Đến dự buổi họp báo có đồng chí Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, đồng chí Nguyễn Hùng Anh – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, đại diện Văn phòng Bộ Tài chính, đại diện các đơn vị chức năng thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước.
Tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Trần Mạnh Cường đã thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí tình hình hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan thời gian qua.
Hội nhập sâu rộng: cơ hội và thách thức
Cùng với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Hiệp định thương mại Việt Nam – EU đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam góp phần thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý đó là đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước Việt Nam.
Trong thời gian qua, nhằm lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.
Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (bao gồm các sắc thuế: thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tăng từ 7,5 – 285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như: đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.
Công tác chỉ đạo điều hành
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện ngành Hải quan cho biết để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 về việc phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”và Nghị quyết số 119/NQ-CPngày 31/12/2019 về việc “về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/8/2019 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-BTC - Kế hoạch triển khai Quyết định 824/QĐ-TTg và Quyết định số 376/QĐ-BTC ngày 20/3/2020 triển khai Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019.
Ngày 25/12/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ Về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2020 và nhiều chỉ đạo về hoạt động chống gian lận qua xuất xứ hàng hóa.
Ngành Hải quan: nhận diện phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Trần Mạnh Cường cho biết để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Từ kết quả kiểm tra, xác minh, lực lượng hải quan thấy nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn quy định tại Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó có các doanh nghiệp giai đoạn đầu chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác). Còn có các doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Kết quả đáng khích lệ của lực lượng hải quan
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc cho biết với sự tập trung chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính và sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của Tổng cục Hải quan, bước đầu đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước đặc biệt là Mỹ để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước.
Ngành Hải quan đã cơ bản kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác tránh ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ: đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, kết quả kiểm tra xử lý đã lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp; cảnh báo, phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp để ngăn chặn các hành vi vi phạm; cộng đồng doanh nghiệp được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, doanh nghiệp đã chủ động khắc phục, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng hàm lượng xuất xứ Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Lộc cũng cho biết thêm: đối với hoạt động đối ngoại, từ các kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ của cơ quan hải quan, Phó Tùy viên kinh tế Đại sứ quán Hoa kỳ cũng đã đề nghị làm việc với cơ quan hải quan để trao đổi về việc thực hiện các bước tiếp theo trong kế hoạch hành động về thương mại của Thủ tướng Việt Nam với Hoa Kỳ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu như siêu tra hồ sơ đối tượng để có thể lập được hồ sơ rủi ro các đối tượng và từng bước áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu khác, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 01 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.
Lực lượng hải quan đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm.
Đồng thời, ngành Hải quan đã thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
Cũng tại buổi họp báo Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc đã chia sẻ cùng các cơ quan thông tấn báo chí về những khó khăn vướng mắc của lực lượng hải quan khi tác nghiệp hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cùng với Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan đã trả lời thỏa đáng các câu hỏi của các phóng viên báo đài về một số vụ việc đang được xã hội quan tâm./
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan – Tổng cục Hải quan
Nguyễn Tiến Lộc thông tin tới các cơ quan báo chí.
Nguồn: www.customs.gov.vn