Tổng quan về khu vực phi chính thức ở Việt Nam

Thứ tư - 08/12/2021 14:26
Giới thiệu chung
Một tác phẩm hội họa đẹp, qua con mắt, đôi tay và trí tuệ của người họa sỹ, được tạo nên bởi các chi tiết tinh tế như bố cục, hình khối, nét vẽ, màu sắc… Đối với “Bức tranh kinh tế” cũng tương tự như vậy, để một nền kinh tế tổng hòa, phát triển tốt là sự đóng góp và hỗ trợ lẫn nhau của các khu vực kinh tế với mối liên kết đan xen, thúc đẩy nhau phát triển.
Nền kinh tế là một thực thể rộng lớn gồm nhiều chủ thể hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, được phân chia thành 2 thành phần chính là khu vực chính thức và khu vực phi chính thức. Khu vực chính thức là khu vực mà các chủ thể hoạt động bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, thực hiện các nghĩa vụ kê khai thuế, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động. Trong khi đó, khu vực phi chính thức không bắt buộc tất cả các chủ thể tham gia phải đăng ký hoạt động. Tùy thuộc vào hoạt động cụ thể, chủ thể tham gia có thể không phải đăng ký sản xuất kinh doanh. Thực tế khu vực này tồn tại từ lâu và đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Hoạt động phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi ở Việt Nam và phát triển vô cùng mạnh mẽ, điển hình là vào mọi lúc chúng ta đều có thể dễ dàng mua hàng hóa trên đường phố hoặc ăn bát phở trên vỉa hè, đi xe ôm hay may quần áo ở nhà hàng xóm.
Trên thế giới có nhiều cách gọi về các khu vực kinh tế, phổ biến một số tên gọi như: khu vực phi chính thức (Informal sector); kinh tế bóng đen (Shadow economy); kinh tế ngầm (Underground economy)… Bên cạnh đó, cách hiểu về khái niệm và phạm vi khu vực phi chính thức đôi khi cũng bị nhầm lẫn với khu vực kinh tế chưa được quan sát. Do vậy, cách hiểu cơ bản nhất về khu vực phi chính thức là khu vực đối lập của khu vực chính thức, có đặc điểm là: Hoạt động hợp pháp; quy mô nhỏ; không có sổ sách kế toán hoặc có nhưng chưa hoàn chỉnh; không tách riêng chi phí sản xuất với chi phí sinh hoạt; không phân biệt nhà cửa, tài sản cố định khác dùng cho sản xuất và sinh hoạt của hộ gia đình.
Khái niệm, tiêu chí xác định và phạm vi
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của các Chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê Pháp, Tổng cục Thống kê đã ban hành Công văn số 1127/TCTK-TKQG ngày 13/9/2019 về hướng dẫn sử dụng khái niệm khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình. Theo đó, khu vực phi chính thức được định nghĩa: “Khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh”.
Tiêu chí xác định khu vực phi chính thức là: Cơ sở sản xuất kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh. Phạm vi khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế, trừ các ngành: (1) Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; (2) Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng và bảo đảm xã hội bắt buộc; (3) Hoạt động của các hiệp hội, tổ chức khác.  Trong đó, lưu ý là: các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh doanh có điều kiện[1] không thuộc khu vực phi chính thức.
Theo tiêu chí xác định cơ sở sản xuất kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh và theo quy định mới tại khoản 2, điều 79 tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 quy định về các hoạt động không phải đăng ký kinh doanh bao gồm: Hoạt động bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Tuy vậy, đến nay, vẫn có hai cách hiểu về khu vực phi chính thức, trong đó cách hiểu rộng, khu vực phi chính thức là khu vực bao gồm các hoạt động không có đăng ký kinh doanh, bao gồm các cơ sở không phải đăng ký kinh doanh và các cơ sở không có đăng ký kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký hoặc chưa đăng ký nhưng vẫn hoạt động). Ở phạm vi hẹp, chặt chẽ hơn, theo đúng định nghĩa của Tổng cục Thống kê và quy định mới tại khoản 2, điều 79 tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì khu vực phi chính thức chỉ gồm các hoạt động bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, thời vụ, dịch vụ có thu nhập thấp nêu trên.
Phương pháp đo lường thử nghiệm
Đối với khu vực kinh tế phi chính thức, Tổng cục Thống kê đã thực hiện tính toán thử nghiệm theo phương pháp thống kê. Tức là, dựa trên cơ sở khái niệm, tiêu chí, phạm vi, sau đó tổng hợp dữ liệu với các điều kiện đưa ra để có được các thông tin về số liệu về số cơ sở, số lao động, doanh thu thuộc khu vực kinh tế phi chính thức trong các kỳ Tổng điều tra và Điều tra cở sở sản xuất kinh doanh cá thể hàng năm. Để có được thông tin về khu vực này, số liệu được tổng hợp trực tiếp từ nguồn dữ liệu vi mô từ Điều tra Hộ cá thể sản xuất kinh doanh hàng năm của Tổng cục Thống kê trên cả nước, dựa vào câu hỏi có thông tin về tình trạng đăng ký kinh doanh của cơ sở để làm điều kiện lọc, tổng hợp dữ liệu từ nguồn dữ liệu của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
Đối với dữ liệu của năm Tổng điều tra Kinh tế thì không phải suy rộng, có thể tính trực tiếp từ cơ sở dữ liệu với 06 loại phiếu khác nhau với hơn 05 triệu hộ, trong đó khó khăn là phải xử lý nguồn số liệu lớn, nhưng không phải suy rộng chỉ phải tính toán thêm một số chỉ tiêu như doanh thu với một số ngành đặc thù.
Đối với những năm không có Tổng điều tra, không có được số liệu chi tiết để tổng hợp số liệu từ dữ liệu vi mô mà phải tính toán suy rộng cho tổng thể mẫu, dựa vào cách chọn mẫu từng năm cho tất cả các cơ sở cá thể theo tỉnh, theo ngành cấp I các chỉ tiêu cơ bản như số lượng cơ sở, số lượng lao động, doanh thu. Từ số liệu tổng thể của 2 kỳ điều tra liên tiếp sẽ tính toán cơ cấu và tốc độ tăng, giảm của từng ngành gọi chung là hệ số suy rộng, có 03 hệ số suy rộng là số lượng cơ sở, lao động, doanh thu theo năm và theo ngành kinh tế. Từ hệ số suy rộng, tiếp tục tính toán được số lượng cơ sở cá thể, số lao động, doanh thu theo năm của từng tỉnh, từng ngành khu vực kinh tế phi chính thức đối với những năm không có tổng điều tra.
Vai trò đối với phát triển kinh tế
Các hoạt động phi chính thức luôn tồn tại như một thực tế quan trọng của nền kinh tế. Cũng giống như các nước đang phát triển trên thế giới và trong khu vực, ở Việt Nam, các hoạt động phi chính thức tồn tại bởi nó có thể tạo ra việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động không có chuyên môn, lao động tự do hay bị ảnh hưởng việc làm khi có biến động lớn nền kinh tế. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính chủ sở hữu hoạt động phi chính thức, mà còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn, giúp người nghèo tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân. Ngoài ra, hoạt động phi chính thức tại các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một phần của văn hoá dân tộc Việt Nam.
Sự phát triển của khu vực kinh tế phi chính thức đã đóng góp một phần vào tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Khi các điều kiện tham gia vào khu vực chính thức chưa được đáp ứng, khó khăn về thủ tục pháp lý, nguồn vốn và nguồn nhân lực còn hạn chế, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, địa điểm không cố định, các cá nhân và hộ gia đình có xu hướng làm việc và hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Ngày nay, cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhiều hình thức hoạt động phi chính thức mới hình thành như hoạt động bán hàng trực tuyến, hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ (xe ôm công nghệ, giao hàng công nghệ,…), hoạt động nghệ thuật, giải trí trên nền tảng công nghệ đã trở thành một phương thức hoạt động mới mang lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động trong nền kinh tế, đóng góp vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế.
Xu hướng phát triển trong thời gian tới
Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang “bùng nổ” trên toàn thế giới với sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới, kết hợp các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học… và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp.
Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp thuộc khu vực phi chính thức thường có quy mô khá nhỏ, yêu cầu về trình độ lao động, ứng dụng kỹ thuật, máy móc không cao. Tuy nhiên, theo xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của toàn nền kinh tế thì khu vực này không thể tự đặt mình nằm ngoài “guồng quay” đó. Các cơ sở thuộc khu vực phi chính thức cũng đã rất nhạy bén trong việc tiếp cận các công nghệ mới để ứng dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi hình thức hoạt động. Chẳng hạn, nghề xe ôm trước đây vận hành bằng cách trao đổi trực tiếp đã được các công ty công nghệ phát triển trên nền tảng gọi xe trực tuyến như Grab, GoViet, Be… đang chiếm ưu thế tiếp cận được khách hàng, nhận diện hình ảnh uy tín, mang lại doanh thu ổn định hơn rất nhiều so với việc vận hành theo cách truyền thống.
Tiếp theo, một ngành nghề nữa có hoạt động khá tương đồng với “xe ôm công nghệ” là dịch vụ giao hàng trực tuyến, trong đó chủ yếu là giao đồ ăn. Các công ty giao hàng ăn nhanh như Now, Grab, Baemin… đã phát triển ứng dụng đặt và giao đồ ăn dựa trên dữ liệu rất lớn từ các nhà hàng, quán ăn và cả thông tin về nhu cầu, sở thích của khách hàng. Tương tự “xe ôm công nghệ”, các đối tác của các công ty này chỉ cần trang bị xe máy, điện thoại thông minh đã có thể hoạt động trong nghề này. Với đặc thù tại Việt Nam là những hàng quán nằm trên các con đường nhỏ, ngỏ hẻm thì với việc đặt hàng, giao đồ ăn bằng xe máy rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tiếp cận khách hàng nhanh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa, xu hướng người dân sẽ đặt giao hàng trực tuyến sẽ nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, một số hoạt động buôn bán quà vặt, kinh doanh lưu động khác cũng đã có những ứng dụng công nghệ nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đầu tiên, các chủ cơ sở này đầu tư sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng thông minh và hiện đại. Bằng cách sử dụng công nghệ, người chủ sẽ nắm bắt được các thông tin về tình hình kinh doanh, tình trạng hàng hóa của họ kịp thời, nhanh chóng, giải phóng tối đa thời gian, sức lực so với cách tính toán sổ sách truyền thống. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ trong việc quảng cáo sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng giúp cho họ tiếp cận khách hàng rộng lớn hơn, từ đó phát triển hoạt động kinh doanh.
Khái quát lại, khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam vẫn đang có xu hướng tăng trong tiến trình tăng trưởng kinh tế (không thu hẹp và biến mất như đã xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế như ở nhiều nước phát triển) và có xu hướng tồn tại phổ biến ở khu vực nông thôn hơn thành thị. Điều này cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam vẫn sẽ là một phần không thể tách rời của nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, năng suất lao động của khu vực này thấp hơn đáng kể so với khu vực kinh tế chính thức sẽ là thách thức lớn trong quá trình vượt qua “bẫy thu thập trung bình” và cải thiện chất lượng cuộc sống của phần lớn lao động Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, cần có nhận thức và chính sách can thiệp, hỗ trợ thực sự, kịp thời và đúng mức tới khu vực kinh tế phi chính thức từ Nhà nước. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động phát triển bản thân bằng cách đầu tư cho giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để tiến tới sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, khoa học hơn, chuyển dịch sang khu vực kinh tế chính thức./.

 Vũ Trọng Nghĩa

Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,782
  • Hôm nay37,445
  • Tháng hiện tại19,213,951
  • Tổng lượt truy cập479,106,638
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây