Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin

Thứ hai - 18/12/2023 22:59
       Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Các quyền này đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”.
        Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng, quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
       Báo chí là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân; là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích chung của xã hội và các quyền tự do dân chủ của nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác. Thông tin trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình ngày càng phong phú và cập nhật hơn. Các phiên họp của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các buổi chất vấn Chính phủ được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia. Nhiều chương trình đối thoại chính sách có nội dung phong phú, đa chiều về mọi vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội đã được đăng tải, truyền thanh, truyền hình rộng rãi.
       Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua là minh chứng sinh động về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam. Tính đến tháng 12 năm 2022, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí trong đó: 230 báo, tạp chí thực hiện hai loại hình báo chí in và báo chí điện tử, 557 báo và tạp chí chỉ thực hiện loại hình in, 29 báo và tạp chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Khoảng 18.000 người được cấp thẻ nhà báo.Việt Nam hiện có một hãng thông tấn quốc gia; 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình. 72 cơ quan phát thanh truyền hình này hiện vận hành 79 kênh phát thanh và 198 kênh truyền hình (so với năm 2018 là 78 kênh phát thanh và 179 kênh truyền hình); 1.883 trang tin điện tử tổng hợp (so với 1.607 trang năm 2018), 911 mạng xã hội (so với 420 mạng xã hội năm 2018) đã đăng ký hoạt động.Ở cấp cơ sở, hiện cả nước có 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và 9.792 đài truyền thanh cấp xã.Tính đến tháng 12 năm 2022, Việt Nam có 57 nhà xuất bản. Tổng số xuất bản phẩm lưu chiểu: 33.707 xuất bản phẩm (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021).Tính đến 20/11/2022, đã cấp xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho 17/57 nhà xuất bản (chiếm 29,8% - vượt mục tiêu đề ra 4,8%); hình thành nền tảng xuất bản điện tử chung cho 12/19 nhà xuất bản.
       Không chỉ phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt, các cơ quan báo chí được Nhà nước đầu tư hạ tầng, công nghệ, nhân lực để sản xuất, phát sóng các chương trình bằng tiếng các dân tộc ít người nhằm nâng cao chất lượng tiếp cận và thụ hưởng thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới.
       Hiện có 57 kênh truyền hình nước ngoài đã được cấp phép biên tập, biên dịch, phát sóng (so với 40 kênh năm 2018), trong đó các kênh như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network... Ngoài 57 kênh trên, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể đăng ký thu trực tiếp kênh truyền hình nước ngoài từ vệ tinh. 30 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam.Nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
       Tốc độ tăng bình quân số lượng xuất bản phẩm hàng năm từ 5-10%. Tính đến hết cuối năm 2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm với hơn 400 triệu bản. Trong đó: xuất bản phẩm dạng sách in là 29.274 cuốn với 350 triệu bản; xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 xuất bản phẩm với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần so với năm 2020). Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 2.997 tỷ đồng (tăng 12,4%). 
       Trong khuôn khổ 03 chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nhà nước dành ngân sách nhất định cho hợp phần giảm nghèo về thông tin, giúp thu hẹp khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong đại dịch COVID-19, nhiều chính sách hỗ trợ, miễn, giảm giá cước cho các Bộ ngành (Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo...), doanh nghiệp, người dân cùng toàn xã hội đã được triển khai như: tăng dung lượng băng thông và dung lượng dữ liệu đế người dân học tập và làm việc từ xa hoặc tại các điểm cách ly; ưu đãi cho các lực lượng tham gia chống dịch ở tuyến đầu, giảm giá một số gói dịch vụ; phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương thực hiện giãn cách và trên toàn quốc với tổng kinh phí lên tới gần 3.000 tỷ đồng; miễn phí 4GB/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến...
       Sau 25 năm chính thức kết nối với Internet toàn cầu (từ ngày 19/11/1997), Việt Nam đã và đang tận dụng tối đa tính năng ưu việt của Internet trong xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực xã hội.Kể từ khi Luật An ninh mạng năm 2018 có hiệu lực, số lượng người sử dụng mạng xã hội tiếp tục tăng (riêng Facebook, Google tăng hơn 3 triệu tài khoản). Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có hơn 72,1 triệu người sử dụng Internet (chiếm 73,2% dân số); 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng; số lượng thuê bao di động được đăng ký lên đến 154.4 Đến cuối năm 2022, sóng di động đã phủ hầu khắp cả nước với độ bao phủ tới 99,85% dân số; trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số và đã hình thành xa lộ kết nối toàn cầu. Tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động đến năm 2021 đạt 86,91%111. Tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam là 72,1 triệu người, chiếm 73,2% dân số cả nước, cao hơn gấp đôi so với 30,8 triệu người năm 2013. Với những con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 7 tiếng mỗi ngày. Cơ sở hạ tầng, tốc độ truy cập Internet ở Việt Nam tăng trưởng hàng năm. Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua các mạng xã hội. Theo xếp hạng Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đã có bứt phá mạnh mẽ, tăng 25 bậc trong vòng 2 năm, lên vị trí 25 trên tổng số 194 quốc gia và vẫn tiếp tục nỗ lực để duy trì, cải thiện vị trí xếp hạng này trong dài hạn.
       Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia. Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược xác định rõ phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045; phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Tác giả: V. Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,385
  • Hôm nay320,435
  • Tháng hiện tại2,139,170
  • Tổng lượt truy cập437,942,789
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây