Thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ban hành ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) biên soạn các chỉ tiêu thuộc khu vực phi chính thức theo Công văn số 1127/TCTK-TKQG ngày 13/9/2019 của Tổng cục Thống kê về việc hướng dẫn sử dụng khái niệm khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình.
Khu vực phi chính thức
Khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tiêu chí xác định cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức là cơ sở không phải đăng ký kinh doanh.
Hiện nay, khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.
Như vậy, cũng giống như các nước đang phát triển trên thế giới, hoạt động phi chính thức ở Việt Nam tồn tại như một thực tế khách quan, tạo ra việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động không có chuyên môn hoặc chuyên môn thấp, phổ biến ở hoạt động bán hàng rong, buôn bán ngoài vỉa hè, không có nơi cố định, làm muối và các dịch vụ có thu nhập thấp khác…. Các hoạt động này đi vào đời sống của người dân có thu nhập thấp, giúp họ thuận lợi tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ với giá cả bình dân.
Mục đích biên soạn số liệu khu vực phi chính thức nhằm nghiên cứu đóng góp của khu vực này trong nền kinh tế nói chung. Vì vậy, cần thống nhất cách hiểu, nguyên nhân tồn tại khu vực phi chính thức, tính toán được tỷ trọng của khu vực phi chính thức trong GDP phân theo ngành kinh tế. Đồng thời, xem xét mối tương quan giữa khu vực phi chính thức và chính thức, tác động tích cực và tiêu cực của khu vực phi chính thức đối với nền kinh tế… Từ đó, có các giải pháp điều chỉnh phù hợp để phát huy đóng góp của khu vực này cũng như đề xuất chính sách xóa đói giảm nghèo, đồng thời giảm thiểu những tác động làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực chính thức.
Nguồn thông tin phục vụ biên soạn số liệu khu vực phi chính thức bao gồm: (i) Số liệu Tổng điều tra Kinh tế 5 năm/lần; (ii) Điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm. Ngoài số liệu trên còn có số liệu từ các Bộ, ngành quản lý.
Đối với số liệu từ Tổng điều tra Kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thiết kế, cài đặt thông tin ở cả phiếu điều tra toàn bộ và phiếu mẫu, đảm bảo tách riêng cho khu vực phi chính thức. Theo đó, các thông tin về tình trạng đăng ký kinh doanh, doanh thu, lao động theo ngành, các thông tin dùng để tính giá trị sản xuất theo ngành của khối cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản được phân tách cho cả hai khu vực chính thức và phi chính thức. Ngoài ra, số liệu Điều tra cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm kết hợp với các hệ số tính từ Tổng điều tra cũng hỗ trợ theo dõi, tính toán chỉ tiêu phi chính thức hằng năm. Hiện tại, Tổng cục Thống kê đã biên soạn được dãy số liệu từ năm 2010 đến 2019 và sẽ xuất bản ấn phẩm về khu vực này trong thời gian sớm nhất.
Trong quá trình thu thập và tính toán cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Số liệu từ Điều tra cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm là điều tra mẫu phục vụ suy rộng cho những chỉ tiêu quan trọng của khu vực chính thức nên phương pháp chọn mẫu tập trung cho mục đích chính, do vậy mức độ chính xác đối với suy rộng cho các chỉ tiêu phi chính thức bị hạn chế. Thêm nữa, các hệ số tính toán từ Tổng điều ta kinh tế được sử dụng cho các năm không có Tổng điều tra cũng mang tính lỗi thời không cập nhật.
Đối với điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có một số hạn chế nhất định. Các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực phi chính thức thường có quy mô nhỏ, địa điểm không ổn định, thời gian sản xuất, kinh doanh thường không đủ 12 tháng trong năm, nên thời điểm thu thập số liệu nhiều khi bị bỏ sót, mặt khác các thông tin về doanh thu, chi phí... không ghi chép nên việc xác định đúng, đủ doanh thu cũng là điều khó khăn. Các quy định yêu cầu không phải đăng ký kinh doanh đối với những hộ có doanh thu thấp là do cơ sở tự khai, nếu không có những ghi chép cụ thể có thể dẫn tới sai lệch nhiều giữa thực tế và báo cáo.
Khi tính toán giá trị sản xuất của khu vực phi chính thức cũng có một số bất cập. Hiện nay, chỉ có chỉ số giá áp dụng chung cho các ngành mà chưa có chỉ số giá tính riêng cho khu vực cá thể nói chung và khu vực phi chính thức nói riêng, nên khi chuyển tính chuyển giá hiện hành sang giá so sánh cũng bị ảnh hưởng sai số của các chỉ số, đặc biệt là đối với những năm có những biến động lớn về chỉ số giá chung. Thêm nữa, khi tính toán giá trị tăng thêm của khu vực phi chính thức buộc phải sử dụng hệ số chi phí trung gian (IC) chung theo ngành, nên cũng bị ảnh hưởng sai số trong tính toán.
Khu vực tự sản, tự tiêu hộ gia đình
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình là hoạt động tự sản xuất ra các sản phẩm vật chất, phục vụ cho tiêu dùng cuối cùng hoặc tích lũy của các cá nhân trong hộ và dịch vụ nhà tự có tự ở. Các hoạt động phải đảm bảo hai tiêu chí, là hoạt động thuộc phạm trù sản xuất; sản phẩm vật chất sản xuất ra được để lại sử dụng cho tiêu dùng cuối cùng hoặc cho tích lũy của các cá nhân trong hộ.
Từ khái niệm có thể thấy, các hoạt động sản xuất mang tính tự cung tự cấp, quy mô nhỏ, manh mún, lại không có sổ sách ghi chép nên rất khó cho việc định lượng và giá trị hoạt động sản xuất tự sản tự tiêu. Dù nhỏ nhưng hoạt động này luôn tồn tại ở bất cứ nền kinh tế nào, nó cũng nằm trong thu nhập và tiêu dùng của hộ hay thành viên của hộ. Đo lường đúng và đủ khu vực này góp phần vào việc xác định chính xác quy mô của toàn bộ nền kinh tế, thông qua tài khoản sản xuất tài khoản thu nhập, cũng như đo lường tốt hơn năng suất của người lao động theo ngành kinh tế. Từ đó đánh giá đúng chính sách mà Việt Nam đang theo đuổi, góp phần đề ra những thay đổi phù hợp, đảm bảo các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế đi đúng hướng.
Chính sự thiếu rõ ràng trong các hoạt động sản xuất, để phân định hoạt động tự sản tự tiêu với hoạt động sản xuất cho mục đích khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) là đơn vị chịu trách nhiệm tính toán và công bố, đã xây dựng một bộ chỉ tiêu với khái niệm và phương pháp tính chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện nguồn số liệu trong nước. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã lồng ghép nhiều chỉ tiêu vào các cuộc điều tra thường xuyên làm cơ sở cho các hoạt động tính toán. Ngoài các số liệu điều tra, đối với các số liệu không thể có được từ các điều tra, Tổng cục Thống kê cần phải có sự phối hợp cung cấp các thông tin liên quan của các Bộ, ngành Trung ương cũng như các cấp, các ngành địa phương quản lý.
Hiện tại, Tổng cục Thống kê thử nghiệm tính toán tự sản, tự tiêu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, hộ xây dựng năm 2019 dựa trên các cuộc điều tra về hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo kỳ, theo năm; điều tra về dân số và việc làm theo năm; điều tra mức sống theo năm; điều tra hoạt động xây dựng hàng năm. Tuy nhiên, còn thiếu nguồn số liệu để tính toán tự sản tự tiêu hộ công nghiệp.
Các tính toán thử nghiệm dựa hoàn toàn vào số liệu điều tra thường xuyên của Tổng cục Thống kê, nhằm thu thập tính toán quy mô hoạt động sản xuất, do tự sản tự tiêu của hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, hộ xây dựng đều đã được tính toán vào GDP. Tuy nhiên, để phân tách hoạt động tự sản tự tiêu ra khỏi hoạt động sản xuất, cần phải sử dụng các hệ số từ các cuộc điều tra khác nhau nhưng các hệ số vẫn chưa được cài toàn bộ vào các cuộc điều tra thu thập thông tin về hoạt động sản xuất, vì vậy, cần phải có các ước lượng theo phương pháp chuyên gia nên mức độ đảm bảo cho việc phân tách còn hạn chế. Ngoài ra, đối với hoạt động điều tra, việc ước lượng hệ số tự sản tự tiêu của hộ cũng rất dễ sai số, vì tại thời điểm điều tra về kết quả sản xuất trong kỳ hộ phải ước lượng tự sản tự tiêu trong kết quả sản xuất, hộ chỉ có thể ước lượng dựa trên kinh nghiệm của các kỳ trước, mang nhiều tính chủ quan của cá nhân. Đối với các tính toán không thể thu thập được từ khu vực sản xuất, phải sử dụng hệ số từ khu vực tiêu dùng cũng dễ bị áp sai đối với hộ sản xuất cho mục đích thương mại.
Tính toán quy mô của khu vực phi chính thức và tự sản tự tiêu là cần thiết nhưng rất khó khăn vì các hoạt động này không chính thức, thiếu các ghi chép đối chứng, để tính đúng và đủ cần sự phối hợp cung cấp thông tin từ các Bộ, ngành liên quan để khai thác đủ thông tin cũng như kiểm soát tốt hoạt động sản xuất./.
Nguyễn Thị Hậu
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK