Sáng ngày 15/12/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ liên quan trực thuộc cơ quan TCTK; các thành viên Tổ biên tập Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số và đại diện một số Bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; …
Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cho biết, việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số, TCTK đã tiến hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, TCTK đã thành lập Tổ biên tập Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số; rà soát nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trong nước để đưa ra khái niệm, phạm vi kinh tế số; dự thảo và hoàn thiện dự thảo danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê kinh tế số; xin ý kiến góp ý Bộ, ngành, địa phương, thành viên Tổ biên tập và các bên liên quan; thẩm định Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với việc tổ chức hội thảo này, TCTK mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo để đơn vị xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số tiếp tục hoàn thiện để trình.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê trình bày dự thảo Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Theo đó, Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số gồm danh mục và nội dung chỉ tiêu. Danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu và được phân theo 5 nhóm: Nhóm quy mô kinh tế số có 10 chỉ tiêu; nhóm hạ tầng số có 7 chỉ tiêu; nhóm mức độ phổ cập phương tiện số có 19 chỉ tiêu; nhóm mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến có 11 chỉ tiêu; nhóm kỹ năng số và nguồn nhân lực số có 3 chỉ tiêu.
Trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số có 22 chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Phục lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Mỗi chỉ tiêu của Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế được chuẩn hóa theo các tiêu thức như: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu; cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập gồm: TCTK có 21 chỉ tiêu; Bộ Thông tin và Truyền thông có 21 chỉ tiêu; Bộ Giáo dục và Đào tạo có 3 chỉ tiêu; Bộ Công thương có 1 chỉ tiêu; Bộ Y tế có 2 chỉ tiêu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 2 chỉ tiêu.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số, nhìn chung các đại biểu cho rằng các nhóm, chỉ tiêu đề xuất trong dự thảo đều là các chỉ tiêu hữu ích cho việc đánh giá các khía cạnh của kinh tế số và sát với nhu cầu thực tế trong tiếp cận kinh tế số. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã đưa ra các ý kiến đóng góp vào các nội dung như: Tỷ lê người dân có danh tính số chia theo Nhà nước và ngoài Nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp có trang thông tin điện tử hay đề xuất bỏ một số phân tổ vùng…
Toàn cảnh hội thảo
Kết thúc hội thảo Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cho rằng, qua hội thảo này một số nhóm, chỉ tiêu của dự thảo Hệ thống có thể thay đổi nếu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo đơn vị soạn thảo thấy cần phải xem xét, bổ sung hoặc lược bỏ trên cơ sở đảm bảo mỗi chỉ tiêu của hệ thống phải được chuẩn hóa theo các tiêu thức. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến khẳng định đây là một bộ chỉ tiêu khó do đó đề hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến đề nghị Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê đối chiếu với Hệ thống chỉ tiêu Quốc gia đề hoàn thiện lại đảm bảo thống nhất về phạm vi, nội dung. Đồng thời rà soát lại nội dung theo hướng dễ đọc, dễ hiểu. Đối với các Bộ, ngành muốn bảo lưu ý kiến hoặc bổ sung, bổ sung thêm ý kiến yêu cầu các Bộ, ngành có văn bản khẳng định các chỉ tiêu bổ sung đầy đủ các nội dung được soạn thảo. Đặc biệt là về nội dung với bao gồm: Khái niệm, phương pháp tính, kỳ công bố, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập tổng hợp… và phải khẳng định được tính khả thi./.