Kết quả thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 7/4/2015 của UBND tỉnh về sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm, tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015 - 2020
Nguyễn Thị Nương - Chi cục VTLT
2021-03-11T09:44:50+07:00
2021-03-11T09:44:50+07:00
https://binhphuoc.gov.vn/vi/snv/van-thu-luu-tru/ket-qua-thuc-hien-ke-hoach-so-76-kh-ubnd-ngay-7-4-2015-cua-ubnd-tinh-ve-suu-tam-thu-thap-tai-lieu-luu-tru-quy-hiem-tai-lieu-lich-su-cua-tinh-binh-phuoc-giai-doan-2015-2020-279.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 11/03/2021 09:44
Thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 7/4/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm, tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020.
Sau thời gian tham mưu tổ chức thực hiện, Sở Nội vụ Sở Nội vụ tổng hợp kết quả đạt được sau:
I. Công tác chỉ đạo, ban hành văn bản
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Bởi tài liệu lưu trữ là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc bảo quản, sử dụng và phát huy có hiệu quả tài liệu lưu trữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử của mỗi địa phương và của Quốc gia. Sau khi nước nhà giành độc lập, Người đã ra Sắc lệnh thành lập Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc; ký Thông đạt số 01-C/VP ngày 03/01/1946 gửi các Bộ trưởng, khẳng định “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết Quốc gia…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng đối với công tác lưu trữ Việt Nam, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước có những chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Bình Phước là một trong những địa bàn diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Mặc dù vậy, Bình Phước vừa được xem là đại bản doanh, với cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; vừa là đầu mối, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Những chiến thắng của quân và dân Bình Phước đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam với các chiến công chói lọi và những địa danh không thể nào quên. Trong thời điểm quyết định của cuộc chiến (1974-1975), được sự chi viện của Trung ương và Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn huyện Bù Đăng vào ngày 14/12/1974; ngày 26/12/1974 giải phóng Đồng Xoài; ngày 31/12/1974 giải phóng Chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 06/01/1975 tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Trung ương hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất. Ngày 23/3/1975 trung tâm tỉnh lỵ An Lộc (Bình Long) được giải phóng. Ngày 02/4/1975, huyện Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long hoàn toàn giải phóng, góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn quân chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng hào hùng như vậy nhưng thật thiếu sót khi có đến hơn 1.700m giá tài liệu đang được lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh lại không có tài liệu lưu trữ về quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân tỉnh Bình Phước (chỉ có tài liệu hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh từ năm 1997 đến nay).
Nhận thấy tầm quan trọng của khối tài liệu này vừa là kho kiến thức, vừa là những tài liệu có giá trị giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ ngày nay và mai sau, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, cụ thể:
- Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 7/4/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm, tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Công văn số 1472/UBND-NC ngày 21/05/2015 của UBND tỉnh về việc thống kê, lập danh mục tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ.
- Công văn số 1473/UBND-NC ngày 21/05/2015 của UBND tỉnh về việc đề nghị hỗ trợ việc thống kê, lập danh mục tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ.
- Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh về trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ “Lịch sử Bình Phước qua tài liệu lưu trữ”.
- Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 26/9/2019 của UBND tỉnh về tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975”qua tài nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng Bình Phước (23/3/1975-23/3/2020).
Để tham mưu thực hiện tốt Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 7/4/2015 của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã ban hành:
- Quyết định số 219/QĐ-SNV ngày 18/5/2015 của Giám đốc Sở Nội vụ về việc thành lập Đoàn khảo sát sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Kế hoạch số 754/KH-SNV ngày 27/5/2015 của Sở Nội vụ ban hành kế hoạch đi công tác của Đoàn khảo sát sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Công văn số 1102/SNV-CCVTLT ngày 16/7/2015 của Sở Nội vụ về việc cử cán bộ đi khảo sát, sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Công văn số 1178/SNV-CCVTLT ngày 27/7/2015 về việc cử cán bộ đi thu thập, tiếp nhận tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Công văn số 1215/SNV-CCVTLT ngày 31/7/2015 về việc tổ chức sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Công văn số 1483/SNV-CCVTLT ngày 09/9/2015 của Sở Nội vụ về việc khảo sát, sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ.
- Công văn số 1648/SNV-CCVTLT ngày 30/9/2015 của Sở Nội vụ về việc tổ chức sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Công văn số 1745/SNV-CCVTLT ngày 12/10/2015 của Sở Nội vụ về việc khảo sát, sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước.
- Kế hoạch số 870/KH-SNV ngày 13/5/2016 của Sở Nội vụ về Kế hoạch sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm, tài liệu lịch sử trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2016
- Kế hoạch số 640/KH-SNV ngày 04/5/2020 của Sở Nội vụ về kế hoạch sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử của tỉnh Bình Phước năm 2020.
Hàng năm, Sở Nội vụ và Chi cục Văn thư và Lưu trữ còn ban hành nhiều văn bản, kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện tốt kế hoạch được giao.
II. Công tác phối hợp
Là một tỉnh mới được tái lập từ 01/01/1997, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Bình Phước không tập trung mà được lưu giữ ở nhiều nơi theo từng giai đoạn lịch sử. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, Sở Nội vụ đã giao Chi cục Văn thư - Lưu trữ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh để tổ chức thực hiện, cụ thể:
1. Phối hợp với các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, IV: Thống kê lập danh mục tài liệu lưu trữ quý, hiếm; tài liệu lịch sử tỉnh Bình Phước có liên quan. Tổ chức sưu tầm, thu thập các tư liệu, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu có giá trị đặc biệt liên quan đến quá trình hình thành, đấu tranh và phát triển của tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ.
2. Phối hợp với Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Hỗ trợ thống kê danh mục tài liệu lưu trữ lịch sử về công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, bảo vệ tổ quốc của quân dân Bình Phước qua các thời kỳ đang được bảo quản tại Quân khu 7: Bảo tàng Quân khu 7, Ban Tổng kết lịch sử CTĐ, CTCC Cục Chính trị Quân khu 7, Phòng Khoa học Quân sự Bộ Tham mưu Quân khu 7.
3. Phối hợp với Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương tiếp nhận Phông lưu trữ Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bình Phước giai đoạn 1973 – 1975.
4. Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị trên địa bàn tỉnh hỗ trợ rà soát thống kê các tư liệu, hình ảnh, tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị đặc biệt về quá trình xây dựng, kiến thiết quê hương Bình Phước qua các thời kỳ đang được lưu trữ, bảo quản tại cơ quan, đơn vị.
III. Kết quả cụ thể
Xác định được tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ đối với quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Sau khi kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nội vụ đã chỉ đạo Chị cục Văn thư, lưu trữ tổ chức sưu tầm, thu thập khối tài liệu nói trên từ các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; Lưu trữ lịch sử các tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã thu thập được một khối tài liệu lịch sử quan trọng, có ý nghĩa thể hiện quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Bình Phước qua các thời kỳ (có danh mục tài liệu sưu tầm được kèm theo báo cáo này).
Với khối hồ sơ, tài liệu sưu tầm thu thập được. Nhằm công bố, giới thiệu rộng rãi tới các thế hệ, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học về khối tài liệu này, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công 2 cuộc triển lãm:
- Năm 2016, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển lãm “Lịch sử Bình Phước qua tài liệu lưu trữ”. Triển lãm trưng bày hơn 200 đầu tài liệu gốc, cùng nhiều hình ảnh và hiện vật về tiến trình lịch sử tỉnh Bình Phước từ cách nay hơn 300 năm. Khách tham quan triển lãm đánh giá cao về tính quy mô, tài liệu có giá trị cao đối với việc nghiên cứu và học tập. Những bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày, bố trí rất sinh động, khoa học, hợp lý, có thuyết minh, hướng dẫn giúp khách tham quan có điều kiện được trực tiếp đến tìm hiểu, tham quan, có thêm cái nhìn cụ thể, khách quan hơn về các nguồn tư liệu lịch sử quý báu của ngành Văn thư – Lưu trữ nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng.
- Năm 2020, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng quê hương Bình Phước và đồng thời chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Triển lãm đã trưng bày hơn 300 tài liệu, hình ảnh về công cuộc kháng chiến, kiến quốc của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Bình Phước giai đoạn 1954-1975, những tài liệu này minh chứng cho sự anh dũng, kiên cường đấu tranh giải phóng quê hương, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang của công cuộc kháng chiến cứu nước và một số hình ảnh nổi bật về thành tựu phát triển và hoạt động của các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1997-2020. Khách tham quan triển lãm đều rất hài lòng về quy mô cũng như nội dung tài liệu của triển lãm. Thông qua đợt triển lãm khách tham quan được tiếp cận những tài liệu lần đầu tiên công bố và cũng hiểu rõ hơn nữa về quá trình đấu tranh giải phóng quê hương của quân và dân Bình Phước.
IV. Đánh giá chung
1. Thuận lợi
- Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của UBND tỉnh thể hiện cụ thể là việc ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo Sở Nội vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch.
- Lãnh đạo Sở Nội vụ đặc biệt quan tâm việc tổ chức thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh. Trong đó, phải nói đến sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức Chi cục Văn thư - Lưu trữ trong quá trình tổ chức thu thập tài liệu, hình ảnh, trực tiếp tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện thành công các kế hoạch đề ra.
- Sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Bảo Tàng tỉnh vì phần lớn tài liệu mang ra trưng bày đều là tài liệu hiện đang lưu trữ tại Trung tâm, cùng một số hình ảnh đang được bảo quản tại Bảo Tàng tỉnh. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan như: Bộ Tư lệnh Quân khu 7, cácTrung tâm Lưu trữ quốc gia I,III,IV, Lưu trữ lịch sử Bình Dương,…
- Các sở, ngành ở tỉnh và UBND các huyện, thị xã đã hỗ trợ Sở Nội vụ rất nhiều trong việc sưu tầm, bổ sung một số hiện vật, hình ảnh phục vụ triển lãm như: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh, truyền hình và Báo Bình Phước…
- Sự hỗ trợ trong việc thông tin, tuyên truyền của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn đã góp phần tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tới tham quan, tìm hiểu trong suốt thời gian diễn ra các cuộc triển lãm.
2. Hạn chế, khó khăn
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân về tài liệu lưu trữ còn hạn chế nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp khó khăn, tài liệu lưu trữ lưu trữ không được bảo quản theo quy định, nhiều tài liệu quý hiếm bị thất lạc, rách…
- Tài liệu lưu trữ lịch sử liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Bình Phước lưu trữ ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, địa phương quản lý dẫn đến khó khăn trong việc xác định địa chỉ sưu tầm, thu thập tài liệu.
- Kinh phí cấp cho việc sưu tầm tài liệu và tổ chức các cuộc triển lãm để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
3. Nguyên nhân
Bình Phước là tỉnh có bề dày lịch sử, tuy nhiên trải qua nhiều lần tách, nhập do thay đổi địa giới hành chính nên việc quản lý khối tài liệu có liên quan không được quản lý tập trung như các địa phương khác. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, tài liệu nằm ở đơn vị lưu trữ khác nhau. Tài liệu ở các giai đoạn trước phần lớn nằm chung trong khối tài liệu của các địa phương theo từng thời kỳ, không được phân loại và bảo quản riêng theo quy định. Mặt khác, đội ngũ công chức, viên chức của Chi cục Văn thư - Lưu trữ chưa được đào tạo cơ bản về các nghiệp vụ sưu tầm, thu thập tài liệu; khối lượng công việc chuyên môn nhiều nên chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu. Do đó, trong thời gian qua mới sưu tầm được một phần nhỏ tài liệu lưu trữ có liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ.
V. Đề xuất, kiến nghị
Để phát huy và làm tốt hơn nữa công tác Văn thư - Lưu trữ nói chung và công tác sưu tầm, thu thập, công bố, giới thiệu tài liệu nói riêng. Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh một số nội dung sau:
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác sưu tầm, thu thập tài liệu bằng hình thức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho công chức, viên chức khi được giao nhiệm vụ sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ lịch sử.
- Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh tiến hành phân loại, chỉnh lý khoa học các tài liệu giấy còn tồn đọng, tích đống, lựa chọn những tài liệu có giá trị vĩnh viễn giao nộp theo quy định. Làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ tài liệu lưu trữ.
- Bố trí nguồn kinh phí để đảm bảo các nội dung:
+ Thực hiện công tác sưu tầm, thu thập và phát huy giá trị tài liệu thông qua nhiều hình thức như: Trưng bày, triển lãm; giới thiệu tài liệu lưu trữ trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử;…
+ Xây dựng không gian trưng bày, triển lãm tại Kho Lưu trữ chuyên dụng nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
+ Trang bị thiết bị, cơ sở vật chất kịp thời cho công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ tài liệu có giá trị lịch sử và công tác quản lý, lưu trữ tài liệu điện tử tại Lưu trữ lịch sử tỉnh./.
Tác giả: Nguyễn Thị Nương - Chi cục VTLT