Khu vực thể chế - khái niệm “mới” với Việt Nam?

Thứ tư - 08/12/2021 14:32
Phân loại theo ngành kinh tế và theo khu vực thể chế là hai phân loại phổ biến và quan trọng nhất mà phần lớn các quốc gia trên thế giới sử dụng để phản ánh các hoạt động kinh tế cũng như để phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, phân loại theo ngành kinh tế đã khẳng định được vị trí khi được sử dụng ngay từ những ngày đầu thành lập ngành Thống kê. Tuy nhiên, hiện phân loại theo khu vực thể chế chưa được thực sự quan tâm, chú trọng.
 
Phân chia nền kinh tế theo khu vực thể chế để thu thập số liệu tài khoản quốc gia, tài chính, tiền tệ từ lâu đã được các nước thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện. Năm 1995, Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) đã ban hành Hệ thống Tài khoản quốc gia Châu Âu, viết tắt là ESA 1995, đưa ra khung lý luận và phân loại thống kê theo khu vực thể chế cho các nước thành viên Châu Âu. Đến nay, hầu hết các nước thành viên Ủy ban Châu Âu đều áp dụng bảng phân loại khu vực thể chế theo hướng dẫn tại ESA 2010. Ngoài ra, các nước thuộc OECD cũng thu thập số liệu theo khu vực thể chế. Nga, Úc, NewZealand, Nam Phi cũng xây dựng bảng phân loại khu vực thể chế của riêng quốc gia mình. Ở Châu Á, một số nước thu thập số liệu theo khu vực thể chế và cung cấp trên website chính thức của các cơ quan quản lý như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, My-an-ma…
 
Vậy khu vực thể chế là gì? Phân loại theo khu vực thể chế có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động thống kê cũng như trong nền kinh tế của Việt Nam?
 
Khu vực thể chế là khái niệm được thống kê quốc tế sử dụng để phân chia nền kinh tế thành các khu vực có cùng chức năng, mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng đặc điểm cấu trúc, vai trò kinh tế và phương thức hoạt động nhằm theo dõi, tính toán, biên soạn, phân tích các số liệu, chỉ tiêu kinh tế, tài chính và tiền tệ, từ đó Chính phủ hay các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách có các quyết sách, giải pháp thích hợp đối với từng khu vực thể chế cũng như toàn nền kinh tế. Khái niệm “thể chế” ở đây là thể chế áp dụng trong lĩnh vực thống kê, không phải thể chế chính trị.
 
Tổng cục Thống kê đã sử dụng khái niệm “khu vực thể chế” từ khi Việt Nam chính thức áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993 theo Quyết định số 183/TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2002, Tổng cục Thống kê đã thử nghiệm lập tài khoản hiện hành theo khu vực thể chế cho một số năm dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Tuy nhiên, chất lượng những tài khoản đã lập còn có những hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do Việt Nam chưa có văn bản pháp quy quy định về khu vực thể chế.
 
Phân loại thống kê theo khu vực thể chế là bước khởi đầu cho việc hình thành, xây dựng các khung thống kê theo khu vực thể chế. Trong giai đoạn đầu, phân loại thống kê theo khu vực thể chế hướng tới việc hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước nhận diện đúng các đối tượng kinh tế cụ thể để xây dựng các chính sách, quy chế, quy định phù hợp đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đúng đối tượng cần điều chỉnh, đảm bảo phát triển bền vững. Ở Việt Nam, thực tiễn xây dựng, ban hành và thực thi các quyết định, chính sách của Nhà nước những năm qua đã bộc lộ khá nhiều bất cập do chưa phù hợp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa các quy định áp dụng cho mỗi đối tượng cụ thể… một phần nguyên nhân là do thiếu cái nhìn trực diện, đầy đủ, khách quan về đối tượng được chính sách hướng tới. Do vậy, thiết lập hệ thống thống kê theo khu vực thể chế, đặc biệt biên soạn hệ thống tài khoản quốc gia, thống kê tài chính, tiền tệ theo khu vực thể chế ở Việt Nam hiện nay là cần thiết cho công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.
 
Để tuân thủ các yêu cầu quốc tế về thống kê tài khoản quốc gia, tài chính và tiền tệ của IMF hay Ngân hàng thế giới (WB), Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải áp dụng các phân tổ khu vực thể chế trong việc thu thập và tổng hợp số liệu. Ví dụ việc cung cấp số liệu theo Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) và hướng tới Tiêu chuẩn phổ biến số liệu riêng (SDDS) hay Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo số liệu tiền tệ theo Mẫu báo cáo số liệu tiền tệ tiêu chuẩn (SRFs) theo quy định của IMF... Để đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động thống kê, đặc biệt thống kê tài khoản quốc gia, tài chính, tiền tệ, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của định chế tài chính mà Việt Nam là thành viên, cũng như đảm bảo yêu cầu so sánh quốc tế, phân loại khu vực thể chế cần được áp dụng ở tất cả các cơ quan sản xuất và sử dụng số liệu về kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ, không chỉ riêng Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hay Bộ Tài chính. Vì vậy, việc ban hành văn bản pháp quy quy định về khu vực thể chế vừa tuân thủ hướng dẫn quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam để thống nhất áp dụng.
 
Ngày 23/3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong hệ thống thống kê quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động thống kê theo khu vực thể chế ở Việt Nam. Nội dung Thông tư đưa ra phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam gồm sáu khu vực:

(1) Khu vực thể chế phi tài chính: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (bao gồm cả các đơn vị không vì lợi) thường trú tham gia vào các hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính để bán hoặc trao đổi trên thị trường.

(2) Khu vực thể chế tài chính: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác (bao gồm cả đơn vị không vì lợi) thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện cho các đơn vị thể chế khác.

(3) Khu vực thể chế Nhà nước: Bao gồm các đơn vị thể chế thường trú thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước, hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và thực thi các chính sách của Nhà nước. Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thuộc cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đoàn thể khác, các đơn vị sự nghiệp công lập không vì lợi nhuận, phi thị trường và các quỹ an sinh xã hội.
 
(4) Khu vực thể chế hộ gia đình: Bao gồm tất cả các hộ gia đình thường trú của Việt Nam. Hộ gia đình ở khu vực này bao gồm cả hộ gia đình sản xuất và hộ gia đình tiêu dùng.
 
(5) Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình: bao gồm tất cả các tổ chức phi lợi nhuận, phi thị trường thường trú, không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, có chức năng phục vụ hộ gia đình, cộng đồng; phục vụ các hội viên của đơn vị hoặc nhằm mục đích từ thiện, viện trợ, cứu trợ…
 
(6) Khu vực thể chế không thường trú: Bao gồm tất cả các đơn vị thể chế không thường trú tham gia giao dịch với các đơn vị thường trú hoặc có các mối liên hệ khác về kinh tế với các đơn vị thường trú như các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sứ quán của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam…
 
Đây là sáu khu vực thể chế cấp một được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng. Tùy vào năng lực, trình độ thống kê, thực tế nguồn thông tin và yêu cầu quản lý mà mỗi quốc gia có thể xây dựng khu vực thể chế cấp chi tiết (cấp 2, 3, 4…) phù hợp.
 
Nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thu thập, tính toán các chỉ tiêu thống kê, cũng như phù hợp với thực tiễn công tác thống kê tài khoản quốc gia, tài chính, tiền tệ và đảm bảo so sánh quốc tế, bảng phân loại khu vực thể chế ở Việt Nam gồm 13 mã phân tổ cấp 2 và 16 mã cấp 3[1].
 
Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT ra đời nhằm hướng tới mục đích: (i) Phân tách các thông tin, dữ liệu thống kê theo loại khu vực thể chế để các ban ngành, các nghiên cứu có thể tiếp cận theo loại đối tượng mục tiêu giúp cho công tác đánh giá, phân tích hiệu quả, phù hợp với chính sách, quyết định được ban hành; (ii) Tăng cường khả năng so sánh của số liệu thống kê tài khoản quốc gia, tài chính, tiền tệ của Việt Nam thông qua sử dụng tiêu chuẩn quốc tế về phân loại khu vực thể chế; nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy phát triển thống kê và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa phổ biến số liệu và hoạt động giám sát; thúc đẩy sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam tại các định chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (iii) Hỗ trợ hoạt động quản lý vĩ mô bằng việc cung cấp các thông tin minh bạch và chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
 
Tuy nhiên, nội dung Thông tư 02/2020/TT-BKHĐT chỉ quy định những vấn đề chung, cơ bản của 6 khu vực thể chế và các khu vực thành phần, chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể phân loại và sắp xếp từng đơn vị kinh tế vào khu vực thể chế phù hợp. Để hướng dẫn cụ thể phân loại khu vực thể chế, Tổng cục Thống kê đã biên soạn và chuẩn bị phát hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn thống kê theo khu vực thể chế” nhằm cụ thể hóa các vấn đề cơ bản được nêu trong Thông tư; bổ sung quy trình và hướng dẫn phân loại đơn vị kinh tế vào khu vực thể chế, đưa ra bảng phân loại tổng quát của từng khu vực thể chế để các đối tượng sử dụng có thể dễ dàng thực hiện./. 
Vũ Thị Hải Anh
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,076
  • Hôm nay65,937
  • Tháng hiện tại10,956,778
  • Tổng lượt truy cập470,849,465
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây