Nghĩa vụ sao gửi chúng cứ của đương sự và những bất cập

Thứ sáu - 17/05/2019 09:40
Tiếp cận chứng cứ là quyền cơ bản của đương sự về được biết, sao chép tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Tiếp cận chứng cứ là quyền cơ bản của đương sự về được biết, sao chép tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, nhằm đảm bảo hoạt động tranh tụng trong xét xử được đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai trong suốt quá trình tố tụng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của đương sự.
Khoản 5 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định“khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác”.
Những tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự.
Quy định như trên giúp tăng cường tranh tụng, bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng, tạo thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình tham gia tố tụng, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Tuy nhiên, quy định trên cũng gây khó khăn cho các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án. Xin đưa ra một ví dụ như sau :
Chị H khởi kiện anh S yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn, chia tài sản và con chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì chị H có nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho anh S. Lúc này anh S và chị H vẫn đang ở chung một nhà. Giả sử chị H đã giao tài liệu, chứng cứ cho anh S nhưng anh S phủ nhận thì chị H lấy căn cứ gì chứng minh mình đã sao gửi chứng cứ cho anh S. Trong lúc vợ chồng đang mâu thuẫn trầm trọng đương nhiên anh S sẽ không ký  nhận chứng cứ theo yêu cầu của chị H. Nếu chị H gửi qua đường bưu điện, anh H có ký nhận bưu phẩm đi chăng nữa thì cũng không chứng minh được bên trong có những gì. Anh S hoàn toàn có thể khai với tòa án rằng anh có nhận được thư/bưu phẩm  do chị H gửi nhưng bên trong chỉ có giấy lộn hay vé số, không có tài liệu chứng cứ gì. Chưa kể trong một số trường hợp, các đương sự cố tình che dấu địa chỉ hoặc lẩn trốn không hợp tác thì việc sao gửi chứng cứ hoàn toàn bế tắc, không thực hiện được.
Khoản 9 Điều 70, khoản 3 Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.Tuy nhiên Luật không quy định như thế nào là “lý do chính đáng”.Hơn nữa, người dân bình thường họ không thể có kiến thức pháp luật như các luật sư hay chuyên gia pháp lý để hiểu rõ các quy định của pháp luật. Quy định này có thể dẫn đến sự tùy tiện hoặc cố ý sách nhiễu, gây khó dễ của những người tiến hành tố tụng . Và trên thực tế đã có trường hợp tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do nguyên đơn chưa sao gửi tài liệu chứng cứ cho bị đơn.
Từ bất cập trên, theo tác giả thì trong Luật tố tụng dân sự 2015 nên bỏ quy định nghĩa vụ sao gửi chứng cứ của đương sự, vì các lý do sau đây :
-Thứ nhất, quy định này không mang tính khả thi như ví dụ nêu trên đã phân tích.
-Thứ hai, đương sự có quyền nhờ Tòa án hỗ trợ trong việc sao gửi chứng cứ cho các đương sự kháctheo khoản 9 Điều 70, khoản 3 Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ ba, trong bộ luật tố tụng dân sự có quy định đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ (khoản 8 Điều 70). Do vậy, nếu muốn, các đương sự hoàn toàn có thể tiếp cận các tài liệu chứng cứ mà đương sự khác cung cấp (chỉ trừ các chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự)
-Thứ tư, theo quy định hiện hành thì các đương sự có nghĩa vụ cung cấp, giao nộp chứng cứ trước phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.Trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được thì mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.Đây là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử.Thông qua đó, tất cả các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án bao gồm các tài liệu chứng cứ mà các đương sự giao nộp và Tòa án thu thập được công khai đầy đủ. Đương sự hoàn toàn có thể tiếp cận tài liệu chứng cứ để có hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tóm lại, Tòa án phải đảm bảo cho đương sự quyền được tiếp cận tài liệu chứng cứ bằng việc thông báo hoặc sao gửi và mở phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ để đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, chấp nhận hay không chấp nhận các tài liệu chứng cứ mà đương sự giao nộp. Không nên quy định đương sự có nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác./.

 

Tác giả: Phạm Đình Tiệm

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây