Đảm bảo quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa

Thứ hai - 18/12/2023 23:17
       Điều 41 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.
      Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tạo lập một hành lang pháp luật rộng mở, thuận lợi cho các hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa và tự do hoạt động văn hóa; bảo vệ quyền tác giả, khuyến khích, cổ vũ sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân, như: Luật Di sản văn hóa 2009, Luật Xuất bản 2012, Luật Quảng cáo 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022,
      Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022 nhằm thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết và thông lệ quốc tế khi Việt Nam tham gia các cơ chế, điều ước quốc tế, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, khuyến khích sáng tạo; đảm bảo quyền tiếp cận, thụ hưởng văn hóa và tham gia vào các hoạt động văn hóa của người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

      Nhiều đề án, chương trình đã được triển khai, trong đóĐề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được triển khai sâu rộng, tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.  Đề án đã hoàn thành việc rà soát, thống kê và hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, đặc biệt là 10 dân tộc, gồm: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Bố Y, Ơ Đu, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao. Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
      Thiết chế văn hóa cơ sở là nơi thực hiện phúc lợi xã hội của nhân dân được hưởng thụ văn hóa qua các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu, truyền giữ các làn điệu dân ca, dân vũ. Khu vui chơi giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện, sân vận động, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm Internet công cộng… Người dân đều có quyền sử dụng các cơ sở, thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí. Cả nước hiện có 67 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 683 Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp huyện đạt tỷ lệ 95%; 7.194 Trung tâm Văn hoá-Thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 65,7% và có 75.3276 Nhà Văn hoá cấp thôn, bản… đạt tỷ lệ 74% do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
      Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trưng bày triển lãm, tuyên truyền cổ động được tổ chức sôi nổi, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều hoạt động, triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh lớn quy mô quốc gia, quốc tế, các hoạt động, chương trình giao lưu quốc tế có sức lan tỏa trong nước và nước ngoài, thu hút được đông đảo nghệ sĩ tham gia và số lượng người đến xem, hưởng thụ nghệ thuật tăng lên, từ đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân
      Sản xuất, cung cấp các ấn phẩm, sản phẩm văn hóa-thông tin cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), trường dân tộc nội trú, phòng văn hóa và thông tin cấp huyện, các đồn biên phòng, đội truyên truyền văn hóa tại các vùng biên giới, biển, hải đảo. Triển khai các mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số; tổ chức chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và các sự kiện chính trị, văn hoá, thể thao và du lịch trọng đại của đất nước, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
      Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá tiếp tục được quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch tín ngưỡng, văn hóa. Từ 2019-2021, Việt Nam đã bảo tồn, phục dựng, phát huy nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số (lễ hội Cầu mưa truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô, tỉnh Hà Giang; lễ hội Ét Đông (Tết con dúi) của người Ba Na, tỉnh Kon Tum; lễ hội truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên; lễ hội truyền thống dân tộc M’nông, tỉnh Đăk Nông; lễ hội truyền thống dân tộc Bru, Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình; lễ hội truyền thống dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu; lễ hội truyền thống dân tộc Cơ Ho, tỉnh Lâm Đồng…); tổ chức các Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo các vùng và khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; dân tộc Thái, đồng bào Chăm… Bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống làm nón lá của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; bảo tồn, tư liệu hóa và hỗ trợ truyền dạy nghề ươm tơ làng Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; truyền dạy và phát huy nghệ thuật múa sư tử dân tộc Tày, Nùng ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; tư liệu hóa và hỗ trợ truyền dạy kỹ thuật trang trí nhà hỏa táng của người Chăm Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận; sưu tầm phục dựng bảo vệ lễ cúng phước của người Khmer ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
      Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Hiện nay, trên cả nước đã có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, 10.000 di tích cấp tỉnh/thành phố, 3.599 di tích quốc gia, 123 di tích quốc gia đặc biệt và 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Tính đến tháng 7/2022, Việt Nam có 14 di sản được UNESCO ghi danh, 431 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến tháng 6/2022, hệ thống bảo tàng có 128 bảo tàng công lập và 62 bảo tàng ngoài công lập. 66 “Nghệ nhân nhân dân” và 1.121 “Nghệ nhân ưu tú” đã được vinh danh, trong đó những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ.  Di sản Việt Nam được bảo vệ theo thể chế bởi các Công ước UNESCO như Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và những chương trình ký ức thế giới, hệ thống luật pháp và các cơ quan, ban ngành hữu quan.Một số Di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại như: thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (tháng 12/2019), nghệ thuật xòe Thái (tháng 12/2021) nghệ thuật làm gốm của người Chăm (tháng 11/2022).
      Từ năm 2000 đến nay, có khoảng hơn 600 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và các đối tác được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu các cấp; hơn 500 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức khoa học - công nghệ Việt Nam với các tổ chức khoa học - công nghệ của các nước đã và đang được thực hiện. Các hoạt động này đã tăng cường nguồn lực thông tin khoa học - công nghệ cho các nhà khoa học Việt Nam; từng bước làm chủ công nghệ của nước ngoài, nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam và qua đó, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, phòng, chống, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu cũng góp phần đáp ứng yêu cầu của các thiết chế quốc tế mà Việt Nam đang tham gia, như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)...

Tác giả: Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập928
  • Hôm nay183,387
  • Tháng hiện tại10,797,682
  • Tổng lượt truy cập470,690,369
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây