Tìm hiểu về Sổ tạm quản hàng hóa ATA

Thứ hai - 29/06/2020 15:10
Ngày 10/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul. Theo đó, Sổ tạm quản (sổ ATA) là chứng từ được sử dụng để thực hiện tạm quản hàng hóa theo Nghị định này. Vậy Sổ ATA là chứng từ như thế nào, do đơn vị nào phát hành?
Sự ra đời của chế độ tạm quản hàng hóa gắn liền với sự phát triển của thương mại quốc tế. Từ những năm đầu của thế kỷ trước, nhập khẩu hàng mẫu, vật liệu quảng cáo đã trở nên phổ biến trên thế giới và đòi hỏi một chế độ hải quan phù hợp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Tại phụ lục G, Công ước Kyoto sửa đổi thì tạm quản hàng hoá được định nghĩa: “là thủ tục hải quan mà theo đó một số hàng hoá nhất định có thể được mang vào lãnh thổ Hải quan, được miễn có điều kiện toàn bộ hoặc một phần thuế quan và các thuế khác; những hàng hoá như vậy phải được nhập vì mục đích cụ thể và phải có ý định tái xuất khoảng thời gian quy định và hàng hoá đó không được thay đổi ngoại trừ sự hao mòn tự nhiên của hàng hoá do quá trình sử dụng chúng”
Chính vì vậy, nhu cầu về một loại sổ dùng cho việc tạm thời miễn thuế một số loại hàng hoá nhất định đã ra đời và Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới (nay là Tổ chức Hải quan thế giới – WCO) đã thông qua Công ước về sổ ATA để tạm quản hàng hoá (Công ước ATA) vào ngày 06/12/1961. Sổ tạm quản hàng hoá ATA chính thức được ra đời từ thời điểm này và có hiệu lực vào năm 1963.  
 Đến nay, Hệ thống tạm quản hàng hoá đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào áp dụng và đã có những đóng góp vào quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế ngày càng càng phát triển.
Tại Việt Nam, Công ước Istanbul đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul vào ngày 20/10/2017. Việc thực hiện chế độ tạm quản theo Công ước được cụ thể hóa bằng Nghị định số 64/2020/NĐ-CP. Theo đó các quy định về sổ ATA, cũng như việc phát hành và sử dụng Sổ ATA đã được quy định cụ thể và chính thức được thực hiện từ ngày 30/7/2020.
Sổ tạm quản (Sổ ATA) là gì?
Sổ ATA là chứng từ quan trọng nhất đi kèm theo chế độ tạm quản hàng hoá vận hành theo Công ước ATA và Công ước Istanbul. Đây là chứng từ Hải quan quốc tế, bao hàm cả đảm bảo có giá trị quốc tế, được dùng thay thế cho các chứng từ hải quan quốc gia như là một đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) tại quốc gia tạm quản thuế nhập khẩu.
Như vậy, Sổ ATA phát hành theo Công ước này là một cuốn sổ được thừa nhận và bảo đảm trên thế giới dùng thay thế thủ tục và nghĩa vụ khai báo hải quan thông thường, nó hoạt động như một cuốn “hộ chiếu” được xuất trình cho cơ quan hải quan tại quốc gia thành viên tham gia Công ước khi hàng hóa đi qua.
Sổ ATA là một bộ chứng từ với nhiều tờ khai và màu sắc khác nhau :
- Trang bìa trước màu xanh lá cây, trên bìa có in số sổ, hạn sử dụng, ngày cấp, những Quốc gia được sử dụng, con dấu, chữ ký của tổ chức được phép cấp sổ, chữ ký của người có thẩm quyền trong cơ quan người sử dụng sổ;
- Tờ khai màu vàng dùng cho hàng hoá xuất khẩu và tái nhập khẩu;
- Tờ khai màu xanh lơ dùng cho hàng hoá quá cảnh;
- Tờ khai màu trắng dùng cho hàng hóa nhập khẩu và tái xuất khẩu;
- Trang bìa cuối màu xanh lá cây, in danh mục chung và một số điều nhắc nhở người dùng sổ và là một phần không tách rời của sổ ATA.
Đối với 3 tờ khai màu vàng, xanh và trắng, mỗi tờ khai đều có hai phần là phần cuống tờ khai và phần tờ khai, dùng để ghi các thông tin về người sử dụng sổ và hàng hoá. Các tờ khai sẽ được lưu tại Hải quan nơi làm thủ tục, còn cuống tờ khai sẽ đi cùng với sổ và được trả lại cho cơ quan cấp phát sau khi sổ đã được sử dụng xong theo quy định.
Sổ ATA có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày cấp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 64 thì Sổ ATA là chứng từ để thực hiện tạm quản hàng hóa, được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và đảm bảo thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo quy định tại Nghị định này.
VCCI là cơ quan cấp sổ ATA của Việt Nam
Cơ quan cấp phát sổ tạm quản và đảm bảo thanh toán là một đầu mối quan trọng trong hệ thống vận hành chế độ tạm quản hàng hoá. Đây cũng là một yêu cầu bắt buộc để có thể áp dụng chế độ tạm quản hàng hoá.
Phần lớn các nước trên thế giới đều chỉ định Phòng Thương mại và công nghiệp, chỉ một số ít các quốc gia là chỉ định Uỷ ban Thương mại hay các cơ quan khác.
Tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được chỉ định là cơ quan cấp sổ tạm quản (theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 64). Theo đó, VCCI có trách nhiệm Tư vấn cho chủ sổ ATA thông tin liên quan đến chính sách mặt hàng, các chứng từ mà các quốc gia dự kiến thực hiện tạm quản hàng hóa yêu cầu, tuyến đường đi của lô hàng, các quyền và trách nhiệm của chủ sổ ATA, mức khoản bảo đảm và chi phí cấp sổ ATA;
VCCI sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ đề nghị cấp sổ ATA quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 64. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, VCCI thực hiện cấp sổ ATA trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do chủ sổ ATA nộp.Trường hợp cần đối chiếu hàng hóa với thông tin hàng hóa chủ sổ đã khai khi đề nghị cấp sổ ATA, VCCI thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi cấp sổ ATA.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ hoặc kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa không phù hợp, chậm nhất 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hoặc kết thúc việc kiểm tra thực tế hàng hóa, VCCI có văn bản yêu cầu chủ sổ ATA làm rõ hoặc cung cấp bổ sung thông tin, chứng từ quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 64.
Thủ tục cấp sổ ATA
Theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP,  để được cấp sổ ATA, chủ sổ ATA cần nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ ATA quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 64 cho VCCI;  Xuất trình hàng hóa theo yêu cầu của VCCI để kiểm tra thực tế;  Nộp phí cấp sổ ATA theo quy định;
Sau khi được VCCI cấp sổ ATA, chủ sổ không được điền thêm thông tin hàng hóa vào danh mục tổng quát (General List) đã đăng ký trong sổ ATA.
 
Khoản 2 Điều 8 Nghị định 64, hồ sơ cấp sổ ATA gồm các giấy tờ sau:
+  Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp sổ ATA và mẫu con dấu của doanh nghiệp (trong trường hợp tổ chức đề nghị cấp sổ ATA) theo Mẫu số 01/ĐK quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này (đối với trường hợp đề nghị cấp sổ ATA lần đầu): 01 bản chính;
+  Đơn đề nghị cấp sổ ATA theo Mẫu số 02/ĐĐN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;
c) Mẫu sổ ATA đã được khai (đánh máy) đầy đủ các thông tin tại mặt trước và mặt sau của trang bìa theo mẫu sổ ATA quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính và 01 bản chụp;
d) Thư bảo lãnh do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành hoặc giấy nộp tiền cho VCCI: 01 bản chính;
đ) Giấy ủy quyền theo Mẫu số 03/GUQ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này trong trường hợp người đề nghị cấp sổ ATA không phải là chủ sổ: 01 bản chính;
e) Văn bản xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hoặc tham dự sự kiện quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này: 01 bản chụp;
g) Các chứng từ có liên quan: Chứng từ thể hiện trị giá lô hàng, giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có): 01 bản chụp.
Lợi ích từ việc sử dụng sổ ATA và áp dụng chế độ tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul
Chế độ tạm quản hàng hoá tính đến nay đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng và đã trở thành một loại hình quản lý xuất nhập khẩu phổ biến. Hệ thống tạm quản hàng hoá đã có nhiều đóng góp trong quản lý nhà của nhiều quốc gia, hệ thống không chỉ mang lại hiệu quả hoạt động của cho cơ quan Hải quan mà mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với cơ quan Hải quan: Hệ thống tạm quản hàng hoá đảm bảo thực hiện tốt quản lý nhà nước về hải quan, giảm khối lượng công việc cho cơ quan hải quan, chống thất thu thuế và gian lận thương mại; giảm phiền hà, chống lãng phí, tiết kiện được được thời gian, nâng cao hiệu quả công việc; chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh.
Cụ thể nếu chưa áp dụng chế độ tạm quản hàng hoá theo Nghị định 64 thì cán bộ Hải quan không những phải kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá (trong trường hợp cần thiết), kiểm tra niêm phong hay đôi khi còn phải thành lập đoàn hộ tống để áp tải hàng hoá ... mà còn phải theo dõi việc thu thuế, nộp thuế và hoàn thuế hay tiền đặt cọc.
Khi chế độ tạm quản hàng hoá được áp dụng, Cơ quan Hải quan chỉ cần kiểm tra duy nhất chứng từ tạm quản. Đồng thời được giải phóng khỏi việc kiểm tra hồ sơ hàng hoá, tính thuế/tiền đặt cọc, thu thuế,...và vẫn được đảm bảo rằng tiền thuế, phí sẽ được nộp đầy đủ trong trường hợp hàng hóa không được tái xuất, tái nhập theo quy định.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp: Giảm được chi phí do không phải đóng các khoản thuế và phí, tránh đọng vốn. Thủ tục hải quan đơn giản, nhanh chóng tránh được tiêu cực, giảm thời gian lưu thông hàng hoá.
Có thể nói, việc ban hành Nghị định 64/2020/NĐ-CP không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế tạm quản, giúp đơn giản hóa thủ tục, áp dụng biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến mà còn mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế đất nước, thúc đẩy giao lưu thương mại của Việt Nam vào thị trường quốc tế.
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tác giả: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay365,287
  • Tháng hiện tại7,843,830
  • Tổng lượt truy cập491,707,268
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây