Khi đất nước đang còn chiến tranh, một ngày có 20 người hay nhiều hơn nữa đã hy sinh tính mạng, đó là sự mất mát lớn nhưng rất có ý nghĩa – hy sinh vì yêu nước, vì nền độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân. Nhưng nay chiến tranh đã kết thúc, hòa bình lập lại, nhưng sao hàng năm trung bình mỗi ngày, cả nước vẫn có hơn 20 người bị thiệt mạng 35 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương tật suốt đời. Những mất mát đó thật khủng khiếp và vô nghĩa, nó đồng nghĩa mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát và đau thương, những trẻ em mất cha, mất mẹ trở thành mồ côi không nơi nương tựa, những người bố, người mẹ mất đi những đứa con bao năm nuôi dưỡng đã trưởng thành, và xã hội cũng đã mất đi những công dân tài năng, yêu nước.
An toàn giao thông là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người dân
Những mất mát đó do đâu? Tất cả đều do tai nạn giao thông mang lại mà phương tiện chủ yếu là xe ôtô, mô tô, xe gắn máy, do người điều khiển phương tiện thiếu ý chức chấp hành pháp luật về giao thông, do nồng độ cồn trong máu quá cao, do lạng lách, đánh võng của một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức.
Là một người tham gia giao thông tôi nhận thấy rằng chúng ta cần phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho đất nước. Chúng ta cần nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông, tích cực tham gia xây dựng văn hóa giao thông không chỉ bằng những lời nói mà cả bằng hành động cụ thể, thiết thực để góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn giao thông gây nên. Sau đây là một số nội dung cơ bản mà mỗi chúng ta đã, đang và cần phải tiếp tục thực hiện:
– Trước khi tham gia giao thông phải kiểm tra mức độ an toàn của phương tiện
– Phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định khi tham gia giao thông
– Phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nói không với mũ bảo hiểm kém chất lượng.
– Đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường,… theo quy định, luôn luôn có thái độ chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông.
– Đảm bảo đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường.
- Phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.
– Bảo vệ người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp khỏi tai nạn giao thông bằng cách thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, phê bình, kiểm điểm việc chấp hành luật giao thông.
– Bảo dưỡng định kỳ các phương tiện cẩn thận.
– Rèn luyện nếp sống văn hoá trong giao thông và thực hiện tốt quy ước “Bốn không, Ba có” mà Ủy Ban An toàn Giao thông quốc gia đã kêu gọi toàn dân thực hiện khi tham gia giao thông.
+“Bốn không” gồm: Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện không đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông; không để xảy ra tai nạn khi tham ra giao thông.
+“Ba có” gồm: có hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông; có ý thức trách nhiệm cao nhất với bản thân và cộng đồng; có hành vi ứng xử văn hoá, hợp tác giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông.
Với thông điệp “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà”, tất cả chúng ta hãy nhận thức sâu sắc về vấn đề An toàn giao thông và bằng việc làm của mình trong việc chấp hành luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Mỗi lời nói gắn với việc làm của mỗi người, tuy rất nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta hãy luôn luôn cố gắng để hoàn thành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trên “Mặt trận giao thông”, để đem lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội.