Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2 ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; phía Bắc giáp tỉnh Đăk Nông và tỉnh Lâm Đồng; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và có đường biên giới dài 258,939 km với Vương quốc Campuchia; có 11 huyện, thị xã, thành phố với 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới; có 58 xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN (05 xã khu vực III, 03 xã khu vực II, 50 xã khu vực I); 46 thôn đặc biệt khó khăn1 . Dân số toàn tỉnh 1.049.394 người, với 41 thành phần dân tộc, có 206.416 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,7%; đồng bào các DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh
Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa các dân tộc, điển hình là các hoạt động văn hóa, thông tin, xây dựng thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền được tổ chức đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân; công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa DTTS luôn được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã phê duyệt 23/25 danh mục văn hóa phi vật thể thuộc văn hóa đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có 04 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia . Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kết hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số như: Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người S’Tiêng; thực hiện Dự án “Ứng xử đối với môi trường tự nhiên của người S’Tiêng”; Dự án “Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer”; Sưu tầm phục vụ trưng bày nhà dài truyền thống tại di tích Bom Bo, huyện Bù Đăng; Sưu tầm hiện vật về văn hóa truyền thống của người M’nông Bình Phước; Dự án “Phục dựng lễ hội lập làng mới của người S’Tiêng Bình Phước”; Dự án “Phục dựng lễ hội Phá Bàu của người Khmer Bình Phước”; Dự án “Phục dựng lễ hội Xuống đồng của người Khmer Bình Phước”; Dự án “Nghiên cứu, khảo sát và định dạng âm nhạc của người S’Tiêng Bình Phước”; Dự án phục dựng Lễ hội kết bạn của cộng đồng người M’nông.
Hằng năm, các lễ hội truyền thống của các DTTS được tổ chức trang trọng, vui tươi, an toàn như: Lễ cầu mưa, Mừng lúa mới của dân tộc S’tiêng; Lễ phá bàu của dân tộc Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer, Lễ Ramadhan dân tộc Chăm;…; tổ chức đưa các chủ thể văn hóa và các loại hình văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc tỉnh tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tại An Giang; Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Quảng Nam; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Đông Nam bộ tại Bạc Liêu, Sóc Trăng; Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội,…
Tính đến nay toàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Hội trường, trong đó có 70/111 Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 837/843 thôn, ấp có Nhà văn hóa, hội trường; tỉnh đã chủ trương đầu tư cho vùng đồng bào DTTS 214 nhà văn hóa; Chương trình CPRIP (Ngân hàng Thế giới) tài trợ thông qua Dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” đã đầu tư 180 nhà văn hóa; 459 Nhà văn hóa, Hội trường do nhân dân đóng góp xây dựng....; có 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh.
Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 27-CT/TW của Trung ương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, chú trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào nghiêm túc thực hiện, coi việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với các tiêu chí để bình xét các Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”; xây dựng Hương ước, Quy ước ở khu dân cư phù hợp với tình hình thực tế địa phương và tập quán của đồng bào DTTS. Đến hết năm 2023, có 19/25 “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 230.968/240.753 được công nhận gia đình văn hóa (đạt 95,93%); 823/843 được công nhận “khu phố, thôn, ấp văn hóa” (đạt 97,62%); 1.168/1.188 được công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; có 843/843 thôn, ấp, khu phố đã xây dựng được hương ước, Quy ước có nội dung lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhờ đó, đến nay đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động, đã loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, cổ hủ, không còn cúng bái khi bị bệnh và ít còn tin vào các thế lực siêu nhiên, sống, lao động, sinh hoạt một cách khoa học, tiến bộ.
Chính sách phát triển du lịch vùng DTTS được kết nối du lịch với Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, với mô hình tham quan và ẩm thực văn hoá dân tộc, kết hợp tái hiện các lễ hội, khôi phục các hoạt động thủ công truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan, lát, chế biến rượu cần, cơm lam, canh bồi, canh thụt, lá nhíp, đọt mây,… để tạo sản phẩm du lịch và tạo nguồn thu nhập cho người trực tiếp tham gia; thành lập Đội Nghệ thuật truyền thống sóc Bom Bo chuyên phục vụ khách tham quan, đủ khả năng tham gia các Liên hoan văn hóa tỉnh, cấp khu vực và tự trang trải được chi phí hoạt động thông qua các hoạt động; Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tạo việc làm và giải quyết việc làm góp phần nâng cao mức sống và hưởng thụ văn hóa của dân tộc Mnông, S’Tiêng như biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực truyền thống. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về giá trị lịch sử và tham gia tích cực vào việc gìn giữ và phát huy văn hóa tại địa phương, thu hút đông đảo nhân dân, các cơ quan, đơn vị tham gia, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội.