Di tích được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 17/8/2015.
Trong các ngôi đình thần ở Bình Phước, tín ngưỡng thờ cúng các vị thần có công trong việc xây dựng các làng xã đã trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ xa xưa cho đến nay để tưởng nhớ công lao “Uống nước nhớ nguồn” đã bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng. Trung tâm thờ cúng trong các ngôi đình là Thành Hoàng Bổn Cảnh hoặc thần làng, Tiền hiền, Hậu hiền...
Đình thần Thanh An được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1921, do ông Cả Chưa và một số người có uy tín trong làng đứng đầu để vận động đóng góp xây dựng đình. Do sự tác động của chiến tranh, đình thần Thanh An trải qua nhiều lần xây dựng và tu sửa nên không còn giữ được nét kiến trúc ban đầu. Tuy nhiên, Đình thần Thanh An vẫn lưu giữ được những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống dân tộc và các giá trị tốt đẹp của Đình thần đối với đời sống xã hội.
Đình thần Thanh An là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của bà con nhân dân trong vùng, nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Thành Hoàng Bổn Cảnh, các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền và các vị cha ông đã có công khai cơ lập địa và bảo vệ vùng đất Thanh An cho đến ngày nay. Hàng năm tại Đình diễn ra các lễ chính sau:
- Lễ Thượng Nêu ngày vào ngày 29, 30 tháng Chạp
- Lễ Hạ Nêu Khai Sơn ngày 7 tháng Giêng
- Lễ Kỳ Yên diễn ra vào các ngày 13, 14 tháng 2 âm lịch
- Lễ Cầu Bông diễn ra ngày 09, 10 tháng 10 âm lịch.
Di tích được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 17/8/2015./.