Không nằm ngoài qui luật chung như các quốc gia có nhiều dân tộc và đặc điểm dân tộc như Việt Nam, có một số rào cản, hạn chế sự tham gia vào hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan Quốc hội mà nguyên nhân sâu xa là từ điều kiện môi trường sống và môi trường phát triển.
Điểm chung nhất là do thiếu cơ hội học tập tốt nên chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nói chung chưa cao, cơ hội có vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội chưa nhiều dẫn đến cơ hội tham gia ứng cử hạn chế khi phải đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn ứng cử. Hai là, những rào cản về mặt xã hội trong sự hòa nhập chung đối với người dân tộc thiểu số, do những quan niệm, định kiến có thể nảy sinh từ những khác biệt văn hóa, tập quán và cả nhận thức giữa các dân tộc. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều dân tộc, nhiều dân tộc có dân số ít nên việc bảo đảm cân bằng trong tương quan tính đại diện cũng là bài toán khó. Ba là, trong công tác ứng cử, bản thân người dân tộc thiểu số đôi lúc còn thiếu tự tin. Một số ứng viên chưa chuẩn bị đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh khi xuất hiện trước công chúng cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri. Bốn là, một bộ phận cử tri còn chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong bầu cử, về sự cần thiết có đại diện cho dân tộc trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
Để giải quyết những vấn đề trên, nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện nhằm tăng cường sự tham chính của đồng bào dân tộc thiểu số vào cơ quan Quốc hội, bảo đảm tính đại diện, cơ cấu tỷ lệ phù hợp gắn với nâng cao chất lương ứng cử viên trong các cuộc bầu cử cũng như đại biểu Quốc hội khi trúng cử.
(1). Tiến hành phát hiện, tập hợp giới thiệu nguồn ứng cử: Hội đồng dân tộc thực hiện chức năng theo luật định, xây dựng kế hoạch phân bổ số lượng ứng viên theo cơ cấu thành phần dân tộc phân bổ cho các địa phương, bảo đảm hài hòa tỷ lệ dân số, tính đại diện dân tộc, vùng, miền, địa phương và nhân tố tiêu biểu được phát hiện. Các bước tiếp theo là tập hợp danh sách trên cơ sở giới thiệu của các địa phương, phối hợp với cơ quan chức năng tổng hợp giới thiệu danh sách ứng cử viên dân tộc thiểu số cho Hội đồng bầu cử quốc gia. Qui trình này đảm bảo thực hiện được các tiêu chí theo qui định, trong đó có tối thiểu 18% ứng viên là người dân tộc thiểu số.
(2). Tiến hành công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên: Tổ chức các hội nghị tập huấn “Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số”. Tập huấn là bước chuẩn bị cần thiết để tạo điều kiện, cơ hội cho các ứng cử viên tiềm năng người DTTS tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội, phấn đấu bảo đảm số lượng, chất lượng, tỷ lệ đại biểu người DTTS.
(3). Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đối với cử tri, cử tri vùng dân tộc. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử được tăng cường nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cử tri đồng bào DTTS để họ nêu cao tinh thần làm chủ, trách nhiệm, lựa chọn và bầu ra những đại diện xứng đáng tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia vào các cơ quan Quốc hội. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử cần tập trung hướng tới cơ sở, xuất phát từ cơ sở, đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục tập quán, đặc điểm môi trường sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS; phát huy những sáng kiến trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
(4.) Tiến hành công tác đào đạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Quốc hội cho các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, nhất là đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò tham gia của các đại diện dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội của Nhà nước.
Trong mục tiêu dài hạn, để tăng cường sự tham gia của đại diện DTTS vào hệ thống cơ quan dân cử các cấp, nhất là cơ quan Quốc hội cần tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS ở từng cấp theo từng vị trí dự kiến cụ thể. Đối với những cán bộ có tiềm năng nhưng còn chưa đủ chuẩn về trình độ chuyên môn hay lý luận chính trị, phải gấp rút đào tạo nhưng phải bảo đảm chất lượng. Mạnh dạn bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ DTTS vào nhiều lĩnh vực, vị trí. Chú ý đến cơ cấu dân tộc trên địa bàn để bảo đảm tính đại diện. Xây dựng lộ trình từng bước nâng chỉ tiêu cơ cấu tham gia của cán bộ DTTS vào hệ thống các cơ quan dân cử. Nhà nước cần ban hành các chính sách cụ thể, phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt bậc phổ thông ở vùng DTTS, chú trọng đối với các dân tộc ít người, rất ít người; xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.