Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) 752 cuộc, trong đó có 246 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (bằng 32% so với cùng kỳ năm 2019), 506 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính từ hoạt động KTSTQ là 750,5 tỷ đồng (bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019), đã thực thu vào ngân sách nhà nước 719,3 tỷ đồng, (bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019).
Trong đó, riêng Cục KTSTQ đã thực hiện 72 cuộc KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính hơn 423,5 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 402,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, trị giá thu nộp ngân sách của các cuộc KTSTQ trong 7 tháng đầu năm nay của đơn vị này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể so với cùng kỳ 2019, số cuộc kiểm tra chỉ bằng 47% nhưng số tiền thu nộp ngân sách tăng tới 62% (cùng kỳ 2019 kiểm tra 154 cuộc, thu nộp ngân sách 248,3 tỷ đồng).
Trong 7 tháng nửa đầu năm 2020, công tác KTSTQ được chỉ đạo triển khai bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tại Chỉ thị 11/CT-TTg, Chỉ thị 02/CT-BTC, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung phòng, chống dịch, khắc phục khó khăn cũng như các giải pháp để đẩy mạnh KTSTQ khi dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra trong năm 2020, cụ thể:
Trước khi Chỉ thị 11/CT-TTg và Chỉ thị 02/CT-BTC được ban hành, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung phòng, chống dịch, khắc phục khó khăn do khan hiếm nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Tổng cục Hải quan đã chủ động, kịp thời ban hành Thông báo số 276/TB-KTSTQ ngày 24/2/2020 về việc tạm hoãn kế hoạch KTSTQ do dịch Covid-19.
Theo đó, tạm thời chưa KTSTQ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đến hết tháng 3/2020.
Sau khi Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg và Chỉ thị 02/CT-BTC, Tổng cục Hải quan tiếp tục có Thông báo số 463/TB-KTSTQ ngày 23/03/2020 về việc tiếp tục thực hiện các nội dung tại thông báo số 276/TB-KTSTQ nêu trên.
Đối với các doanh nghiệp khác, khi có dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, trước khi tiến hành KTSTQ thì thông báo cho doanh nghiệp cung cấp thông tin, đồng thời đề nghị doanh nghiệp nếu có khó khăn khi đoàn dự kiến đến kiểm tra thì có ý kiến bằng văn bản để xem xét dừng hoạt động kiểm tra.
Mặt khác, để vừa tạo thuận lợi, vừa đảm bảo công tác quản lý, Cục KTSTQ có công văn số 469/KTSTQ-P1 ngày 24/3/2020 chỉ đạo tăng cường hoạt động nghiên cứu quy định pháp luật theo Chỉ thị số 7180/CT-TCHQ thông qua đẩy mạnh hoạt động thu nhập thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, chuẩn bị kỹ kế hoạch kiểm tra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Trường hợp cần thiết phải KTSTQ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, phải báo cáo lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
Đặc biệt, hoạt động thu thập thông tin phục vụ KTSTQ qua các chuyên đề tiếp tục được đẩy mạnh như: Chuyên đề về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; trị giá hàng xuất khẩu có thuế; kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh...
Trong những tháng cuối năm 2020, lực lượng KTSTQ sẽ tập trung quyết liệt để thực hiện được 100% các kế hoạch đề ra, triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý doanh nghiệp ưu tiên, thẩm định để kiểm tra để công nhận và gia hạn doanh nghiệp ưu tiên theo quy định...