Di tích Bãi Tiên

Thứ năm - 31/01/2019 21:05
(CTTĐTBP) - Di tích Bãi Tiên hiện nay thuộc ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Bãi Tiên là một di tích khảo cổ độc đáo và có giá trị. Được các nhà khoa học phát hiện vào cuối năm 2007 trong đợt khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ - Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ và Bảo tàng tỉnh Bình Phước.
di tich bai tien
Một góc di tích. Ảnh: Diệc Quyền.
 
Khu vực di tích từ xa xưa đã là một danh lam thắng cảnh quen thuộc trong địa bàn cư trú của đồng bào S’tiêng. Bãi Tiên còn có tên gọi khác do đồng bào bản địa nơi đây thường gọi là mộ cổ ông Rlem. Tên gọi này xuất hiện trong truyền thuyết về ông Rlem gắn với lễ hội phá bàu của đồng bào S’tiêng tại khu vực này.

Di tích là một bãi đá ong nằm trên một mỏm đồi thấp, với các tảng đá ong có kích thước khác nhau phân bố trên diện tích khoảng 01 ha, chính giữa của bãi đá là cụm đá ong được xếp thành vòng tròn, bên trong vòng tròn đá ong là một vòng đá ong xếp theo hình vuông. Sau khi di tích được phát hiện vào năm 2007, các nghiên cứu bước đầu cho thấy đây là công trình có sự sắp đặt của bàn tay con người, là loại hình di tích khá đặc biệt, lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện.

Qua khảo sát xã hội học do Bảo tàng tỉnh Bình Phước thực hiện cho thấy di tích Bãi Tiên từ lâu đã tồn tại trong tâm thức cộng đồng dân tộc S’tiêng bản địa. Bãi đá ong và vòng đá ong này được người S’tiêng nơi đây gọi là mộ ông Rlem.

Theo truyền thuyết của người đồng bào S’tiêng do già làng Điểu Khê và các vị cao niên tại địa phương kể lại:

Trước đây, khu vực Bãi Tiên rất đẹp, có bàu nước, bãi đá và đặc biệt có những cây đa rất to lớn với những cành vươn xa đến vài chục mét. Ông Rlem là người khỏe mạnh, thân hình cao lớn, ông có công khai phá, dẫn dắt đồng bào về khai hoang, sinh sống tại khu vực này nên rất được kính trọng. Vào mùa khô, theo văn hóa truyền thống, đồng bào S’Tiêng tổ chức lễ hội phá bàu bắt cá. Họ bắt cá bằng nơm, bằng đồ xúc cá… sau khi bắt cá sẽ nướng và ăn uống, vui chơi ngay tại bàu nước. Năm nhiều cá, có thể dựng lán để bắt cá trong nhiều ngày. Ông Rlem sau khi ăn trưa, uống rượu, ông ngồi tựa lưng vào cây Tăm Đa (theo tiếng đồng bào S’Tiêng) đây là cây thần, rất cao lớn. Sau khi tựa lưng vào cây Tăm Đa, ông Rlem thấy toàn thân ngứa ngáy, ông liền vung chà gạt chặt cây và chặt đôi các vật dụng như tố, ché, gùi, đồ xúc cá… Từ chân trời mây đen kéo đến kèm theo sự lạnh giá khủng khiếp, trời đất tối sầm. Dân làng thấy vậy hoảng hốt bỏ chạy, những người không chạy kịp và vật dụng mang theo đều bị hóa đá. Người và vật dụng bị hóa đá chính là những tảng đá nhiều hình dạng còn nằm lại tại Bãi Tiên cho đến ngày nay.

Một dị bản khác của truyền thuyết liên quan đến ông Rlem cũng được ghi nhận. Kể rằng: Trong một lần phát rừng làm nương rẫy, ông Rlem chặt phải một cây có độc, người dân địa phương gọi là cây Tăm Đa. Theo lời kể, cây thân trơn, dáng thẳng đứng mọc trên mô đất rộng trên một quả đồi cao. Cây lớn hơn tất cả các loài cây rừng, chục người ôm không xuể, có ba nhánh lớn đâm về phía đầu làng, ngọn núi và con sông trong vùng. Cây bị chặt đổ xuống lộ ra một khoảng đất lớn để dân làng canh tác trồng trọt. Tuy nhiên, già Rlem không ngờ đó là cây mang mầm bệnh, khi những mảnh vụn từ thân cây cứ xối xả bắn ra bám đầy lên thân thể. Cây gây ngứa khắp người, bao nhiêu thuốc quý trên rừng được đưa về đắp cũng không hết bệnh. Chất độc nhiễm vào máu khiến bệnh ngày thêm nặng, già Rlem suốt ngày chỉ biết vật vã với những cơn đau dữ dội.

Trong tâm thức người S’Tiêng, lễ hội phá bàu đặc biệt quan trọng, con em trong buôn làng đều phải có mặt, nhất là vị thủ lĩnh. Buôn làng rất cần già Rlem chủ trì trong ngày lễ đặc biệt ấy, nhất là thời khắc cúng tế thần linh. Dù đang đau bệnh, già Rlem vẫn cố hết sức dẫn người trong buôn đi dự lễ, trong lúc làm lễ thì bệnh tình tái phát rồi qua đời. Cái chết của già Rlem khiến dân làng vô cùng đau xót, tiếc thương nên xúm lại làm lễ mai táng. Trong lúc làm lễ thì trời đất tối sầm, không khí lạnh giá khiến tất cả những người dự lễ và đồ vật biến thành đá, tạo nên cảnh quan ngày nay.

Câu chuyện về ông Rlem và ngôi mộ cổ truyền từ đời này qua đời khác, đến nay vẫn còn lưu truyền trong cộng đồng người S’Tiêng ở Lộc An và các vùng lân cận của Bù Đốp, Bình Long. Chính vì vậy, ngôi mộ trở thành “báu vật” của buôn làng, họ sùng kính coi ngôi mộ là “thần hộ mệnh”, không dám xâm phạm đến.

Di tích Bãi Tiên là công trình khảo cổ lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, các hoạt động nghiên cứu chỉ đang dừng lại ở bước đầu nhưng từ những nghiên cứu đó có thể thấy rằng di tích Bãi Tiên là một di chỉ lạ, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị khoa học, yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh liên quan đến văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc S’Tiêng sinh sống trong khu vực huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Di tích là dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển của các cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực này. Cùng với đó cho chúng ta biết rằng, cộng đồng dân tộc sinh sống ở khu vực này ngay từ buổi sơ khai đã có các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, điều này được lưu giữ lại qua truyền thuyết, truyện kể về ngôi mộ cổ ông Rlem được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác./.

Tác giả: Thanh Phương (nguồn sử liệu)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,055
  • Hôm nay291,418
  • Tháng hiện tại9,738,158
  • Tổng lượt truy cập493,601,596
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây