Ngày 16/7/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 4747/TCHQ-GSQL yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, chủ động phát hiện và ngăn chặn, xử lý hành vi gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, quá cảnh hàng hóa.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện thống nhất theo đúng quy định về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh tại các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan của Tổng cục Hải quan.
Về công tác kiểm tra, giám sát hải quan, các đơn vị hải quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan trong thời gian hàng hóa lưu giữ, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đặc biệt là trong thời gian hàng hóa lưu giữ tại kho, bãi của doanh nghiệp và kho ngoại quan tại cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập và trong thời gian chia nhỏ container để vận chuyển sang nước nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa còn nguyên trạng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đánh tráo hàng hóa, thay đổi nhãn, mác, xuất xứ hàng hóa.
Các đơn vị cũng tăng cường một số biện pháp cụ thể như: Thực hiện kiểm tra điều kiện của phương tiện chứa hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan khi thực hiện việc niêm phong hải quan đối với hàng hóa vận chuyển; Thực hiện theo dõi, giám sát hải quan từ khi vào khu vực giám sát hải quan cho đến khi hàng hóa xuất khẩu qua biên giới và thực hiện cập nhật thông tin hàng hóa đã thực xuất trên Hệ thống; giám sát hàng hóa trong thời gian chia nhỏ container để tái xuất; Giám sát hàng hóa vận chuyển từ kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới, điểm thông quan hàng hóa đến cửa khẩu xuất…
Về cửa khẩu tạm nhập, tái xuất hàng hóa, Tổng cục Hải quan không cho phép làm thủ tục tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau: Nà Lạn (Cao Bằng), A-Pa-Chải (Điện Biên), Lũng Pô (Lào Cai) và các địa điểm chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định mở cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Việc tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới khác thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ..
Bên cạnh đó, lực lượng chống buôn lậu tiến hành thu thập, phân tích và xử lý các thông tin nghiệp vụ hải quan có liên quan; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tổ chức nắm tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa, doanh nghiệp, địa bàn có nguy cơ gian lận... Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của các cán bộ, công chức hải quan thừa hành.