Chức năng của đèn xe không chỉ là chiếu sáng, mà còn được bổ sung thêm nhiều công dụng giúp người lái an toàn hơn, đồng thời tăng tính thẩm mỹ của xe.
Các mẫu xe máy hiện nay đều được trang bị 2 đèn cơ bản là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos (đèn chiếu gần). Một số mẫu xe còn được trang bị thêm đèn định vị ban ngày hoặc có thêm đèn xin vượt (Passing).
Vì thế để đảm bảo an toàn, người lái xe máy, kể cả xe dung tích động cơ dưới 50cc, xe máy điện đều cần chú ý những điều sau đây:
- Sử dụng đèn chiếu gần vào buổi tối ở khu vực đô thị hoặc khu dân cư.
- Chỉ sử dụng đèn chiếu xa khi lái xe đường cao tốc hoặc đường vắng, thiếu sáng. Khi có xe tới gần cần giảm tốc độ và chuyển sang chế độ chiếu gần tới khi xe đối diện đi qua.
- Khi nháy pha để vượt hoặc sử dụng đèn passing chỉ sử dụng bằng cách tắt, mở tức thì.
Nếu người đi xe máy sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị sẽ gây ảnh hưởng tới những người phương tiện đang chạy ngược chiều ôtô. Đối với các mẫu xe sedan, hatchback người lái thường có vị trí ngồi thấp nên đèn chiếu xa của xe máy có thể chiếu thẳng vào mặt người lái, làm ảnh hưởng tới khả năng quan sát của người lái xe đối diện.
Các mẫu xe ô tô được trang bị nhiều đèn hơn với công suất lớn hơn nhiều xe máy. Nhưng người lái vẫn cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc tương tự xe máy. Người lái cũng cần chú ý về các công nghệ đèn trên xe để việc điều khiển xe trở nên đơn giản hơn.
Rất nhiều mẫu xe ô tô ngày nay được trang bị đèn tự động. Loại đèn này sẽ tự bật khi trời tối, hoặc tự điều chỉnh chế độ đèn chiếu xa, gần để phù hợp với điều kiện di chuyển. Trong một số trường hợp, chức năng tự động có thể hoạt động sai, người lái có thể chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay để việc quan sát dễ dàng hơn.
Sử dụng đèn xe (ảnh Minh họa)
Trên một số mẫu xe cao cấp, chức năng đèn tự động còn có thể tự tắt bật một số bóng LED trong cụm đèn pha để không làm chói mắt xe đối diện. Đây cũng là chức năng nên bật khi phải lái xe đường dài.
Khi di chuyển trong điều kiện đường sương mù, các xe không được trang bị đèn sương mù có thể dán một lớp nylon vàng trên đèn xe để ánh sáng có thể chiếu qua sương.
Trường hợp đèn xe bị hỏng, người lái chỉ nên sử dụng các loại bóng đúng công suất thiết kế để không gây ảnh hưởng đến hệ thống điện đồng thời tránh nguy cơ chói mắt các phương tiện đi ngược chiều.
Mức phạt khi ô tô, xe máy tham gia giao thông sử dụng đèn pha sai quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với ôtô: Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng.
- Đối với xe máy: Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Trường hợp không bật đèn khi trời tối
- Đối với xe máy, mô tô: không bật đèn chiếu sáng vào khoảng thời gian quy định, mức phạt không bật đèn xe máy được điểm l Khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian quy định từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
- Đối với xe ô tô: Trong trường hợp vi phạm lỗi đi xe không bật đèn chiếu sáng đối với xe ô tô, điểm g Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt lỗi không bật đèn xe này như sau:Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian quy định từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều.
Bên cạnh đó, nếu người lái xe không bật đèn theo quy định mà gây ra tai nạn giao thông thì ngoài việc phạt tiền, người lái sẽ bị áp dụng hình thức phạt bổ sung - tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (theo quy định điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)./.