Bình Phước tăng cường công tác quản lý nhà nước giám định tư pháp

Thứ tư - 17/01/2024 08:41 187


Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật; giúp các cơ quan xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển đất nước.

(Đ/c Lê Tiến Hiếu – Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc tại Hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp năm 2023)
Giám định tư pháp được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp và pháp luật tố tụng có liên quan. Việc giám định không chỉ nhằm xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, khung hình phạt được áp dụng mà còn liên quan đến nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cụ thể. Kết quả giám định tư pháp là một nguồn chứng cứ được xem xét, đánh giá cùng với các chứng cứ khác để xác định sự thật, sự khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.  Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp thì “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp”.

                   ( Quang cảnh Hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp năm 2023)
Trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nhất định các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện  đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh: tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác giám định tư pháp, công tác tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm thực hiện, công tác rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2023/QĐ-UBND ngày 26/5/2023 ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
 Trên địa bàn tỉnh  hiện có 03 tổ chức giám định tư pháp gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước được thành lập tại Quyết định số 10957/QĐ-X11 ngày 24/12/2010 của Tổng cục XDLL CAND Bộ Công an; Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Phước trực thuộc Sở Y tế được thành lập tại tại Quyết định số 765/QĐ-UBND ngày 17/4/2014 của UBND tỉnh và 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được công nhận tại Quyết định 1626/QĐ-UBND ngày 5/9/2022 của UBND tỉnh Bình Phước.
Về người giám định tư pháp Hiện toàn tỉnh có 135 người giám định tư pháp. Trong đó, Giám định viên tư pháp 127 người, người giám định tư pháp theo vụ việc là 8 người, cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu hoạt động giám định, Sở Y tế, Công an tỉnh  xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn giám định viên tư pháp phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế và chuyên môn đào tạo; cử cán bộ, chiến sỹ tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định do Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, Viện Pháp y quốc gia – Bộ Y tế tổ chức. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thường xuyên rà soát để củng cố kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp.
Để hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh hoạt động có chất lượng, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và đấu tranh chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực, ngành quản lý nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cho cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động giám định tư pháp.
2. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 27/2023/QĐ-UBND ngày 26/5/2023 ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về giám định tư pháp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động và Nhân dân.
4. Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người giúp việc cho giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Phước; quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cho Trung tâm Pháp y và Phòng Kỹ thuật hình sự.
 5. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện giám định tư pháp và quan tâm hơn đối với công tác quản lý giám định tư pháp và quản lý hoạt động của giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; thực hiện đúng quy định về thời hạn giám định khi các cơ quan tố tụng trưng cầu; phát huy vai trò của giám định viên tư pháp, đảm bảo các hoạt động giám định tư pháp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
6. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động giám định tư pháp, thường xuyên rà soát, kiện toàn giám định tư pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7 .Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ giám đinh viên tư pháp; lựa chọn và cử giám định viên tư pháp ngành mình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Bộ, ngành Trung ương tổ chức; quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tổ chức và hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý hoạt động có hiệu quả, đạt chất lượng.
8. Kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động giám định tư pháp của ngành, lĩnh vực; gửi Sở Tư pháp để hướng dẫn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.
                                 
 

Tác giả bài viết:   Lê Thành - Phòng Giáo dục và Bổ trợ tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây