Về triển khai, xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông: Tỉnh Bình Phước rất quan tâm đầu tư hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Đến nay, Hệ thống loa truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được lắp đặt tại 843/843 thôn, ấp, khu phố thuộc 111/111 xã, phường, thị trấn của tỉnh, với tổng số 1.661 cụm, 3.777 loa, trong đó 1.484 cụm, 3.423 loa thuộc Dự án tập trung quy mô toàn tỉnh từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, hoàn thành lắp đặt tháng 12/2022; 177 cụm với 354 loa từ các dự án khác trước đó do UBND cấp huyện đầu tư. Các hạng mục của Dự án đều được thực hiện trên điều kiện vật chất có sẵn (phòng làm việc, cột điện, cột thông tin, hạ tầng Internet cáp quang và sóng 3G/4G).
Về triển khai, xây dựng hệ thống thông tin nguồn tỉnh: Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh được đầu tư để đồng bộ với hệ thống đài truyền thanh cấp xã công nghệ IP, thuộc thành phần dự án đầu tư công trung hạn nêu trên. Hạ tầng kỹ thuật đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, vận hành tại địa chỉ: tttm.binhphuoc.gov.vn, đã kết nối với Hệ thống thông tin nguồn trung ương và Trung tâm IOC tỉnh; hiện đang kết nối, quản lý, cung cấp thông tin nguồn cho 1.661/1.661 cụm loa truyền thanh công nghệ IP trên địa bàn tỉnh.
Về nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ thông tin cơ sở:
Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và người làm công tác thông tin cơ sở luôn được UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó có hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng. Qua 4 năm triển khai thực hiện đã tổ chức, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức được 22 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ thông tin cơ sở về công tác giảm nghèo thông tin; công tác thông tin đối ngoại; công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; công tác thông tin cơ sở; Kỹ năng biên tập và xử lý tin, bài và kỹ năng sử dụng phần mềm hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; công tác truyền thông chính sách; nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng…
Về tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở: Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Đài truyền thanh – truyền hình các huyện, thị xã, thành phố đã sản xuất, đăng phát 5.741 tin, bài tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Về công tác đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin:
Ngày 24/7/2024 UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1150/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bình Phước. Trong đó có phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn thông tin đối với Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh.
Đã hoàn thiện việc kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin đối với Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh theo quy định tại Mục IV.5 về Yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin hệ thống, Hướng dẫn số 2455/BTTTT-TTCS và quy định bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ (Nghị định số 85/2016/NĐ-CP và Thông tư 12/2022/TT-BTTTT).
Đã hoàn thiện việc đánh giá, kiểm thử chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh đáp ứng theo Hướng dẫn số 2455/BTTTT-TTCS của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đã hoàn thiện việc kiểm tra đánh giá chức năng, tính năng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thông tin phần mềm và thiết bị thu phát thanh ứng dụng CNTT- VT theo Thông tư 39/2020/TT-BTTTT.
Nhìn chung, việc hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 135/QĐ-TTg cơ bản đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Nhờ đó, công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, nhất là dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đã giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin nhanh chóng các chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các thông tin khẩn cấp về thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trên địa bàn...; góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tỉnh Bình Phước./.