TAI NẠN GIAO THÔNG DƯỚI GÓC NHÌN CỦA WHO

Thứ năm - 12/03/2020 08:43 14682
​Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hàng năm, cuộc sống của hơn 1,25 triệu người bị rút ngắn do tai nạn giao thông đường bộ. Trong số 20 đến 50 triệu người bị chấn thương, có nhiều người bị khuyết tật do hậu quả của nó.
Thương tích giao thông đường bộ gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho các cá nhân, gia đình và các quốc gia nói chung. Những tổn thất này phát sinh từ chi phí điều trị cũng như năng suất lao động bị mất đối với những người bị thương, bị tàn tật và đối với các thành viên trong gia đình cần phải nghỉ việc hoặc nghỉ học để chăm sóc người bị thương. Tai nạn giao thông đường bộ khiến hầu hết các quốc gia mất đi 3% tổng sản phẩm quốc nội của họ.
Trước những thực trạng trên, WHO đã phân tích những yếu tố cốt lõi liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ.
Những yếu tố nguy cơ của tai nạn giao thông đường bộ?
Tình trạng kinh tế: hơn 90% trường hợp tử vong giao thông đường bộ xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ tử vong do thương tích giao thông đường bộ cao nhất ở khu vực châu Phi. Ngay cả ở các nước có thu nhập cao, những người có nguồn gốc kinh tế xã hội thấp có nhiều nguy cơ bị tai nạn giao thông đường bộ.
Độ tuổi: những người trong độ tuổi từ 15 đến 44 chiếm 48% tử vong do giao thông đường bộ trên toàn cầu.
Giới tính: từ khi còn nhỏ, nam giới có nguy cơ bị tai nạn giao thông đường bộ cao hơn nữ giới. Khoảng ba phần tư (73%) số ca tử vong giao thông đường bộ xảy ra đối với nam thanh niên dưới 25 tuổi, gần như gấp 3 lần nguy cơ đối với nữ giới.
Các yếu tố rủi ro: lỗi của con người đối với việc tiếp cận hệ thống an toàn. Hệ thống an toàn đường bộ luôn hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người tham gia giao thông. Cách tiếp cận như vậy có tính đến khả năng bị tổn thương của mọi người đối với các chấn thương nghiêm trọng trong tai nạn giao thông đường bộ nên hệ thống an toàn được thiết kế để tránh được lỗi của con người. Nền tảng của phương pháp này là đường và lề đường an toàn, tốc độ an toàn, phương tiện an toàn và người tham gia giao thông an toàn, tất cả đều phải được giải quyết để loại bỏ tai nạn gây tử vong và giảm thương tích nghiêm trọng.
Tốc độ: Sự gia tăng tốc độ trung bình có liên quan trực tiếp đến khả năng xảy ra sự cố và mức độ nghiêm trọng do hậu quả của vụ tai nạn. Ví dụ, tăng 1 km/h  tốc độ xe trung bình dẫn đến tăng 3% tỷ lệ tai nạn dẫn đến chấn thương và tăng 4-5% trong tỷ lệ tai nạn chết người. Nguy cơ tử vong của người lớn đối với  người đi bộ là dưới 20% nếu bị đụng xe ở tốc độ 50 km/h và gần 60% nếu tốc độ 80 km/h.

Lái xe sau khi sử dụng rượu và các chất kích thích thần kinh khác: 
Lái xe sau khi uống rượu hoặc bất kỳ chất kích thích thần kinh nào làm tăng nguy cơ tai nạn dẫn đến tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. Trong trường hợp lái xe sau khi uống, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ bắt đầu ở nồng độ cồn trong máu thấp (BAC) và tăng đáng kể khi BAC của người lái xe là lớn hơn hoặc bằng 0,04g/dl. Trong trường hợp lái xe khi sử dụng thuốc, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường bộ được tăng lên đến các mức độ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc thần kinh được sử dụng. Ví dụ, rủi ro của một vụ tai nạn gây tử vong xảy ra trong số những người đã sử dụng amphetamine gấp khoảng 5 lần nguy cơ của một người không dùng.
Không đội mũ bảo hiểm, dây an toàn và ghế an toàn cho trẻ em:
Đội mũ bảo hiểm xe máy đúng cách có thể giảm nguy cơ tử vong gần 40% và nguy cơ bị thương nặng hơn 70%. Đeo dây an toàn làm giảm nguy cơ tử vong ở hành khách ngồi ghế trước từ 40-50% và hành khách ngồi phía sau khoảng 25-75%. Nếu được lắp đặt và sử dụng đúng cách, ghế an toàn cho trẻ em sẽ giảm số tử vong ở trẻ sơ sinh khoảng 70% và tử vong ở trẻ nhỏ từ 54% đến 80%.
Lái xe mất tập trung: 
Có nhiều phiền nhiễu có thể ảnh hướng đến việc lái xe. Sự phân tâm gây ra bởi điện thoại di động là mối lo ngại ngày càng tăng về an toàn giao thông.
Những người lái xe sử dụng điện thoại di động có khả năng bị tai nạn cao gấp 4 lần so với những người không sử dụng điện thoại di động. Sử dụng điện thoại trong khi lái xe làm chậm thời gian phản ứng (đặc biệt là thời gian phản ứng phanh và phản ứng với tín hiệu giao thông), dẫn đến khó giữ đúng làn đường và giữ khoảng cách an toàn. Điện thoại dùng tai nghe cũng không an toàn hơn nhiều so với điện thoại mà phải cầm tay khi sử dụng, việc nhắn tin cũng làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra sự cố.
Cơ sở hạ tầng đường bộ không an toàn
Thiết kế của các con đường có thể có tác động đáng kể đến sự an toàn của chúng. Lý tưởng nhất là các con đường khi thiết kế cần chú ý đến an toàn của tất cả người tham gia trên đường. Điều này có nghĩa là đảm bảo rằng có đủ phương tiện cho người đi bộ, người đi xe đạp và người đi xe mô tô. Các biện pháp như đường đi bộ, làn đường đi xe đạp, điểm giao thông an toàn và các biện pháp hạn chế tốc độ có thể là yếu tố quan trọng để giảm nguy bị thương của những người tham gia giao thông.
Xe không an toàn
Xe an toàn đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa va chạm và giảm khả năng chấn thương nghiêm trọng. Có một số quy định của Liên Hợp Quốc về an toàn xe hơi, nếu áp dụng cho vào các tiêu chuẩn sản xuất thì sẽ có khả năng cứu sống nhiều người. Những quy định này bao gồm yêu cầu các nhà sản xuất xe phải đáp ứng các quy định về tác động phía trước và bên cạnh, bao gồm kiểm soát tốc độ tự động (để ngăn chặn việc lái quá nhanh) và đảm bảo túi khí và dây an toàn được lắp trong tất cả các phương tiện. Nếu không có những tiêu chuẩn cơ bản này, nguy cơ bị thương tích giao thông - cả với những người trong xe và những tham gia giao thông khác đều có nguy cơ tăng đáng kể.
Chăm sóc sau tai nạn không đầy đủ
Sự chậm trễ trong phát hiện và chăm sóc cho những người bị tai nạn giao thông đường bộ làm tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Chăm sóc chấn thương sau khi xảy ra tai nạn là cực kỳ cấp bách: chậm chễ vài phút có thể biến sự sống thành cái chết.
Luật về giao thông không đủ mạnh
Nếu quy định về xử phạt đối với lái xe, thắt dây an toàn, giới hạn tốc độ, mũ bảo hiểm và ghế an toàn trẻ em không được đủ mạnh thì không thể làm giảm thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ và thương tích liên quan đến hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Do đó, nếu pháp luật về giao thông không mạnh thì người tham gia giao thông không tuân thủ và như vậy sẽ không nâng cao ý thức tuân thủ của người tham gia giao thông. Những quy định hiệu quả bao gồm việc thiết lập, cập nhật thường xuyên và thực thi pháp luật ở cấp quốc gia, thành phố, địa phương nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ được đề cập ở trên. Những hình phạt thích hợp cũng không nằm ngoài quy định đó.
Tai nạn giao thông là một vấn đề bức bách cần giải quyết. Từ những phân tích của WHO, chúng ta thấy rằng, vấn đề về tai nạn giao thông cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể không chỉ của từng cá nhân mà là của toàn xã hội.  Hy vọng rằng, sau khi đọc bài viết này, các cá nhân, tổ chức kinh tế, cơ quan chức năng nhận thức rõ hơn về các yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông. Từ đó, có những hành động cụ thể giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông, đem lại hạnh phúc cho toàn xã hội.    
                                                                     
 

Tác giả bài viết: Kim Thanh (sưu tầm)

Tổng số điểm của bài viết là: 37 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây