Theo thông tin tại buổi đối thoại, ngày 23/7/2018, Công ty cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường đăng ký tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Biên Hòa - Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đối với 5 mẫu hàng có tên khai báo Ván gỗ cao su ghép - Rubber Wood Finger Joint Laminated Panels, nhiều kích thước khau nhau, mã số khai báo 4412.99.90 với mức thuế suất xuất khẩu 0%.
Tuy nhiên, ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan ban hành thông báo kết quả phân loại, cho biết mặt hàng có kết quả phân tích là gỗ cao su dạng tấm/thanh, đã bào, đã chà nhám, nhiều kích cỡ, được ghép ngang từ các thanh đã ghép nối đầu. Tấm/thanh chưa sử dụng được ngay, phải qua gia công thêm để làm ván lót sàn, mặt bàn, cầu thang,... tùy thuộc vào mục đích sử dụng”, mã số 4407.29.97.90 và phải chịu thuế suất xuất khẩu 25%.
Công ty CP chế biến Gỗ mộc Cát Tường không đồng tình với kết quả phân loại của Tổng cục Hải quan (TCHQ) khi áp thuế 5 mẫu hàng ván gỗ cao su ghép phải chịu thuế suất xuất khẩu là 25%, chiều 5/8, Phó Tổng Cục trưởng TCHQ Lưu Mạnh Tưởng cho biết: Để đảm bảo không ách tắc, TCHQ đề nghị cục Hải quan Đồng Nai trước mắt vẫn cho doanh nghiệp xuất khẩu với mức thuế suất 0%.
Việt Nam là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới nên cơ quan hải quan sẽ tuân thủ các quy định về phân loại hàng hóa của Tổ chức hải quan thế giới. Việc xử lý, giải quyết vướng mắc với doanh nghiệp cần tập trung, nâng cao tinh thần hợp tác hỗ trợ và tạo điều kiện lẫn nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam và chú giải HS của Tổ chức hải quan thế giới thì phạm vi của nhóm 4407 bao gồm các loại gỗ và vật liệu gỗ đã được cưa, bào, lạng, tách lớp, đánh giấy ráp, ghép đầu như ghép mộng (tức là quá trình các mẩu gỗ ngắn được dán đầu với nhau kết hợp với ghép mộng để làm cho gỗ có chiều dài lớn hơn). Thuật ngữ “ghép đầu” (tiếng Anh là “end-joint”) được hiểu là ghép nối đầu cạnh của thanh gỗ, tấm gỗ và không quy định ghép dọc hay ghép ngang.
Theo thông tin cung cấp từ đại diện Công ty Mộc Cát Tường thì quy trình sản xuất mặt hàng bao gồm: gỗ cao su dạng thanh đã qua cưa xẻ, tẩm sấy chống mối mọt sau khi nhập về được cắt chọn, bào hai mặt, bào hai cạnh bằng máy chuyên dụng. Thanh cao su sau đó được phân loại chất lượng phôi, lựa màu, đánh mộng để tạo mộng âm dương hình răng lược ở hai đầu để ghép dọc thành các thanh dài. Các thanh ghép dọc đạt yêu cầu sẽ được bào cạnh rồi sau đó ghép ngang. Sản phẩm sau ghép được cắt theo quy cách, chà nhám để chà sạch keo thừa, tạo độ láng tuyệt đối và đảm bảo kích thước cuối cùng theo yêu cầu của đơn hàng.
Theo kết quả phân tích mẫu hàng của Công ty CP chế biến Gỗ mộc Cát Tường và đối chiếu với Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam và chú giải chi tiết HS, cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để xác định mặt hàng được gia công ở mức độ vượt quá các công đoạn bào, chà nhám và ghép nối (ghép ngang hoặc dọc), do vậy chưa đủ cơ sở để loại trừ khỏi nhóm 44.07 và nhóm 44.18.
Tuy nhiên, với tinh thần hợp tác, chia sẻ khó khăn, vướng mắc và thống nhất phương án giải quyết với nguyên tắc thượng tôn pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và Doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẵn hỗ trợ theo hướng tạo điều kiện có lợi cho doanh nghiệp.
Cơ quan hải quan tiếp tục xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sản phẩm trên nguyên tắc cụ thể, công khai, minh bạch, công bằng để quyết định việc áp mã HS phù hợp cho sản phẩm.
Tới đây Tổng cục Hải quan sẽ chủ trì phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế thành lập đoàn công tác gồm có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ Mộc Cát Tường theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính.