Các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á hiện đang đẩy mạnh các kế hoạch phát triển để mở rộng kết nối giao thông, giảm các rào cản thương mại và cải thiện kiểm soát biên giới. Điều này giúp tạo thuận lợi thương mại nhưng cũng đồng thời tạo cơ hội cho mạng lưới tội phạm có tổ chức tăng cường hoạt động. Với vai trò là cơ quan đầu mối trong kiểm soát biên giới, cơ quan hải quan vì vậy phải thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và chống buôn bán hàng hóa trái phép.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần thứ 6 tổ chức từ ngày 29 đến 31 tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông đã nhắc lại cam kết của họ về chống tội phạm trong khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông và kêu gọi sự phối hợp của các quốc gia trong việc đưa ra các giải pháp.
Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 1
Dưới sự khởi xướng của Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc, cơ quan hải quan từ 6 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông là Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi và thực hiện một hoạt động chung chống buôn bán ma túy và tiền chất - Chiến dịch Con Rồng Mê Kông - từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 2 năm 2019. Chiến dịch với sự hỗ trợ của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Văn phòng Liên lạc Tình báo hải quan Khu vực ở Châu Á Thái Bình Dương (RILO/AP) cũng như Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).
Trong 6 tháng triển khai Chiến dịch, cơ quan hải quan từ 6 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông đã phát hiện, bắt giữ 164 vụ với 2.280 kg ma túy bất hợp pháp khác nhau. Trong giai đoạn thực thi Chiến dịch đã có 2 thông tin tình báo được chia sẻ giúp cho các vụ bắt giữ thành công.
Trong phạm vi Chiến dịch, Hải quan Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 36 vụ; phối hợp xử lý 01 thông tin nóng giúp cho Hải quan Hồng Kông bắt giữ vụ việc thành công.
Hội nghị sơ kết giai đoạn thực thi Chiến dịch Con Rồng Mê Kông diễn ra vào ngày 27/2/2019 do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng, với sự tham dự của của hơn 30 đại biểu đến từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Văn phòng liên lạc tình báo hải quan khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Tại Hội nghị này, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan Việt Nam đã nhấn mạnh: Những con số nêu trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn không chỉ của cơ quan Hải quan đưa ra sáng kiến là Việt Nam và Trung Quốc mà còn cho thấy những đóng góp quý báu của từng cơ quan thành viên trong tiểu vùng cũng như những đơn vị tài trợ kỹ thuật là Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Văn phòng Liên lạc Tình báo hải quan khu vực ở Châu Á Thái Bình Dương (RILO AP)…
Trên cơ sở thành công của Chiến dịch, Văn phòng Liên lạc tình báo hải quan khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (RILO AP) đã đề nghị nâng cấp chiến dịch lên cấp độ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với tên gọi Chiến dịch con rồng Mê Kông AP, thời gian hoạt động 6 tuần (6/5 – 16/06/2019) với sự tham gia của 27 thành viên. Kết quả sau thực thi Chiến dịch, các thành viên đã phát hiện, bắt giữ 142 vụ việc.
Các kết quả và phân tích của Chiến dịch con Rồng Mê Kông đã được Hải quan Việt Nam thay mặt cho Hải quan các nước thành viên trình bày chi tiết tại cuộc họp đầu mối tình báo quốc gia RILO AP lần thứ 31 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 11 năm 2019 tại Chiang Mai, Thái Lan.
Chiến dịch đã đánh dấu sự chủ động của Hải quan Việt Nam trong các hoạt động hợp tác kiểm soát trong khu vực với vai trò là cơ quan Hải quan đồng sáng kiến cũng như điều phối chung chiến dịch cùng với Hải quan Trung Quốc.
Buôn bán trái phép ma túy, vận chuyển động thực vật hoang dã bất hợp pháp và tội phạm xuyên quốc gia còn nhiều thách thức
Mặc dù chiến dịch đã có nhiều thành công nhưng vẫn cần hiểu rõ hơn về mức độ mà các mạng lưới buôn bán ma túy trong Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có liên quan đến các hình thức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác, ngoài khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).
Các phân tích và kết quả của các cuộc điều tra sau bắt giữ và lập hồ sơ rủi ro được thực hiện trong giai đoạn sau của Chiến dịch con Rồng Mê Kông cho thấy một số dấu hiệu về mối liên hệ giữa các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác nhau, đặc biệt là mối liên kết giữa buôn bán trái phép ma túy và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Phân tích sâu thêm về các vụ bắt giữ hiện tại trên toàn thế giới cũng cho thấy rằng mối liên hệ giữa hai dạng tội phạm có tổ chức này không chỉ là về mặt địa lý tại Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), mà chúng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các quốc gia khác.
Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 2
Trên cơ sở thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 1 năm 2019 (OMD1) về đấu tranh chống các hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy và tiền chất trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, Cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hiệp quốc (UNODC) cùng thống nhất với Hải quan Việt Nam và hải quan các nước điều phối tiếp tục triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 2 (OMD2) với phạm vi mở rộng về hợp tác hải quan trong đấu tranh phòng chống ma túy, vận chuyển động thực vật hoang dã bất hợp pháp trên tất cả các tuyến đường (đường không, đường biển, biên giới đất liền) và tội phạm xuyên quốc gia khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.
Chiến dịch đã được khởi động tại Hội nghị quốc tế họp nhóm chuyên gia và khởi động Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 2 trực tuyến ngày 08/5/2020 vừa qua và có sự tham gia của của cơ quan hải quan 15 thành viên bao gồm: Úc, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Thời gian hoạt động chính thức của Chiến dịch là từ 25/5/2020 đến 13/9/2020. Bên cạnh đó, thêm 3 tháng của giai đoạn tiền Chiến dịch và 3 tháng giai đoạn hậu Chiến dịch. Kế hoạch hành động cụ thể: Giai đoạn tiền chiến dịch (3 tháng): từ tháng 2 đến tháng 4/2020; Giai đoạn thực thi chiến dịch (5 tháng): từ tháng 25/5/2020 đến tháng 13/9/2020; Giai đoạn hậu chiến dịch (3 tháng): từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020.
Hội nghị khởi động Chiến dịch lúc đầu dự kiến do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức nhưng vì tình hình dịch bệnh Covid 19 nên tổ chức họp trực tuyến ngày 8/5/2020. Buổi họp trực tuyến khởi động Chiến dịch do Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan chủ trì với sự tham gia của Vụ Hợp tác quốc tế và Báo Hải quan. Tại hội nghị, Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Hải quan Việt Nam; ông Chen Tao, Phó Tổng cục trưởng, Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Jeremy Douglas, Đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC đã có bài phát biểu chào mừng, và cùng kêu gọi nỗ lực hành động chung trong đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới. Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 2 cũng được UNODC cam kết hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Hải quan Việt Nam phát huy vai trò nước đồng sáng kiến và điều phối 02 Chiến dịch
Nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép ma túy, động thực vật hoang dã và các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, thể hiện vai trò chủ động của nước sáng kiến, điều phối 02 Chiến dịch cũng như nhằm triển khai thực hiện thành công Chiến dịch OMD2, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai có hiệu quả Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 2.
Bên cạnh đó, các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường thu thập thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã để phân tích rủi ro, nhằm xác định trọng điểm, cảnh báo rủi ro phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Cùng với đó, tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ về hàng hóa, hồ sơ, chứng từ đối với các lô hàng có nghi vấn. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, phải áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm.
Nếu cần xác minh thông tin từ phía nước ngoài, các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có thể gửi văn bản về Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan để yêu cầu nước bạn hỗ trợ xác minh, cung cấp thông tin.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhắc nhở Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên Phòng, Công an... để tổ chức, đấu tranh hiệu quả.
Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan cũng được Lãnh đạo Tổng cục Hải quan giao chủ trì phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hiệp quốc (UNODC) và các cơ quan điều phối có liên quan triển khai chiến dịch theo kế hoạch hành động, tổng hợp thông tin, trao đổi liên lạc và xây dựng báo cáo dự án. Về thông tin cảnh báo (thông tin nóng), Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì phối hợp với các đơn vị tiến hành điều tra, xác minh, phối hợp bắt giữ. Về thông tin bắt giữ của Hải quan Việt Nam, các đầu mối quốc gia (NCP) là các đơn vị nghiệp vụ tại Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp cập nhật.
Đồng thời, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sẵn sàng trực chiến, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin nhận được từ Hải quan các nước tham gia Chiến dịch và phối hợp triển khai các hoạt động theo yêu cầu Chiến dịch.
Đại diện các đơn vị điều phối Chiến dịch Con rồng Mê Kông phát biểu tại
Hội nghị quốc tế trực tuyến ngày 08/5/2020.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Việt Nam
Nguyễn Hùng Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến ngày 08/5/2020.
Nguồn: www.customs.gov.vn