Huyện Phú Riềng đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Thứ năm - 08/08/2024 10:59
Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội phụ nữ nhằm giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức để nghiêm túc chấp hành, đồng thời thấy được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đấu tranh chống lại mọi hành vi vi phạm pháp luật, mọi hình thức kỳ thị, phân biệt đối xử và nạn bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em.
      Để góp phần nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, và giáo dục pháp luật cho trẻ em, các cấp Hội trên địa bàn huyện Phú Riềng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản mới ban hành đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và trẻ em. Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, Hội phụ nữ các cấp xây dựng các chuyên mục, bài viết, tuyên truyền qua trang Fanpage, Zalo, Facebook…; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của thôn, khu dân cư; sinh hoạt câu lạc bộ. Trong đó, đã tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em; an toàn giao thông; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, chính sách về cải cách thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cho phụ nữ; chỉ đạo các cấp Hội tích cực nắm tình hình, thông tin, phát giác và tố giác hành vi bạo lực gia đình, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vận động hội viên tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội tại cơ sở…
      Cùng với công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ đã tham mưu thành lập 37 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”; các câu lạc bộ tổ, đội, nhóm phụ nữ với pháp luật, như: Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Lâu lạc bộ “Gia đình không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông”, Câu lạc bộ “Hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em huyện Phú Riềng”.

      Vậy việc tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ và trẻ em có ý nghĩa như thế nào? Nếu phụ nữ được trang bị kiến thức và nâng cao hiểu biết về mọi mặt thì sẽ tác động tốt đến cuộc sống bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Phụ nữ được đào tạo có học vấn, kỹ năng nghề nghiệp thì sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu phụ nữ nắm vững về chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước và tự giác thực hiện thì sẽ góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Và nếu trẻ em được trang bị kiến thức pháp luật về sức khỏe sinh sản, giới tính, an toàn giao thông, bạo lực học đường tốt thì sẽ giúp cho các em tránh được những rủi ro không đáng có trong cuộc sống, biết cách bảo vệ chính bản thân mình, góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
      Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ và trẻ em đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Công tác giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức cho phụ nữ chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Chúng ta hằng ngày vẫn được nghe, được biết, từ các phương tiện thông tin đại chúng và trong dư luận xã hội về vi phạm luật pháp, phạm tội và tình trạng xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận trong đó có cả nam giới, nữ giới và trẻ em. Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn tới hạn chế này là, do tác động bởi những tiêu cực chung nảy sinh trong xã hội, bên cạnh đó, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin hằng ngày, hằng giờ tác động đến nhận thức, quan niệm và hành vi của phụ nữ, trẻ em cùng lúc đưa lại những thuận lợi lớn trong việc khai thác thông tin hữu ích nhưng đồng thời cũng có nhiều thông tin “trái chiều”, “độc hại”, gây khó khăn cho việc giáo dục và định hướng thông tin của Hội. Về phía chủ quan, Hội các cấp chưa có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với nội dung về giáo dục phẩm chất, đạo đức. So sánh với các nội dung về chính sách, luật pháp, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe, phòng chống các bệnh dịch... cho thấy, Hội các cấp hiện rất thiếu tài liệu và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về giáo dục pháp luật.
      Làm gì và làm thế nào để khắc phục được những hạn chế hiện nay, làm cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Hội có hiệu quả cao?
      Một là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, cụ thể, thiết thực. Tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như: lồng ghép hội nghị, mít tinh, hội thảo, tọa đàm, truyền thông tại cộng đồng; đối thoại chính sách, tổ chức các cuộc thi, sân khấu hóa… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo, trẻ em. 
      Nội dung tuyên truyên, phổ biến cần đa dạng, phong phú, trong đó cần tập trung đến các nội dung pháp luật chuyên biệt cho đối tượng phụ nữ, trẻ em như: vấn đề pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ; lao động nữ, an toàn giao thông, sức khỏe giới tính, xâm hại tình dục…
      Hai là, tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban ngành có liên quan xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến giáo dục pháp luật, cung cấp đầy đủ tài liệu, nội dung tuyên truyền, xây dựng nội dung tuyên truyền phong phú. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.
      Ba là, xây dựng, củng cố mạng lưới hội viên nòng cốt, tuyên truyền viên cơ sở, nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ về kỹ năng tuyên truyền pháp luật; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên.
      Bốn là, tăng cường công tác giám sát thực hiện pháp luật, chính sách bình đẳng giới để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, góp phần thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bảo vệ trẻ em...

Tác giả: Văn Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,367
  • Hôm nay187,288
  • Tháng hiện tại6,900,152
  • Tổng lượt truy cập490,763,590
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây