Đảm bảo quyền của người Dân tộc thiểu số

Thứ hai - 18/12/2023 23:22 1986
      Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc trong đó có 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,68% tổng dân số với 14,119 triệu người với 3,6 triệu hộ, cư trú đan xen. Xuất phát từ lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng vai trò của việc phát huy ý chí, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc.Ở Việt Nam không có “người bản địa” theo cách hiểu của một số văn kiện quốc tế. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ và phát triển đất nước. Điều 5, điều 6 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được đảm bảo bằng Hiến pháp và pháp luật. Nguyên tắc trên được thể chế trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam như: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Việt Nam đã ban hành 02 Nghị định của Chính phủ, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương và 216 các văn bản chỉ đạo điều hành chung có liên quan chuẩn bị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, theo đó đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo mục tiêu là người dân thực sự được thụ hưởng, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nhanh, bền vững.
      Hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, đầy đủ hơn, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, phân cấp cho các địa phương tổ chức thực hiện, có 66 văn bản luật có các điều khoản quy định đảm bảo quyền của người  dân tộc thiểu số; đã tích hợp một số chính sách, khắc phục tình trạng dàn trải, chồng chéo về chính sách, được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số  và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
       Ngoài ra, người dân tộc thiểu số còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật như:
      Được bảo đảm quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định tại điều 27 và 28 Hiến pháp 2013. Tỉ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỉ lệ dân số trong ba nhiệm kỳ Quốc hội gần đây (tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm 15,3 (khoá XIII), 17,3% (khoá XIV) và 17,84% (khoá XV) trên tổng số đại biểu Quốc hội. Tỉ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026 là 17,09%, cấp huyện là 18,23%, cấp xã là 20,55%. Người dân tộc thiểu số được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo hành lang quy chế dân chủ, nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, trong đó nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ cương vị chủ chốt như: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tăng cường cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế, thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.
      Trong những năm qua, các chương trình chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện hiệu quả góp phần cải thiện rõ rệt tình hình kinh tế -xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 1,2 triệu hộ (chiếm 36,9% tổng số hộ đang sống trong các xã vùng dân tộc thiểu số) được hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật từ các chương trình chính sách, dự án của Nhà nước hoặc các đơn vị tổ chức cá nhân ngoài nhà nước. Các hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý, sản xuất kinh doanh từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo.
       Tổng kinh phí cho các chính sách về đất ở và đất sản xuất vùng dân tộc thiểu số là hơn 6.668 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ nhà ở đã hỗ trợ nhà ở cho gần 300.000 hộ là người dân tộc thiểu số giúp họ an cư để sinh sống và làm việc. Tỷ lệ nhà ở của hộ dân tộc thiểu số tăng từ 95,7% năm 2015 lên 99,1% năm 2019. Tỷ lệ đất ở của hộ dân tộc thiểu số tăng từ 97,26% năm 2015 đến 99,1% năm 2019 trong đó diện tích đất chủ yếu từ 200 mét vuông trở lên, nhà kiên cố và bán kiên cố là 86,4%; số hộ dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới thắp sáng tăng từ 93,9% năm 2015 lên 96,7% năm 2019. Tính đến 30/6/2023 tỷ lệ hộ di cư không theo quy hoạch được sắp xếp bố trí ổn định đạt trung bình 65,8/90%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trung bình 94%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi hẻo lánh nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch sắp xếp di dời bố trí đạt trung bình 41,9/60%.
      Bảo tồn tiếng nói chữ viết cho các dân tộc thiểu số là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Việt Nam. Hiện nay, toàn quốc có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh/thành phố với quy mô 101.918 học sinh. Bên cạnh đó, trường Hữu nghị 80, trường Hữu nghị T78 (trực thuộc Bộ GDĐT) và Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (trực thuộc Ủy ban Dân tộc) có nhiệm vụ dạy học sinh dân tộc nội trú với quy mô hơn 3.000 học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên qua từng năm học. Tính trung bình, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú có tỷ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường phổ thông dân tộc nội trú hàng năm trên 97%. Trong số học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp THPT hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng, 13% vào cử tuyển hoặc vào trường dự bị đại học, khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện theo chương trình và các bộ SGK tiếng dân tộc hiện hành (08 chương trình Chăm, Khơ-me, Ra-glai, Ba-na, Ê-đê, HMông, Mnông, Thái; 06 bộ sách giáo khoa các tiếng Chăm, Khơ-me, Ra-glai, Ba-na, HMông, Ê-đê).Hiện tại đã triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số tại 21 tỉnh, thành trong cả nước và đang dạy thực nghiệm 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
      Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện. Trên 95% số kilômét đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa, có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ thôn có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, tăng từ 72% năm 2015 lên gần 90% năm 2019. Trong lĩnh vực y tế, 99,5% các xã vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế, tỷ lệ các trạm y tế xã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố tăng từ 98,8% năm 2015 lên 99,6% năm 2019, tỷ lệ đạt chuẩn về y tế cấp xã năm 2020 đạt 83,5%, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015, tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ tăng từ 69,2% năm 2015 lên 77, 2% năm 2019.
      Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trung bình 91,9%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt trung bình 90,6%, tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ đồng đạt trung bình 79,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đồng đạt trung bình 15,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt trung bình 21%.
      Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, vận động nguồn lực cho triển khai nhân rộng các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả, kinh nghiệm tốt trong chăm sóc sức khỏe trẻ em như mô hình: “Quỹ sơ sinh”, “Hỗ trợ cô đỡ thôn bản thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại cộng đồng”, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của 53 dân tộc thiểu số đã được nâng cao rõ rệt, năm 2015 là 69,9 tuổi; năm 2019 đạt 70,7 tuổi, rút ngắn đáng kể khoảng cách với tuổi thọ trung bình của cả nước. Tỷ lệ trường học kiên cố tại các xã vùng dân tộc thiểu số tăng lên đáng kể từ 77,1% năm 2015 lên 91,4% (năm 2023); tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học của 53 dân tộc thiểu số tăng từ 96,9% (năm 2019) lên 98,6%,(năm 2023) vượt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2019 tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết chữ phổ thông là 80,9% đến năm 2023 tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông đạt trung bình 92,1%. Lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt trung bình 52,7%.
       Đời sống văn hoá, tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Năm 2023 tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có độ văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt trung bình 56,1%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận Internet đạt 61,3% (năm 2019) tăng hơn 9 lần so với năm 2015.Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình là trung bình 94,9%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh đạt trung bình 94%. Tỷ lệ tảo hôn giảm từ 26,6% năm 2015 xuống còn 21,9% năm 2019, kết hôn cận huyết thống đã giảm từ 6,5% năm 2015 xuống còn 5,6% năm 2019. Từ năm 2015 đến năm 2019, số chức sắc tôn giáo là người dân tộc thiểu số và số cơ sở sinh hoạt tôn giáo đã tăng lần lượt từ 8.080 người và 4.630 cơ sở lên 12.586 người và 10.239 cơ sở. Từ 2013 đến 2019 các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 166.745 lượt người dân tộc thiểu số trên tổng số 664.773 lượt người thuộc diện được trợ cấp pháp lý, cấp phát khoảng 1,3 triệu tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số. Công tác truyền thông cho các tổ chức cá nhân được đẩy mạnh đặc biệt là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn để họ biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc miền núi, vùng cao thông qua việc tăng số lượng đài phát thanh và thời lượng phát sóng các chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hoá đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
      Việt Nam đã tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi công ước CERD lần thứ 5 từ ngày 29 - 30/11/2023.
 

Tác giả bài viết: Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,566
  • Hôm nay937,512
  • Tháng hiện tại12,456,333
  • Tổng lượt truy cập385,576,670
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây