Vai trò và ý nghĩa của bảng nguồn và sử dụng, bảng cân đối liên ngành cập nhật năm 2020

Thứ tư - 08/12/2021 14:35
Xuất phát từ tình hình thực tế, mỗi một cơ sở kinh tế không chỉ sản xuất một loại sản phẩm, năm 1966 Richard Stone đưa ra ý niệm về bảng nguồn và sử dụng (gọi tắt là bảng SUT). Hệ thống tài khoản quốc gia của Liên hợp quốc xuất bản năm 1968 gọi là ma trận sản xuất và ma trận sử dụng. Sau đó, Hệ thống tài khoản quốc gia 1993 đã được sửa đổi, thay thế chính thức với tên gọi bảng nguồn và bảng sử dụng.

Bảng nguồn và sử dụng là một phần không thể thiếu trong hệ thống tài khoản quốc gia, bảng nguồn và sử dụng cung cấp một cách chi tiết và đầy đủ bức tranh kinh tế của một quốc gia, nó phản ánh quá trình sản xuất ra các sản phẩm vật chất và dịch vụ trong nước và nhập khẩu đến việc sử dụng các sản phẩm vật chất và dịch vụ cho tiêu dùng trung gian và tiêu dùng cuối cùng (tiêu dùng, tích lũy, xuất khẩu). Ý tưởng đầu tiên của Richard Stone coi bảng nguồn và sử dụng như một bước trung gian để lập bảng cân đối liên ngành (gọi tắt là bảng IOT).
 
Ở Việt Nam, bảng SUT, bảng IOT được lập cho các năm 1989, 1996, 2000, 2007 và 2012 khi thực hiện điều tra thu thập thông tin riêng biệt. Trong những năm không thực hiện điều tra, Tổng cục Thống kê tiến hành cập nhật bảng SUT, bảng IOT trong một số năm: 2016; 2018 và năm 2019. Năm 2020, Tổng cục Thống kê tiếp tục thực hiện việc cập nhật bảng SUT, bảng IOT. Nguồn thông tin thực hiện việc cập nhật bảng SUT, bảng IOT từ kết quả các cuộc điều tra chuyên ngành, dữ liệu báo cáo hành chính...
 
Bảng SUT, bảng IOT cập nhật năm 2020 được lập theo các 03 loại giá: Giá cơ bản, giá sản xuất, giá sử dụng cuối cùng, trong đó, bảng nguồn và sử dụng cập nhật năm 2020 được xây dựng với kích cỡ 164 ngành sản phẩm và 164 ngành kinh tế; bảng cân đối liên ngành cập nhật năm 2020 theo 164 ngành (sản phẩm x sản phẩm). Những khái niệm và phương pháp sử dụng để cập nhật được dựa trên khái niệm của Hệ thống Thống kê quốc gia năm 1968 và 1993 của Liên hợp quốc và thống nhất với các phương pháp cập nhật của các năm trước. Bảng SUT, bảng IOT cập nhật năm 2020 có vai trò và ý nghĩa như:
 
- Cân bằng tổng thể nền kinh tế năm 2020 (tổng nguồn = tổng sử dụng): Trạng thái cân bằng trong nền kinh tế thể hiện ở cân bằng trong sản xuất và sử dụng/tiêu dùng các sản phẩm vật chất và dịch vụ của quá trình sản xuất; trong sản xuất hoặc tiêu dùng với thu nhập từ sản xuất của nền kinh tế là những cân đối quan trọng và đặc biệt cần thiết của bất kỳ quốc gia. Ở trạng thái cân bằng, mọi nhận định, đánh giá và hiện trạng của quốc gia mới phản ánh đầy đủ, toàn diện và chuẩn mực nhất.
 
Thực tế số liệu từ sản xuất và tiêu dùng luôn có độ vênh do thiếu hụt, chồng lấn, trùng lặp ngay trong nội hàm các chỉ tiêu liên quan, phạm vi quan sát đối tượng và các phương thức thu thập thông tin từ các nguồn thông tin khác nhau… Nhiều thông tin có thể đảm bảo tin cậy (ví dụ thông tin từ điều tra doanh nghiệp, dữ liệu tài chính chính phủ…) nhưng cũng có thông tin chưa thể đảm bảo hoặc thậm chí phát sinh mâu thuẫn giữa các nguồn số liệu khác nhau. Để kiểm tra, phát hiện và hiệu chỉnh các mâu thuẫn này cần thực hiện cân đối các luồng giao dịch hàng hóa, dịch vụ ở góc độ liên ngành trên toàn bộ nền kinh tế trên cơ sở bảng SUT, IOT được cập nhật định kỳ để vừa đảm bảo tính “thời sự” của các hoạt động kinh tế và đảm bảo tính ổn định kỹ thuật của các ngành kinh tế. Bên cạnh đó việc cập nhật SUT, IOT cũng giúp cho việc cân đối số liệu GDP theo 3 phương pháp (Phương pháp sản xuất, Phương pháp thu nhập, Phương pháp sử dụng cuối cùng).
 
- Đảm bảo tính kịp thời, xây dựng cơ sở dữ liệu theo chuỗi thời gian: Tần suất và tính kịp thời của việc biên soạn bảng nguồn và sử dụng, bảng cân đối liên ngành ở các quốc gia là rất khác nhau và điều này thường gây ra những hạn chế lớn về nguồn thông tin trong việc phân tích kinh tế, nghiên cứu chính sách ở các quốc gia nói chung. Qua bảng IOT của một số thời kỳ, các nhà quản lý, điều hành nền kinh tế, các nhà nghiên cứu và đông đảo người sử dụng sẽ thấy được công nghệ sản xuất của nền kinh tế thay đổi như thế nào; sẽ thấy được chất lượng tăng trưởng kinh tế của từng thời kỳ; thấy được vai trò của các ngành kinh tế theo nghĩa thúc đẩy sự phát triển của các ngành qua các liên kết xuôi và liên kết ngược của chúng. Do đó, cập nhật bảng SUT, bảng IOT năm 2020 sẽ là căn cứ để bảo đảm tính kịp thời của dữ liệu; đồng thời đảm bảo dữ liệu được cung cấp theo một chuỗi thời gian nhất định.
 
- Phục vụ cho công tác phân tích, dự báo kinh tế: Phân tích và dự báo kinh tế có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các định hướng phát triển kinh tế và hàm ý chính sách. Một trong những công cụ quan trọng trong phân tích định lượng kinh tế là việc sử dụng bảng IOT. Hay nói cách khác, bảng cập nhật SUT và IOT năm 2020 có vai trò rất quan trọng và là công cụ hữu hiệu phục vụ cho các mục đích phân tích, nghiên cứu chính sách như phân tích cấu trúc kinh tế, mối quan hệ giữa các ngành trong nền kinh tế, phân tích mối quan hệ giữa cung và cầu của nền kinh tế, đánh giá tác động trực tiếp, gián tiếp lên quá trình sản xuất bởi yếu tố ngoại sinh, thương mại quốc tế, khả năng cạnh tranh và các chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng, biến đổi khí hậu... Trong những năm gần đây, Tổng cục Thống kê xác định việc phân tích, dự báo thống kê bằng việc sử dụng bảng IOT là một trong những nội dung cần được chú trọng, phát triển để trở thành công cụ mạnh của ngành Thống kê.  
 
- Phục vụ cho quá trình chuyển đổi năm gốc so sánh 2020: Thông tư số 13/2019/TT-BKHĐT, ngày 31 tháng 12 năm 2019 quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh. Để phục vụ cho việc chuyển đổi năm gốc, bảng SUT năm 2020 cập nhật sẽ là công cụ hữu hiệu để tính các chỉ tiêu thuộc hệ thống tài khoản quốc gia từ giá hiện hành về giá so sánh năm 2020.
 
- Là cơ sở cho việc kết nối các tài khoản vệ tinh như ma trận hạch toán xã hội (SAM); thống kê việc làm, mối liên hệ với các chu chuyển vật chất (sử dụng đất, năng lượng), mối liên hệ với các chu chuyển vật chất khác liên quan đến các vấn đề môi trường (khí thải, chất thải, nước thải) và các tài khoản vệ tinh khác cho du lịch (TSA), giao thông, y tế và giáo dục.
 
Tóm lại, bảng SUT, bảng IOT là mô hình toàn diện nhất được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng trong việc phân tích, dự báo các vấn đề cơ bản của nền kinh tế, gắn kết những con số thống kê, các dữ liệu sẵn có với lý thuyết kinh tế và từ đó phân tích một cách tổng thể và tương đối toàn diện nền kinh tế. Do đó, việc thực hiện cập nhật bảng SUT, bảng IOT năm 2020 đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết trong công tác thống kê và phân tích dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội./.
Ngô Như Vẻ
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập882
  • Hôm nay204,674
  • Tháng hiện tại10,328,458
  • Tổng lượt truy cập494,191,896
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây