thì có thể tạo môi trường giao thông an toàn, đem lại sự yên bình cho mọi người trong đó có gia đình, người thân của mỗi người và cũng chính bản thân chúng ta.
Khi tham gia giao thông, bên cạnh việc thực hiện tốt pháp luật về ATGT, mỗi người cần phải ứng xử có văn hóa, thể hiện tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau khi có người bị tai nạn... Ôn hòa, bình tĩnh, hợp tác khi giải quyết các vụ va chạm; nhường nhịn khi có sự cố trong quá trình tham gia giao thông, đồng thời tích cực tham gia vận động mọi người cùng thực hiện, đấu tranh, lên án những người có hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Từ đó, có thể giảm thiểu và không còn những hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, những biểu hiện trái ngược với đạo đức tham gia giao thông, VHGT như: thái độ thờ ơ khi có người bị tai nạn trên đường, đặc biệt là hành vi gây TNGT cho người khác rồi bỏ trốn khỏi hiện trường; hành vi chống lại lực lượng cảnh sát giao thông sau khi vi phạm trật tự ATGT...
Khi mọi người ý thức được VHGT là đạo đức của mỗi người, ý thức đó sẽ đem lại sự an toàn cho bản thân và cộng đồng thì chắc chắn những hành vi sai trái, những hành động trái với đạo đức và quy định của pháp luật khi tham gia giao thông sẽ bị cộng đồng lên án.
Thực hiện VHGT khi tham gia giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp cho những tuyến đường. Mong rằng mọi người hãy tích cực hưởng ứng và vận động những người xung quanh mình cùng hưởng ứng thực hiện nhằm chung sức giữ vững giao thông văn minh, an toàn trên mọi tuyến đường.
Khi tham gia giao thông, bản thân mỗi người phải hiểu biết đầy đủ, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông, chấp hành qui định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.
Hành vi thể hiện VHGT cần được đề cao trong ý thức mỗi người, chấp hành đúng luật định. Đối với người tham gia giao thông, phải đi đúng làn đường, phần đường: tuân thủ quy định về tốc độ, dừng đỗ xe đúng, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường; không thực hiện các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cho mình và cộng đồng; thực hiện các quy định, nội quy tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đối với cư dân sinh sống ven đường, không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy; không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như: rải đinh trên đường; ném đất, đá lên tàu hỏa; xả rác, nước thải ra đường…
Đối với lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; không sách nhiễu hoặc tiêu cực khi thi hành công vụ; tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn; giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây