Hải quan Việt Nam 75 năm xây dựng và phát triển: Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, đơn vị nòng cốt trong xây dựng, cải cách và hiện đại hóa hải quan

Thứ tư - 26/08/2020 16:16
Là một trong những đơn vị được ra đời muộn hơn, nhưng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc cải cách hiện đại hóa hải quan. Đặc biệt trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0, CNTT đã trở thành yếu tố quan trọng được ứng dụng trong mọi hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Hải quan dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng không ngừng nỗ lực sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Trên chặng đường phát triển, Hải quan Việt Nam đã liên tục cải cách nhằm hoàn thiện về nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về quản lý hải quan trong giai đoạn hiện đại hóa đất nước và bùng nổ của thương mại quốc tế.
Trong những năm gần đây, Hải quan luôn là đơn vị tiên phong trong cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại mà nòng cốt là lực lượng công nghệ thông tin và thống kê hải quan. Ứng dụng công nghệ thông tin được cơ quan Hải quan xác định vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng nhất để hiện thực hóa các mục tiêu của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của Hải quan Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan ngày nay đã trở thành đơn vị nòng cốt, có mặt trong mọi hoạt động cải cách và hiện đại hóa của cơ quan Hải quan.
Giai đoạn trước năm 1994: Những ngày đầu thành lập 
Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan được bắt đầu từ năm 1987. Khi ấy, Tổ máy tính điện tử thuộc Văn phòng Tổng cục Hải quan được thành lập theo Quyết định số 29/TCHQ-TCCB, ngày 16/3/1987 gồm 3 cán bộ, do đồng chí Nguyễn Công Bình (sau này là Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan) làm Tổ trưởng, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu đưa ứng dụng điện toán vào quản lý Hải quan.
Đây là thời kỳ phát triển sơ khai về ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan. Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều khó khăn, tập thể cán bộ của Tổ đã mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng tin học vào quản lý và thống kê các tờ khai hải quan, phương tiện xuất nhập cảnh, hồ sơ cán bộ… 
Sau 3 năm thành lập, đến ngày 19 tháng 02 năm 1990, Tổ máy tính điện tử được nâng cấp thành Phòng Máy tính trực thuộc Tổng cục Hải quan theo Quyết định số 84/TCHQ-TCCB. Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu đưa ứng dụng điện toán vào công tác Hải quan, Phòng máy tính chính thức được giao thêm một nhiệm vụ quan trọng khác - mà sau này trở thành một trong những lĩnh vực chính của đơn vị - đó là thống kê hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong giai đoạn này, Phòng Máy tính đã sử dụng phần mềm O2 để xây dựng chương trình tra cứu tiêu chuẩn miễn thuế trên máy tính cho người đi công tác nước ngoài, thay thế cho việc tra cứu các phiếu viết tay thủ công, đem lại hiệu quả ban đầu trong công tác quản lý. Đây cũng là một trong những ứng dụng sơ khai ban đầu được áp dụng trong quản lý hải quan của Hải quan Việt Nam 

Giai đoạn 1994-2005: Kiện toàn tổ chức, kết nối mạng máy tính, phát triển các chương trình ứng dụng của đơn vị 
Đây là giai đoạn Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan có bước chuyển mình mạnh mẽ về cả tổ chức bộ máy và đặc biệt trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Lần đầu tiên thủ tục hải quan điện tử đã chính thức được triển khai thí điểm tại 02 Chi cục Hải quan điện tử tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.
Ngày 07/03/1994, Chính phủ ký Nghị định số 16/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan, trong đó có Trung tâm Tin học và Thống kê hải quan. Sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Phan Văn Dĩnh ký Quyết định số 197/TCHQ-TCCB ngày 20/08/1994 thành lập Trung tâm Tin học và Thống kê hải quan. Đây là bước chuyển mình quan trọng cho thấy sự hoàn thiện trong cơ cầu tổ chức. Công tác tin học và thống kê được sắp xếp khoa học và chuyên sâu hơn với sự thành lập các Phòng Tin học và Thống kê tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng. 
Ngay sau khi thành lập, Trung tâm Tin học và Thống kê đã tập trung xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho việc thu thập dữ liệu tờ khai hải quan. Hệ thống đã được triển khai rộng khắp tại các Chi cục, các Cục Hải quan trong toàn ngành, phục vụ cho công tác thống kê,xử lý tờ khai đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan, tiến tới bước cải cách quan trọng là bỏ sổ theo dõi tờ khai. Hệ thống được đưa vào áp dụng là một bước phát triển mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và tạo nền tảng giúp cho ngành xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng trong giai đoạn sau. 


Ngày 26 tháng 3 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2001/QĐ-TTg, thành lập Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan trên cơ sở Trung tâm Tin học và Thống kê hải quan thuộc Tổng cục Hải quan. Tại Tổng cục, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan được tổ chức gồm 5 phòng: Tổng hợp, Công nghệ thông tin; Quản lý & Đảm bảo Hệ thống; Thống kê hải quan; Quản lý Giao dịch & Thông tin điện tử và một Trung tâm dữ liệu hải quan. 
Song hành với sự hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ chỗ ứng dụng công nghệ thông tin chỉ chủ yếu phục vụ công tác báo cáo thống kê, các hệ thống công nghệ thông tin đã dần dần được nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện để hỗ trợ các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan.
Bắt đầu từ việc triển khai Hệ thống Kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vào năm 1999, nhiều phần mềm đã được tiếp tục triển khai trong những năm đầu của thế kỷ 21, điển hình là các hệ thống: quản lý thông tin vi phạm; quản lý giá tính thuế; thanh khoản đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu … Đặc biệt năm 2005 đánh dấu mốc quan trọng với việc cơ quan hải quan chính thức triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử, với việc xây dựng và cài đặt hệ thống Thông quan điện tử tại 02 Chi cục Hải quan điện tử tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Việc triển khai thành công thí điểm hệ thống Thông quan điện tử bước đầu đã đem lại hiệu quả lớn trong quả trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan, cho phép toàn bộ các khâu trong quy trình thủ tục hải quan từ khai tờ khai xuất nhập khẩu, phê duyệt, đến quyết định hình thức mức độ kiểm tra đối với một lô hàng xuất nhập khẩu đều được thực hiện bằng phương thức điện tử.  
Trong công tác thống kê hải quan, chất lượng cung cấp số liệu thống kê hàng hoá xuất nhập khẩu, đánh giá tình hình xuất nhập khẩu … cũng ngày càng chính xác và đáng tin cậy.Từ năm 2001, bên cạnh việc cung cấp các thông tin thống kê định kỳ theo các mẫu biểu, các phân tích sâu tình hình xuất nhập khẩu cũng được chú trọng tạo giúp Lãnh đạo các cấp, các bộ, ngành trong công tác điều hành, quản lý vĩ mô, xây dựng, hoạch định chính sách.
Về hạ tầng kỹ thuật, năm 2003, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan triển khai mạng diện rộng WAN kết nối cơ quan Tổng cục và một số Cục Hải quan trọng điểm, đồng thời đưa vào sử dụng trang thiết bị công nghệ cao, hệ thống an toàn bảo mật...Đến năm 2005 toàn ngành Hải quan thực hiện nâng cấp toàn diện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, kết nối thông suốt mạng diện rộng WAN giữa Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và 33 trụ sở Cục Hải quan. 
Cổng thông tin điện tử hải quan cũng chính thức được cấp phép hoạt động từ năm 2001, là kênh thông tin hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp về các hoạt động của ngành; tuyên truyền, phổ biến, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về hải quan; thông tin thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan. 
Có thể nói, giai đoạn 1994-2005, Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã đặt những bước đi đầu tiên trong công cuộc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hải quan và nâng cao chất lượng báo cáo thống kê hải quan, đóng góp hiệu quả vào quá trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan, được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ủng hộ và ghi nhận.   

Giai đoạn 2005-2014:  Xây dựng và phát triển Hải quan điện tử
Với những nỗ lực vượt bậc, Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan đã giúp ngành Hải quan chuyển đổi hoàn toàn từ khai báo thủ công sang thực hiện hải quan điện tử và chính thức đưa vào sử dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS vào tháng 4/2014.
Những kết quả bước đầu trong trong triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử đã tạo động lực cho cơ quan Hải quan quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. 
Trong giai đoạn này, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đẩy mạnh triển khai mở rộng Hệ thống Thông quan điện tử, phát triển các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh, đồng thời bắt tay vào xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro nhằm phục vụ yêu cầu quản lý hải quan hiện đại. Đến năm 2013, thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Đây chính là bước đột phá trong cải cách thủ tục hải quan, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để Hải quan Việt Nam tiếp nhận và triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.
Ngày 1/4/2014, Hệ thống VNACCS/VCIS chính thức được triển khai tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I, sau đó được mở rộng triển khai trong cả nước. Hệ thống VNACCS/VCIS đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quản lý hải quan, qua đó các thủ tục hành chính cốt lõi trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả thông qua mạng Internet. Nhiều hoạt động nghiệp vụ cốt lõi của cơ quan Hải quan cũng được thay đổi căn bản. Công tác thu, nộp ngân sách được điện tử hóa góp phần rút ngắn thời gian thông quan, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu. Nhờ đó, đóng góp vào số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng.
Song song với phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã thực hiện nâng cấp hạ tầng mạng, trang thiết bị phần cứng, an ninh an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý theo mô hình tập và triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử: thực hiện nâng cấp băng thông đường truyền và hệ thống an toàn bảo mật theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 27001, triển khai hệ thống chống sét, đầu tư  trang bị hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ có năng lực xử lý dữ liệu lớn. Mở rộng kết nối mạng diện rộng WAN vào hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính cho toàn bộ các cục, chi cục hải quan... Ngoài ra, Cục còn triển khai Hệ thống camera giám sát; Hệ thống máy soi container; Hệ thống seal định vị...
Trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cũng góp phần quan trọng trong cải cách quy trình thủ tục, xây dựng giải pháp công nghệ thông tin đảm bảo đầy đủ hạ tầng để tổ chức triển khai trên thực tế. Tháng 2/2014, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối kỹ thuật giữa 3 Bộ Tài chính, Công Thương và Giao thông vận tải. Đến ngày 12/11/2014, 03 thủ tục hành chính đầu tiên đã được đưa vào thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, đánh dấu mốc quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại của nước ta. 
Công tác thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn ngày cũng tiếp tục được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tuân thủ các khuyến nghị quốc tế. Thời gian xử lý dữ liệu, chất lượng số liệu nhờ đó ngày càng được nâng cao; các sản phẩm thống kê ngày càng phong phú và được phổ biến kịp thời và rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan từ năm 2012.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan cũng được nâng cấp, bổ sung thêm nhiều chuyên mục, kịp thời đáp ứng các yêu cầu thông tin của bạn đọc. Các dịch vụ công trực tuyến gắn liền với việc thực hiện thủ tục hải quan được cung cấp và nhận được sự quan tâm của đông đảo người sử dụng như: tra cứu mã số hàng hóa và thuế suất, tra cứu tình trạng nợ thuế, đăng ký sử dụng chữ ký số,...Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử hải quan còn là kênh tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. 
Với những kết quả đạt được, Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam dẫn đầu về công nghệ thông tin trong các nước ASEAN, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và chính phủ điện tử của Việt Nam.

Từ 2015 đến nay: Hải quan với cuộc cách mạng 4.0
Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan trong những năm gần đây đã tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Theo đó, nhiều hoạt động nghiệp vụ cốt lõi của cơ quan Hải quan được thay đổi căn bản. Công tác thu, nộp ngân sách được điện tử hóa theo phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, góp phần rút ngắn thời gian thông quan, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, đóng góp vào số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng.
Công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không  được đổi mới nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối hệ thống giữa cơ quan Hải quan với cơ quan quản lý cảng và doanh nghiệp.
Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã đạt được kết quả đáng khích lệ, gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, Hải quan cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong kết nối cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 
Trong lĩnh vực thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng luôn chú trọng, đảm bảo tuân thủ các khuyến nghị quốc tế. Thông tin thống kê không chỉ phục vụ hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Hải quan mà còn là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách, giám sát thị trường, đánh giá thực hiện các hiệp định thương mại tự do và giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch, kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu. 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê cũng được đẩy mạnh; thời gian xử lý dữ liệu, chất lượng số liệu ngày càng được nâng cao; các sản phẩm thống kê ngày càng phong phú và được phổ biến kịp thời và rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan theo Lịch công bố thông tin thống kê.
Để đáp ứng thực tiễn triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cũng đã tham mưu, đề xuất kiện toàn  Ban chỉ đạo quốc gia để đáp ứng thực tiễn triển khai. Năm 2016, trước nhu cầu về việc cần có một cơ cấu của Chính phủ để chỉ đạo, điều hành việc triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1899/2016/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2016 chính thức thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia, và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban 1899) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Chủ tịch, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là Cơ quan thường trực.  
Để thực hiện nhiệm vụ này,  Tổng cục Hải quan mà lực lượng chủ yếu là Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. 
Nhờ đó, Tính đến ngày 31/7/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 200 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,2 triệu hồ sơ của trên 40 ngàn doanh nghiệp. Đối với cơ chế một cửa ASEAN, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 2/2019. Tính đến ngày 31/7/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là gần 168 nghìn C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: hơn 251 nghìn C/O. 
Đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu để áp dụng vào việc xây dựng và Tái thiết kế tổng thể các Hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như đảm bảo yêu cầu quản lý của toàn ngành. Cụ thể đơn vị sẽ ứng dụng  công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) trong quản lý, giám sát hải quan như triển khai hệ thống định vị điện tử phục vụ công tác giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải quá cảnh… công nghệ dữ liệu lớn (bigdata) trong công tác quản lý rủi ro, công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra phòng chống buôn lậu; ứng dụng công nghệ di động (mobility) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. 
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng sẽ được nghiên cứu, ứng dụng trong việc hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; tăng cường tích hợp, kết nối các hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý hải quan trong toàn Ngành.

Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã đi qua, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan mặc dù ra đời muộn hơn nhưng đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Hải quan Việt Nam. Trong những năm tới, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan chắc chắc sẽ tiếp tục là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng cơ quan Hải quan điện tử, văn minh, hiện đại hướng tới xây dựng Hải quan số, đáp ứng toàn diện nhu cầu thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc- mọi nơi- mọi phương tiện. 
Nguồn:www.customs.gov.vn

Tác giả: Ánh Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập969
  • Hôm nay94,441
  • Tháng hiện tại7,572,984
  • Tổng lượt truy cập491,436,422
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây