Thực hiện Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019-2023; nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, ngày 04/6/2019 Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã ký kết Chương trình phối hợp số 410/CTrPH-STP-TAND phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023.
Theo đó, trong giai đoạn 2019-2023, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp công tác để thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Hai bên sẽ phối hợp tổ chức góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản, chương trình, đề án liên quan đến thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn; phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các Luật, Pháp lệnh mới ban hành, các văn bản pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ của người dân, công chức, viên chức, doanh nghiệp; lựa chọn các hình thức phổ biến phù hợp với đối tượng được phổ biến chú trọng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh; triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định số 2062/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức có hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Phát huy đầy đủ vai trò của Tòa án nhân dân trong hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp và huy động đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và điều kiện của mỗi bên,…
Trong công tác hòa giải ở cơ sở: Hai bên sẽ phối hợp phổ biến về công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hòa giải và hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng về hòa giải, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi người bị hại tự nguyện hòa giải và biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải cho đội ngũ Hòa giải viên; giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải thuộc lĩnh vực quản lý của mỗi Bên; kịp thời phát hiện, thông tin, biểu dương những Tòa án, Thẩm phán, Hòa giải viên ở cơ sở, Tổ hòa giải có số vụ việc hòa giải thành cao để nhân rộng điển hình tiên tiến; động viên đội ngũ Thẩm phán đã nghỉ hưu tham gia làm Hòa giải viên ở cơ sở...
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đồng thời hai bên có trách nhiệm triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả và kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết Chương trình phối hợp.
Ở cấp huyện, Phòng Tư pháp, Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp, ký kết Kế hoạch phối hợp công tác để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này tại địa phương.