Di tích Căn cứ Sở Nhỏ - Ban An ninh Bình Phước

Thứ năm - 31/01/2019 20:30
(CTTĐTBP) - Căn cứ Sở Nhỏ - Ban An ninh Bình Phước tọa lạc tại ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Đây là căn cứ cuối cùng của Ban An ninh Bình Phước cũng là tiền thân của Công an tỉnh Bình Phước ngày nay.
can cu so nho
Di tích được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 19/04/2018
 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Cùng với sự ra đời của chính quyền cách mạng và lực lượng Công an nhân dân cả nước, Công an Bình Phước được thành lập, trong suốt 30 năm đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã vượt qua vô vàn gian khổ hy sinh vừa chiến đấu, vừa xây dựng, không ngừng phát triển và trưởng thành.

Lực lượng Công an Bình Phước trải qua rất nhiều tên gọi khác nhau như: Quốc gia tự vệ cuộc, Ty công an (1945 – 1954), Ban địch tình (1954 – 1960), Ban an ninh Bình Long, Ban an ninh Phước Long (1961 – 1971), Ban an ninh phân Khu 10 (Ban an ninh phân khu Bình Phước 1971 - 1972), Ban an ninh tỉnh Bình Phước (1972 – 1975).

Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, trở thành Thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Vì vậy, các cơ quan quân sự như: Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Cục Chính trị, Cục hậu cần, Cục tham mưu…đã lựa chọn Lộc Ninh để đóng căn cứ. Nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng, Ban An ninh Bình Phước được thành lập. Ban lãnh đạo gồm: đồng chí Trần Quang Minh (Ba Minh) - Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Đỗ Hồng Kỳ làm Ủy viên Ban phụ trách văn phòng, đồng chí Nguyễn Kiên (Tư Oanh) làm Ủy viên phụ trách bảo vệ chính trị. Đầu năm 1974, Ban An ninh Bình Phước bổ sung các đồng chí Nguyễn Dị (Ba Hoàng), Trần Đức Minh (Ba Thọ), Hoàng Giang (Hai Giang) vào Ủy viên Ban.

Ngoài các bộ phận: Trại Giam, Chấp Pháp, bảo bệ chính trị, bảo vệ nội bộ, điệp báo, văn phòng, an ninh vũ trang, hậu cần, cảnh vệ, tổ chức. Ban An ninh Bình Phước thành lập thêm ba bộ phận: khoa học hình sự do đồng chí Phạm Dân phụ trách, trinh sát hình sự do đồng chí Cao Cự Chuân (Hai Chuân) phụ trách và trật tự trị an do đồng chí Ba Độ phụ trách, cán bộ chiến sỹ của Ban An ninh Bình Phước có khoảng 100 người.

Để đảm bảo cho việc bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, đồng thời chống lại các hoạt động phá hoại, chống gián điệp, biệt kích của địch, Ban An ninh Bình Phước đã rời từ Căn cứ Suối Cát (trước là xã Thượng Kiệm nay là xã Bình Thắng – Bù Gia Mập) về Căn cứ Sở Nhỏ tại Bù Đốp (1972 – 1975). Đây là căn cứ cuối cùng cũng là căn cứ dài nhất của Ban An ninh Bình Phước. Căn cứ được xây dựng trong khu trồng cây cao su, được xây dựng bằng tranh tre nứa lá, mái được lợp bằng lá trung quân, các công trình được xây dựng theo lối bán âm, nửa chìm nửa nổi, xung quanh là các hầm hào để đảm bảo an toàn và bí mật. Lãnh đạo Ban An ninh Bình Phước chọn Sở Nhỏ làm căn cứ, vì nơi đây chỉ cách các cơ quan của Tỉnh ủy, các cơ quan ban ngành trong bán kính khoảng 8km, đảm bảo được yếu tố bí mật lại thuận tiện trong việc nắm bắt kịp thời sự chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Căn cứ không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi để các cán bộ chiến sỹ Ban An ninh Bình Phước sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cũng như là nơi để tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sỹ của Ban An ninh Bình Phước. Kế thừa và phát huy những thành quả công tác của lực lượng An ninh Phân khu Bình Phước, Ban An ninh Bình Phước tiếp tục chỉ đạo lực lượng an ninh các huyện, xã tích cực hoạt động nắm chắc tình hình địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ vùng giải phóng và ra sức chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị, quân sự và ngoại giao.

Ngay từ khi thành lập, Ban An ninh Bình Phước đã thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Trong suốt quá trình hoạt động, Ban An ninh Bình Phước đã lập được rất nhiều chiến công, trong đó có những chiến công đã góp phần bảo vệ an toàn cho đồng bào vùng giải phóng. Đặc biệt, lực lượng An ninh Bình Phước phối hợp cùng với lực lượng An ninh huyện Lộc Ninh bảo vệ an toàn Lộc Ninh – Thủ phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời bảo vệ tuyệt đối an toàn các phái đoàn liên hiệp quân sự bốn bên, phái đoàn quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Paris.

Từ năm 1972 – 30/4/1975, lực lượng An ninh Bình Phước đã góp phần bảo vệ vững chắc Thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh. Đó là niềm tự hào, trách nhiệm đặc biệt quan trọng và nặng nề chỉ riêng lực lượng An ninh Bình Phước vinh dự được gánh vác trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ban An ninh Bình Phước ra đời là công cụ chuyên chính của Đảng, của chính quyền cách mạng để trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Đóng góp nhiều thành tích xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Di tích có tổng diện tích 3.570,1 m2, được bao quanh bởi tường rào kiên cố, cổng di tích quay về hướng Nam; gồm có các hạng mục: nhà tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ Ban An ninh Bình Phước hy sinh trong giai đoạn 1954 - 1975, công trình nhà vệ sinh và hệ thống cổng, tường rào và ao nước.

Cổng được xây dựng bằng gạch, trát xi măng, với hai trụ cổng được xây bằng gạch, trát xi măng, đỉnh trụ được xây dựng theo kiến trúc hai mái (mái trước mái sau), lợp ngói vảy cá màu đỏ. Cổng có hai cánh được làm bằng sắt. Phía trước bên phải cổng là bảng tên di tích. Bảng tên di tích được xây bằng gạch, ốp đá granit màu đen, chữ màu đồng với nội dung: “Khu tưởng niệm/ Căn cứ Sở Nhỏ/ Ban An ninh Bình Phước”.

Qua cổng chính là khuôn viên di tích, toàn bộ diện tích sân trong khuôn viên được rải đá, chính diện cổng là Nhà bia tưởng niệm. Nhà tưởng niệm được xây dựng bằng bê tông cốt thép theo lối kiến trúc nhà lục giác, với mái hai tầng, mười hai mái. Mái nhà tưởng niệm được lợp ngói vảy cá màu đỏ, các đầu đao của hai tầng mái đều được vuốt cong và trang trí họa tiết hồi long, trên đỉnh nóc trang trí hình tượng hoa sen. Khoảng cách giữa hai tầng mái được trang trí họa tiết hoa sen cách điệu.

Kết cấu nhà tưởng niệm gồm 12 cột bê tông cốt thép, sơn giả gỗ, gồm 6 cột vòng ngoài và 6 cột vòng trong. Với hai vòng cột này chia nhà tưởng niệm thành hai phần, gian ngoài và gian trong. Nhà tưởng niệm có ba lối bậc tam cấp dẫn vào, lối chính phía Nam và hai lối phụ phía Đông và phía Tây. Qua phần sân bê tông sẽ đến gian ngoài của nhà tưởng niệm, gian này cao hơn sân 15cm, với 6 cột bê tông. Giữa các cột đều được trang trí bao lam bằng bê tông với hình tượng hoa sen và mặt trống đồng Đông Sơn trên cả hai mặt trong và ngoài. Giữa hai cột lối vào phía Đông có bao lam màu đỏ, với nội dung: “Khu tưởng niệm/ Căn cứ Sở Nhỏ - Ban An ninh Bình Phước”.

Trên hai cột hai bên lối vào chính của gian ngoài có câu đối bằng chữ quốc ngữ với nội dung: “Chiến khu một thuở lưu truyền thống Liệt sĩ muôn đời dạng sử danh”. Qua gian ngoài là đến gian chính của nhà tưởng niện. Gian chính là phần diện tích bên trong gian ngoài, được hình thành bởi diện tích của 06 cột bê tông bên trong. Gian chính được xây dựng cao hơn gian ngoài 1m, nền lát gạch tàu đỏ, gồm 03 lối vào tương ứng với 03 lối vào bên ngoài. Mỗi lối lên gồm 05 bậc thang được làm bằng đá granit, giữa các cột đều được trang trí bao lam bằng xi măng với hình tượng hoa sen và mặt trống đồng Đông Sơn.

Bia tưởng niệm được đặt giữa hai cột bê tông hướng Bắc của nhà tưởng niệm. Bia tưởng niệm được xây dựng bằng bê tông, ốp đá granit, phần viền ốp đá màu đỏ, phần giữa bia ốp đá màu đen, bia khắc tên 174 cán bộ liệt sỹ Ban An ninh Bình Phước hy sinh giai đoạn 1954 - 1975. Hai bên bia tưởng niệm là câu đối chữ quốc ngữ, với nội dung: “Đảng mở lối soi đường thề một dạ trung thành với Đảng/Dân chở che ủng hộ nguyện hết lòng chiến đấu vì dân”.

Bên trên bia tưởng niệm là bức hoàng phi đắp bằng xi măng, nền đỏ, chữ vàng với nội dung: “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ”. Phía trước bia tưởng niệm là lư hương được đúc bằng xi măng cao 1m, đường kính 80cm, với các họa tiết trang trí hình tượng rồng và hoa sen.

Di tích Căn cứ Sở Nhỏ - Ban An ninh Bình Phước đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 19/04/2018./.

Tác giả: Nhật Phong (Nguồn: Sử liệu)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,012
  • Hôm nay75,656
  • Tháng hiện tại17,897,992
  • Tổng lượt truy cập477,790,679
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây