Thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 04/01/2022 của UBND tỉnh về công tác ngành tư pháp năm 2022; Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng. Nhằm đánh giá kết quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh ngày 30/12/2022, Sở Tư pháp Bình Phước tổ chức Hội nghị giao ban công chứng năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới các điểm cầu của các tổ chức hành nghề công chứng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố.
(Đ/C Lê Tiến Hiếu - giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại Hội nghị )
Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Tiến Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Phước, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Chi Nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố, các Phòng thuộc Sở Tư pháp, Ban Chấp hành Hội công chứng và Trưởng các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
(Quang cảnh Hội nghị)
Theo báo cáo hiện tại trên địa bàn tỉnh có 42 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 01 Phòng công chứng và 41 Văn phòng công chứng) với 92 Công chứng viên đăng ký hành nghề, trong năm 2022 các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng được 418.890 hồ sơ, chứng thực bản sao từ bản chính 396.339 việc, chứng thực chữ ký: 11.237 việc. Nộp ngân sách Nhà nước 15.131.262.520 đồng. Tại Hội nghị các đại biểu đã phát biểu làm rõ hơn kết quả đạt được, cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Lê Tiến Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động Bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức tổ chức và hiệu quả hoạt động. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Bổ trợ tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp được ban hành đã góp phần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển cũng như tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp; công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đồng thời làm lành mạnh hóa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại; tạo việc làm và tăng thu ngân sách../.