Trong tổng số 268 doanh nghiệp xuất khẩu được công bố gồm có: 11 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê; 22 doanh nghiệp xuất khẩu cao su; 12 doanh nghiệp xuất khẩu chè; 38 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; 26 doanh nghiệp xuất khẩu gạo; 13 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều; 15 doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu; 19 doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả.
Danh sách còn có 04 doanh nghiệp xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa; 09 doanh nghiệp xuất khẩu thủ công mỹ nghệ; 28 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may; 01 doanh nghiệp xuất khẩu dây điện và cáp điện; 6 doanh nghiệp xuất khẩu dược và thiết bị y tế; 03 doanh nghiệp xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện; 04 doanh nghiệp xuất khẩu giày dép; 04 doanh nghiệp xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc.
Ngoài ra còn có 03 doanh nghiệp xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; 10 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chất dẻo; 07 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cơ khí; 09 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ; 02 doanh nghiệp xuất khẩu túi, ví, vali, mũ và ô dù; 10 doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng; 06 doanh nghiệp xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại; 02 doanh nghiệp xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy và 13 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng khác.
Bộ Công Thương cho biết danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” được sắp xếp theo thứ tự kim ngạch xuất khẩu từ cao xuống thấp; được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường,...
Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Được biết, chương trình Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương tổ chức thực hiện trong các năm qua là một hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với Doanh nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu của hoạt động này là ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 264,2 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018. Năm 2019, có 22 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kết quả đạt được có phần đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp thế giới.
Nguồn:www.customs.gov.vn