Thực trạng và mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe
Kim Thanh
2020-03-12T08:45:33+07:00
2020-03-12T08:45:33+07:00
https://binhphuoc.gov.vn/vi/stp/tuyen-truyen-pho-bien/thuc-trang-va-muc-xu-phat-doi-voi-hanh-vi-su-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-412.html
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/stp/2019_09/nghedt.jpg
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 12/03/2020 08:45
Hiện nay, một bộ phận người dân khi tham gia giao thông vừa lái xe, vừa nghe điện thoại diễn ra phổ biến, vi phạm nhiều nhất là người lái xe mô tô, xe máy, đây là hành vi rất nguy hiểm. Thực tế thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến lái xe sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
Ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ mua bán hàng hóa và giao hàng trực tuyến. Người mua và người bán đều sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh và trả cước phí vận chuyển. Đội ngũ giao hàng online sử dụng phương tiện mô tô, xe máy là chủ yếu và dụng điện thoại để liên lạc, định vị tìm kiếm địa chỉ của khách hàng, do đó, sẽ thiếu chú ý quan sát, làm chủ tốc độ,… khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người đang lái xe vẫn vô tư lướt web, truy cập, nhắn tin qua facebook, zalo hoặc tìm kiếm các thông tin trên mạng… sẽ giảm đi sự tập trung, xử lý tình huống không tốt có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao.
Về nguyên tắc khi đang tham gia giao thông, nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại thì phải tấp vào lề đường, dừng phương tiện thì mới đảm bảo an toàn giao thông nhưng ít khi lái xe chọn cách an toàn này, đặc biệt là các tài xế xe ôm công nghệ.
Nguy cơ tai nạn tiềm ẩn sau việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe ôtô.
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây mất an toàn giao thông, có thể gây ra tai nạn cho bản thân mình và người khác. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ) có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, mức phạt với người điều khiển xe mà sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh. Cụ thể:
- Với ô tô: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 600.000 - 800.000 đồng).
- Với xe máy: Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh trừ thiết bị trợ thính thì bị phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng, tăng gấp 05 lần so với trước đây (trước đây chỉ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng). Đồng thời, người vi phạm còn bị tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
- Với xe đạp, xe đạp máy kể cả xe đạp điện: Sử dụng ô (dù), điện thoại di động, chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù) bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng (trước đây là 50.000 - 60.000 đồng);
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung: những trường hợp này sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Quy định như trên cơ bản là nghiêm khắc nhưng ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp quy định của pháp luật. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng rất khó khăn trong việc xử phạt đối với hành vi này, bởi hành vi diễn ra nhanh chóng, khó thu thập chứng cứ, người vi phạm thường chối cãi, yêu cầu cảnh sát giao thông phải chứng minh lỗi của mình…
Để đảm bảo an toàn giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe. Nâng cao ý thức của người dân nhận thức sự nguy hiểm sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tăng cường phạt nguội thông qua camera giám sát hoặc sử dụng hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp để xử phạt,… nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông hiện nay./.